Khoảng lặng cần thiết đối với Tổng thống Macron
Sau “khoảng lặng Thế vận hội Olympic”, Pháp quay trở lại những vấn đề chính trị trong nước, với trọng tâm là việc tìm kiếm một thủ tướng mới để có thể “chung sống hòa thuận” với Tổng thống Macron.
Tổng thống Macron.
Bài toán khó cần Tổng thống Macron tìm lời giải
Vào rạng sáng ngày 12/8, Thế vận hội Olympic Paris 2024 đã kết thúc sau hơn 2 tuần tranh tài. Đối với Tổng thống Macron đây có lẽ là khoảng lặng cần thiết. Nhiệm vụ của ông hiện nay là tìm kiếm một thủ tướng mới và thỏa hiệp với một quốc hội, gần như bị chia làm ba, và chắc chắn sẽ gặp nhiều rào cản trong việc thúc đẩy các chủ trương, chính sách của Pháp thời gian tới.
Trước đó, ngày 9/6, Tổng thống Macron đã giải tán Quốc hội và tuyên bố bầu cử sớm. Nguyên nhân dẫn đến quyết định này là do đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6. Kết quả 2 vòng cuộc bầu cử Quốc hội sớm tiếp tục chứng kiến thất bại khác đối với các đồng minh của Tổng thống Macron, trong khi “Mặt trận Bình dân Mới” cánh tả mới được thành lập đã giành chiến thắng. Và mặc dù chỉ đứng thứ ba trong vòng hai, song đảng cực hữu RN đã mở rộng đáng kể sự hiện diện của mình trong Quốc hội khi nhận được 143 ghế trong tổng số 577. Liên minh trung dung của Tổng thống Macron nhận được 166 ghế và Mặt trận Bình dân Mới - 184 ghế. Như vậy, không có lực lượng nào giành được đa số trong Quốc hội.
Một ngày sau cuộc bầu cử, ngày 8/7, Thủ tướng Gabriel Attal đệ đơn từ chức, song không được Tổng thống Macron chấp thuận. Về mặt chính thức, nội các do Thủ tướng Attal lãnh đạo đã từ chức vào ngày 16/7, nhưng các bộ trưởng vẫn tiếp tục công việc của mình cho đến khi chính phủ mới được thành lập.
Đồng minh của Tổng thống Macron, bà Yael Braun-Pivet tiếp tục giữ chức Chủ tịch Quốc hội sau cuộc bầu cử (bà được bầu lại vào ngày 18/7), nhưng cuộc thảo luận về việc bổ nhiệm thủ tướng mới đã trở thành một cuộc tranh luận sôi nổi trong chính trường Pháp. Theo truyền thống, Tổng thống Pháp có quyền bổ nhiệm người đứng đầu chính phủ từ đảng chiếm đa số, nhưng hiện nay không lực lượng nào có lợi thế đáng kể.
Thời hạn để đề cử ứng cử viên thủ tướng vẫn chưa được xác định và áp lực đối với Tổng thống Macron ngày càng gia tăng. Theo tờ 20 Minutes, nhà khoa học chính trị Emmanuel Rivière cho rằng, Thế vận hội Olympic 2024 diễn ra rất thành công, xét cả về mặt chuyên môn lẫn bảo đảm an ninh, song người dân Pháp vẫn chưa hết hoài nghi vào năng lực lãnh đạo của Tổng thống Macron. Đất nước nhanh chóng quay trở lại thực tế chính trị nội bộ phức tạp nảy sinh do cuộc bầu cử lập pháp.
Một cuộc thăm dò do nhật báo Les Echos thực hiện vào cuối tháng 7 cho thấy mức độ tin tưởng vào Tổng thống Macron đã tăng lên, nhưng chỉ tăng hai điểm - lên 27% (tỷ lệ tương đối thấp đối với một nguyên thủ quốc gia). Một lãnh đạo cấp cao trong Chính quyền của Tổng thống Macron nói với AFP rằng, “tình hình căng thẳng chính trị Pháp sẽ tạm lắng dịu hậu Olympic, nhưng nó sẽ không kéo dài”.
Le Monde lưu ý rằng, những đồng minh của tổng thống hy vọng nhanh chóng bổ nhiệm một thủ tướng mới để cơ quan hành pháp có thể giải quyết vấn đề ngân sách, vốn cần phải được quyết toán trong tháng 9 và trình lên Quốc hội chậm nhất là vào ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 10. Ngoài ra, trước ngày 20/9, Paris phải nộp báo cáo lên Brussels do Ủy ban châu Âu đưa Pháp vào danh sách các nước thâm hụt ngân sách quá mức.
Ai có thể trở thành tân Thủ tướng Pháp?
Theo Le Monde, Tổng thống Macron có một số ý tưởng về cách giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị trong nước và ông đã sử dụng “khoảng lặng cần thiết trong thời gian diễn ra Olympic để mài giũa kế hoạch của mình”. Ấn phẩm lưu ý rằng, thất bại trong cuộc bầu cử buộc Tổng thống Macron phải tìm kiếm một thủ tướng mới, bảo đảm sự đồng thuận, hài lòng cả cánh tả và cánh hữu. Tuy nhiên, phương án “chung sống” sẽ rất khó có thể xảy ra khi tổng thống và thủ tướng đại diện cho các phe phái chính trị đối lập nhau. Theo Le Monde, không loại trừ khả năng ông Macron sẽ phải chấp nhận tự giới hạn mình trong các vấn đề chính sách đối nội, đối ngoại và giao một phần công tác quản lý hoạt động cho thủ tướng, như thời của Tổng thống François Mitterrand (nhiệm kỳ 1981 - 1995).
Ngày 23/7, Tổng thống Macron đã từ chối ứng viên thủ tướng do liên minh cánh tả đưa ra, bà Lucie Castet. Theo ông Macron, không nên tập trung vào cái tên do một đảng chính trị đề xuất, thay vào đó ứng viên thủ tướng và đảng chính trị đó phải có khả năng tập hợp được đa số trong Quốc hội để thực hiện cải cách, phê duyệt ngân sách và phát triển đất nước. Tổng thống Macron hoài nghi về khả năng của cánh tả và bà Lucie Castet trong việc bảo đảm các yêu cầu trên.
Vào ngày 12/8, tờ Le Journal du Dimanche tiết lộ Tổng thống Macron thường xuyên liên lạc với cựu Thủ tướng Bernard Cazeneuve, người gần đây được cho là một trong những ứng cử viên tiềm năng cho vị trí người đứng đầu chính phủ. Bản thân ông Cazeneuve cũng sẵn sàng nắm giữ vị trí này với mục tiêu bảo đảm “đất nước không rơi vào tình trạng suy thoái và mất kiểm soát”.
Giới phân tích cho rằng, đảng Xã hội của ông Bernard Cazeneuve có khả năng tập hợp những người ủng hộ Tổng thống Macron và liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới. Việc ông Cazeneuve trở thành tân Thủ tướng có thể đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Macron, vì ông thường xuyên chỉ trích thủ lĩnh cánh tả cấp tiến “Nước Pháp bất bại” (LFI) Jean-Luc Mélenchon, và phản đối sự tham gia của LFI vào liên minh cánh tả.
Một ứng cử viên tiềm năng khác là Xavier Bertrand, thành viên đảng Cộng hòa, 58 tuổi, Chủ tịch hội đồng vùng Hauts-de-France. Trước đó, ông Xavier Bertrand công khai tuyên bố ý định tranh cử Tổng thống Pháp vào năm 2027, tự gọi mình là ứng cử viên của “đa số giận dữ”. Trong cuộc bầu cử Quốc hội sớm, ông Xavier Bertrand kêu gọi cử tri của mình không ủng hộ phe cánh tả cấp tiến Mélenchon hay phe cực hữu của bà Marine Le Pen.
Như tờ Europe1 đánh giá, với tư cách là thủ tướng, ông Xavier Bertrand sẽ có thể hòa hợp với các đồng minh của Tổng thống Macron và đàm phán với cánh tả. Trước thời điểm diễn ra Thế vận hội Olympic, ông Xavier Bertrand kêu gọi cần phải thành lập một chính phủ gồm “những người cộng hòa, những người độc lập, các đồng minh của Tổng thống Macron và tất cả những người không muốn đưa nước Pháp vào ngõ cụt”. Mặc dù chưa được đề cử chính thức, nhưng bản thân ông Xavier Bertrand đã bày tỏ sự sẵn sàng cho vị trí này.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-12-12 08:03:00
Mọi thứ chỉ mới bắt đầu ở Syria
-
2024-12-12 07:26:00
Hàng triệu người Syria bắt đầu hồi hương với kỳ vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn
-
2024-08-13 08:51:00
Chiến dịch quân sự của Ukraine tại khu vực Kursk đẩy xung đột Nga - Ukraine lên nấc thang mới
Nền kinh tế Liban đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn do xung đột
Cơ hội cho thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas
Đối đầu với Mỹ thúc đẩy chính sách năng lượng của Nga và Trung Quốc như thế nào?
Bầu cử Mỹ 2024: Ứng cử viên Kamala Harris và gánh nặng của hy vọng
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga sẽ thay đổi ra sao nếu ông Trump thắng cử?
Thủ lĩnh chính trị Hamas bị ám sát đẩy Iran - Israel đến “miệng hố chiến tranh”
Về khả năng quân đội Ukraine sẽ tổ chức phản công quy mô lớn sắp tới
Kịch bản nào cho cuộc xung đột Israel và Hezbollah?
Bầu cử Tổng thống Venezuela: Liệu có cơ hội cho phe đối lập?