(Baothanhhoa.vn) - Sáng 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Xử lý triệt để tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá

Sáng 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Xử lý triệt để tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.

Báo cáo tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 42 điều, khoản của Luật hiện hành; tăng 16 điều, khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới. Do đó, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản là phù hợp với phạm vi sửa đổi.

Về tài sản đấu giá (Điều 4), Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, Luật hiện hành và dự thảo Luật đang quy định theo hướng liệt kê các loại tài sản mà theo pháp luật chuyên ngành quy định phải bán thông qua đấu giá và áp dụng thống nhất trình tự, thủ tục đấu giá cho các loại tài sản này. Bên cạnh đó, pháp luật chuyên ngành cũng quy định tài sản nào, giá trị như thế nào thì bán thông qua đấu giá, tài sản nào, giá trị như thế nào thì không bán thông qua đấu giá, tài sản nào thì đấu giá quyền sử dụng (quyền cho thuê), tài sản nào thì đấu giá quyền sở hữu. Đồng thời, Luật hiện hành và dự thảo Luật đều đã có quy định chung mang tính khái quát đối với tài sản khác mà pháp luật chuyên ngành quy định phải bán thông qua đấu giá để bảo đảm tính bao quát, đầy đủ và dự liệu trước các tài sản có thể phát sinh trong tương lai.

Về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước (Điều 39), Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc nâng mức tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác là không phù hợp vì các tài sản đặc thù thường có giá trị rất lớn. Theo Báo cáo của Cơ quan chủ trì soạn thảo, quá trình triển khai quy định về mức tiền đặt trước từ 5% đến 20% của Luật hiện hành cơ bản phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá. Thông lệ quốc tế đều không có quy định cụ thể về khoản tiền đặt trước tham gia đấu giá, theo đó, các công ty đấu giá tự đưa ra mức tiền đặt trước tùy theo loại tài sản đấu giá và tùy theo hình thức đấu giá.

Như vậy, việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản, nhất là những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng có tiềm năng. Đồng thời, việc xử lý tình trạng người trúng đấu giá “bỏ cọc” phải được xử lý bằng các hình thức khác chứ không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu tăng mức tiền đặt trước khi người tham gia đấu giá tài sản trả giá cao bất thường trong quá trình diễn ra cuộc đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản.

Qua thảo luận, đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với Báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật; cho rằng, Ủy ban Kinh tế đã tích cực tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo, Bộ Tư pháp hoàn thiện dự án Luật.

Liên quan đến thông tin về tài sản và công bố thông tin, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thực tế có thể có một số vướng mắc, bất cập xảy ra. Cụ thể, theo dự thảo Luật, mỗi tài sản phải ghi rõ tên người có tài sản đấu giá, thông tin về tài sản đấu giá. “Tuy nhiên, thông tin tài sản đấu giá về bất động sản thường không đảm bảo tính tường minh, nhiều cơ quan tổ chức đấu giá ghi thông tin tài sản là bất động sản nhưng không ghi tên số nhà, đường phố, mà chỉ ghi lô đất, bản đồ, dẫn đến khó khăn trong theo dõi, quản lý, xác định”, Tổng Thư ký Quốc hội phân tích và đề nghị cần quy định ghi thông tin tài sản theo đường phố để dễ theo dõi.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự án Luật liên quan đến nhiều luật khác, như Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện.... tuy nhiên còn một số nội dung cụ thể chưa tương thích. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo.

Về Cổng đấu giá tài sản quốc gia và vai trò, trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên hoàn thiện khái niệm Cổng đấu giá tài sản quốc gia trong dự thảo Luật, làm rõ yêu cầu quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời, dự thảo Luật cần bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp không chỉ xây dựng, quản lý và hướng dẫn sử dụng Cổng Đấu giá quốc gia, tài sản quốc gia mà cần có quy định để đáp ứng yêu cầu về lưu trữ, bảo mật thông tin.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát bảo đảm tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đáp ứng các yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật, góp phần cải cách thủ tục hành chính nhưng đồng thời phải đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định về tài sản đấu giá, bảo đảm bao quát hết các loại tài sản thực hiện đấu giá, tránh vướng mắc trong thực tiễn, hoàn thiện các quy định về hành vi bị cấm, các chế tài, tiền đặt trước, xử lý tiền đặt trước để khắc phục được thao túng các cuộc đấu giá trục lợi, việc đấu giá lại, đấu giá liên quan đến từ thiện...

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý rà soát các quy định về giá khởi điểm, giám định tài sản để bảo đảm không chồng lấn với các luật chuyên ngành, rà soát các quy định về tiêu chuẩn đấu giá viên, các đối tượng được miễn đào tạo đấu giá, quy định mở rộng quyền của tổ chức hành nghề đấu giá, xem xét khái niệm tổ chức cung cấp dịch vụ đấu giá để bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với thực tế và không tạo ra khoảng trống pháp luật./.

Theo TTXVN


Theo TTXVN

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]