(Baothanhhoa.vn) - Đẹp ơi là đẹp Cẩm Bào/Thiết tha cách mệnh dạt dào tình thương...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làng Cẩm Bào gắn liền với Chiến khu Du kích Ngọc Trạo

Đẹp ơi là đẹp Cẩm Bào/Thiết tha cách mệnh dạt dào tình thương...

Làng Cẩm Bào gắn liền với Chiến khu Du kích Ngọc Trạo

Trải qua tháng năm, làng Cẩm Bào (Vĩnh Long) vẫn luôn gìn giữ, phát huy truyền thống cách mạng, giá trị lịch sử – văn hóa.

Nằm ở phía Bắc của Thành Nhà Hồ, Cẩm Bào là một làng nhỏ được thành lập sau khi nhà Lê trung hưng dẹp xong nhà Mạc. Đất nước trở lại thanh bình, dân ly tán từ các nơi đến khai hoang mở đất. Theo lịch sử của làng và địa phương, người đến lập ấp đầu tiên trên mảnh đất này chính là ông Phạm Quý Thư. Ông là con trai thứ 3 của ông Phạm Đốc, một danh tướng có công “phù Lê diệt Mạc”. Sau khi mất, ông Phạm Đốc được phong là Thái úy Tĩnh Quốc công. “Đất lành chim đậu”, kể từ đó, làng Cẩm Bào đón nhiều gia đình, dòng họ về đây sinh sống, lập nghiệp, lập thành sách Cẩm Bào, thuộc tổng Cổ Biện, huyện Quảng Tế, sau là thôn Cẩm Bào, tổng Cổ Tế, huyện Thạch Thành. Trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử, phân chia địa giới hành chính, đến năm 1953, làng Cẩm Bào hợp về xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc.

Làng Cẩm Bào là nơi lắng đọng nhiều giá trị văn hóa truyền thống, trong đó, nổi bật nhất là đình làng. Đình làng Cẩm Bào có kiến trúc đẹp. Bên trong đình hiện vẫn còn lưu giữ được bài vị và sắc phong thành hoàng làng. Đặc biệt, đôi câu đối xưa với nội dung sâu sắc treo trong đình làng như càng làm nổi bật thêm giá trị của đình: Lễ nhạc y quan văn hiến địa/ Thuần phong mỹ tục thái bình dân. Đó là đôi câu đối của tiền nhân đã chọn, đại ý nói lên nơi đây là đất biết lễ, biết nhạc, là vùng đất văn hiến. Người dân nơi đây thuần hậu, phong tục tốt đẹp, yêu chuộng hòa bình.

Tự thuở lập nên làng, các thế hệ người dân nơi đây luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, yêu nước, hăng hái tham gia bảo vệ đất nước giải phóng dân tộc. Hưởng ứng phong trào Văn Thân chống Pháp theo hịch Cần vương, làng Cẩm Bào có ông Phạm Phúc Nguyên (Đội Bạch) đã lập đội quân Sơn Phòng chống lại quân Pháp xâm lược. Những trận đánh ở Cửa Hà, Eo Lê như xuất quỷ nhập thần khiến cho quân Pháp hao quân tổn khí. Trong phong trào Đông Du, làng đã quyên góp ủng hộ cho những người yêu nước xuất dương. Làng Cẩm Bào trở thành một trong những nôi cách mạng ở Thanh Hóa trong thời kỳ mặt trận bình dân và mặt trận phản đế cứu quốc. Ngày 16-4-1934, Chi bộ Đảng liên huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành được thành lập đầu tiên gồm 5 đảng viên. Cẩm Bào có ông Phạm Nhân Nhượng tham gia thành lập chi bộ Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, làng Cẩm Bào cũng như các thôn, xã trong vùng nhiệt tình tham gia các hội tương tế ái hữu, các đoàn thể nông dân, thanh niên dân chủ.

Do vị trí của Cẩm Bào vừa là điểm cuối của huyện Thạch Thành, vừa giáp điểm cuối của huyện Vĩnh Lộc nên đế quốc và quan lại ít để ý đến. Nhiều cán bộ cách mạng thoát ly đã về đây làm chỗ dựa để hoạt động phát triển phong trào; vận động Nhân dân và hội đồng hương lý làm việc ủng hộ cho cách mạng. Đồng chí Phạm Văn Hinh là con, em của một gia đình chánh, phó tổng, đã thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng. Năm 1940, đồng chí bị Pháp bắt giam. Năm 1941, đồng chí ra tù tiếp tục hoạt động và là những chiến sĩ đầu tiên của đội du kích Ngọc Trạo.

Hưởng ứng nghị quyết của Tỉnh ủy Thanh Hóa về thành lập đội quân vũ trang đầu tiên của tỉnh và chọn vùng Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành làm chiến khu, làng Cẩm Bào đã thành lập được đội tự vệ, củng cố các đoàn thể quần chúng. Ngoài đồng chí Phạm Văn Hinh đã hoạt động từ trước, làng chọn và gửi lên chiến khu 5 đội viên vào đội du kích Ngọc Trạo. Đình làng Cẩm Bào trở thành nơi hội họp tập trung, nơi tiếp nhận đội viên du kích và hàng hóa chuyển lên chiến khu. Nhân dân làng Cẩm Bào đã làm tốt việc vận chuyển tiếp tế cho Chiến khu du kích Ngọc Trạo.

Ngày 19-9-1941, đội du kích Chiến khu Ngọc Trạo được thành lập. Với lời thề quyết tử đánh đế quốc và phong kiến, giành độc lập cho dân tộc. Sau gần một tháng luyện tập, đội du kích Chiến khu Ngọc Trạo phải đương đầu với cuộc chiến không cân sức, kẻ thù bao vây từ nhiều phía hòng tiêu diệt đội du kích. Bằng những vũ khí thô sơ như súng kíp, mã tấu, đồng chí Phạm Văn Hinh và các chiến sĩ cảm tử đã xông ra đánh giáp la cà với địch, chặt tay địch cướp vũ khí khiến quân địch khiếp sợ phải rút lui. Ba đội viên du kích đã anh dũng hy sinh trong đó có đồng chí Phạm Văn Hinh. Gặp tình hình mưa lũ kéo dài lại bị giặc bao vây, việc tiếp tế cho đội quân hàng trăm người gặp khó khăn, bộ chỉ huy đội du kích quyết định bí mật chuyển địa điểm, từ Ngọc Trạo rút về tập kết quanh khu vực làng Cẩm Bào. Tự vệ và Nhân dân làng Cẩm Bào không quản mưa lũ, đã canh gác bảo vệ, tiếp đồ ăn, quần áo, thuốc men cho các chiến sĩ du kích. Những người ốm đau được đưa vào làng ở với dân.

Thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy, đồng chí Đặng Văn Hỷ đã tập hợp toàn thể đội du kích vào nghè thôn Cẩm Bào để công bố quyết định của cấp trên về việc tạm giải tán đội du kích chiến khu về các địa phương hoạt động chờ thời cơ. Nhân dân Cẩm Bào đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho các chiến sĩ đi đường, liên hệ với làng Phù Lưu mượn thuyền đưa du kích qua sông Mã. Khi kẻ địch “đánh hơi” thấy, chúng mang quân lính đến bao vây làng Cẩm Bào thì đội du kích đã đi xa. Chúng điên cuồng lục soát làng Cẩm Bào nhiều lần. Cuối cùng, giặc bắt đi 14 người của thôn Cẩm Bào, trong đó có các chiến sĩ du kích, phó tổng và lý trưởng. Danh xưng “Cẩm Bào - làng cộng sản” là đế quốc và quan lại đã dùng để nói về làng. Chúng thông tri đi các nơi trong vùng, không ai được chứa chấp người của làng Cẩm Bào và Ngọc Trạo.

Giặc giam những người bị bắt ở huyện đường Vĩnh Lộc. Một số chiến sĩ du kích, tự vệ bị đưa đi giam ở nhà giam Thanh Hóa. Mãi đến tháng 3-1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, các đồng chí mới được ra tù. Những đồng chí này, khi trở về là những hạt nhân cốt cán của huyện Thạch Thành. Tiến hành chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945.

Với những đóng góp to lớn ấy, làng Cẩm Bào được Nhà nước tặng kỷ niệm chương, tặng Bằng “có công với nước”. Đình làng Cẩm Bào được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Nhiều người được hưởng chế độ lão thành cách mạng và ân nhân cách mạng. Sinh thời, vào lễ kỷ niệm ngày thành lập Chiến khu du kích Ngọc Trạo, nhiều đồng chí lãnh đạo chiến khu xưa như: Đặng Châu Tuệ, Trần Tiến Quân, Đặng Văn Hỷ và các đội viên du kích khác đều trở về thăm làng Cẩm Bào để ôn cố tri ân. Đồng chí Đặng Văn Hỷ từng tặng làng câu đối: “Mừng hôm nay khí sắc Cẩm Bào/ Nhớ thuở nọ bát cơm phiếu mẫu” như một cách tỏ lòng yêu mến, biết ơn sâu sắc với đất và người nơi đây.

Phát huy truyền thống cách mạng, lịch sử - văn hóa, với sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu của cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân Cẩm Bào qua nhiều thế hệ, thời kỳ, đến nay, Cẩm Bào đã phát triển thành một ngôi làng lớn của xã Vĩnh Long. Kinh tế - xã hội không ngừng phát triển, đời sống của người dân ngày càng nâng lên, đoàn kết, chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới... Mạch nguồn ấy sẽ mãi là hành trang mang theo niềm tự hào, khơi dậy trong lòng các thế hệ cháu con niềm khát khao cống hiến hết mình nhằm xây dựng quê hương, đất nước, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về đất và người làng Cẩm Bào.

Bài và ảnh: Nguyễn Huy Miên


Bài và ảnh: Nguyễn Huy Miên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]