(Baothanhhoa.vn) - “Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020” (CTPTDL) với sự định hướng rõ ràng, các mục tiêu cụ thể và các giải pháp đồng bộ... đã thực sự tạo ra động lực thúc đẩy du lịch Thanh Hóa bứt tốc tăng trưởng. Đồng thời, cải thiện hình ảnh và nâng cao vị thế của du lịch Thanh Hóa trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhìn lại 5 năm thực hiện “Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020”:

Một giai đoạn bứt tốc tăng trưởng và những vấn đề đặt ra

Một giai đoạn bứt tốc tăng trưởng và những vấn đề đặt ra

Khám phá mùa vàng Pù Luông – tour du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn của huyện Bá Thước. Ảnh: Lê Dung

“Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020” (CTPTDL) với sự định hướng rõ ràng, các mục tiêu cụ thể và các giải pháp đồng bộ... đã thực sự tạo ra động lực thúc đẩy du lịch Thanh Hóa bứt tốc tăng trưởng. Đồng thời, cải thiện hình ảnh và nâng cao vị thế của du lịch Thanh Hóa trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Nhìn tổng thể, bức tranh du lịch Thanh Hóa đang có nhiều gam màu tươi sáng. Hạ tầng du lịch được cải thiện, trong đó có nhiều dự án giao thông quan trọng, có khả năng thúc đẩy phát triển du lịch và là cơ sở thu hút các dự án kinh doanh du lịch quy mô lớn. Sản phẩm du lịch biển đã khẳng định được thương hiệu; sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng bước đầu hình thành, có chiều hướng phát triển tích cực. Công tác quản lý nhà nước được tập trung chỉ đạo, hoạt động du lịch được kiểm soát nhằm tạo môi trường du lịch văn minh, thân thiện... Tại thời điểm năm 2019, Thanh Hóa xếp thứ 4 cả nước về lượt khách du lịch (chỉ sau các trung tâm du lịch là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Quảng Ninh); xếp thứ 10 cả nước về tổng thu du lịch (sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bình Thuận, Quảng Nam).

Trong 5 năm triển khai CTPTDL, toàn tỉnh đón được 38.524.000 lượt khách, giảm 8,9% so với kế hoạch và gấp 1,8 lần so với tổng lượt khách giai đoạn 2011-2015; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,8%/năm (trong đó, khách quốc tế ước đón được 909.800 lượt khách, giảm 27,8% so với kế hoạch, gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2011-2015). Tổng thu du lịch đạt 49.823 tỷ đồng, giảm 16,8% so với kế hoạch và gấp 3 lần so với giai đoạn 2011-2015; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,9%/năm (trong đó, tổng thu từ khách quốc tế đạt gần 245,1 triệu USD, giảm 32,5% so với kế hoạch, gấp 3,6 lần so với giai đoạn 2011-2015). Như vậy, các chỉ tiêu về khách du lịch, gồm lượt khách và tổng thu du lịch, đều không đạt mục tiêu đề ra trong CTPTDL giai đoạn 2016-2020.

Nguyên nhân được ngành văn hóa, thể thao và du lịch chỉ ra, đó là tác động của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch phát triển du lịch năm 2020, dẫn đến chỉ tiêu về khách du lịch và tổng thu du lịch không hoàn thành kế hoạch. Bên cạnh đó, một số ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực triển khai thực hiện CTPTDL; việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch và tu bổ, tôn tạo, khai thác di tích chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; sản phẩm du lịch mới chưa nhiều, thiếu sản phẩm du lịch chất lượng cao, hấp dẫn; tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch ở nước ngoài còn hạn chế; môi trường du lịch chưa thực sự bền vững; hiệu lực quản lý nhà nước, chất lượng nguồn nhân lực du lịch chưa cao...

Thực tế trên cho thấy, để du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, thì hơn lúc nào hết, du lịch rất cần những cơ chế, chính sách và giải pháp mang tính tổng thể và quyết liệt. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Phạm Nguyên Hồng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Nhằm tạo bước đột phá, thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch phát triển nhanh và bền vững, trong thời gian tới, ngành sẽ tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Sầm Sơn, Hàm Rồng, Lam Kinh, Thành Nhà Hồ và Bến En vào danh mục khu du lịch quốc gia (trong điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030). Đồng thời, ưu tiên tăng kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nhằm tập trung phát triển các khu du lịch nêu trên trở thành thương hiệu du lịch quốc gia.

Cùng với đó, tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ đồng ý ban hành một số cơ chế đặc thù cho khu vực Đảo Mê và các khu du lịch quốc gia, khu du lịch trọng điểm. Cụ thể là cơ chế ưu đãi tiền thuê đất, thuê mặt nước cho nhà đầu tư; ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách Trung ương (bao gồm nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức - ODA, Trái phiếu Chính phủ, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu, tín dụng ưu đãi Chính phủ), bổ sung có mục tiêu ngân sách địa phương trong kế hoạch hàng năm và giai đoạn, để thực hiện các công trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu du lịch. Đồng thời, cho phép đầu tư dự án cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, nhằm tăng cường hạ tầng phục vụ du lịch trên biển và đẩy mạnh các hoạt động du lịch đường biển, kết nối Thanh Hóa với khu vực và quốc tế.

Riêng đối với tỉnh Thanh Hóa, việc tiếp tục tuyên truyền nhằm đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch vẫn là một nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt là đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch, từng bước xây dựng thương hiệu và sức thu hút của du lịch. Bên cạnh đó ưu tiên nguồn lực đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông quan trọng, có tính chiến lược, nâng cao khả năng kết nối đến các khu du lịch trọng điểm và hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu tại các khu, điểm du lịch.

Ngoài ra, cần có các cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án du lịch quy mô lớn, các trung tâm giải trí chất lượng cao tại các khu du lịch trọng điểm. Đồng thời, chú trọng đặc biệt đến việc phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa; có khả năng cạnh tranh cao. Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, có trọng tâm, định hướng thị trường mục tiêu, hướng đến thị trường nước ngoài, coi trọng, mở rộng thị trường khách du lịch nội địa. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao. Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch...

Mặc dù vẫn còn những hạn chế, thế nhưng, so với việc phát triển trong điều kiện khó khăn về nguồn lực và chịu tác động từ nhiều yếu tố bất lợi khách quan (thiên tai, dịch bệnh), thì kết quả đạt được từ CTPTDL giai đoạn 2016-2020 đã tạo ra động lực, hay một xuất phát điểm quan trọng cho việc triển khai CTPTDL giai đoạn 2021-2025.

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]