(Baothanhhoa.vn) - Nhắc đến nghệ thuật chèo truyền thống ở xứ Thanh không ai là không biết đến Hoàng Bồng. Không chỉ cháy hết mình với những thanh âm mộc mạc của tiếng trống, tiếng đàn nhị, nhịp phách, làn điệu chèo trên sân khấu, ông còn dành gần trọn cuộc đời để gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống ấy của quê hương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hoàng Bồng - người trọn đời đam mê nghệ thuật chèo truyền thống

Nhắc đến nghệ thuật chèo truyền thống ở xứ Thanh không ai là không biết đến Hoàng Bồng. Không chỉ cháy hết mình với những thanh âm mộc mạc của tiếng trống, tiếng đàn nhị, nhịp phách, làn điệu chèo trên sân khấu, ông còn dành gần trọn cuộc đời để gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống ấy của quê hương.

Hoàng Bồng - người trọn đời đam mê nghệ thuật chèo truyền thống

Ông Hoàng Bồng trong một tiết mục biểu diễn dân ca truyền thống. Ảnh: Tư liệu

Một buổi sáng đầu đông bình lặng với bóng nắng nghiêng nghiêng của hàng cây xanh, trong con ngõ nhỏ trên đường Đỗ Hành, phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa) vang lên điệu hát í... ì... i..i... í... a... của ông lão mê chèo Hoàng Bồng. Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Bồng đã có 71 năm gắn bó với nghệ thuật chèo truyền thống. Ông Bồng sinh ra và lớn lên trong gia đình yêu nghệ thuật chèo. Cụ thân sinh ra ông có nhiều năm tham gia đội chèo truyền thống của làng Đại An, xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa). Bởi vậy, ngày từ thuở nhỏ ông thường theo cụ thân sinh đến các chiếu chèo ở làng Đại An để biểu diễn. “Năm 8 tuổi tôi đã lên sân khấu tại làng Đại An, với vai Tiến Lực trong vở chèo “Phương Hoa”. Theo năm tháng, những làn điệu chèo ngấm vào máu mình lúc nào không hay” - ông Bồng kể về cơ duyên đến với nghệ thuật chèo truyền thống.

Niềm đam mê nghệ thuật chèo truyền thống cùng ông lớn lên và theo ông trên cả bước đường quân ngũ. Tháng 5-1965, ông tái ngũ vào Trung đoàn 57, Sư đoàn 304, đóng quân ở thị xã Bỉm Sơn. Thời gian này, ông viết nhiều hoạt cảnh chèo như: “Chiếc mũ nan”, “Đan lưới”; vở chèo “Trở về đảo”, vở kịch nói “Những người trên đảo”. Mặc dù giai đoạn này chiến tranh ác liệt, nhưng các hoạt cảnh chèo, vở chèo của ông được đội văn nghệ của Trung đoàn 57 mang đi biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân khắp các địa phương trong tỉnh. Tháng 2-1968, ông được cấp trên điều lên Đoàn văn công Quân khu 3 làm diễn viên. Trong thời gian này, ông cùng các thành viên Đoàn văn công Quân khu 3 đi theo Sư đoàn 304 phục vụ bộ đội, chiến sĩ đang tham gia Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (Quảng Trị). Những năm tháng dưới mưa, bom bão đạn, các vai diễn anh bộ đội trong vở chèo “Đường về trận địa” của tác giả Tào Mạt và Hoài Giao; hay vai anh Nguyễn Viết Xuân trong vở “Nguyễn Viết Xuân” tác giả Nguyễn Đức Thuyết và Tào Mạt đã góp phần cổ vũ tinh thần cán bộ, chiến sĩ bộ đội ta chiến đấu, chiến thắng quân thù. Không chỉ là người lính trên mặt trận văn hóa, văn nghệ, ông còn trực tiếp cầm súng chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị khói lửa. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ mất sớm, các con còn thơ dại nên năm 1980, ông Bồng được cấp trên điều động về công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa. Với chức vụ chính trị viên, kiêm đội trưởng đội nghệ thuật đơn vị, ông đã dàn dựng nhiều vở chèo để phục vụ bộ đội và Nhân dân trong tỉnh. Sau hơn 10 năm công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa, tháng 10-1990, ông Bồng về nghỉ chế độ hưu trí.

Nặng lòng với nghệ truyền thống, do đó khi về hưu ông dành nhiều thời gian để nghiên cứu, sưu tầm và làm sống lại những làn điệu chèo cổ tưởng chừng như đã bị mai một. Đến thời điểm này, ông Bồng hát được khoảng 100 làn điệu chèo cổ và chèo cải biên. Đặc biệt, ông còn sáng tác, viết hoạt cảnh nhiều vở chèo gắn với các ngày lễ lớn của TP Thanh Hóa và tỉnh Thanh Hóa. Ông Bồng nhớ lại: “Giữa tháng 11-2004, trong dịp TP Thanh Hóa kỷ niệm 200 năm đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa (1804-2004), 10 năm thành lập TP Thanh Hóa (1994 - 2004), tôi viết hoạt cảnh chèo “Thăm lại Hạc Thành” và được diễn tại Trung tâm Hội nghị của tỉnh (25B). Đến năm 2010, nhân kỷ niệm 45 năm Hàm Rồng chiến thắng, tôi có vở chèo “Tình người Nam Ngạn”, biểu diễn tại phường Nam Ngạn, với sự đón xem của đông đảo Nhân dân trong thành phố. Vui hơn, cùng năm đó vở chèo “Tình người Nam Ngạn” đã đạt giải Nhất tại Hội diễn văn nghệ quần chúng toàn tỉnh. Đặc biệt, vào tháng 2-2012, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm tỉnh Thanh Hóa (20-2-1947 – 20-2-2012), trong không khí vui tươi, phấn khởi, mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước trên con đường đổi mới và hội nhập, với lòng biết ơn sâu sắc tôi viết vở chèo “Niềm vui đón Bác”. Vở chèo đã được diễn ngay tại Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Ông Bồng cho biết: “Nghệ thuật chèo xuất phát từ trong lao động của người dân. Lúc đầu chỉ là diễn xướng tự do, dần dần tiến lên có nhịp phách, tiết tấu cho phù hợp với từng môi trường lao động khác nhau. Từng làn điệu chèo cũng có tính chất khác nhau để cho phù hợp với tâm trạng, tính cách của từng nhân vật. Múa của chèo là sự kết hợp của múa cổ điển, múa trang trí, ước lệ, tượng trưng, cách điệu, làm sao nhịp nhàng uyển chuyển với lời hát và âm nhạc. Để phù hợp với hơi thở của thời đại làn điệu chèo ngày nay đã có sự cải biến nhưng vẫn giữ được hồn cốt của chèo cổ”.

Tháng 11-2020, ông Hoàng Bồng là 1 trong 31 cá nhân được tỉnh xét chọn đề nghị tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ ba, năm 2021 tỉnh Thanh Hóa. Đây là sự ghi nhận những đóng góp của ông trong việc gìn giữ, truyền dạy làn điệu chèo quê hương Thanh Hóa.

Trần Thanh


Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]