Tín dụng đen, thực trạng và giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa
Cách đây 5 năm, Thanh Hóa là một trong 18 địa bàn trọng điểm của cả nước luôn được Bộ Công an xác định phức tạp về tội phạm hình sự, trong đó đáng chú ý là tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến “tín dụng đen” đã tác động xấu đến an ninh trật tự và nhiều mặt của đời sống - xã hội.
Đoàn thanh niên phường Ngọc Trạo (TP Thanh Hóa) tổ chức ra quân bóc, gỡ biển quảng cáo sai quy định trên tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi.
Lãi suất “cắt cổ”..., nhiều gia đình mất nhà
Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2022 đến tháng 9/2023, Trần Văn H., sinh năm 1990, ở thị xã Nghi Sơn đã lợi dụng việc một số người dân có nhu cầu vay tiền để chi tiêu, làm ăn nên đã thực hiện các hành vi cho vay lãi nặng dưới hình thức tín chấp (không cần tài sản cầm cố, thế chấp) với mức lãi suất 10.000 đồng/1.000.000 đồng quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Khi có khách vay tiền, H. thỏa thuận, thống nhất về số tiền cho vay, lãi suất, quy định 1 tháng đóng lãi một lần, tiền lãi tháng đầu tiên được cắt trực tiếp vào tiền gốc khi vay. Sau đó, đưa tiền trực tiếp hoặc chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng cho người vay. Quá trình hoạt động cho vay, đối tượng thu các khoản tiền lãi, tiền gốc từ người vay bằng hình thức nhận tiền mặt trực tiếp hoặc nhận qua chuyển khoản internet banking đến tài khoản mở tại ngân hàng.
Quá trình đấu tranh, Công an thị xã Nghi Sơn đã phát hiện Trần Văn H. thực hiện cho vay lãi nặng đối với 2 người vay là chị Cao Thị G., sinh năm 1993 và anh Lê Tuấn Q., sinh năm 1989 thu lợi bất chính số tiền 269.383.562 đồng.
Tương tự, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2017 đến tháng 8/2023, Nguyễn Đức T., sinh năm 1990, ở TP Thanh Hóa cho nhiều người trên địa bàn TP Thanh Hóa và các huyện lân cận vay tiền với lãi suất cao. Tổng số tiền T. sử dụng để cho các khách vay là 875.000.000 đồng (trong đó có 100.000.000 đồng tiền quay vòng, thu của người trước cho người sau vay) với lãi suất từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày, tương đương 109,5% đến 182,5%/năm, gấp từ 5,5 đến 9,1 lần lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự; số tiền lãi T. đã thu được là 999.740.000 đồng, số tiền thu theo quy định của Bộ luật Dân sự là 139.068.300 đồng; T. lời bất chính số tiền 880.671.700 đồng.
Từ việc các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” dưới dạng đơn lẻ như 2 vụ nêu trên và trong các băng, nhóm tội phạm “tín dụng đen” đã lôi kéo, tập hợp những đối tượng có tiền án, tiền sự, thanh, thiếu niên hư để gây thanh thế lực lượng, công khai, lộng hành cho vay lãi suất “cắt cổ”, dẫn đến nhiều vụ việc cạnh tranh địa bàn, gây phức tạp về an ninh trật tự. Thậm chí, các đối tượng cầm đầu hoạt động “tín dụng đen” còn chỉ đạo đàn em đòi nợ, siết nợ, ném chất bẩn vào nhà, cưỡng đoạt tài sản, khiến cho nhiều gia đình rơi vào cảnh mất nhà, mất tài sản.
Trường hợp chị Nguyễn Thị C., ở TP Thanh Hóa là một ví dụ. Do không thể chịu được cảnh các đối tượng đòi nợ thuê đến nhà “khủng bố tinh thần” cả ngày lẫn đêm, chị đã phải bán căn nhà mặt phố để trả nợ cho các con. Chị C. buồn rầu nói: "Nhà có 3 đứa con, anh chị cũng cố gắng nuôi chúng nó ăn học thành người, lập gia đình cho các con ra ở riêng. Cứ ngỡ như thế là tròn trách nhiệm, không ngờ, do các con của chị làm ăn thua lỗ, vay lãi “tín dụng đen” để tiếp tục đầu tư kinh doanh nhưng không vực dậy được, chị đành phải bán nhà cho các con trả nợ rồi về quê, xây căn nhà nhỏ lấy chỗ che mưa, che nắng".
Cùng chung cảnh ngộ như chị C., bà Lê Thị M., năm nay 76 tuổi, ở huyện Quảng Xương, kể: “Tôi có thằng cháu nội đi làm ở trong miền Nam mấy năm nay nhưng không biết làm ăn thế nào mà vay “tín dụng đen”. Ban đầu số tiền gốc vay khoảng 50 triệu đồng, sau hơn 1 năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Lo sợ lãi mẹ tiếp tục đẻ lãi con, cháu trai bà về quê xin ông bà sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bán lấy tiền trả nợ. Vừa về nhà được vài ngày thì thấy có 2 người xăm trổ đầy mình đến nhà đòi nợ. Ông bà vì muốn giữ lại mảnh đất hương hỏa nên không đồng ý bán đất mà kêu gọi con trai, con gái, mỗi người góp một ít, bản thân ông bà có hơn 200 triệu đồng tiền dưỡng già cũng bỏ ra cho cháu đi trả nợ...".
Quyết liệt đấu tranh đẩy lùi tội phạm
Trước thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, với vai trò là cơ quan thường trực trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Công an tỉnh đã thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị tăng cường phối hợp quản lý hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Trong đó, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo và chỉ huy các đơn vị trong chỉ đạo, triển khai các giải pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về cho vay trái pháp luật.
Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng và xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, các mô hình phòng, chống tội phạm tại địa bàn cơ sở, phát động phong trào tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể xã hội tổ chức sơn, xóa, bóc gỡ tờ rơi, quảng cáo về các hoạt động cho vay, hỗ trợ tài chính tại các địa điểm công cộng, trụ điện, khu vực dân cư, khu công nghiệp...
Công an các đơn vị, địa phương rà soát, nắm tình hình các băng, nhóm, đối tượng cho vay, những người vay nợ và các đối tượng hoạt động có liên quan đến “tín dụng đen”; thường xuyên kiểm tra cư trú tại địa bàn cơ sở, kiểm soát chặt chẽ hoạt động lưu trú; tăng cường công tác kiểm tra hành chính đối với hàng trăm cơ sở cầm đồ, công ty tài chính trên các địa bàn, xử phạt vi phạm hành chính hàng chục cơ sở về hành vi cho vay tiền với lãi suất cao... Các cơ quan như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tư pháp, Liên đoàn Lao động tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố... theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát những lĩnh vực liên quan đến “tín dụng đen” và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật.
Với sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, hệ thống chính trị và toàn dân, từ ngày 15/4/2019 đến ngày 14/4/2024, Cơ quan điều tra 2 cấp Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 240 vụ án/350 bị can về tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Trong đó, tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là 318 bị can, với tổng số tiền các đối tượng thực hiện hoạt động cho vay hơn 1.000 tỷ đồng, tổng số tiền thu lợi bất chính hơn 100 tỷ đồng. Tòa án Nhân dân hai cấp đã thụ lý 196 vụ/347 bị cáo về tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự kèm theo các tội danh có liên quan. Giải quyết 191 vụ/340 bị cáo. Kết quả cho hưởng án treo 92 bị cáo; cải tạo không giam giữ 76 bị cáo; phạt tiền 64 bị cáo; cảnh cáo 3 bị cáo. Xử dưới 3 năm tù 100 bị cáo; từ 3 đến 7 năm tù 5 bị cáo.
Có thể thấy, 5 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh được triển khai, chỉ đạo thực hiện quyết liệt từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã; huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, với vai trò nòng cốt của lực lượng công an, cán bộ và Nhân dân trong tỉnh đã đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay trái pháp luật. Đến nay, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt, không còn hoạt động manh động, liều lĩnh, công khai như trước; tình trạng treo biển, phát, dán tờ rơi, quảng cáo giảm mạnh, hoạt động đòi nợ, siết nợ, ném chất bẩn, hủy hoại tài sản, gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh gần như không còn xuất hiện; các cá nhân, tổ chức cho vay đồng loạt hạ lãi suất dưới mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nhiều công ty tài chính, cơ sở cầm đồ gỡ biển, nộp lại giấy phép hoạt động cho cơ quan có thẩm quyền..., qua đó góp phần giữ ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn toàn tỉnh.
Bài và ảnh: Ngân Hà
{name} - {time}
-
2024-12-22 08:00:00
Điểm nóng 22/12: Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã bồi thường bao nhiêu?
-
2024-12-22 07:59:00
Từ 2025, Công an xã được xử lý vi phạm giao thông trong trường hợp nào?
-
2024-08-07 16:38:00
24 tháng tù cho phạm nhân trốn khỏi trại giam
Bắt giữ Hạt phó Hạt Quản lý đường bộ trộm biển báo giao thông
Triệt phá đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá
Công an Thanh Hóa phá chuyên án vận chuyển ma túy xuyên quốc gia
Tiếp tục đấu tranh, trấn áp tội phạm “tín dụng đen”
Xét xử vụ FLC: Trịnh Văn Quyết bị tuyên phạt 21 năm tù
Tiêu hủy 249 lô hàng bị thu giữ vi phạm hành chính trị giá hơn 1,3 tỷ đồng
Thị xã Nghi Sơn triển khai Luật Đất đai năm 2024 và Luật Nhà ở (sửa đổi)
Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy mùa mưa bão
Công an huyện Thiệu Hóa đấu tranh, ngăn chặn, xử lý vi phạm trong khai thác khoáng sản