(Baothanhhoa.vn) - Mo là thành quả từ sự sáng tạo của người Mường và phản ánh đậm nét đời sống tâm linh của dân tộc Mường. Những bài mo từ xa xưa đã gắn bó và tác động mạnh mẽ vào đời sống tinh thần người Mường và cho đến ngày nay, mo vẫn là một di sản đặc sắc, có khả năng “gọi tên” văn hóa Mường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mo Mường – di sản “gọi tên” văn hóa Mường

Mo là thành quả từ sự sáng tạo của người Mường và phản ánh đậm nét đời sống tâm linh của dân tộc Mường. Những bài mo từ xa xưa đã gắn bó và tác động mạnh mẽ vào đời sống tinh thần người Mường và cho đến ngày nay, mo vẫn là một di sản đặc sắc, có khả năng “gọi tên” văn hóa Mường.

Người Mường quan niệm rằng, “cõi người” có “ba tầng, bốn thế giới” và mo có vai trò quan trọng trong việc đưa con người khi từ giã “cõi người” về với cõi vĩnh hằng. Mo Mường có 2 loại là mo Tlêu và mo Ma, đều được sử dụng trong tang lễ. Trong đó, mo Ma được dùng trong tất cả đám ma của người Mường, không phân biệt sang hèn, lứa tuổi, giới tính. Tùy vào điều kiện giàu nghèo khác nhau mà có thể mo ngắn, lược bớt; hoặc mo đủ các “cuông”, các “rằng”. Người Mường tổ chức các đêm mo để ông mo đưa hồn người quá cố “lên trời”, xin vua trời cho hồn lìa khỏi xác và xin lang bụt chắp cánh để bay về mường Ma sum họp với tổ tiên ở cõi vĩnh hằng. Do vậy, mo Ma còn được gọi bằng cái tên khác là mo Lên trời.

Mo Lên trời gồm 4 phần: phần 1 - khi người chết, có 11 “cuông”, gồm mo về việc chuẩn bị các thứ cho người chết “ra đi” (1), cuông rước mo (2), cuông đẻ mo (3), cuông chết (4), cuông hòm (5), cuông liếp nứa (6), cuông sống (7), cuông quần, cuông áo (8), cuông đèn (9), cuông hát (10) và cuông chiếu (11). Phần 2 – đưa tiễn người chết, có 40 “rằng” (từ “rằng” 12 đến “rằng” 52) được chia làm 3 phần là tiễn đưa người chết, đường lên trời và trở về mường Ma hay cõi vĩnh hằng. Trong đời sống tâm linh người Mường, cõi vĩnh hằng không phải là chốn thanh nhàn, nhởn nhơ vui chơi như ở chốn mường Trời, mà là nơi gặp lại tổ tiên, có đất làm nhà, có đất làm nương rẫy để sống bằng sức lao động... Mo Lên trời kết thúc bằng lời kết: “Lời mo nói ra/ Như thuổng đào vào khai/ Như mai đào vào đất/ Như rìu chặt vào cây/ Đến đây xin gói lại”.

Nếu mo đủ bài mo Lên trời thì phải kéo dài tới 12 đêm liền, với 52 “cuông” và “rằng”. Mo Lên trời có dung lượng đồ sộ, với hàng vạn câu thuộc thể thơ tự do. Chính vì vậy, để mo trọn vẹn bài mo Lên trời không chỉ đòi hỏi sức khỏe, sự cố gắng của ông mo, mà việc ghi nhớ, nhập tâm và thể hiện trọn vẹn hàng vạn câu mo là việc không nhiều người có thể làm được. Trong điều kiện không có chữ viết riêng thì việc có thể ghi nhớ và truyền lại cho thế hệ sau toàn bộ 52 “cuông”, “rằng” của bài mo Lên trời đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của nhiều thế hệ người Mường. Đồng thời, theo thời gian và do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan mà mo Lên trời có thể bị “rơi rớt” ít nhiều. Mo Lên trời được sưu tầm ở nhiều nơi trong không gian văn hóa Mường và tập mo Lên trời được xuất bản lần đầu năm 1994. Trong 7 dị bản được sưu tầm và xuất bản, thì có tới 3 dị bản được sưu tầm ở mường Thiết Ống, mường Đèn, mường Khoòng (huyện Bá Thước). Điều này là căn cứ để các nhà nghiên cứu văn hóa đưa đến một nhận định, rằng Bá Thước là một trong những “quê hương” của mo Lên trời, khi các dị bản tìm được trong vùng nhiều hơn hẳn các vùng khác. Mặc dù có nhiều dị bản, song các nhà nghiên cứu đều thống nhất nhận định, mo Lên trời được sáng tạo và lưu truyền qua nhiều thế hệ, được đắp đổi, bổ sung trong không gian văn hóa rộng khắp của dân tộc Mường. Mo Lên trời chứa đựng nhiều nội dung, nhiều vấn đề xã hội cần được nghiên cứu sâu thêm để làm rõ, qua đó khẳng định giá trị của nó trong đời sống tâm linh, văn hóa – tinh thần người Mường.

Cùng với bản mo Lên trời, người Mường còn sáng tạo nên một áng mo rất nổi tiếng: mo Đẻ đất đẻ nước (mo Tlêu), với 28 “rằng”, bao gồm: (1) Phần mở đầu nói về vũ trụ còn hỗn mang, mờ mịt, chưa có con người và vạn vật “Dưới đất chưa có đất/ Trên trời chưa có trời”. Sau đó là (2) “đẻ đất” (mo nói về sự hình thành của đất trong vũ trụ); (3) “đẻ nước” (ông Pồng Pêu cầu mưa, có mưa mới có nước); (4) “cây si” (có đất, có nước rồi, trong vũ trụ mọc lên cây si mơn mởn và lớn nhanh như thổi, to cao, nhiều cành um tùm); (5) “đẻ mường” (cây si 1919 cành bị đổ, mỗi cành si đổ hình thành nên một mường, trung tâm là các mường ở Thanh Hóa và Hòa Bình); (6) “đẻ người” (sau khi có mường thì đẻ người, cây si đã sinh ra mụ Dạ Dần, mụ Dạ Dần đẻ ra 2 quả trứng nở thành Cun Bướm Bạc và Cun Bướm Bờ. Cun Bướm Bạc và Cun Bướm Bờ kết duyên với 2 nàng tiên sinh ra mười người con); (7)“chia năm, chia tháng”; (8) “Dịt Dàng”; (9) Lang Tà Cái; (10) Lang Cun Cần; (11) Làm nhà cho Lang Cun Cần; (12) tìm lửa, tìm nước; (13) tìm cơm, tìm lúa; (14) tìm rượu; (15) tìm lợn, tìm gà; (16) tìm trâu; (17) Lang Cun Cần lấy vợ; (18) Lấy vợ khác cho Lang Cun Cần; (19) Lang Cun Cần chia đất; (20) tìm chu (cây chu đá, lá chu đồng, bông thau, quả thiếc); (21) chặt chu; (22) làm nhà chu; (23) đốt nhà chu; (24) săn moong lồ; (25) săn cá điên, quạ điên; (26) giặc ma ruồng; (27) giặc ma May, giặc ma Lang; (28) đưa vua.

Mo Đẻ đất đẻ nước phổ biến ở các bản mường, từ mường trong đến mường ngoài và do đó nó cũng có nhiều dị bản. Văn bản mo Đẻ đất đẻ nước xuất bản lần đầu tại Thanh Hóa vào năm 1976, với tiêu đề “Sử thi Đẻ đất đẻ nước của dân tộc Mường”. Trong 7 dị bản được lựa chọn có 2 bản được sưu tầm ở mường Thiết Ống và mường Ai (huyện Bá Thước). Cũng như mo Lên trời, mo Đẻ đất đẻ nước được thực hành trong nghi thức tang ma của người Mường. Mở đầu bài mo, ông mo nói về việc làm mo cho người chết và nói chuyện xưa để truyền cho con cháu “Trong cửa, trong nhà/ Người già truyền cho con cháu”, để “Nghe hết ngọn hết ngành/ No buổi, no ngày cho đỡ nhớ”. Trải qua 28 “rằng”, áng mo khép lại với lời kết “Chuyện cũ đã qua/ Truyền lại cho phép/ Đẹp ngọn đẹp cả mọi cành/ Cho mười mươi đời sau thành nơi thành chốn... Đã sáng chu/ Đã sáng chương/ Sáng mường/ Sáng nước”. Mặc dù yếu tố “lịch sử” trong áng mo là do văn hóa dân gian tạo ra, song tính “sử thi” của Đẻ đất đẻ nước đã cho thấy sức tưởng tượng hết sức phong phú và sức sáng tạo tuyệt vời của con người. Có lẽ vì thế mà mo Đẻ đất đẻ nước, tự bản thân nó, đã tạo nên một “không gian văn hóa Mường” đậm đà bản sắc.

Kim Ngân

(Bài có sử dụng một số tư liệu trong cuốn “Địa chí huyện Bá Thước”).


Kim Ngân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]