Từ Trung Đông đến Ukraine: Trật tự thế giới mới đang được định hình
Các cuộc xung đột, các “điểm nóng” ở nhiều khu vực đang leo thang, cho thấy sự cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt giữa các nước lớn, cũng như kéo theo những thay đổi trong cấu trúc quan hệ quốc tế. Vậy phải chăng trật tự thế giới mới đang được hình thành từ đây?
Xung đột leo thang giữa Israel và phong trào Hamas hay các lực lượng thân Iran ở Trung Đông cho thấy sự mất cân bằng ngày càng gia tăng trong hệ thống quan hệ quốc tế. Sự mất cân bằng này được đặc trưng bởi sự xuất hiện của các cuộc xung đột mới và kích thích các cuộc xung đột cũ với những thiệt hại ở quy mô lớn và nguy cơ leo thang hơn nữa. Mặc dù nhiều lần tuyên bố về vai trò lãnh đạo quốc tế và bảo đảm cho trật tự quốc tế hiện có, song Mỹ và các đồng minh phương Tây không thể ngăn chặn sự phát triển của các cuộc xung đột. Hiện nay, các “điểm nóng” về cơ bản trong tầm kiểm soát, không bị leo thang thành xung đột giữa các nước lớn. Tuy nhiên, thực tế các cuộc khủng hoảng cho thấy cơ cấu trật tự thế giới đang có những thay đổi sâu sắc.
Khó khăn bao trùm
Thời gian gần đây, chảo lửa Trung Đông tiếp tục “nóng” bởi nguy cơ chiến tranh toàn diện giữa Israel và các lực lượng thân Iran ở khu vực, như phong trào Hamas, lực lượng Houthi ở Yemen và phong trào Hezbollah ở Lebanon, song cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine vẫn chiếm sóng chương trình nghị sự của truyền thông quốc tế.
Chính quyền Kiev luôn biết cách giành lấy sự quan tâm, chú ý từ cộng đồng quốc tế khi bất ngờ tiến hành chiến dịch quân sự tấn công vào vùng Kursk của Nga. Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, chính quyền Ukraine và các đồng minh phương Tây muốn giành chiến thắng trên chiến trường và biến Nga thành một cường quốc bại trận.
Tuy nhiên, trên thực tế có vẻ như diễn biến hoàn toàn trái ngược. Các cuộc phản công của quân đội Ukraine mặc dù luôn được truyền thông đưa tin rầm rộ, nhưng trên thực tế không đạt được mục tiêu. Quân đội Nga đang dần gia tăng áp lực ở nhiều mặt trận. Các biện pháp trừng phạt kinh tế không dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế Nga - mặc dù chịu thiệt hại lớn nhưng nước này đang nhanh chóng thích nghi với điều kiện mới.
Bộ Tài chính Nga cho biết, trong tháng 5/2024, ngân sách liên bang ghi nhận thặng dư lần đầu tiên trong một năm qua, khi thu đạt 2.600 tỷ Rúp (29 tỷ USD) và chi 2.100 tỷ Rúp. Còn theo Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) báo cáo trong quý II/2024, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 4,4% trên cơ sở hằng năm và dự kiến sẽ tăng 3,2% trong quý III/2024.
Phương Tây và Ukraine cũng thất bại trong việc cô lập Nga về mặt chính trị. Điều này được thể hiện rõ nhất thông qua diễn biến và kết quả hội nghị hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ vào trung tuần tháng 6. Nhiều quốc gia “nói không” với hội nghị và một số quốc gia khác mặc dù có tham gia nhưng đã từ chối ký tuyên bố chung tại hội nghị. Trong số này có cả các quốc gia vốn duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ với Mỹ và các nước phương Tây, như Ả-rập Xê-út, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) hay Brazil...
Trong khi đó, ở bên kia chiến tuyến, các nước phương Tây không tránh khỏi “sự mệt mỏi” khi cuộc xung đột Nga - Ukraine ngày càng trở nên tốn kém hơn sau gần 3 năm. Nhu cầu về vũ khí của quân đội Ukraine sẽ không dừng lại một khi chiến sự còn tiếp tục. Nền kinh tế Ukraine cũng cần có sự hỗ trợ từ bên ngoài trong bối cảnh kiệt quệ nặng nề vì chiến tranh, những vấn đề về nhân khẩu học và khả năng quản lý yếu kém từ phía chính quyền Ukraine, bao gồm cả vấn nạn tham nhũng chưa được giải quyết triệt để. Ngày 12/8, các điều tra viên của Cục Chống tham nhũng quốc gia Ukraine (NABU) đã bắt giữ một thứ trưởng Bộ Năng lượng vì cáo buộc nhận hối lộ nửa triệu USD. Trước đó, vào tháng 4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã bị bắt và sa thải vì cáo buộc liên quan đến việc mua bất hợp pháp đất thuộc sở hữu nhà nước trị giá 7 triệu USD.
Giới phân tích chính trị cho rằng, Mỹ và các đồng minh phương Tây có thể tập trung toàn bộ sức mạnh để hỗ trợ quân đội Ukraine kháng cự đến cùng lực lượng từ phía Nga, song điều này có thể khiến họ “xôi hỏng bỏng không”. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có lợi ích chiến lược quan trọng mà Mỹ và phương Tây không thể bỏ qua.
Đó còn chưa kể đến phương Tây cần giành nguồn lực để dập tắt những “đám cháy” ở những nơi lẽ ra chúng không nên bùng phát ở thời điểm này như ở Trung Đông. Với quy chế đồng minh, Mỹ chắc chắn sẽ phải cung cấp cho Israel sự hỗ trợ quân sự và ngoại giao đáng kể, nhưng rõ ràng Washinton đang tìm mọi cách nhằm hạ nhiệt “những cái đầu nóng” ở Trung Đông. Mỗi một “điểm nóng” bùng phát đòi hỏi sự tập trung nguồn lực vật chất và tài chính, vốn bị hạn chế ngay cả đối với một cường quốc như Mỹ.
Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác mà Mỹ và đồng minh chưa thể giải quyết. Sau tín hiệu tích cực từ cuộc thượng đỉnh Mỹ - Triều, liên Triều vào năm 2018, vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên “nóng” trở lại với các cuộc thử nghiệm vũ khí, hạt nhân liên tiếp từ Bình Nhưỡng. Tiềm lực quân sự, công nghệ hạt nhân của nước này hiện là điều khiến các nước phải e ngại. Giới phân tích chính trị - quân sự cho rằng, căng thẳng leo thang trong quan hệ Nga - Mỹ mang lại cho Triều Tiên thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ với Nga. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với mục tiêu của Mỹ và được thể hiện qua phản ứng của truyền thông, chính giới Mỹ về chuyến thăm Triều Tiên của Tổng thống Nga Putin vừa qua.
Tình hình cũng tương tự với vấn đề hạt nhân của Iran. Việc Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) vào năm 2018 không dẫn đến việc Iran từ bỏ lập trường về chương trình và chính sách tên lửa ở Trung Đông. Trái lại, điều này còn tạo điều kiện để Iran quay trở lại mạnh mẽ hơn chương trình hạt nhân của mình. Báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết Tehran đã tăng cường đáng kể chương trình hạt nhân và hiện có đủ nguyên liệu để chế tạo một số quả bom nguyên tử.
Những “đám cháy” âm ỉ khác vẫn còn. Afghanistan phần lớn đã bị lãng quên, nhưng các lực lượng có xu hướng đối địch với Mỹ và phương Tây đang ngày càng lớn mạnh ở đó. Ở Syria, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad vẫn nắm quyền bất chấp các lệnh trừng phạt và nỗ lực cô lập. Ở châu Phi, các đồng minh của Mỹ đang mất dần ảnh hưởng. Các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Để đẩy lùi các nguy cơ bất ổn này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước lớn, hợp tác trên cơ sở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, mức độ tin cậy của cơ chế hợp tác này đã không còn như trước khi bất đồng quan điểm giữa các nước lớn ngày càng gia tăng.
Thế chân vạc Nga - Mỹ - Trung đang thay đổi?
Giới phân tích cho rằng, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đã làm lung lay thế chân vạc vững chắc Nga - Mỹ - Trung. Không thể phủ nhận cuộc xung đột Nga - Ukraine đã mang lại cho Mỹ một số lợi ích chiến thuật, điển hình là việc có thêm đòn bẩy mạnh mẽ đối với các đồng minh châu Âu. NATO đã nhận được một sức sống mới và quá trình mở rộng liên minh đang được tiến hành. Sự phản kháng lâu dài của các nước lớn ở châu Âu trước những lời kêu gọi của Mỹ nhằm tăng chi tiêu quốc phòng và mua vũ khí cuối cùng đã bị phá vỡ. Quá trình quân sự hóa châu Âu đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, và thực tế hầu hết các nước trong khu vực đều tăng đáng kể chi tiêu cho quốc phòng. Ngoài ra, Mỹ cũng đã chiếm được một phần thị trường năng lượng châu Âu. Tháng 12/2023, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, Mỹ đã kiếm được tổng cộng 66,7 tỷ Euro (72,65 tỷ USD) kể từ tháng 2/2022 từ việc cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu.
Tuy nhiên, về mặt chiến lược, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đặt ra cho Mỹ những vấn đề nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là việc Nga và Trung Quốc - những nước mà Mỹ xác định là đối thủ cạnh tranh hàng đầu, không ngừng xích lại gần nhau. Theo Tiến sĩ Ivan Timofeev, Chủ tịch Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC), nếu như trước đây, 3 cường quốc có xu hướng “vừa hợp tác, vừa đề phòng” tạo ra thế chân vạc Nga - Mỹ - Trung vững chắc, thì nay cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm lung lay thế kiềng ba chân này.
Moscow đang xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, quốc gia mà Mỹ xác định là đối thủ cạnh tranh hàng đầu, nhất là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cái giá phải trả cho sự leo thang căng thẳng với Nga đối với Mỹ sẽ không chỉ được tính bằng sự hỗ trợ dành cho Ukraine, mà còn bằng cái giá khổng lồ để kiềm chế mối quan hệ song phương Nga - Trung. Vô hình trung, cuộc xung đột Nga - Ukraine lại khiến Washington đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh hơn khi nước này có đủ điều kiện để tránh điều này.
Theo nhận định của giới chuyên gia, quan hệ Nga - Trung Quốc hiện nay là điển hình của mối quan hệ cộng hưởng lợi ích. Nga cần vai trò của Trung Quốc như một đối tác, một bạn hàng tin cậy về mặt kinh tế để giúp Nga đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây; trong khi đó, Trung Quốc cần Nga ủng hộ và cùng phối hợp để cạnh tranh chiến lược với Mỹ tại nhiều khu vực mà Trung Quốc có lợi ích. Hiện nay, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang chứng kiến cuộc cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ lo ngại rằng, Nga có thể sẽ gia tăng ủng hộ Trung Quốc để cạnh tranh với Mỹ tại khu vực này. Thực tế thời gian qua, Nga đã thể hiện sự phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc thông qua việc tăng cường tiến hành các hoạt động diễn tập, tuần tra chung trên không và trên biển giữa các lực lượng không quân và hải quân của hai nước, đặc biệt là tại các khu vực thuộc biển Nhật Bản và vùng biển Tây Thái Bình Dương. Cùng với đó, Nga cũng đẩy mạnh việc quân sự hóa các vùng lãnh thổ đang tranh chấp với Nhật Bản, gián tiếp gây sức ép đối với các hoạt động của Mỹ ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Ngày 30/1/2024, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, Nga sẽ triển khai nhiều vũ khí mới đến quần đảo Kuril đang tranh chấp với Nhật Bản.
Không chỉ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ còn quan ngại sự hợp tác Nga - Trung Quốc có thể thách thức, đe dọa vai trò, vị thế của Mỹ ở nhiều khu vực khác trên thế giới. Hiện nay, Nga - Trung Quốc đều đang tích cực mở rộng ảnh hưởng và sự can dự vào nhiều khu vực trên thế giới, từ Trung Đông, châu Phi cho tới Mỹ Latinh. Mặc dù hai nước đều không đưa ra những tuyên bố rõ ràng về việc phối hợp với nhau để thách thức ảnh hưởng của Mỹ ở những khu vực này, song sự hợp tác giữa hai nước mang tính bổ sung cho nhau và sẽ hữu ích để kéo các khu vực này xa rời Mỹ và xích lại gần hơn với Nga - Trung Quốc, trong đó Nga đóng vai trò là bên cung cấp hỗ trợ, hậu thuẫn về mặt an ninh, còn Trung Quốc đóng vai trò là một đối tác kinh tế lớn.
Không thể loại trừ khả năng rằng trước những khó khăn, thách thức trên, Mỹ và các đồng minh sẽ xem xét lại ý tưởng về việc đánh bại Nga trong cuộc xung đột Ukraine để thúc đẩy đàm phán hòa bình và liệu Moscow có thay đổi cách tiếp cận của mình hay không? Rõ ràng, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, cho dù có kết thúc với kết quả như thế nào, sẽ là một cột mốc quan trọng trong việc định hình lại trật tự thế giới mới.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-12-14 11:11:00
Quốc gia nào sẽ thay thế Iran ở Syria?
-
2024-12-14 10:02:00
Liệu tên lửa “Oreshnik” của Nga có thay đổi quy tắc chiến tranh hạt nhân?
-
2024-08-16 10:06:00
Khoảng lặng cần thiết đối với Tổng thống Macron
Chiến dịch quân sự của Ukraine tại khu vực Kursk đẩy xung đột Nga - Ukraine lên nấc thang mới
Nền kinh tế Liban đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn do xung đột
Cơ hội cho thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas
Đối đầu với Mỹ thúc đẩy chính sách năng lượng của Nga và Trung Quốc như thế nào?
Bầu cử Mỹ 2024: Ứng cử viên Kamala Harris và gánh nặng của hy vọng
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga sẽ thay đổi ra sao nếu ông Trump thắng cử?
Thủ lĩnh chính trị Hamas bị ám sát đẩy Iran - Israel đến “miệng hố chiến tranh”
Về khả năng quân đội Ukraine sẽ tổ chức phản công quy mô lớn sắp tới
Kịch bản nào cho cuộc xung đột Israel và Hezbollah?