TP Sầm Sơn: Từng bước đưa du lịch tâm linh trở thành thế mạnh
Cơn mưa phùn lất phất và đợt không khí lạnh vẫn không thể ngăn được bước chân khách thập phương về với đền Độc Cước (TP Sầm Sơn) để dâng hương, vãn cảnh. Phảng phất trong mùi trầm hương lắng đọng vào không gian nhỏ hẹp của ngôi đền, là tiếng cầu sức khỏe, bình an, cầu cho tài lộc viên mãn, con cái đuề huề. Trong không gian linh thiêng của khu di tích những ngày đầu xuân mới, tâm hồn con người như cũng được “gột rửa” để trở nên an yên...
Du khách đến tham quan, dâng hương tại đền Độc Cước.
Từ lâu dân gian đã lưu truyền câu “Mẹ Phủ Na, cha Độc Cước” để nói về hành trình du xuân lên rừng xuống biển những ngày đầu năm mới. Có lẽ vì vậy mà đền Độc Cước đã trở thành điểm thực hành tín ngưỡng tâm linh của đông đảo du khách thập phương. Nằm trên hòn Cổ Giải thuộc dãy núi Trường Lệ, đền là nơi thờ vị thần Một Chân (Độc Cước) đã tự xẻ đôi thân mình để dẹp loài thủy quái, bảo vệ cuộc sống bình yên cho dân chài. Tưởng nhớ công lao của thần, Nhân dân đã lập đền thờ để cúng tế. Hằng năm, đền Độc Cước là nơi diễn ra lễ hội truyền thống Bánh chưng bánh giầy (vào ngày 12 tháng 5 âm lịch) thu hút đông đảo Nhân dân và khách du lịch tham gia. Về Độc Cước, du khách không chỉ được đắm mình vào không gian thiêng của di tích, mà còn được trải tầm mắt ngắm nhìn biển xanh cát trắng tươi đẹp của bãi biển Sầm Sơn nổi tiếng.
Bên cạnh đền Độc Cước, một điểm đến tâm linh hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua khi về Sầm Sơn là đền Cô Tiên. Truyền thuyết xưa kể rằng, ngôi đền này thờ một người con gái làm nghề bốc thuốc cứu nhân độ thế. Đền nằm trên một vị thế khá đẹp, thoáng đãng phía Nam núi Trường Lệ. Năm 1960, đền Cô Tiên đã vinh dự được Bác Hồ về thăm và nghỉ chân. Sau nhiều lần sửa chữa nhỏ, cuối năm 2010, TP Sầm Sơn đã quyết định đầu tư trùng tu, tôn tạo và đã nhiều lần trùng tu, sửa chữa để có diện mạo như hiện nay. Đến dâng hương, du khách được thả mình vào không gian xanh của núi non và biển cả bao la. Thắng cảnh đền Cô Tiên đang chờ bước chân du xuân của khách thập phương đến khám phá, trải nghiệm.
Quá trình chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt để tạo dựng cuộc sống ổn định, lâu dài nơi cửa biển đã giúp cư dân Sầm Sơn vun đắp nên một truyền thống văn hóa lâu đời, giàu giá trị gắn với nhiều di tích lịch sử - văn hóa và các lễ hội đặc sắc. Ngoài đền Độc Cước, đền Cô Tiên còn có nhiều di tích tiêu biểu như Hòn Trống Mái, đền Tô Hiến Thành, đền Hoàng Minh Tự, chùa Khải Minh, chùa làng Lương Trung, đền Đề Lĩnh, đền thờ Bà Triều, đền Cá Lập, đền làng Lộc Trung, đền thờ Ngư Ông... Cùng với đó là các lễ hội truyền thống như Bánh chưng bánh giầy, Cầu ngư – bơi trải, lễ Cầu phúc, lễ hội làng Lương Trung, lễ hội Rước bóng Bà Triều...
Xác định rõ vai trò, ý nghĩa của các di tích, di sản văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, du lịch nói riêng, những năm gần đây, TP Sầm Sơn đã quan tâm dành nhiều nguồn lực cho công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Đồng thời, bảo vệ và phát huy giá trị các lễ hội trong đời sống cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, vừa hấp dẫn du khách khi về với Sầm Sơn. Đặc biệt, để phát huy giá trị các di tích một cách hiệu quả, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 19/5/2021 về phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa các vùng miền và tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng hình ảnh người Sầm Sơn đẹp trong lòng bạn bè và du khách. Qua đó, UBND thành phố phối hợp MTTQ và các tổ chức chính trị thành phố tổ chức xây dựng mô hình dân vận khéo với chủ đề “Xây dựng hình ảnh người Sầm Sơn đẹp trong lòng bạn bè và du khách”.
Thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền về các di tích thông qua các hình thức trực quan và trên website về du lịch Sầm Sơn (www.Dulichsamson.gov.vn), các fanpage quảng bá du lịch Sầm Sơn. Đồng thời, tổ chức nhóm thuyết minh viên tại các điểm di tích núi Trường Lệ, đền Độc Cước, đền Tô Hiến Thành, đền Cô Tiên, Hòn Trống Mái, làng Bích Họa và các điểm di tích khác trên địa bàn, nhằm giúp du khách hiểu sâu hơn về lịch sử ra đời, ý nghĩa, giá trị của các di tích. Để xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn tại các điểm di tích, thành phố luôn quan tâm làm tốt công tác vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ. Theo đó, thành phố đã tổ chức lớp huấn luyện và cấp Giấy chứng nhận nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy (PCCC) cơ sở; Công an thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn PCCC, thực tập các phương án chữa cháy nói chung, PCCC tại các di tích nói riêng...
Để du lịch văn hóa tâm linh trở thành sản phẩm bổ trợ đắc lực cho du lịch biển, TP Sầm Sơn cũng chú trọng nâng cao công tác quản lý Nhà nước về di sản, du lịch. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng quản lý dịch vụ du lịch tại các điểm di tích; bảo đảm an ninh trật tự, kiên quyết xử lý tình trạng bán hàng rong, ăn mày, ăn xin, ép giá ép khách; xử lý nghiêm các trường hợp bán sản phẩm kém chất lượng cho du khách. Đặc biệt, thành phố chú trọng đến việc nâng cao văn hóa, văn minh và hình ảnh công dân đô thị du lịch; nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường, bảo vệ cảnh quan di tích... Qua đó, góp phần bảo vệ hình ảnh du lịch Sầm Sơn thân thiện, văn minh, hấp dẫn để tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách.
Bài và ảnh: Trần Hằng
{name} - {time}
-
2024-12-22 17:47:00
Cầu nối thông tin hữu ích ở các xã vùng “sáu Thanh”
-
2024-12-22 13:44:00
Xây dựng quy ước, hương ước gắn với thực tiễn đời sống
-
2024-03-01 10:01:00
Lễ hội mùa xuân - nét đẹp cần gìn giữ
Truyền thông Đài Loan ca ngợi Phú Quốc và show diễn “Kiss of the Sea”
Việt Nam đón hơn 3 triệu lượt khách quốc tế trong 2 tháng qua
Đưa nghệ thuật sân khấu đến với thiếu nhi
Campuchia được bình chọn là điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á
[Podcast] - Tản văn: Êm đềm một góc thềm xuân
Nét đẹp đình làng kết hợp nhà văn hóa thôn
Giữ gìn mỹ quan, thanh tịnh chốn linh thiêng
Văn minh, an toàn trong lễ hội đầu xuân
Tỉnh Thanh Hóa quán triệt, triển khai quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng