Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và 9 tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ
Sáng 2/10, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị sơ kết thực hiện Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ giai đoạn 2023-2024 và Kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn 2024-2025.
Toàn cảnh hội nghị.
Hội nghị do UBND TP Hồ Chí Minh và 9 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Nam, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức.
Dự hội nghị có đồng chí Trần Thị Diệu Thuý, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; các đồng chí lãnh đạo UBND, các sở, ngành, doanh nghiệp (DN) 9 tỉnh.
Ngày 25/3, tại TP Vinh (Nghệ An), TP Hồ Chí Minh và 9 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã ký kết biên bản thoả thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 trên các lĩnh vực: đầu tư; du lịch, văn hóa; nông nghiệp; công thương; khoa học và công nghệ; thông tin và truyền thông; chuyển đổi số; giáo dục, đào tạo và y tế. Mục tiêu hợp tác nhằm chuyển hoá tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, đóng góp vào sự phát triển của mỗi bên và khu vực; tạo cầu nối để DN hai bên liên kết, hợp tác với nhau; thúc đẩy hợp tác công - tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung của các bên; trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính, quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển DN, nâng cao đời sống của người dân. |
Những kết quả thiết thực, toàn diện
Trong giai đoạn 2023-2024, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ đã quan tâm chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư triển khai thực hiện các nội dung theo thỏa thuận hợp tác nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thắt chặt mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa các địa phương.
Đồng chí Trần Thị Diệu Thuý, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu chào mừng hội nghị.
Các sở, ngành của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh được giao nhiệm vụ chủ trì triển khai các nội dung hợp tác song phương đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan của các địa phương để triển khai kế hoạch phối hợp, tập trung trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch, văn hoá - xã hội và thể thao, nông nghiệp, khoa học và công nghệ, y tế.
Các đại biểu dự hội nghị.
Trong các năm 2023-2024, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đã thực hiện các hoạt động cụ thể, như: Hội chợ Du lịch Quốc tế TP Hồ Chí Minh lần thứ 17 với chủ đề “Liên kết, phát triển, bền vững”; Chương trình “Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2023” với sự tham gia của hơn 20 tỉnh, thành phố, trong đó có các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; Hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành, với 5/9 tỉnh thuộc các địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ tham gia.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Có 33 nội dung phối hợp song phương giữa TP Hồ Chí Minh với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ; trong đó, 26/33 nội dung phối hợp đã thực hiện, 7 sự kiện còn lại sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2024, 2025.
Các sở, ngành TP Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thường xuyên nhằm nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ DN cập nhật thông tin thị trường, phát triển thương hiệu; tổ chức Tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng vùng miền năm 2023.
Các bệnh viện Bộ, ngành đóng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của Thành phố được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là bệnh viện tuyến cuối đã triển khai các hoạt động hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các cơ sở y tế các địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ...
Với Thanh Hoá, trong các năm 2023-2024, hợp tác TP Hồ Chí Minh và Thanh Hoá tiếp tục được xúc tiến. Việc phối hợp sàn thương mại điện tử và triển khai các chương trình ưu đãi, phương thức truyền thông và quảng bá sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền,... đã đưa nhiều sản phẩm của tỉnh Thanh Hoá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh, đồng thời thúc đẩy sản xuất của các DN Thanh Hoá.
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của DN Thanh Hoá.
Trong năm 2023, thực hiện Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 10/08/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh đã giới thiệu, kêu gọi 92 dự án thuộc 6 lĩnh vực ưu tiên của Thanh Hoá tới các nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, hội nghị liên kết phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ tại TP Hồ Chí Minh đã đem lại kết quả thực tiễn khi các bên làm việc, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý di sản văn hóa.
Nâng cao hiệu quả hợp tác song phương - đa phương
Giai đoạn 2024-2025, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ định hướng tiếp tục thực hiện, mở rộng hợp tác với nhiều hoạt động song phương và đa phương.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại hội nghị.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ thống nhất sẽ tiếp tục triển khai 7/11 sự kiện cấp vùng trong năm 2024; 13 sự kiện cấp vùng trong năm 2025; 111 nội dung hoạt động hợp tác song phương trong năm 2024, 2025. Các bên cũng sẽ phối hợp triển khai các sàn thương mại điện tử với các chương trình ưu đãi, phương thức truyền thông và quảng bá sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm.
Với Thanh Hoá, hợp tác 2 bên tiếp tục được nghiên cứu, với hoạch định thu hút đầu tư vào 4 trung tâm kinh tế động lực, 3/5 trụ cột tăng trưởng của tỉnh Thanh Hoá, đồng thời là thế mạnh của TP Hồ Chí Minh như công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; 6 hành lang phát triển kinh tế; tổ chức những ngày văn hóa Thanh Hóa tại TP Hồ Chí Minh; chia sẻ kinh nghiệm thực hiện số hóa, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý thông tin người có công với cách mạng; phối hợp, hợp tác, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình di chuyển, tiếp nhận hồ sơ người có công và thân nhân người có công...
Các đại biểu tìm hiểu về Khu Kinh tế Nghi Sơn, các danh lam thắng cảnh, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Thanh Hoá.
Lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ đã thảo luận về các kế hoạch cụ thể nhằm hiện thực hoá các định hướng hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ giai đoạn 2024-2025.
Đặc biệt, lãnh đạo UBND các tỉnh đã phân tích các điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù, những dư địa tiếp tục khai thác, đầu tư, hợp tác trên các lĩnh vực: hợp tác công tư trong lĩnh vực giao thông, phát triển công nghiệp, du lịch, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực chất lượng cao, y tế, việc làm, an sinh xã hội...
Tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Nghĩa, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá cho biết, thời gian qua đã có 15 dự án với tổng vốn đầu tư trên 29.000 tỉ đồng của các nhà đầu tư đến từ TP Hồ Chí Minh đầu tư vào tỉnh Thanh Hoá. Một số dự án quy mô lớn đã và đang được triển khai thực hiện, đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa phát biểu tại hội nghị.
Nhằm nâng tầm quan hệ hợp tác TP Hồ Chí Minh và các tỉnh nói chung, Thanh Hoá - TP Hồ Chí Minh nói riêng trong thời gian tới, đồng chí đề xuất TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ; trong đó tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của TP Hồ Chí Minh, như: công nghệ thông tin, kinh tế số, dịch vụ, xây dựng hệ thống logistics cho các địa phương.
Đồng chí cũng đề xuất lãnh đạo TP Hồ Chí Minh nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN tham gia đầu tư tại các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, tạo động lực đồng hành của chính quyền đối với DN trong hợp tác song phương và đa phương với các tỉnh. Nghiên cứu, tổ chức các hội nghị xúc tiến chuyên đề, đẩy mạnh quảng bá, thu hút DN TP Hồ Chí Minh đầu tư vào các Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá; phối hợp tổ chức các diễn đàn xúc tiến đầu tư chung; trong đó giới thiệu tiềm năng của Thanh Hóa đến các DN lớn của TP Hồ Chí Minh và ngược lại; tạo môi trường thuận lợi cho các DN khởi nghiệp từ Thanh Hóa tham gia vào các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, kết nối, khuyến khích các DN hai địa phương ký kết các hợp đồng hợp tác dài hạn.
Bên cạnh đó, hai bên xây dựng các chiến dịch quảng bá du lịch chung giữa hai địa phương, tập trung vào các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội để thu hút du khách trong và ngoài nước; thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp, cách làm, mô hình trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế; thúc đẩy thực hiện các chương trình hợp tác, trao đổi y, bác sỹ giữa bệnh viện của hai địa phương.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh tặng quà lưu niệm cho đại diện các tỉnh.
TP Hồ Chí Minh cam kết tiếp tục đồng hành cùng các địa phương phía Bắc và các tỉnh Bắc Trung Bộ trong việc giới thiệu các nhà đầu tư có tiềm năng hợp tác phát triển, đầu tư trên các lĩnh vực phù hợp với các địa phương. Đặc biệt tới đây, TP Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ một số chương trình, dự án hỗ trợ cải tạo, phục hồi cơ sở hạ tầng và sinh kế đối với các địa phương phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai vừa qua.
Minh Hằng
{name} - {time}
-
2025-01-16 08:57:00
Bộ Công an kiểm tra đột xuất địa phương về phòng chống ma túy
-
2025-01-16 08:40:00
Hậu Lộc: Tiếp nhận gần 8 tỷ đồng cuộc vận động xây dựng nhà ở cho hộ nghèo (đợt 1)
-
2024-10-02 10:26:00
Như Xuân trao thêm 1 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 2/10/2024
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Ireland
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng 2/10
Mời bạn đọc báo Thanh Hóa số ra ngày 2/10/2024
Sự kiện nổi bật trong nước, quốc tế ngày 1/10
Quan Hóa trao thưởng giáo viên, học sinh đạt thành tích cao năm học 2023-2024
[Bản tin 18h] Giảm mức phạt vi phạm nồng độ cồn, áp dụng trừ điểm bằng lái xe
Xử lý nghiêm vi phạm, trả lại hành lang an toàn giao thông tại xã Đồng Lộc
Hội nghị giao ban công tác chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định