Tiếng trống Xuân Phả
Nếu hò sông Mã hay dân ca Đông Anh thể hiện lối sinh hoạt thường ngày của Nhân dân thì trò Xuân Phả thể hiện sinh hoạt cung đình, mang đậm tính ngoại giao. Từ bao đời nay, Xuân Phả là niềm tự hào của người dân trong làng, trong xã Xuân Trường (Thọ Xuân).
NNND Đỗ Đình Tạ. Ảnh: K.H
"Ăn bánh với giò/ Không bằng xem trò làng Láng”. Trò làng Láng chính là tên trò Xuân Phả mà người dân địa phương vẫn thường gọi. Người đầu tiên viết về trò Xuân Phả, là tiến sĩ Trần Đình Phong, sống ở thời Nguyễn. Ông là tế tửu Quốc Tử Giám kiêm từ phủ Thọ Xuân. Sau khi xem dân làng diễn trò Xuân Phả, ông đã ghi: “Xuân Phả thờ thần, dùng 12 người nam thanh niên chạy ước một dặm, ai đến được thưởng. Năm bang đến cống, đó chẳng phải là cuộc vương hội tiền thịnh đó sao. Xuân Phả trong lễ thờ thần diễn trò, dựng lại cảnh nước Ngô, Ai Lao, Chiêm Thành và các nước ở ngoài biển cùng vào tiến cống gọi là Năm bang đến cống”.
Với riêng người dân làng Xuân Phả, họ luôn khẳng định hệ thống trò diễn của mình xuất hiện từ thời Đinh. Và tự bao giờ, hết đời này qua đời khác người già cầm tay chỉ việc cho người trẻ từ luyện tập, biểu diễn, dạy lời hát từng điệu múa, cách làm đạo cụ như mặt nạ, mũ, ngựa, ô, bàn kẹo kéo; nhạc cụ như trống, mõ, thanh la...
Sách Lịch sử xã Xuân Trường có viết: Tương truyền, thời nhà Đinh, nước ta có giặc ngoại xâm quấy nhiễu biên thùy. Trong lần vua Đinh Tiên Hoàng dẫn quân đi dẹp giặc ở phương Nam, đến địa phận làng Xuân Phả thì trời tối nên trú lại ngôi miếu ở ven sông. Nửa đêm, nhà vua được Thành hoàng làng báo mộng bày kế giết giặc. Hôm sau, nhà vua tiến quân và thắng trận giòn giã. Nhớ ơn vị thần nhà vua truyền cho dân làng lập nghè Đệ Nhất, phong hiệu cho thần là Đại hải Long vương Hoàng Lang tướng quân rồi đưa các điệu múa hay nhất, đẹp nhất về múa hát tại đây. Năm điệu múa Hoa Lang, Chiêm Thành, Ai Lao, Lục Hồn Nhung và Ngô Quốc, có tên gọi chung là Lân bang ngũ quốc đồ tiến cống, sau gọi là Xuân Phả. Nhà vua còn truyền cho người dân làng Xuân Phả, hằng năm cứ đến ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch (ngày thần hiển linh) thì mở hội diễn trò. Vì thế, đến hẹn lại lên, vào ngày hội làng hầu hết người dân Xuân Phả đều háo hức tham gia.
Dừng tay mọi công việc, chỉ cần có tiếng trống trò cất lên là người dân Xuân Phả vội vàng thay trang phục thường ngày, lựa chọn bộ “mồi” ra nghè Xuân Phả để vui hội làng.
Còn khi tiếng trống tế cất lên, cuộc tế lễ thành hoàng làng diễn ra theo nghi thức một cuộc đại tế. Đội tế gồm có 3 ông mạnh bái, 6 bồi, 1 đông xướng, 1 tây xướng, 8 thị vệ cầm binh khí đứng hai bên và đội bát âm. Dường như lúc ấy, người tế và tiếng trống hòa cùng nhau khiến nghi thức trang trọng và linh thiêng.
Vui nhất là buổi chiều, sau phần lễ kết thúc, phần hội diễn ra khi các giáp rước đoàn trò vào sân nghè múa hát. Đi đầu đoàn trò là người cầm lộng có gắn biển hiệu của trò giáp mình. Chẳng hạn, đội trò Ngô Quốc thì có biển hiệu là “Ngô Quốc đồ tiến cống”, trò Ai Lao thì có biển “Ai Lao đồ tiến cống”... Tiếp sau đó là đội nhạc, trong đó có 1 trống cái. Đó có thể là trò Hoa Lan (hay còn gọi là Hoa Lang), theo nhịp trống, chúa và quân lần lượt biểu diễn các điệu múa đấu roi, kéo quạt múa siêu đao, múa phất cờ, múa cờ lẹm, rồi múa chèo thuyền... Hay trò Chiêm Thành, theo nhịp trống, đội hình múa biểu diễn từ hai bên bước vào xếp thành một hàng dọc, hai tay chống vào hông, chân trái bước thẳng, chân phải chùng. Không có lời hát, nhưng trò Chiêm Thành đặc biệt hơn nhờ tiếng trống mà các động tác thêm mạnh mẽ và dứt khoát.
Tiếng trống trò của Xuân Phả một thời kỳ dài rộn ràng vang lên qua đôi bàn tay thuần thục của các cụ Thuyết, cụ Đãi, cụ Tuần. Từ năm 1990, được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, có sự chỉ đạo của ngành văn hóa tỉnh, trò Xuân Phả dần được khôi phục. Tiếc rằng lúc này, hầu hết các cụ đã về gặp tổ tiên, chỉ còn lại 5 - 6 cụ. Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Bùi Văn Hùng chia sẻ: "Khi ấy tôi đang là cán bộ đoàn, được sự động viên của lãnh đạo xã, tôi cùng 20 thanh niên khác trong làng, có chút năng khiếu đã hồ hởi tham gia. Lúc đó truyền dạy trực tiếp có cụ Đỗ Đình Đãi, Đỗ Duy Khuyên, Đào Bá Sáng, Đỗ Duy Tuần...".
Không chỉ dạy múa, dạy hát, cụ Đỗ Duy Khuyên còn truyền dạy đánh trống cho một số người. Đến nay, trong số 14 nghệ nhân, chỉ có Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Đỗ Đình Tạ và NNƯT Bùi Văn Hùng là biết đánh trống trọn vẹn cả 5 điệu múa.
NNND Đỗ Đình Tạ năm nay đã 89 tuổi, có hơn 30 năm gắn bó với Xuân Phả. Múa đẹp, hát hay đánh trống giỏi, tiếng trống của ông vang lên đã thổi thêm vào sức sống của Xuân Phả, khiến người khác xem một lần là mê trò diễn này.
Nhớ lại những năm tháng đầu tiên tham gia đội trò, NNND Đỗ Đình Tạ bồi hồi: "Năm 1990 là mốc thời gian đáng nhớ. Vì trước đó, rất nhiều lần đã khôi phục trò nhưng không thành công. Trong năm này, đội văn nghệ của xã Xuân Trường cũng chuyển thành đội trò. Tôi cũng từ đội văn nghệ chuyển sang. Thời điểm đấy, tôi chưa thạo trò. Về sau được các nghệ nhân cao tuổi truyền dạy, tôi mới thuần thục múa và đánh trống". Cùng với sự thăng hoa của trò Xuân Phả, tiếng trống của ông đã làm đẹp hơn điệu múa, là cảm hứng để những nghệ nhân biểu diễn khác say nghề, mê nghề hơn.
Dành cả cuộc đời với từng trò diễn, NNƯT Bùi Văn Hùng ngoài công việc Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường, chỗ nào đội trò Xuân Phả đi biểu diễn cũng có ông. Bởi ông được xem là người còn nắm giữ đầy đủ nhất những kiến thức về trò Xuân Phả qua từng nhịp trống, điệu múa. Nhờ việc ghi chép tỉ mỉ những lời truyền dạy của các cụ nghệ nhân xưa, cộng thêm những tư liệu, hình ảnh và kinh nghiệm của chính bản thân, đến nay NNƯT Bùi Văn Hùng đã có tập tư liệu mô tả chi tiết toàn bộ 5 điệu múa. Trong cuốn tư liệu ấy, không chỉ miêu tả bằng lời các câu hát, động tác, mà còn minh họa các tư thế múa bằng hình vẽ để đảm bảo những người dân ít học nhất khi xem cuốn sách cũng có thể hiểu và múa được theo các động tác. Ngoài ra, ông đã thuê thợ làm các con trò bằng gỗ. Đến nay ông đã làm được hơn 30 con trò trong tổng số 50 con trò ông đã phác thảo và có kế hoạch xây dựng tủ trưng bày.
Vui vì những gì mình tâm huyết, mong mỏi đang dần trở thành hiện thực bao nhiêu thì NNƯT Bùi Văn Hùng lại trăn trở âu lo vì thiếu vắng người biết đánh trống trò bấy nhiêu. “Hàng năm, UBND xã Xuân Trường, UBND huyện Thọ Xuân đều xây dựng kế hoạch, chương trình bảo tồn, phát huy trò Xuân Phả theo cả chiều rộng và chiều sâu. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là ở Xuân Trường không thiếu người múa, chỉ thiếu người đánh trống. Trong khi, không có người đánh trống thì không thể múa được trò.
Ở tuổi 89, NNND Đỗ Đình Tạ không còn chắc tay trống, nhanh mỏi, nhanh mệt nhưng các chương trình biểu diễn ở trong tỉnh ông đều cố gắng tham gia vì “tôi biết, nếu tôi không đi thì anh Hùng (NNƯT Bùi Văn Hùng), vừa chỉ đạo, vừa phải lo đánh trống, có khi thiếu diễn viên lại phải lao vào múa trò".
“Đánh trống không hề đơn giản. Nếu giả sử có nhờ các anh đánh trống ở các đơn vị nghệ thuật trong tỉnh về biểu diễn, tuy rất giỏi về tiết tấu, nhưng họ lại không thuộc trò, nhìn và “lựa” diễn viên biểu diễn để đánh trống. Dù hiện nay trong địa bàn xã đã tìm thấy một vài học sinh có năng khiếu, có tai nghe tốt về tiết tấu nhưng thuyết phục chúng học đánh trống là “khó như lên trời”. 20 người trong đội nền (hay còn gọi là đội nòng cốt), hầu hết đều phải lo cơm áo hằng ngày. Sáng đang còn đi biểu diễn, chiều vội vàng thuê máy gặt mấy mẫu ruộng, cân bán lúa tươi. Chấp nhận bỏ nguồn thu nhập mỗi ngày từ 800 nghìn đến hơn 1 triệu đồng, họ sẵn sàng nhận mức thù lao 200.000 - 250.000 để được diễn trò Xuân Phả.
Từ năm 2017 đến nay, huyện Thọ Xuân mỗi năm dành 200 triệu để hỗ trợ công tác bảo tồn và giữ gìn trò Xuân Phả. Trong khi mọi thứ từ trang phục, đạo cụ, diễn viên múa luôn đảm bảo thì tiếng trống Xuân Phả lại mờ dần về thanh âm. Sự lo lắng ấy không chỉ riêng NNND Đỗ Đình Tạ, NNƯT Bùi Văn Hùng mà còn là nỗi niềm của một Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
KIỀU HUYỀN
- 2024-08-24 10:27:00
Dấu xưa kinh thành Vạn Lại - Yên Trường
- 2024-08-24 10:26:00
Chàng Mo Ậu
- 2023-12-20 09:38:00
Trường Sa kì vĩ
Bên những bóng cây nghìn tuổi
Chuyện trên trời
Đền Bát Hải Long Vương trên miền di tích, danh thắng Bỉm Sơn
“Việc học không bao giờ cùng”
Những người “lái đò” trên “dòng sông tri thức”
Phát triển Trường Đại học Hồng Đức từng bước trở thành trường đại học tự chủ, hệ thống quản trị hiện đại, thông minh và chuyên nghiệp, trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo của tỉnh, khu vực và cả nước...
Cải cách hành chính, thúc đẩy thu hút đầu tư
Về Xuân Sinh nghe chuyện các vị vua thời Lê Trung hưng
Núi Ốc Sơn vang vọng tiếng chuông chùa Long Cảm