(Baothanhhoa.vn) - Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống là một trong những sản phẩm văn hóa mang đậm nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái. Bởi vậy, thời gian qua các địa phương có đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống đã và đang có những việc làm cụ thể, thiết thực để lưu giữ, bảo tồn và phát huy nét đẹp của sản phẩm văn hóa này.

Lưu giữ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Thái

Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống là một trong những sản phẩm văn hóa mang đậm nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái. Bởi vậy, thời gian qua các địa phương có đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống đã và đang có những việc làm cụ thể, thiết thực để lưu giữ, bảo tồn và phát huy nét đẹp của sản phẩm văn hóa này.

Lưu giữ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Thái

Phụ nữ bản Poọng, xã Lâm Phú (Lang Chánh) quan tâm giữ gìn nghề dệt thổ cẩm.

Huyện Quan Sơn hiện có 4 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Mường, Mông, Kinh. Trong đó, dân tộc Thái chiếm 80,44%. Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục là phương tiện cấu thành và thể hiện bản sắc dân tộc rõ nhất. Trải qua các thời kỳ lịch sử, đồng bào dân tộc Thái mới đây đã sáng tạo nên những bộ trang phục mang nét đẹp riêng, gồm có trang phục phụ nữ, trang phục nam giới và trang phục thầy cúng. Trong đó, trang phục nữ gồm: khăn đội đầu (khăn Piêu), áo (sứa), váy (xín), thắt lưng (xái éng), xà tích (xái chớ), vòng tay, vòng cổ, hoa tai... Trang phục nam giới khá đơn giản gồm áo, quần, thắt lưng và các loại khăn, mũ. Trang phục của thầy cúng gồm mũ, thắt lưng, áo choàng và các phụ kiện theo trang phục người Thái. Trong những năm qua, huyện Quan Sơn luôn quan tâm đến việc giữ gìn nét đẹp trang phục truyền thống cho đồng bào dân tộc Thái thông qua nhiều cách làm như: khuyến khích bà con dân tộc Thái duy trì nghề dệt thổ cẩm; tổ chức nhiều hoat động giao lưu văn hóa, văn nghệ quần chúng, các hội thi, hội diễn gắn với cuộc thi thiếu nữ đẹp trong trang phục dân tộc và lồng ghép trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đối với các cơ quan, đơn vị, trường học thực hiện việc mặc trang phục truyền thống trong ngày đầu tuần, ngày lễ, tết... Nhờ đó, đến nay tỷ lệ phụ nữ dân tộc Thái trên địa bàn huyện vẫn thường xuyên sử dụng trang phục của dân tộc mình. Qua kiểm kê, tỷ lệ phụ nữ trên địa bàn huyện trong độ tuổi từ 35 trở lên có trên 60% vẫn duy trì mặc trang phục; phụ nữ từ 50 tuổi trở lên có 80% duy trì trang phục ngày thường và cơ bản phụ nữ đều sử dụng trang phục truyền thống ngày lễ, tết hoặc tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Để sáng tạo ra những bộ trang phục truyền thống mang đậm sắc thái của đồng bào dân tộc Thái, việc giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm là một yếu tố quyết định. Bởi vậy, nhiều thôn, bản ở vùng cao xứ Thanh vẫn còn lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm như thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm (Bá Thước); bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa); bản Poọng, xã Lâm Phú (Lang Chánh)...

Có dịp đến với tổ dệt truyền thống tại bản Poọng, xã Lâm Phú ngắm nhìn những bộ trang phục của phụ nữ dân tộc Thái, nghe những âm thanh lách cách quen thuộc từ khung cửi, cùng đôi tay khéo léo của các mẹ, các chị tỉ mẩn từng công đoạn nhuộm màu, quay sợi... mới cảm nhận được sự trân trọng di sản văn hóa được trao truyền từ ngàn đời của các thế hệ người dân nơi đây. Đặc biệt, vài năm qua, với sự hỗ trợ của Trung tâm Dạy nghề nhân đạo (Trung tâm CraftLink) ở Hà Nội, cùng ý thức giữ gìn, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của bà con dân bản, hội LHPN xã đã thành lập tổ dệt thổ cẩm truyền thống với 15 khung cửi và được trung tâm hỗ trợ ban đầu sợi vải, tập huấn kỹ thuật dệt, thiết kế mẫu mã, đồng thời bao tiêu một số sản phẩm cho chị em. Cùng với đó, để mô hình tổ thêu dệt thổ cẩm ngày càng phát triển, hội LHPN xã đã tích cực phối hợp với Hội LHPN huyện Lang Chánh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm dệt tới du khách trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức trưng bày thông qua các hội chợ, triển lãm... Đồng thời, tăng cường các hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để phát triển nghề dệt. Đây chính là cơ hội để người dân nơi đây tiếp tục phát triển và đưa sản phẩm thổ cẩm của dân tộc mình vươn xa ra thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần tạo việc làm tăng thu nhập cho bà con, vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Còn theo cô giáo Cầm Thị Hoàn, Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú Thường Xuân thì nhà trường có đến 99% học sinh là dân tộc Thái. Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nhà trường đã có những việc làm thiết thực như: Quy định các em mặc trang phục dân tộc mình vào ngày thứ 2 hàng tuần và những ngày nhà trường có các hoạt động ngoài giờ lên lớp nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi trình diễn sắc phục dân tộc nhân các ngày lễ, tết thông qua đó các em hiểu được ý nghĩa và có ý thức trân trọng, tự hào về giá trị văn hóa của trang phục truyền thống dân tộc mình.

Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận thì hiện nay trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Thái đang có nguy cơ bị mai một, do nhiều nguyên nhân, như: Số lượng nghệ nhân, người già có tâm huyết dạy nghề thêu dệt ngày càng ít đi, trong khi lớp trẻ cũng không mấy mặn mà với việc học nghề; tư duy của một bộ phận lớp trẻ với tâm lý e ngại khi mặc đồ truyền thống của dân tộc mình; công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động quần chúng tham gia giữ gìn văn hóa dân tộc trong đó có trang phục truyền thống chưa được tiến hành thường xuyên và sâu rộng...

Trước thực trạng trên, cần phải có giải pháp trước mắt và lâu dài để bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của dân tộc Thái. Đặc biệt, là các cấp, ngành cần sớm có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân đang nắm giữ cách làm ra trang phục truyền thống, mở các lớp đào tạo nghề, truyền nghề cho bà con dân tộc Thái, nhất là lớp trẻ. Đồng thời, chính quyền các địa phương cần quan tâm, khuyến khích đồng bào giữ gìn và mặc trang phục truyền thống, nhất là trong những dịp quan trọng trong năm. Mỗi người dân cần coi việc mang mặc trang phục truyền thống không chỉ là niềm tự hào dân tộc mà đó còn là trách nhiệm kế thừa, bảo tồn. Cùng với đó, là khơi dậy và bồi đắp tình yêu văn hóa, trong đó có trang phục truyền thống ở lớp trẻ...

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt


Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]