(Baothanhhoa.vn) - Có rất nhiều duyên cớ đưa tâm hồn, tài năng, trí tuệ, tâm huyết của con người neo đậu vào bến văn. Các NSNA xứ Thanh cũng không là ngoại lệ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi nghệ sĩ nhiếp ảnh xứ Thanh viết văn

Có rất nhiều duyên cớ đưa tâm hồn, tài năng, trí tuệ, tâm huyết của con người neo đậu vào bến văn. Các NSNA xứ Thanh cũng không là ngoại lệ.

Khi nghệ sĩ nhiếp ảnh xứ Thanh viết vănMột số tác phẩm văn học của các NSNA xứ Thanh (“Miền ký ức” - NSNA Đăng Văn, “Rượt theo con chữ mà yêu” - NSNA Trần Đàm, “Ngã rẽ” - NSNA Phạm Công Thắng).

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Đàm - như “con tằm rút ruột nhả tơ”

Trần Đàm là một nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA), nhà báo, nhà lý luận phê bình đa tài. Trong mỗi lĩnh vực, ông lại cho thấy những nét hấp dẫn riêng của mình. Với nghệ thuật nhiếp ảnh, người xem thấy một Trần Đàm căng tràn nhiệt huyết, đam mê, tay máy điêu luyện, lão làng, luôn biết cách làm chủ cuộc chơi ánh sáng và bố cục trên từng bức ảnh. Ông là tác giả của 15 cuốn sách ảnh; trong đó có 4 cuốn đoạt giải xuất sắc của hội chuyên ngành Trung ương; hơn 200 tác phẩm ảnh được triển lãm trong nước và quốc tế; 5 triển lãm ảnh cá nhân. Ông đã được phong tặng tước hiệu ESVAPA (NSNA có cống hiến xuất sắc) và NSNA quốc tế APIAP. Với thơ, độc giả có dịp cảm nhận rõ hơn những cạnh khía, chiều sâu lắng đọng trong tâm hồn thi sĩ. Đến nay, ông đã xuất bản 3 tập thơ: “Dâng mẹ”, “Xuân lòng” và “Lời yêu”.

Riêng ở địa hạt lý luận phê bình, ông luôn chọn tâm thế của một người bạn, một tấm lòng tri âm tri kỷ để đối thoại, đồng điệu, sẻ chia với tác giả. Từ đó, ông từng bước bóc tách, cắt nghĩa con chữ cốt lẩy lên được cái hay, cái đặc sắc của tác phẩm. Vốn là một nhà báo, NSNA, đi nhiều biết rộng, am tường văn hóa - lịch sử. Ông vận dụng thế mạnh ấy vào các bài viết lý luận, phê bình văn học. Vì lẽ đó, trong bài viết lý luận, phê bình của NSNA Trần Đàm, ông vẫn thường bắt đầu lý giải từ những căn cốt, cội nguồn văn hóa hoặc đơn giản là kể lại một câu chuyện, kỷ niệm thân tình, gắn bó nào đó với tác giả. Ông không bao giờ “lên gân cốt”, nặng lý thuyết mà giống như đang tâm sự, trò chuyện, đồng hành cùng tác giả - tác phẩm qua từng con chữ.

Vậy nên, nhiều khi, ông bình một bài thơ hay, viết về một tác giả mà như khái quát được cả chuyện làng, chuyện xã - quê hương của tác giả ấy giới thiệu cùng bạn đọc: “Trương Thị Mầu sinh ra ở chân núi Khú, xã Lương Ngoại. Ở đấy có những ngọn núi cao và những con suối róc rách quanh năm, lại có dòng sông Mã thơ mộng chảy qua, tuổi thơ của Mầu được đắm trong cảnh sắc tươi đẹp. Trương Thị Mầu hạnh phúc hơn người là được bà nội truyền cho một kho tàng ca dao, tục ngữ dân tộc Mường và những chuyện kể dân gian hấp dẫn. Những câu xường, bài khặp ấy đã ngấm dần trong tâm hồn người con gái xứ Mường”. Chỉ mấy dòng giới thiệu như thế, mà mảnh đất nằm dưới chân núi Khú, xã Lương Ngoại của nữ sĩ Trương Thị Mầu hiện lên thật đẹp, thấy cội nguồn sáng tạo của mỗi người nghệ sĩ chẳng bao giờ tách bóng quê hương: “Từ những trang thơ hiền hòa, mộc mạc, chân tình, ta yêu quý một nữ bác sĩ làm thơ, càng quý hơn chị là một nữ sĩ của dân tộc ít người. Ta như được đắm say trong dòng sông Mã thơ mộng của chị, ta bâng khuâng trước những câu thơ có lửa và yêu. Mỗi câu thơ có hương của rừng, có âm thanh của núi, có ánh lửa bập bùng cả nhà sàn, có sắc màu nhụy hoặc no ấm của ruộng bậc thang. Có nhịp chày khua luống, có tiếng khặp, tiếng xường của mường của bản” (cảm nhận tập thơ “Bóng núi” của Trương Thị Mầu). Có lẽ, ít có cây viết nào có được tâm thế thoải mái, tự tin như ông khi bình thơ của một vị cán bộ cấp cao, nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị”. Có lúc, sự gần gũi, giản dị, thấu hiểu của ông khiến người đọc cảm động, càng thêm yêu mến trang văn của ông.

Tuy đã ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng NSNA, nhà báo, nhà lý luận - phê bình văn học Trần Đàm vẫn nhiệt huyết, say mê cống hiến cho sự phát triển văn học - nghệ thuật tỉnh nhà. “Rượt theo con chữ mà yêu”, ông vẫn nhiệt tình với những cuộc vui, “cuộc chơi”, vẫn hăng hái viết bằng tất cả tấm chân tình, niềm đam mê với văn học - nghệ thuật.

NSNA Đăng Văn - người của “miền ký ức”

NSNA Đăng Văn, sinh năm 1955, phố Phượng Đình 2, phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa. Ông là Phó Ban Điện ảnh, Hội Văn học - Nghệ thuật Thanh Hóa; Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Thanh Hoa. Khi đã gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực nhiếp ảnh, phim tài liệu, NSNA Đăng Văn thử sức mình trong một cuộc chơi mới, “lấn sân” sang địa hạt văn chương. Ông chân thành tâm sự: “Tôi không có ý định làm nhà văn, cũng hoàn toàn không có tham vọng cầm bút tung hoành trên cánh đồng chữ nghĩa, đơn giản những câu chuyện tôi viết ra từ cảm xúc của một người yêu thích văn chương, yêu thích cuộc sống, quý trọng tình đời nhân thế, những câu chuyện, những ký ức là những trải lòng tôi muốn ghi lại, chắp nối bằng những chiêm nghiệm vui buồn đậm chất hồi ức đã đến với tôi, bên tôi và mật thiết với tôi, nó sẽ còn mãi với thời gian vô tận...”.

Với hai tập ký “Miền ký ức” - tập I (Nhà Xuất bản (NXB) Thanh Hóa, 2014), tập II (NXB Thanh Hóa, 2020), NSNA Đăng Văn bước chân vào con đường sáng tác văn học bằng những lời văn giản dị, mộc mạc mà chân tình, sâu lắng. Quả thực, đọc hồi ký “Miền ký ức” của Đăng Văn, mới thấy hết được chữ “tình” trong con người ông. Tình cảm gia đình. Tình yêu quê hương, đất nước. Tình yêu với văn học nghệ thuật. Tất cả đều dạt dào, ăm ắp, sâu thẳm và hòa quyện với nhau trong tâm hồn người nghệ sĩ. Một chữ tình sâu lắng, mộc mạc, chân thành, thẳng thắn, không cần tô vẽ cầu kỳ. Cái tình ấy đong đầy trong từng câu chữ, thấm đẫm từng kỷ niệm... Cái sâu lắng ấy thường ở lại sau cùng, khi ông đã tận tình mở lối, đưa bạn đọc đi qua từng ký ức, hoài niệm, cung bậc cảm xúc. Mộc mạc mà chan chứa yêu thương như tình cảm ông dành cho bà nội: “Hình ảnh của bà nội cứ ập đến, rồi chập chờn, phảng phất trong trí nhớ... dáng bà lưng cong hình lưỡi liềm, cứ thế ập về trông mỗi phiên gác, từng đêm dài canh thâu, đi theo tôi, động viên tôi theo mỗi bước hành quân, hay những lúc gian nguy trong thời binh nghiệp”. Tình nghĩa như khi ông viết về mẹ Thỏ - người mẹ của bạn với tất cả sự gần gũi, quý mến, kính trọng: “Yêu chồng rất mực, thương con hết lòng, đó là hình ảnh người mẹ đã khắc ghi rất sâu đậm trong lòng những đứa con...”.

Không chỉ viết về chân dung những người thân yêu, ruột thịt trong gia đình, “Miền ký ức” dành để viết về những người bạn lính, bạn tâm giao trên con đường văn học - nghệ thuật của mình. Đó là “lão Hiếu”, “Đốc Chuyền” – người anh mẫu mực từ đời lính đến đời thường, người lính quân hàm xanh năm xưa đã sống sâu nặng nghĩa tình với đồng đội; “Cò Hán” - người lính biên phòng dân tộc Mường có thành tích dũng cảm, mưu trí bắt tên tội phạm cộm cán, triệt phá đường dây buôn bán ma túy liên tỉnh”; thầy giáo Hoàng Cầm yêu đời, yêu trẻ, yêu thơ; Gia Phan - người họa sĩ đồng quê, kỹ sư thủy lợi mê nghề vẽ truyền thần; bốn chàng thanh niên xung phong họ Nguyễn Phượng Đình - “những con người có nhận thức về cách mạng, về sự cống hiến cho xã hội cho đất nước, những khát vọng vươn lên về tri thức”, NSNA Trần Đàm...

Đọc hồi ký của Đăng Văn, người đọc không chỉ bị cảm động bởi tình cảm yêu thương ông dành cho gia đình, bạn bè mà còn thêm quý trọng cái nền nếp, gia phong trong mỗi nếp nhà mà còn biết thêm những sự kiện diễn ra ở làng, xã một thời tưởng đã là xa ngái.

NSNA, nhà báo Phạm Công Thắng - “Ngã rẽ” văn chương

Được biết đến là một tay máy “có hạng” với nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, chính điều này đã tạo cho NSNA, nhà báo Phạm Công Thắng nhiều điều kiện thuận lợi khi bước chân vào nghề viết văn. Đó là nguồn “chất liệu” hiện thực dồi dào, phong phú. Chính điều này đã làm nên thế mạnh, sức hấp dẫn, dấu ấn của tập truyện ngắn “Ngã rẽ” (NXB Văn học, 2021) - cuốn sách văn học đầu tay của Phạm Công Thắng vừa ra mắt bạn đọc thời gian vừa qua.

Nhà lý luận, phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên đã rất tinh tế khi nhận định về tập truyện ngắn này của Phạm Công Thắng: “Truyện ngắn của Phạm Công Thắng ngồn ngộn, đầy ắp chất liệu cuộc sống với nhiều chiều kích khác nhau, kể cả mặt sáng và mặt tối của xã hội. Ở đấy, nhiều số phận, nhiều cuộc đời ngả nghiêng, chao đảo với đủ mọi tác nhân cả về chủ quan lẫn khách quan do nền kinh tế thị trường và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại”. Cái “thế sự” ấy hiển hiện ngay từ nhan đề các tác phẩm. Nào là “bẫy tình”, “cái giá phải trả”, “con gà mái hoa mơ”, “Cường đen”, “mặt nạ”, “ngã rẽ”, “quyền lực và tội lỗi”... Tất cả đều là những lát cắt xoáy sâu vào mặt trái của đời sống xã hội với đủ mánh khóe, toan tính, lọc lừa, dối trá, phản bội...

Không chỉ ghi dấu ấn ở khía cạnh đề tài, Phạm Công Thắng cũng khá thành công trong việc xây dựng các tuyến nhân vật và tình huống truyện. Ví như câu chuyện về “Con gà mái hoa mơ” xoay quanh câu chuyện muôn thuở về sự khác biệt giữa phong cách sống, cách suy nghĩ của người mẹ dưới quê với vợ chồng con trai trên thành phố. Sự khác biệt ấy như ngọn lửa, mỗi ngày lại thấy lan rộng hơn, mâu thuẫn càng ngày càng sâu sắc hơn. Đỉnh điểm cho những mâu thuẫn ấy là hình ảnh con gà mái hoa mơ mà người mẹ chồng háo hức, lặn lội mang từ quê ra cho vợ chồng con trai ăn tết kêu oang oác khi bị chị vợ giận giữ ném ra ngoài. Đây không phải là đề tài mới nhưng chính việc khéo léo xây dựng các tuyến nhân vật và tình huống truyện đã chân thực khắc họa sự thực đau lòng vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống.

“Văn học là nhân học” - M. Gorki sâu sắc nhận định. Văn học là hình thái ý thức xã hội đặc thù mà ở đó, vẻ đẹp nhân bản của con người là phương tiện thẩm mỹ với giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo luôn song hành. Thấm nhuần tư tưởng ấy, đọc “Ngã rẽ”, bạn đọc dễ dàng nhận thấy một điều rằng: Cái “thế sự” trong truyện ngắn của Phạm Công Thắng không dẫn đến sự bi quan, bế tắc, tiêu cực mà ngược lại, nó vừa như gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh vừa làm nổi bật lên giá trị nhân văn cao cả ở đời. Đó mới là đích đến cuối cùng mà Phạm Công Thắng nói riêng và những người cầm bút nói chung hướng đến.

Có rất nhiều duyên cớ đưa tâm hồn, tài năng, trí tuệ, tâm huyết của con người neo đậu vào bến văn. Các NSNA xứ Thanh cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, dẫu có bao nhiêu sự khác biệt đi chăng nữa, khi đọc các tác phẩm của họ, độc giả vẫn nhận ra một “mẫu số chung”: Đó là tình yêu lớn, niềm đam mê bất tận và sự nỗ lực phấn đấu để được sống trọn và cống hiến cho văn học nghệ thuật. Tấm lòng ấy thể hiện qua sự đau đáu tìm tòi, sáng tạo và chỉn chu, hoàn thiện mình hơn trong từng tác phẩm.

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Đăng Văn - 06:36 25/02/21

 Trả lời

Bài viết rất tuyệt vời, từ tít bài đến nội dung.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]