(Baothanhhoa.vn) - Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, ngành ngân hàng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (Agribank Thanh Hóa) đang tập trung ưu tiên nguồn vốn cho vay đối với các đơn vị, doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp hơn từ 1 - 2% so với các gói vay thông thường đã và đang góp phần hỗ trợ các DN phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, ngành ngân hàng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (Agribank Thanh Hóa) đang tập trung ưu tiên nguồn vốn cho vay đối với các đơn vị, doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp hơn từ 1 - 2% so với các gói vay thông thường đã và đang góp phần hỗ trợ các DN phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sảnCán bộ Agribank Thanh Hóa tuyên truyền cho khách hàng hoạt động trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản về các khoản vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất mà Agribank đang thực hiện.

Agribank đã dành 3.000 tỷ đồng triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất lâm, thủy sản. Đối tượng vay vốn theo chương trình là các DN, cá nhân có dự án, phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản (lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu, chế biến, bảo quản lâm sản) và thủy sản (khai thác, nuôi trồng, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu, chế biến, bảo quản thủy sản). Qua đó, giúp các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này có thêm nguồn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Công ty CP Sông Việt Thanh Hóa hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu các sản phẩm chả cá, bột cá. Được biết, do tác động bởi dịch bệnh, suy thoái kinh tế nên hơn 2 năm qua, DN gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, nguồn vốn. Để khôi phục sản xuất, kinh doanh, công ty đã phải tái cấu trúc toàn bộ hoạt động, cả ở quy trình công nghệ sản xuất và khâu thị trường, điều này đòi hỏi nguồn tài chính rất lớn. Được sự hỗ trợ của Agribank Thanh Hóa, công ty đã được tiếp cận gói tín dụng với lãi suất ưu đãi giảm tới 2% so với các chương trình vay thông thường khác. Ngoài ra, DN còn được ngân hàng giảm thêm nhiều khoản phí khác trong quá trình thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa. Giám đốc Công ty Nguyễn Như Long cho biết: “Được tiếp cận gói vay ưu đãi, công ty đã tiết kiệm được nhiều chi phí trong sản xuất, kinh doanh, thu mua nhiều nguyên liệu hơn và sản xuất đơn hàng chất lượng, tạo nhiều việc cho hơn 400 lao động với thu nhập ổn định. Những tháng đầu năm 2024 đơn hàng xuất khẩu của DN tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước...

Được biết, từ tháng 7/2023 thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về triển khai gói tín dụng cho vay đối với lĩnh vực lâm, thủy sản, Agribank Thanh Hóa đã tập trung rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn và giải ngân kịp thời nguồn vốn cho các khách hàng đủ điều kiện. Đến nay, đã có 2.169 khách hàng được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi này với dư nợ đạt 2.750 tỷ đồng. Đặc biệt, mới đây Agribank Việt Nam đã nâng quy mô nguồn vốn chương trình cho vay lâm thủy sản lên hơn 8.000 tỷ đồng (từ nay đến hết ngày 30/6/2024), là điều kiện để Agribank Thanh Hóa tiếp tục triển khai lãi suất tín dụng ưu đãi đối với khách hàng.

Phó Giám đốc Agribank Thanh Hóa Đỗ Quang Liêm cho biết: “Phát huy vai trò dẫn đầu trong đầu tư phát triển “tam nông”, Agribank Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp triển khai hiệu quả chương trình tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo chỉ đạo của Chính phủ và ngân hàng cấp trên. Theo đó, ngân hàng đã chỉ đạo cán bộ tín dụng rút ngắn thời gian thẩm định, tăng cường công nghệ vào đánh giá dự án. Đồng thời, phân công cán bộ tín dụng thực hiện khảo sát đánh giá nhu cầu của khách hàng để thực hiện cho vay; phối hợp với các đơn vị, địa phương kiểm tra, đánh giá lại các chương trình hỗ trợ lãi suất để phát hiện những bất cập, chưa hợp lý đề xuất kiến nghị cho phù hợp để triển khai tốt chương trình cho vay. Ngoài ra, tất cả các khoản vay nông sản, thủy sản đều được ưu đãi lãi suất theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP và chương trình ưu đãi tài trợ DN xuất khẩu. Vì thế, nguồn vốn lãi suất thấp tại Agribank Thanh Hóa luôn đáp ứng kịp thời cho nhu cầu của tất cả các DN đủ điều kiện vay vốn.

Cùng với đó, Agribank Thanh Hóa cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân, DN khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh như hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, trong đó có lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước; chương trình tín dụng 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất tài trợ khách hàng xuất, nhập khẩu..., giúp khách hàng bảo đảm tài chính, duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ phục hồi.

Đến hết quý I/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của Agribank Thanh Hóa đạt hơn 26.500 tỷ đồng, cao hơn bình quân chung cả nước. Đồng hành cùng khách hàng phục hồi và phát triển kinh tế, ngân hàng cũng đang chủ động tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. Đồng thời tiếp tục triển khai 17 chương trình cho vay ưu đãi với lãi suất ngắn hạn chỉ từ 3%/năm và lãi suất gói vay trung, dài hạn chỉ từ 6%/năm đối với từng đối tượng khách hàng. Qua đó, không chỉ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, mà còn phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ người dân, DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Bài và ảnh: Lương Khánh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]