(Baothanhhoa.vn) - Có nhà thơ khuyết danh một lần quá chân tìm về dải đất bên bờ sóng đã cao hứng họa thơ: “Bể rộng ai đào để đắp non/ Vết chân Độc Cước tới nay còn/ Lô nhô sườn núi nhà thưa mái/ Khấp khểnh chân mây, đá mấy hòn”. Một bức tranh thủy mặc lấy dãy Trường Lệ làm “nền” và nhấn nhá bằng vài nét chấm phá “nhà thưa mái”, “đá mấy hòn” vẫn đủ toát lên vẻ đẹp tự nhiên của mây trời, sóng nước, non ngàn...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một phức hợp di sản độc đáo

Có nhà thơ khuyết danh một lần quá chân tìm về dải đất bên bờ sóng đã cao hứng họa thơ: “Bể rộng ai đào để đắp non/ Vết chân Độc Cước tới nay còn/ Lô nhô sườn núi nhà thưa mái/ Khấp khểnh chân mây, đá mấy hòn”. Một bức tranh thủy mặc lấy dãy Trường Lệ làm “nền” và nhấn nhá bằng vài nét chấm phá “nhà thưa mái”, “đá mấy hòn” vẫn đủ toát lên vẻ đẹp tự nhiên của mây trời, sóng nước, non ngàn...

Danh thắng hòn Trống Mái. Ảnh: Lê Dung

Theo các tài liệu còn ghi chép lại thì Trường Lệ là dãy núi đá hoa cương Diệp Thạch, nằm ở phía Nam TP Sầm Sơn. Trường Lệ vách đứng về phía biển và được phủ xanh bằng những cánh rừng thông, bạch đàn, cây keo lá chàm bạt ngàn. Khi nói về sự hình thành của dải đất Sầm Sơn, nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tuấn Phổ không chỉ nhấn mạnh đến vai trò của các dòng sông (sông Mã, sông Lạch Trường...), mà còn đề cao vị thế của dãy Trường Lệ như một con đê thiên tạo vĩ đại làm bức tường thành chắn giữ lại những phù sa và bùn đất, để khi biển chịu thua mà lùi xa đã bỏ lại một vụng hồ thành đồng sông. Rồi, những cư dân đầu tiên lang thang dọc bờ biển đi tìm đất sống, đã nương tựa vào một góc chân núi Trường Lệ để chống lại bão tố, gió cát mà dần hình thành nên xóm làng.

Gắn với sự hình thành của dãy núi, cư dân vùng biển Sầm Sơn còn lưu lại nhiều truyền thuyết dân gian kỳ ảo. Chuyện kể rằng, vào thuở sơ khai của loài người, có một phụ nữ bụng mang dạ chửa bị trận đại hồng thủy cuốn ra cửa biển. Khi trôi dạt vào bờ biển này, bà đã nằm lại và nguyện làm con đê chắn sóng, chở che miền đất hoang vu cho sự sống có cơ hội nảy mầm. Cảm phục trước tấm lòng cao cả của bà, nhân dân trong vùng đã đem đất đá đắp lên thi hài bà. Nấm mồ dần lớn và trở thành dáng núi Trường Lệ như ngày nay. Cũng câu chuyện về người phụ nữ gặp nạn nhưng có một “phiên bản” khác. Chuyện rằng, từ trong bụng mẹ bước ra một cậu bé khôi ngô tuấn tú. Vì thương mẹ, ngày ngày cậu cùng nhân dân nhặt đất đá đắp lên thi hài và nấm mồ lớn dần thành núi Trường Lệ. Cậu bé lớn nhanh như thổi, sức khỏe phi thường và có công bảo vệ xóm làng. Chàng được nhân dân xây đền thờ phụng, hương khói quanh năm.

Sự hư ảo, kỳ lạ của những truyền thuyết dân gian có thể là một lối lý giải ngây thơ của con người về sự hình thành của dãy núi có vai trò đặc biệt, góp phần tạo nên dáng vóc Sầm Sơn như hiện tại. Song, sẽ thật thiếu xót nếu nói về dãy núi rộng khoảng 300 ha này mà không nhấn mạnh đến một phức hợp di sản văn hóa vật thể độc đáo, mà nổi tiếng hơn cả là đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền Tô Hiến Thành và hòn Trống Mái, “đứng” xen lẫn trong đá núi, mây ngàn hàng trăm năm qua. Sự tồn tại của các di sản trên mình dãy Trường Lệ đã góp phần “định vị” Sầm Sơn đẹp không chỉ ở vẻ đẹp tự nhiên, mà còn ở các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc miền biển. Đền thờ Thần Độc Cước từ lâu đã rất quen thuộc với nhiều người dân xứ Thanh. Gắn với quan niệm “mẹ Phủ Na, cha Độc Cước”, đền Độc Cước đang là điểm đến tâm linh hấp dẫn của thành phố du lịch Sầm Sơn, nhất là vào các dịp lễ, tết. Giá trị của di tích không chỉ nằm ở lối kiến trúc theo kiểu chuôi vồ (thế kỷ XVII), hiên quay về hướng Tây theo quan niệm của người xưa là hướng vững chãi nhất; mà còn nằm ở địa thế - nơi đứng chân của di tích và đặc biệt là liên quan đến nhân vật được thờ phụng.

Đền nằm trên hòn Cổ Giải thuộc núi Trường Lệ, được lập từ thời Trần, dựng lại vào thời Lê và trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Từ chân núi, du khách phải bước lên 43 bậc đá khá dốc và hẹp để lên đền, cũng là đến với “đài quan sát” thú vị. Bởi từ điểm nhìn này mở ra trước mắt người xem là khung cảnh biển cả bát ngát và Sầm Sơn như con thuyền đang dập dềnh trên sóng nước. Song, sự thiêng hóa mà nhờ đó ngôi đền được người đời truyền tụng lại xuất phát từ câu chuyện về vị thần được thờ phụng: Thần Độc Cước – người đã tự xẻ đôi thân mình để dẹp loài Thủy Quái, bảo vệ cuộc sống bình yên cho dân chài và được người dân vùng cửa biển này ngưỡng vọng, thờ phụng. Câu chuyện là một ẩn dụ phản ánh khát vọng chinh phục tự nhiên, chống lại thiên tai địch họa của cha ông ta để dựng xây cuộc sống. Gắn với tục thờ thần Độc Cước là lễ hội Bánh Chưng – Bánh Dày (diễn ra vào ngày 12- 5 âm lịch), một trong những lễ hội lớn nhất của cư dân biển Sầm Sơn trong năm. Sự đan cài hài hòa giữa các giá trị vật thể và phi vật thể đã làm nên vẻ đẹp riêng cho di sản này.

Nếu đền Độc Cước nằm ở nơi đầu sóng, thì đền Cô Tiên cũng ngự trên đỉnh ngọn Đầu Voi (phía Nam dãy Trường Lệ) trông ra trời biển mênh mang không biết đâu là giới hạn. Vị thế đẹp, lại khá yên tĩnh nên đền Cô Tiên từ lâu đã là một điểm tham quan lý tưởng đối với du khách khi về Sầm Sơn. Truyền thuyết xưa kể lại, ngôi đền là nơi thờ người con gái làm nghề thuốc cứu nhân độ thế. Cô gái vì không vâng lời cha lấy một kẻ nhà giàu nên bị cha đuổi đi. Cô đem lòng yêu và lấy một chàng trai nghèo khó mà tốt bụng tên là Côi. Cuộc sống đang êm ả thì cô gái bị bệnh hủi. Một cụ già xuất hiện, lấy thuốc lá nam và nước suối từ Vụng Tiên chữa khỏi bệnh cho cô gái. Sau đó bà cụ ra đi để lại cho hai vợ chồng một tay nải và một giỏ mây đựng lá thuốc cứu người. Một lần, hai vợ chồng đi chữa bệnh về khuya gặp trời mưa to, nhớ lời bà cụ dặn lấy tay nải ra che mưa, rồi thiếp đi lúc nào không biết. Sáng dậy, hai vợ chồng thấy mình đang ngồi trong một ngôi nhà 3 gian khang trang, sạch sẽ. Từ đó họ ở lại ngôi nhà, hái lá nam chữa bệnh cho mọi người trong vùng. Một buổi sáng đẹp trời, hai vợ chồng ăn mặc đẹp, dắt tay nhau đi lên đỉnh núi rồi không thấy trở về. Từ đó, ngôi nhà được dân làng quét dọn, khói hương và trở thành đền Cô Tiên như ngày nay. Không chỉ có vị thế đẹp, cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng mà ngôi đền còn vinh dự được Bác Hồ chọn là nơi dừng chân nghỉ ngơi khi Người về thăm Sầm Sơn và kéo lưới cùng ngư dân Vinh Sơn (năm 1960).

Nói đến phức hợp di sản giàu giá trị trên dãy Trường Lệ, sẽ vô cùng thiếu xót nếu quên mất cái tên hòn Trống Mái – địa danh nổi tiếng với câu chuyện tình yêu đẹp đã cảm hóa trời đất mà trở nên bất tử. Đó là chuyện về đôi vợ chồng trẻ đã sống chết bên nhau trong trận đại hồng thủy, khiến bầy Tiên khi du ngoạn trần gian đã động lòng cảm phục, liền cho hóa thành đôi chim đá, để được quấn quýt bên nhau trên núi cao, không bao giờ chịu cảnh lụt lội. Hòn Trống Mái, đền Độc Cước, đền Cô Tiên và đền thờ Tô Hiến Thành (nằm ở sườn phía Đông Bắc dãy Trường Lệ) là những di sản độc đáo, đã và đang góp phần làm phong phú thêm vẻ đẹp của dãy Trường Lệ. Đồng thời, là những điểm tham quan lý tưởng cho du khách mỗi khi có dịp về với đô thị biển Sầm Sơn. Các di tích, danh thắng này đều được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng vào năm 1962. Năm 2002, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu du lịch văn hóa - sinh thái núi Trường Lệ tại Quyết định số 1440/QĐ-CT, ngày 10-5-2002, nhằm xây dựng khu vực núi Trường Lệ thành một khu du lịch văn hóa - sinh thái hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch trong và ngoài nước. Hiện, TP Sầm Sơn đang tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt cho quần thể danh thắng núi Trường Lệ. Nếu mục tiêu này được hiện thực hóa, chắc chắn, chất lượng và đẳng cấp của du lịch Sầm Sơn sẽ càng được khẳng định và nâng cao.


Bài và ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]