Bên những bóng cây nghìn tuổi
Nghĩ về những bóng cây nghìn tuổi tôi cảm giác đó là sự hóa thân của những người lính trấn ải lưu đồn thuở xưa, trải dài qua các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần..., bao nhiêu người lính đã ngã xuống ở dải đất biên cương này, bao nhiêu lớp người đã tiếp nối để đến hôm nay là các chiến sĩ biên phòng của Quân đội Nhân dân Việt Nam kế thừa tiếp bước.
Đại úy Vi Văn Chon bên cột mốc.
Vùng lõi linh thiêng với các cụ cây nghìn tuổi
Thường Xuân tiếp giáp với Nghệ An và nước bạn Lào. Nơi đây có hai cây di sản quý trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Lên Bát Mọt lần này, chúng tôi đã cố gắng mục sở thị những cụ cây nghìn tuổi. Để có thể vào rừng chúng tôi liên hệ với Trạm kiểm lâm bản Vịn đóng tại Bát Mọt và được cán bộ kiểm lâm ở đây dẫn đi.
Sau khoảng 3 tiếng luồn rừng, hiện ra trước mắt tôi là cây di sản thứ nhất, đó là cây Pơ mu có tuổi đời khoảng hơn 1.000 năm. Tôi đứng lặng trước lớp vỏ xù xì nứt nẻ với những mảng rêu bắt nắng lấp lóa trên thân Pơ mu sừng sững như một bức tường thành. Dang tay ôm, thân Pơ mu có chu vi ước cỡ bốn năm lượt sải tay của tôi, Hà Văn Quý trong màu áo vàng chanh của lực lượng bảo vệ rừng nói rằng, cây có chiều cao khoảng 70m và đường kính gần 4m. Đây là một trong hai cây di sản của rừng Xuân Liên được đăng ký năm 2013. Sau khi mời các nhà khoa học Nhật Bản xác định tuổi, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận cây di sản. Đến nay đã tròn 10 năm.
Suốt quãng đường chừng 1,5 km từ cây Pơ mu 1.000 tuổi sang cây Sa mu 1.500 tuổi chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước hàng loạt những “cụ cây” mà “cụ” nào cũng xứng đáng được tôn vinh. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đứng trước vị “thần rừng” số một đứng cheo leo bên sườn dốc. Cây Sa mu cao niên nhất của rừng Xuân Liên có chu vi ước tính gần 5m và chiều cao 68m với tán vừa phải cùng những chùm lá cứng cỏi như thiết giáp. Một chùm lá còn xanh không hiểu vì lí do gì rụng xuống gốc, tôi nhặt lên ngắm nghía, mùi thơm lan tỏa như dẫn dụ chúng tôi vào thế giới cổ tích. Vị trí vị “thần rừng” ngự có độ cao 1.400m so với mực nước biển. Đưa mắt nhìn dọc tấm thân rêu xanh của “thần rừng” nâng tầm mắt lên cao tôi gặp những tán xanh trên vời vợi, uy nghi trấn giữ biên thùy.
Các nhà khoa học Nhật Bản bằng phương pháp khoan carbon đã xác định tuổi của cây Sa mu lớn nhất ở rừng Xuân Liên là 1.500 năm. Trong khoảng thời gian mênh mang đó, biết bao phen nguy biến sơn hà, mất nước rồi độc lập, biết bao giao tranh vệ quốc và mở mang bờ cõi... Thế mà cây Sa mu này vẫn đứng đó, như những người lính ngàn đời trấn ải lưu đồn, như tấm khiên chắn nơi biên thùy, ưỡn ngực che chắn cho Tổ quốc. Sự thiêng liêng, ý thức nguồn cội có thể nghiêm cẩn nhìn vào một cái cây mà cảm nghiệm. Khoảng cách cả nghìn năm đằng đẵng bỗng chốc hiện ra trước mắt tôi bằng một kết nối rõ rệt hình hài. Cuốn sử sống sừng sững ấy chẳng tóc bạc da mồi, lá vẫn xanh như hơn một nghìn năm trước, lớp vỏ dày chồng rêu như cự tuyệt thời gian.
Và những người lính biên phòng Bát Mọt
Bát Mọt, cái tên xa ngái một phần là sức hút để kéo tôi đến với vùng biên này. Địa danh ấy vẫn được giải nghĩa theo hướng diễn giải thông tục, ấy là thuở xưa những người dân nơi đây cưa những khúc nứa già đoạn gần mấu rồi đẽo làm bát ăn cơm, ăn mãi đến khi bát mọt mới thay bát khác, cùng với cái đói cái nghèo, cái ăn thiếu thốn đến bát ăn cơm còn để mọt, người ta gọi tên vùng đất này theo nghĩa ấy. Cách giải nghĩa thật thà theo kiểu chẻ chữ pha chút bi hài này không được thuyết phục cho lắm, nhưng cũng chưa có một cách giải nghĩa nào hay và có ý nghĩa hơn, ngay cả các cụ cao niên như ông Lang Văn Huyến ở bản Khẹo khi chúng tôi hỏi cũng bảo, chỉ nghe ông bà truyền lại và gọi theo như thế. Trước sự ngờ vực của chúng tôi, Thiếu tá Vũ Văn Sỹ - Chính trị viên phó của Đồn Biên phòng Bát Mọt nói rằng, anh có nghe một cách giải thích khác theo hướng Bát Mọt là biến âm của Bất Mọt, có nghĩa là vùng đất để yêu thương, nhưng cũng vẫn chờ một xác tín về điều này bởi hiện tại địa phương mới đang tổ chức biên soạn lịch sử đảng bộ xã và cũng đang đi tìm nguồn gốc tên xã để đưa vào tài liệu chính thống.
Chúng tôi xin phép Đồn trưởng Lê Đình Quý được ra các cột mốc trên biên giới Việt - Lào. Ngoài cột mốc 353 bên cửa khẩu Khẹo chúng tôi đề nghị được đến cột mốc 355. Dẫn đường lần này là Đại úy Vi Văn Chon. Chiếc xe bán tải của đồn chở chúng tôi đến điểm bắt đầu phải leo bộ thì thả xuống. Đại úy Chon chặt cho mỗi người một cây gậy và chúng tôi theo chân Chon trên lối mòn. Thường thì lên mốc phải leo núi, lên trước xuống sau, nhưng đây lại theo chiều ngược lại, lượt đi là tụt dốc, lượt về mới leo lên. Là bởi mốc 355 nằm bên một con suối. Mà suối thì có ở đỉnh cao bao giờ... Đường xuống mốc độ dốc khá cao nhưng vẫn là đi luồn rừng chứ không phải lộ thiên. Rừng ở đây nhiều cây cổ thụ lâu năm, tuy không thể so với những cụ cây nghìn tuổi trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Lạ là dù dốc đến mấy thì cây vẫn có cách mọc và trụ lại để vươn cao thi gan cùng năm tháng. Tuổi của chúng nhiều hơn tuổi chúng tôi và nhiều hơn tất cả những đời người sống lâu năm nhất. Chúng tôi lọt thỏm giữa những gốc cây xù xì rêu mốc. Đi chừng nửa tiếng thì nghe tiếng suối róc rách, tôi biết là sắp tới. Chúng tôi tiếp cận lòng suối, lội dọc đoạn đường đá cuội to nhỏ lổn nhổn một lúc, mốc 355 đã hiện ra uy nghi trước mắt tôi, trên nền rừng hoang dã và lẫm liệt. Đã đi nhiều mốc giới quốc gia ở cả miền núi phía Bắc, miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long nhưng tôi vẫn không khỏi xúc động mỗi lần chạm một cột mốc mới. Có thể nói 355 là một trong những cột mốc đẹp nhất mà tôi từng đến. Mốc nằm bên suối, trên nền của những tán rừng già. Một vài cây cổ thụ ven suối bị chết khô trơ cành. Đại úy Vi Văn Chon bảo rằng, đó là những cây ổi nước, loài cây này chỉ mọc ven các bờ suối chứ không mọc trên cao, dù đặc tính sinh trưởng ở nơi ẩm, bên bờ suối nhưng chúng lại không chịu được ngập. Hậu quả của trận lũ năm 2017 khiến nước suối dâng cao, không những làm vùi lấp cột mốc mà còn làm cho những cây ổi bị dầm trong nước mà chết. Trên ngọn một cây khô lắt lẻo ngang trời là một giò phong lan lơ lửng như một thách thức ngạo nghễ. Đại úy Chon bảo, sau này một số mốc ven suối đã được làm mới, tôn nền móng lên cao đến mấy mét, đảm bảo lũ lụt không nhấn chìm hoặc vùi lấp.
Đứng ở nơi giáp ranh giữa hai nước, bên cột mốc được giữ gìn sạch sẽ tôn nghiêm không khỏi bồi hồi nghĩ về hai tiếng Tổ quốc.
Nơi góc trời bản Đục
Trong 8 bản của xã Bát Mọt (Thường Xuân) thì bản Đục là xa nhất. Nơi đây có một tổ công tác của Đồn Biên phòng Bát Mọt đứng chân. Từ đồn vào bản Đục phải vượt qua quãng đường hai chục cây số.
Cây Sa mu 1.500 năm tuổi. Ảnh: P.V
Trong căn nhà sàn của ông Lang Văn Chuẩn, Thiếu tá Vũ Văn Sỹ giới thiệu với chúng tôi Tổ trưởng Tổ công tác biên phòng tại bản Đục - Thiếu tá Vũ Xuân Vuông và người chủ nhà, cũng là một người đã nhiều năm bảo vệ cột mốc. Ông Lang Văn Chuẩn sinh năm 1964. Ông Chuẩn là người tích cực tham giao bảo vệ đường biên cột mốc. Suốt mấy chục năm, ông như “cánh tay nối dài” của các chiến sĩ biên phòng. Các cột mốc 356, 357, 358 ông và gia đình đã tham gia bảo vệ từ nhiều năm nay. Khu vực bản Đục có cột mốc 358, là cột phân giới với Nghệ An, bên kia là đất Lào, khu vực giáp ranh nên các loại tội phạm thường hay lợi dụng. Bố của ông Chuẩn là ông Lang Thanh Lợi, sinh năm 1944, là một trong những đảng viên đầu tiên của xã Bát Mọt, ông Lợi đã được nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, là người có nhiều đóng góp xây dựng quê hương, góp phần bảo vệ khu vực biên giới. Bản Đục có 100% là người Thái. Bộ đội và Nhân dân ở đây là một, nhất cử nhất động quân và dân đều đồng lòng nhất trí. Suốt chiều dài lịch sử mấy chục năm của vùng đất này không khi nào vắng bóng các chiến sĩ biên phòng. Thế hệ này tiếp nối thế hệ kia, cả bộ đội và Nhân dân, đến giờ là thế hệ những người như Thiếu tá Vũ Xuân Vuông và ông Lang Văn Chuẩn.
Có được sự bình yên đó là nhờ sự hiện diện của những người lính biên phòng. Các anh đã không ngại khó khăn gian khổ và cả hiểm nguy, với mục đích tối thượng là đem lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân, giữ gìn an ninh, an toàn khu vực biên giới. Thiếu tá Vũ Xuân Vuông, Tổ trưởng Tổ công tác biên phòng tại bản Đục được coi như người con của bản. Tính ra anh đã gắn bó với bản Đục tròn hai mươi năm. Ít ai biết anh là một thương binh. Năm 2019, khi tham gia một chuyên án triệt phá đường dây vận chuyển ma túy qua biên giới tại khu vực cột mốc 358 trên chính bản Đục này, Vuông bị một viên đạn xuyên qua mắt cá chân bên phải, nằm điều trị tại Bệnh viện 108 14 ngày rồi lại về Sầm Sơn tập phục hồi chức năng. Sau khi ra viện anh tiếp tục về đồn công tác, tiếp tục về với bản Đục, về với bà con vùng biên nơi góc trời biên giới. Khi bị thương Vũ Xuân Vuông phải đóng 6 chiếc đinh trong chân, cứ sáu tháng khám lại một lần, hiện vẫn còn 3 chiếc đinh chưa tháo. Anh được đánh giá thương tật mất 32% sức khỏe, là thương binh hạng 4/4. Từ ngày đóng đinh, hai chân Vuông không đều nhau, chạy bộ tầm 10 phút là đau. Trước Vuông có thể chơi thể thao, bóng chuyền hay vận động mạnh, nhưng từ ngày bị thương anh không dám chơi các môn như vậy nữa, chỉ tập nhẹ nhàng.
Thiếu tá Vũ Xuân Vuông tâm sự rằng, đã là người lính không thể trước gian khó nguy nan mà lùi bước, anh tiếp tục quay về gắn bó với bà con bản Đục vì anh muốn bà con hiểu một điều, dù vùng biên này còn những khó khăn và diễn biến phức tạp thì Nhân dân vẫn luôn có những người lính biên phòng ở bên. Vùng biên xứ Thanh hôm nay nhờ những người như Thiếu tá Vũ Xuân Vuông và ông Lang Văn Chuẩn mà dọc dài biên cương luôn được bảo vệ vững chắc.
*
Dưới bóng đại ngàn trong chiều cuối năm, trời vẫn xanh như thuở nào. Không hiểu từ thuở hồng hoang, khi đất trời đang vần vũ phôi thai, khi sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường trên xứ Thanh này mới hình thành mô tả sự ra đời của trời và đất, của loài người để hình thành nên thế gian thì những cây Pơ mu, Sa mu kia đã đứng ở Bát Mọt hay chưa? Nghĩ về những bóng cây nghìn tuổi tôi cảm giác đó là sự hóa thân của những người lính trấn ải lưu đồn thuở xưa, trải dài qua các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần..., bao nhiêu người lính đã ngã xuống ở dải đất biên cương này, bao nhiêu lớp người đã tiếp nối để đến hôm nay là các chiến sĩ biên phòng của Quân đội Nhân dân Việt Nam kế thừa tiếp bước.
Nhà văn NGUYỄN XUÂN THỦY (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-21 12:16:00
Xây dựng những tuyến đường mở hướng tương lai
-
2024-11-21 12:11:00
Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Thái
-
2023-12-20 05:59:00
Chuyện trên trời
Đền Bát Hải Long Vương trên miền di tích, danh thắng Bỉm Sơn
“Việc học không bao giờ cùng”
Những người “lái đò” trên “dòng sông tri thức”
Phát triển Trường Đại học Hồng Đức từng bước trở thành trường đại học tự chủ, hệ thống quản trị hiện đại, thông minh và chuyên nghiệp, trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo của tỉnh, khu vực và cả nước...
Cải cách hành chính, thúc đẩy thu hút đầu tư
Về Xuân Sinh nghe chuyện các vị vua thời Lê Trung hưng
Núi Ốc Sơn vang vọng tiếng chuông chùa Long Cảm
Hồi ức của một nhà giáo Mỹ - kinh nghiệm giáo dục đáng học hỏi và suy ngẫm
Trên những vùng quê hiếu học xứ Thanh