(Baothanhhoa.vn) - Vị thế, vai trò, cảnh quan thiên nhiên của vùng đất Thanh Hóa cũng như cốt cách, bản lĩnh con người xứ Thanh được phản ánh một cách tổng quát nhất qua ghi chép của thư tịch cổ. Trong phần Phong tục tỉnh Thanh Hóa (Thượng) sách Đại Nam nhất thống chí cho biết về người xứ Thanh: “Kẻ sĩ chuộng văn học, trọng khí tiết. Đời nào cũng có anh tài phóng khoáng lỗi lạc, cũng là nhờ tinh túy núi sông hun đúc...”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vị thế Thanh Hóa trong lịch sử và trong tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Vị thế, vai trò, cảnh quan thiên nhiên của vùng đất Thanh Hóa cũng như cốt cách, bản lĩnh con người xứ Thanh được phản ánh một cách tổng quát nhất qua ghi chép của thư tịch cổ. Trong phần Phong tục tỉnh Thanh Hóa (Thượng) sách Đại Nam nhất thống chí cho biết về người xứ Thanh: “Kẻ sĩ chuộng văn học, trọng khí tiết. Đời nào cũng có anh tài phóng khoáng lỗi lạc, cũng là nhờ tinh túy núi sông hun đúc...”.

Vị thế Thanh Hóa trong lịch sử và trong tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cầu Hàm Rồng – địa danh của lịch sử và văn hóa.

Sử gia Phan Huy Chú viết về địa dư trấn Thanh Hoa trong phần Dư địa chí sách Lịch triều hiến chương loại chí cho biết: “Thanh Hoa mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông, Ai Lao sát phía Tây, Bắc giáp trấn Sơn Nam, Nam giáp đạo Nghệ An. Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu. Các triều trước vẫn gọi là một trấn quan trọng. Đến thời Lê lại là nơi căn bản. Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý, cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường; vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước...”.

Nhận định trên được minh chứng qua thân thế sự nghiệp của một số bậc anh tài hiền kiệt người xứ Thanh hoặc có mối quan hệ gắn bó với xứ Thanh, đã có những cống hiến to lớn đối với sự phát triển của đất nước qua các giai đoạn lịch sử.

Ngay từ thời chống Bắc thuộc, người xứ Thanh đã tỏ rõ sự can trường, tiết liệt. Trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 - 43) xuất hiện nữ tướng Lê Thị Hoa (Nga Thiện, Nga Sơn), lão tướng Đô Dương quyết chiến đấu chống quân Đông Hán đến phút cuối cùng. Giữa thế kỷ thứ III, nước ta bị nhà Đông Ngô đô hộ; năm 248, Bà Triệu khởi binh chống lại... “thường ngồi trên đầu voi đánh nhau với giặc”. Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu đã để lại một dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của Nhân dân xứ Thanh nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Bà Triệu xứng đáng là bậc “nữ trung hào kiệt”.

Nói đến Cửu Chân, Ái Châu hay Thanh Hóa là nói đến vùng đất “địa linh, nhân kiệt”. Đó là Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ - người kế tục sự nghiệp của họ Khúc; là Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, người có công phò giúp Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước và sáng lập triều Tiền Lê. Sự nghiệp vẻ vang và cao cả nhất của Lê Hoàn chính là đã lãnh đạo Nhân dân Đại Cồ Việt đánh tan cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Tống năm 981. Sử cũ đánh giá Lê Hoàn “đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình, Bắc Nam vô sư”...

Trong gần 4 thế kỷ, dưới hai triều đại thịnh trị Lý (1009-1225) và Trần (1225-1400), xuất hiện nhiều danh thần, lương tướng người xứ Thanh như Đào Cam Mộc, Lê Phụng Hiểu (thời Lý); Lê Văn Hưu, Lê Quát (thời Trần). Đặc biệt, từ nửa sau thế kỷ XIV trở đi, trong triều đình nhà Trần xuất hiện một nhân vật có ảnh hưởng rất lớn đối với quốc gia Đại Việt đương thời và sau này, đó là Hồ Quý Ly.

Trong công cuộc chống ngoại xâm, xứ Thanh từng được coi là hậu phương lớn cung cấp nhân tài, vật lực; là phên dậu che chắn cho kinh đô Thăng Long ở phía Nam. Cuối thế kỷ XIII, đại quân Mông Cổ xâm lược Đại Việt. Với chiến lược “thanh dã” (vườn không, nhà trống), vua Trần và triều đình rút khỏi Thăng Long, lúc thì đi Hải Đông, khi thì về Thanh Hóa chỉ đạo kháng chiến. Trong lúc nguy nan nhất, nền độc lập dân tộc bị đe dọa nhưng vua Trần Nhân tông vẫn vững một niềm tin tất thắng vì có hậu phương Thanh - Nghệ sức người, sức của vô tận: “Hoan Ái do tồn thập vạn binh”.

Đầu thế kỷ XV, quân Minh xâm lược và đô hộ Đại Việt. Xứ Thanh một lần nữa trở thành trung tâm quy tụ hào kiệt trong cả nước. Trên núi rừng Lam Sơn, Thanh Hóa, người anh hùng Lê Lợi với 18 người bạn cùng chí hướng tổ chức Hội thề tại Lũng Nhai dựng cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược. Trong danh sách 19 người tham gia Hội thề Lũng Nhai (kể cả chủ tướng Lê Lợi) thì có 16 người quê ở xứ Thanh, là những hạt nhân đầu tiên của khởi nghĩa Lam Sơn. Dõi theo danh sách công thần Lũng Nhai và danh sách ban thưởng sau khi vương triều Lê được thành lập (1428) cho thấy phần đông là người Thanh Hóa. Điều đó càng khẳng định vị thế của đất Thanh Hóa, người Thanh Hóa trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV.

Trong cuộc nội chiến Nam - Bắc triều (1545-1592), Thanh Hóa là đất căn bản của công cuộc trung hưng. Nhân tài, vật lực đều huy động ở hai xứ Thanh, Nghệ. Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường là nơi triều hội, cũng là đại bản doanh của công cuộc trung hưng. Công thần trung hưng được vinh phong sau này cũng phần lớn người xứ Thanh. Có thể nói, trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, dẹp nội loạn, xứ Thanh có một vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ ở điều kiện tự nhiên mà quan trọng nhất là tiềm năng, tiềm lực con người.

Cuối thế kỷ XVIII, trên đường hành quân thần tốc từ Phú Xuân (Huế) ra Thăng Long tiêu diệt quân xâm lược Mãn Thanh, vua Quang Trung đã dừng lại Thanh Hóa để tuyển thêm binh lính. Tại Thọ Hạc, lời tuyên bố của vua Quang Trung vang dậy đất trời xứ Thanh: đánh cho quân Thanh không có đường quay về, đánh cho chúng không còn mảnh giáp và đánh để cho “sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (cho biết rằng nước Nam anh hùng là có chủ).

Bước vào giai đoạn lịch sử cận hiện đại, người xứ Thanh đã thể hiện rõ bản lĩnh, ý chí và khát vọng độc lập tự do qua hàng chuỗi sự kiện lịch sử trọng đại, đặc biệt trong phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX với những tên tuổi lớn như Tống Duy Tân, Trần Xuân Soạn, Cao Điển, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt...

Vị thế miền đất Thanh Hóa, bản lĩnh, ý chí con người xứ Thanh lại một lần nữa được khẳng định trong giai đoạn lịch sử hiện đại, thể hiện trong tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời nhưng niềm vui độc lập chưa được bao lâu thì cả nước lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp tái xâm lược Việt Nam. Trước khi lên chiến khu Việt Bắc cùng Chính phủ và Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến, ngày 20-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về Thanh Hóa thị sát tình hình, thăm hỏi cán bộ Nhân dân địa phương và kiểm tra công tác chuẩn bị kháng chiến trên địa bàn tỉnh. Trong tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa có vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Trước hết, Thanh Hóa là địa phương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, là vùng hậu phương, nhiều cơ sở an toàn khu đã được xây dựng trước khi chiến sự lan tới. Thứ hai, Thanh Hóa là địa đầu của Trung bộ thuộc Liên khu IV, tiếp giáp với vùng tạm chiếm của địch ở Liên khu III. Thanh Hóa là địa phương đất rộng, người đông, có địa hình đa dạng: miền núi, trung du, đồng bằng, duyên hải và thềm lục địa... Có thể khẳng định: Thanh Hóa là địa bàn trung chuyển giữa các tỉnh phía Bắc với các tỉnh từ Nghệ An vào phía Nam, là cầu nối giữa Liên khu IV với Liên khu III, Liên khu Việt Bắc và cả Liên khu Tây Bắc. Ngoài ra, Thanh Hóa có đường biên giới dài hàng trăm cây số với nước bạn Lào. Từ Thanh Hóa qua nước bạn Lào có thể xây dựng con đường vận chuyển lương thực, vũ khí lên chiến trường Tây Bắc hiệu quả và nhanh chóng một khi các tuyến giao thông ở Bắc bộ bị thực dân Pháp phong tỏa và đánh phá.

Đoàn công tác của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đã về thăm là làm việc ở Thanh Hóa từ sáng ngày 20-2-1947. Buổi sáng, Người đã nói chuyện với cán bộ chủ chốt của tỉnh tại Rừng Thông (huyện Đông Sơn). Hai nội dung cụ thể được Người nhấn mạnh trong buổi nói chuyện là: Cán bộ và kháng chiến. Về nhiệm vụ của người cán bộ, Bác nêu rõ: “Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân. Nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Vì vậy, năm đức tính cốt lõi người cán bộ cần có là: mình đối với mình, đối với đồng chí mình, đối với công việc, đối với Nhân dân và đối với đoàn thể. Đây cũng là năm tiêu chuẩn để người cán bộ không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thiện bản thân để phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.

Về nhiệm vụ kháng chiến, Người nêu ra một số phương án, phương pháp tổ chức kháng chiến trong điều kiện tương quan lực lượng giữa ta và địch chênh lệch về quân số và vũ khí. Bác chỉ rõ: “Pháp có xe tăng, đại bác thì ta phá đường. Pháp có máy bay thì ta đào hầm. Pháp muốn đánh chớp nhoáng thì ta kéo dài. Nhất định ta thắng”. Tư tưởng chỉ đạo kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng: toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính... đã thể hiện khá cụ thể trong bài nói chuyện của Người trước đội ngũ cán bộ chủ chốt tỉnh Thanh Hóa sáng ngày 20-2-1947.

Buổi chiều cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu thân sĩ trí thức, phú hào của tỉnh về tình hình những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Bác đặt ra hàng loạt nhiệm vụ trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc trên hầu khắp các lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hóa, kinh tế với Nhân dân Thanh Hóa, với các tầng lớp, các giới của tỉnh. Người nhấn mạnh đến công tác tăng gia sản xuất, đoàn kết, đồng lòng giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt giúp đỡ đồng bào tản cư từ các vùng Pháp chiếm đóng về vùng tự do Thanh Hóa. Bác nêu rõ nhiệm vụ của cán bộ, Nhân dân Thanh Hóa phải thực hiện là: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu thì làm sao cho mọi mặt kinh tế, quân sự phải kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ trở thành kiểu mẫu”. Mục đích của việc xây dựng Thanh Hóa kiểu mẫu là: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm. Người nào cũng biết chữ. Người nào cũng đoàn kết yêu nước. Cách làm là: “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”.

Ngày 21-2-1947, trong thư gửi đồng bào thượng du, Người viết: “Lúc này toàn thể quốc dân đang ra sức chống giặc cứu nước. Tôi chắc chắn đồng bào thượng du đều ra sức đoàn kết, chuẩn bị tham gia giết gặc cứu nước để giữ vững quyền thống nhất độc lập của Tổ quốc. Việc dìu dắt đồng bào thượng du, tôi trông cậy lòng ái quốc và sự hăng hái của các vị lang đạo”.

Không phụ lòng tin tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc chiến đấu bảo vệ hậu phương, xây dựng cơ sở hậu cần vững mạnh, cung cấp sức của, sức người cho các chiến trường: Bình - Trị - Thiên; Thượng Lào; trực tiếp tham gia các chiến dịch lớn như chiến dịch Hà Nam Ninh, Hòa Bình... Đặc biệt, trong chiến cuộc đông xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, các đợt dân công vận tải của Thanh Hóa đã có cống hiến đặc biệt xuất sắc, tạo nên “đoàn xe thồ huyền thoại” của dân công Thanh Hóa. Những đóng góp và hy sinh vô bờ bến của người dân xứ Thanh trong chiến dịch Điện Biên Phủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định nhân dịp Người về thăm Thanh Hóa trong hai ngày 13 và 14-6-1957: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó...”.

Bảy mươi năm đã trôi qua nhưng lời căn dặn, nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tu dưỡng rèn luyện, về tư cách, phẩm chất đạo đức cũng như trách nhiệm của người cán bộ đối với nhân dân, với đất nước vẫn còn nguyên giá trị.

PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ Viện Sử học Việt Nam


PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ Viện Sử học Việt Nam

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]