(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, nhiều cơ sở đã đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng các kỹ thuật cao và cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, góp phần đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) ngày càng cao của nhân dân, giảm tải cho các cơ sở KCB công lập. Tuy nhiên, mạng lưới các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân cũng bộc lộ nhiều bất cập trong công tác quản lý.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quản lý hành nghề y, dược tư nhân – những vấn đề đặt ra

Thời gian qua, hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, nhiều cơ sở đã đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng các kỹ thuật cao và cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, góp phần đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) ngày càng cao của nhân dân, giảm tải cho các cơ sở KCB công lập. Tuy nhiên, mạng lưới các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân cũng bộc lộ nhiều bất cập trong công tác quản lý.

Quản lý hành nghề y, dược tư nhân – những vấn đề đặt ra

Huyện Quảng Xương tăng cường kiểm tra cơ sở hành nghề y dược tư nhân.

Kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm tuyến huyện, xã chưa hiệu quả

Theo thống kê của ngành y tế, hiện trên địa bàn tỉnh có 4.210 cơ sở hành nghề y - dược tư nhân, trong đó có 1.272 cơ sở hành nghề y, 2.938 cơ sở hành nghề dược ngoài công lập (không tính tủ thuốc trạm y tế xã), trong đó có 16 bệnh viện tư nhân; 59 phòng khám đa khoa, 674 phòng khám chuyên khoa; 19 phòng khám chẩn đoán hình ảnh; 3 phòng xét nghiệm; 76 cơ sở dịch vụ y tế, 443 phòng chẩn trị y học cổ truyền và bài thuốc gia truyền; 98 cơ sở bán buôn thuốc; 396 nhà thuốc; 2.359 quầy thuốc; 84 cơ sở kinh doanh thuốc y học cổ truyền. Để đưa hoạt động hành nghề y, dược tư nhân đi vào nền nếp, hàng năm, ngành y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác quản lý hoạt động hành nghề y dược tư nhân; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành tổ chức kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất về việc thực hiện các quy định của các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân; đồng thời chỉ đạo phòng y tế các địa phương phối hợp với các phòng chức năng của Sở Y tế tiến hành kiểm tra các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn, nhắc nhở nhiều trường hợp vi phạm.

Trong năm 2019, Sở Y tế đã tiến hành 65 lần kiểm tra, đánh giá đáp ứng, duy trì đáp ứng thực hành tốt (GPs) với 629 cơ sở bán lẻ thuốc và 28 cơ sở bán buôn thuốc; tổ chức 10 cuộc thanh tra, kiểm tra 76 cơ sở, xử phạt 17 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 400 triệu đồng; đình chỉ hoạt động 8 cơ sở. Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra 1.425 cơ sở, xử phạt 264 cơ sở vi phạm với số tiền 344 triệu đồng.

Mặc dù công tác kiểm tra, giám sát hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn đã được tăng cường, song thực tế vẫn chưa được thường xuyên, liên tục. Bởi lẽ, mạng lưới cơ sở hành nghề y, dược tư nhân ngày càng mở rộng, trong khi đó lực lượng chức năng còn mỏng nên ảnh hưởng đến công tác kiểm tra. Trong khi đó chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, xử lý chưa kiên quyết nên khó có thể kiểm soát hết được. Đặc biệt, việc thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của các ban, ngành tại các huyện, thị xã, thành phố chưa hiệu quả, vẫn mang tính hình thức, chưa triệt để, vẫn còn tình trạng cơ sở hành nghề không phép ngang nhiên hoạt động ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh (chủ yếu là loại hình KCB răng hàm mặt, y học cổ truyền, các cơ sở bán thuốc nhỏ lẻ), trong khi công tác thanh tra hiện nay ở tuyến huyện, xã còn yếu kém, tỷ lệ thanh tra thấp, ít vụ vi phạm bị phát hiện, mặt khác việc thanh tra tốn nhiều thời gian và công sức do các cơ sở luôn tìm cách đối phó.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Sầm Sơn cho biết: Những năm gần đây, hệ thống các cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn TP Sầm Sơn có sự phát triển mạnh với khoảng 100 cơ sở, với nhiều dịch vụ đa dạng, phong phú, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật thì còn khoảng 20% số cơ sở dù không có giấy phép hành nghề nhưng vẫn ngang nhiên hành nghề, không tuân thủ theo quy định của pháp luật, nhiều cơ sở lợi dụng núp bóng hoạt động hành nghề chưa phù hợp với chuyên môn... Nguyên nhân là do công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này cũng còn nhiều khó khăn, bất cập, nguồn nhân lực làm công tác này còn thiếu; một số cơ sở chưa hợp tác với cơ quan quản lý; hoạt động kiểm tra liên ngành đạt hiệu quả chưa cao, còn lỏng lẻo, chưa sâu sát, chưa mạnh dạn xử lý các cơ sở vi phạm, còn nể nang, tình cảm.

Còn bà Khương Thị Tịnh, Trưởng Phòng Y tế huyện Thọ Xuân, chia sẻ: trên địa bàn huyện có 220 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập. Huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý Nhà nước về hành nghề y dược tư nhân; tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức cho các chủ cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn huyện; kiểm tra công tác quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực y tế tại một số địa phương. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở hoạt động hành nghề có quy mô nhỏ, do đó công tác quản lý cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Các đoàn kiểm tra của huyện tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động tại 18 cơ sở thì có 16 cơ sở vi phạm bị xử phạt với số tiền 87.500.000 đồng. Các vi phạm chủ yếu là không công khai tên người hành nghề, thời gian làm việc, niêm yết giá dịch vụ y tế, giá thuốc; hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn; không mở sổ ghi chép đầy đủ; không bảo đảm trang phục y tế trong quá trình hoạt động; sắp xếp thuốc chưa khoa học, hợp lý...

Còn nhiều “lỗ hổng” cần phải lấp

Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm cơ sở hành nghề y, dược tư nhân hoạt động không phép. Chế tài xử phạt thấp, lực lượng thanh tra chuyên ngành còn mỏng, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý y tế và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ... là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng các cơ sở y, dược tư nhân hoạt động không phép như hiện nay.

Từ thực tế cho thấy, hoạt động hành nghề y, dược tư nhân tại Thanh Hóa hiện đang phát triển nhanh về số lượng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt ưu việt, sự tăng trưởng nhanh về số lượng đã gây ra không ít khó khăn nhất định cho cơ quan chức năng về mặt quản lý Nhà nước. Theo nhiều chuyên gia y tế, nguyên nhân dẫn đến các cơ sở hành nghề y dược tư nhân xảy ra nhiều sai phạm là do người hành nghề y dược mục đích tương tự kinh doanh, vì lợi nhuận và nhiều lý do khác nhau, dù biết bị cấm nhưng vẫn vi phạm. Bên cạnh đấy các chế tài xử phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe nên nhiều phòng khám sẵn sàng nộp phạt, sau đó tiếp tục lén lút hoạt động trở lại. Ngoài ra, lực lượng thanh tra chuyên ngành còn mỏng, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý y tế và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ đã tạo kẽ hở cho các cơ sở tư nhân hoạt động không phép.

Dược sĩ chuyên khoa II Bùi Hồng Thủy, Trưởng Phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân, Sở Y tế cho biết: Bên cạnh những cơ sở có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân thì vẫn còn tồn tại nhiều cơ sở hành nghề vi phạm pháp luật. Loại bỏ được tình trạng vi phạm trong hoạt động hành nghề y dược tư nhân đang là vấn đề nan giải, không thể giải quyết ngày một ngày hai vì địa bàn Thanh Hóa rộng, các cơ sở hành nghề phủ khắp 27 huyện, thị, thành phố, lực lượng của ngành y tế ít, trong khi đó vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương chưa rõ nét, hệ thống chính quyền địa phương cũng chưa đồng lòng vào cuộc. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện dấu hiệu vi phạm của các cơ sở hành nghề để từ đó xây dựng nội dung kiểm tra, hướng xử lý, tham mưu với tỉnh thành lập đoàn kiểm tra xử lý các cơ sở vi phạm quy định của pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật, các chính sách của Nhà nước và của tỉnh cho các tổ chức, cá nhân hành nghề trên địa bàn toàn tỉnh; nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, của người dân trong giám sát công tác KCB, hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân. Bên cạnh đó, tiến hành kiện toàn, nâng cao năng lực, chất lượng thanh, kiểm tra và kiên quyết thực thi chế tài xử lý vi phạm, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm nhằm bảo đảm trật tự, kỷ cương trong KCB, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của cơ sở y tế, người hành nghề y, dược và người dân. Thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập có vi phạm pháp luật về y tế, tính chất, mức độ vi phạm, hình thức xử phạt để nhân dân biết nhằm tăng tính răn đe và phòng ngừa tái phạm. Xây dựng cơ sở dữ liệu, cập nhật thông tin và thực hiện công bố, đăng tải các thông tin, dữ liệu có liên quan đến hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập theo quy định hiện hành lên cổng thông tin điện tử của Sở Y tế. Thường xuyên trao đổi thông tin giữa Sở Y tế và UBND cấp huyện và các sở, ngành có liên quan nhằm nắm bắt kịp thời, phối hợp ngăn chặn, xử lý các vi phạm, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của cơ sở.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]