UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 5: Thảo luận các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội tháng 6 và một số nội dung quan trọng khác
Ngày 22/5, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 5 đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 5, nhiệm vụ trọng tâm tháng 6 năm 2024 và một số nội dung quan trọng khác. Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.
Tham dự phiên họp có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ủy viên UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.
Các đại biểu dự phiên họp.
Phát huy đà tăng trưởng quý I năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 của tỉnh tiếp tục phát triển, nhiều lĩnh vực tăng khá so với cùng kỳ. Trong đó, nổi bật là sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định, sản lượng thủy sản tăng 1,5%. Trong tháng, toàn tỉnh đã trồng được 600ha rừng tập trung, xử lý 25 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, thu nộp ngân sách Nhà nước 236,4 triệu đồng; lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 đã trồng mới 3.800ha rừng tập trung, bằng 38% kế hoạch.
Hoạt động sản xuất công nghiệp phát triển ổn định; các đơn vị, cơ sở sản xuất công nghiệp đã chủ động khắc phục khó khăn về nguyên liệu đầu vào, đổi mới quy trình sản xuất, tìm kiếm đơn hàng, thị trường tiêu thụ để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 10,9% so với cùng kỳ.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Trọng Trang trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5/2024.
Cùng với đó, các ngành dịch vụ tiếp tục đà phát triển, theo dữ liệu của Cục Du lịch Quốc gia, Thanh Hóa là địa phương đứng đầu cả nước về lượng du khách và doanh thu du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5; tổng lượt khách du lịch tháng 5 trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 1,8 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế ước đạt 84,5 nghìn lượt khách), tăng 17,1% so với cùng kỳ, tổng thu du lịch ước đạt 4.520 tỷ đồng, tăng 36,8%. Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 5 tăng 16,6%, giá trị xuất khẩu tăng 22%.
Trong tháng, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 3.346 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ; lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 22.481 tỷ đồng, bằng 63,2% dự toán và tăng 27,9% so với cùng kỳ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của tỉnh xếp thứ 30 cả nước, tăng 17 bậc so với năm 2022.
Cục trưởng Cục Thống kê Thanh Hóa Nguyễn Mạnh Hiệp phát biểu tại phiên họp.
Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp đã tổ chức thăm, tặng quà các đối tượng là thân nhân liệt sĩ, thương binh, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong lĩnh vực giáo dục, toàn tỉnh có 1 học sinh xuất sắc giành HCĐ tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 58; thể thao thành tích cao đạt 70 huy chương các loại tại 8 giải tham gia thi đấu.
An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, góp phần tạo niềm tin trong người dân, cộng đồng doanh nghiệp, tạo khí thế, động lực mới để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa phát biểu tại phiên họp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 vẫn còn những khó khăn, hạn chế, như: Có 5/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng giảm so với cùng kỳ; hoạt động của một bộ phận doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động giảm 8,6%, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn tăng 23,7%. Tiến độ triển khai thực hiện một số dự án lớn, trọng điểm còn chưa bảo đảm yêu cầu. Một số chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh năm 2023 giảm thứ bậc so với năm 2022: Chỉ số PAPI giảm 10 bậc, Chỉ số SIPAS giảm 8 bậc, Chỉ số PAR INDEX giảm 15 bậc...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi phát biểu tại phiên họp.
Theo báo cáo cũng như đánh giá, thảo luận của các đại biểu tại phiên họp, những khó khăn, hạn chế trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đơn cử như tinh thần, trách nhiệm, tính chủ động trong giải quyết công việc ở một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế; công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa một số đơn vị chưa chặt chẽ. Một số chủ đầu tư trách nhiệm chưa cao, thiếu chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện; một số nhà đầu tư, nhà thầu thi công và đơn vị tư vấn chưa thực hiện theo đúng cam kết. Một số quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, nhà ở và kinh doanh bất động sản, đấu thầu chưa thống nhất, chưa phù hợp nhưng chậm được sửa đổi, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện...
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Với những nhiệm vụ đã được xác định, cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành chức năng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, bài bản, quyết liệt các giải pháp, do vậy kết quả đạt được trên các lĩnh vực trong tháng 5 là rất đáng phấn khởi. Nhiều lĩnh vực tăng so với cùng kỳ và có sự chuyển biến rõ nét, tích cực.
Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với những hạn chế, yếu kém đã chỉ ra trong báo cáo, đồng thời đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tập trung khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém đã được chỉ rõ, đặc biệt là việc giảm thứ bậc ở một số chỉ số cải cách hành chính.
Dự báo tháng 6 vẫn còn những khó khăn, thách thức tác động đến nền kinh tế, đời sống Nhân dân, do vậy, các cấp, các ngành cần tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong thực hiện nhiệm vụ được giao, duy trì đà phát triển trên các lĩnh vực.
Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong báo cáo như: Khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, xác định các mục tiêu, chỉ tiêu đạt thấp, khó hoàn thành kế hoạch trong 6 tháng cuối năm, từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi, có tính đột phá trong nửa năm còn lại. Đồng thời phản ứng kịp thời, phù hợp, hiệu quả đối với các vấn đề mới phát sinh, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Chủ động kiểm tra, theo dõi nắm chắc tình hình biến động về giá nguyên, nhiên vật liệu, vật tư đầu vào và hoạt động của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời triển khai thực hiện các giải pháp để củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa tại các thị trường truyền thống, tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng. Đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ gắn với phát triển du lịch. Tập trung chăm sóc cây trồng; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Chủ động các giải pháp, kế hoạch ứng phó với thiên tai, bão lũ trong mùa mưa bão năm 2024.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn; trên cơ sở Chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PAR INDEX năm 2023 của tỉnh, khẩn trương rà soát, xác định nguyên nhân các chỉ số có điểm số thấp, xác định cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện nhằm nâng cao điểm số, thứ bậc các chỉ số thành phần, đặc biệt là các chỉ số thành phần có thứ hạng thấp so với cùng kỳ và chung của cả nước.
Cùng với đó, tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút đầu tư; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tăng cường kiểm tra các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, xử lý nghiêm các dự án chậm triển khai, vi phạm quy định pháp luật hiện hành.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024; đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới. Tiếp tục tổ chức triển khai các hoạt động, sự kiện, văn hóa, thể thao và du lịch hè năm 2024; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT; kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Đề nghị các ngành, các địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách Nhà nước. Tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm”, “5 đẩy mạnh”. Đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp và vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại phiên họp.
Tại phiên họp các đại biểu cũng đã thảo luận, cho ý kiến vào việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án theo Quyết định số 312/QĐ-TTg ngày 16/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ; đề xuất phương án điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước năm 2024 do tỉnh quản lý - đợt I; phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 - đợt 5; Dự thảo Tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết Quy định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu tiền sử dụng đất một số dự án trên địa bàn thị xã Nghi Sơn để tạo nguồn vốn đối ứng thực hiện Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia; Tờ trình về việc đề nghị ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Điều 2 Nghị quyết số 111/2018/NQ-HĐND ngày 11/7/2018 của HĐND tỉnh về phân cấp thẩm quyền quyết định trong việc quản lý, sử dụng tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thanh Hóa; Quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh Thanh Hóa; Tờ trình phương án phân bổ vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 - đợt 2; Tờ trình về việc phân bổ vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương năm 2024 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 - đợt 2 và một số nội dung quan trọng khác.
Phong Sắc
{name} - {time}
-
2024-12-12 12:09:00
Công tác thi đua, khen thưởng đã phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh
-
2024-12-12 11:25:00
Thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế: Còn nhiều việc phải làm
-
2024-05-22 08:00:00
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 22/5/2024
Điểm nóng 22/5: Phanh phui “Thần y" chữa bách bệnh chỉ bằng nước
Hôm nay, Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng ngày 22/5
[Bản tin 18h] Việt Nam gặp khó tại vòng bảng ASEAN Championship 2024
Lấy ý kiến về Dự thảo các Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản
Nhiều diện tích nông nghiệp và tài sản của người dân bị thiệt hại do mưa lớn
Quốc hội sẽ phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an với Đại tướng Tô Lâm
Từ những cuộc “đào thoát” và nỗ lực chưa thành
Thị ủy Nghi Sơn tổ chức hội nghị học tập chuyên đề năm 2024