(Baothanhhoa.vn) - Anh và Liên minh châu Âu nỗ lực đạt thỏa thuận về Bắc Ireland; Hàng triệu người tuần hành phản đối dự luật cải cách bầu cử ở Mexico; Ai Cập kêu gọi ủng hộ Syria "quay trở lại với thế giới Arab"; Iran hướng tới xuất khẩu các sản phẩm và công nghệ hạt nhân; Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 không đạt được tuyên bố chung… là những thông tin thế giới quan trọng sáng 27/2.

Tin vắn thế giới sáng 27/2

Anh và Liên minh châu Âu nỗ lực đạt thỏa thuận về Bắc Ireland; Hàng triệu người tuần hành phản đối dự luật cải cách bầu cử ở Mexico; Ai Cập kêu gọi ủng hộ Syria “quay trở lại với thế giới Arab”; Iran hướng tới xuất khẩu các sản phẩm và công nghệ hạt nhân; Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 không đạt được tuyên bố chung… là những thông tin thế giới quan trọng sáng 27/2.

* Ngày 27/2 (giờ địa phương), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von Der Leyen tới Vương quốc Anh để tiếp tục tìm giải pháp về giao thức Bắc Ireland với chính phủ của Thủ tướng Anh Rishi Sunak.

Cụ thể, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã đồng ý tiếp tục làm việc trực tiếp để tìm ra giải pháp thiết thực và chia sẻ những thách thức phức tạp liên quan đến Nghị định thư về Ireland và Bắc Ireland. Nghị định thư về Ireland là một phần quan trọng trong thỏa thuận Brexit, cho phép Bắc Ireland nằm trong thị trường hàng hóa chung của EU nhằm tránh một biên giới cứng trên đảo Ireland.

Tin vắn thế giới sáng 27/2Anh và EU đang nỗ lực tìm giải pháp về giao thức Bắc Ireland. (Ảnh: AFP/TTXVN)

* Ngày 26/2, hàng triệu người đã xuống đường tuần hành trên khắp các thành phố lớn tại Mexico để phản đối dự luật cải tổ cơ quan bầu cử mà Thượng viện nước này mới thông qua, rằng dự luật này sẽ đe dọa nền dân chủ vốn đã khá mong manh tại quốc gia Mỹ Latin này.

Tin vắn thế giới sáng 27/2Người tham gia tuần hành tại quảng trường trung tâm thủ đô Mexico City. Ảnh: TTXVN

Trước đó, ngày 22/2, Thượng viện Mexico đã thông qua dự luật cải tổ cơ quan bầu cử được biết đến với tên gọi “Kế hoạch B” do Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador đề xuất. Những cải cách trong dự luật mới hướng tới việc cải tổ và xác định lại nhiệm vụ điều hành Viện Bầu cử quốc gia (INE), thông qua biện pháp cắt giảm ngân sách và giảm bớt các bộ phận của cơ quan này. Tổng thống Lopez Obrador cho rằng những thay đổi này, bao gồm việc đóng cửa các văn phòng của INE, giúp tiết kiệm 150 triệu USD mỗi năm, củng cố nền dân chủ và giảm ảnh hưởng của lợi ích kinh tế trong chính trị.

* Phát biểu trong chuyến thăm tới Syria trước các Chủ tịch Quốc hội các nước Iraq, Jordan, Palestine, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Libya, Chủ tịch Hạ viện Ai Cập Hanafy El-Gebaly cho rằng tất cả quốc gia Arab nên ủng hộ Syria quay trở lại với thế giới Arab.

Tin vắn thế giới sáng 27/2Quang cảnh cuộc gặp ngày 26/2.

Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 34 ở Baghdad, Liên minh Nghị viện Arab (APU) đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa Syria trở lại Liên đoàn Arab (AL). Chủ tịch Hạ viện Ai Cập cho biết: “Hội nghị đã thống nhất cử Chủ tịch Quốc hội của Ai Cập, Iraq, Jordan, Palestine, UAE và Libya đến thăm Damascus và gặp gỡ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad để thể hiện tình đoàn kết và sự ủng hộ hoàn toàn đối với người dân Syria”.

Syria đã mất tư cách thành viên AL sau làn sóng biểu tình chống chính phủ nước này hồi năm 2011. Kể từ đó, Syria đã không tham gia các hội nghị thượng đỉnh AL hoặc hội nghị của APU.

* Tuyên bố tại Hội nghị Hạt nhân Iran lần thứ 29 tại Đại học Shahid Beheshti diễn ra ngày 26/2, Chủ tịch Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami cho biết nước này đang tìm cách xuất khẩu các sản phẩm và công nghệ hạt nhân của mình trong bối cảnh “cuộc chiến tranh tuyên truyền” do các "thế lực thù địch" tiến hành nhằm ngăn chặn bước tiến của Tehran trong lĩnh vực hạt nhân.

Tin vắn thế giới sáng 27/2Các thanh ly tâm IR8 tại cơ sở làm giàu urani Natanz, cách thủ đô Tehran khoảng 300km. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo người đứng đầu AEOI, Iran hiện đang xuất khẩu dược chất phóng xạ và một số loại thiết bị hạt nhân. Đồng thời ông Eslami cũng đề cập đến các vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân Iran và các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của nước này. Đây là những biện pháp mà các “thế lực thù địch” thực hiện nhằm cản trở sự tiến bộ của công nghệ hạt nhân Iran.

Mỹ và các đồng minh phương Tây cáo buộc Iran phát triển vũ khí hạt nhân và Washington đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Tehran để ngăn chặn các hoạt động hạt nhân của nước này. Tehran khẳng định rằng chương trình hạt nhân của họ phục vụ mục đích hòa bình và nước này chưa bao giờ tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân.

* Cuối tuần qua, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bengaluru, bang Karnataka (Ấn Độ) đã tái khẳng định cam kết thúc đẩy phối hợp chính sách quốc tế và đưa nền kinh tế toàn cầu theo hướng phát triển mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện. Tuy nhiên, các đại biểu tham dự hội nghị không thể thống nhất nội dung tuyên bố chung vì còn bất đồng về các từ ngữ sử dụng trong tuyên bố.

Tin vắn thế giới sáng 27/2Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 nhóm họp tại Bengaluru, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Nước Chủ tịch G20 là Ấn Độ đã công bố nội dung tổng kết có đoạn nhấn mạnh cần phải có các chính sách tiền tệ, tài khóa, tài chính và cấu trúc hợp lý để thúc đẩy phát triển và duy trì ổn định kinh tế và tài chính trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng nhất trí cần nhanh chóng giải quyết các vấn đề nợ công ở các nước thu nhập trung bình và thấp đồng thời khẳng định các chủ nợ công và tư cần tăng cường phối hợp đa phương. Các đại biểu tham dự hội nghị cam kết tiếp tục thúc đẩy phối hợp chính sách vĩ mô và hỗ trợ thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

HG (Tổng hợp theo AFP/Reuters/TTXVN)


HG (Tổng hợp theo AFP/Reuters/TTXVN)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]