(Baothanhhoa.vn) - Đất Thọ Xuân - nơi sinh ra những vị đế vương từ Lê Đại Hành hoàng đế (Lê Hoàn), Thái tổ Cao Hoàng đế (Lê Lợi)... đến những anh hùng mở nước, giải phóng dân tộc. Thật tự hào về mảnh đất thiêng này, không chỉ có bề dày về lịch sử, văn hóa, nơi đây còn là quê hương cách mạng, góp phần vào sự nghiệp chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tinh thần cách mạng trên quê hương Thọ Xuân

Đất Thọ Xuân - nơi sinh ra những vị đế vương từ Lê Đại Hành hoàng đế (Lê Hoàn), Thái tổ Cao Hoàng đế (Lê Lợi)... đến những anh hùng mở nước, giải phóng dân tộc. Thật tự hào về mảnh đất thiêng này, không chỉ có bề dày về lịch sử, văn hóa, nơi đây còn là quê hương cách mạng, góp phần vào sự nghiệp chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tinh thần cách mạng trên quê hương Thọ Xuân

Khu Di tích cách mạng Yên Trường, xã Thọ Lập vào những ngày tháng tám này có nhiều đoàn học sinh đến tham quan và tìm hiểu về đồng chí Lê Văn Sỹ và các phong trào cách mạng diễn ra trong giai đoạn 1930-1945.

Vùng đất cách mạng

Trở về ngôi nhà của đồng chí Lê Văn Sỹ, làng Yên Trường, xã Thọ Lập tại Khu Di tích cách mạng Yên Trường, từ khung cảnh xung quanh của ngôi nhà, đến lời giới thiệu của công chức văn hóa Thái Văn Quý, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi được nghe kể lại về những ngày này của 92 năm về trước. Tại đây, năm 1930, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, hội nghị thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thọ Xuân được tiến hành với 7 đảng viên tham dự, đồng chí Lê Văn Sỹ được cử làm Bí thư chi bộ. Hội nghị đã thảo luận và đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lựa chọn kết nạp đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, xây dựng tổ chức Nông hội đỏ, phát triển đấu tranh chống áp bức, bóc lột. Cũng tại ngôi nhà này, ngày 29-7-1930, Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra và quyết định nhiều chủ trương đối với phong trào cách mạng trong tỉnh.

Chi bộ Đảng Thọ Xuân, rồi Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được thành lập trên đất Thọ Xuân là những sự kiện quan trọng đánh dấu bước ngoặt lớn của phong trào cách mạng trong huyện, trong tỉnh.

Không chỉ có Thọ Lập, từng tấc đất ở Thọ Xuân đều mang dấu ấn cách mạng. Xuân Minh - địa phương đã từng bị thực dân coi là “sào huyệt cộng sản”, là “trung tâm sự chống đối và lật đổ Chính phủ” và tập trung lực lượng cho xây dựng đồn bốt kiên cố, điều đến những tên ác ôn tàn bạo nhất trong vùng, cùng với một lực lượng tinh nhuệ để đàn áp, bắt bớ những chiến sĩ cộng sản. Đã có hơn 20 ngôi nhà ngói, nhà tranh bị chúng tháo dỡ làm đồn bốt, hàng trăm trâu, bò, lợn bị tịch thu, hàng chục tấn lương thực bị chúng chiếm đoạt, hàng trăm chiến sĩ cách mạng và quần chúng cách mạng bị địch bắt bớ, tra tấn, giam cầm, trong đó có 105 chiến sĩ cách mạng bị thực dân tuyên án với tổng cộng hơn 500 năm tù và thực tế đã bị cầm tù hơn 300 năm.

Dù địch tăng cường khủng bố, lục soát gắt gao nhưng người dân Xuân Minh vẫn bám đất, bám làng và mảnh đất này vẫn là nơi đứng chân tin cậy và an toàn để các chiến sĩ cách mạng ưu tú của Đảng, tìm đến xây dựng phong trào. Các cán bộ của tỉnh, của xứ ủy công tác hoạt động trên mảnh đất Xuân Minh như: Tố Hữu, Lê Văn Thiệp, Lê Chủ, Trịnh Khắc Sản, Trịnh Hữu Thường, Bùi San, Hoàng Tiến Trình... được Đảng và Nhân dân che chở, nuôi giấu an toàn.

Những con người trung kiên

Thật hiếm có nơi nào như ở xã Xuân Minh có trên 50 gia đình được công nhận là gia đình ân nhân cách mạng, được tặng Bằng có công với nước; 3 làng: Phong Cốc, Thuần Hậu và Xá Lê được tặng Bằng có công với nước; 95 đồng chí được công nhận là cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8-1945. Và thật tự hào, ngày 23-7-1993, Nhà nước đã công nhận Cụm di tích lịch sử xã Xuân Minh là cụm di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia với 13 điểm.

Dẫn chúng tôi về Di tích lịch sử nhà ông Nguyễn Xuân Oanh, công chức văn hóa xã Xuân Minh, anh Mai Văn Tấn giới thiệu: Nơi đây, tháng 2-1941, diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa để hưởng ứng khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ và quyết định thành lập vành đai căn cứ địa cách mạng. Đây là đại hội quan trọng quyết định sự phát triển phong trào cách mạng trong tỉnh, Chiến khu Ngọc Trạo ra đời, đỉnh cao của phong trào phản đế cứu quốc của Thanh Hóa, nhiều cán bộ, đảng viên đã được nuôi giấu, bảo vệ an toàn trong ngôi nhà này.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Nhuần (sinh năm 1947) người con thứ 3 của đồng chí Nguyễn Xuân Oanh, xúc động nói: "Bố tôi, sau khi được chuyển hóa thành đảng viên Đảng Cộng sản năm 1930, ông luôn tích cực hoạt động, là cán bộ cốt cán của phong trào cách mạng tổng Thử Cốc. Năm 1932, bố tôi được cử vào Nghệ An liên lạc với xứ ủy Trung Kỳ, từng bị địch bắt, cầm tù. Ông còn là người chắp nối liên lạc với cán bộ, đảng viên chưa bị địch bắt để thống nhất thành lập và củng cố Đảng bộ Thanh Hóa vào năm 1934. Bố tôi chết trong tù khi tôi chưa đầy 1 tuổi, mãi đến gần đây khi nhận được tấm ảnh chụp bố khi thực dân Pháp bắt, tôi mới biết mặt bố”.

Ngoài ông Nguyễn Xuân Oanh, ở Xuân Minh còn nhiều chí sĩ cách mạng, trong đó không thể không nhắc đến các ông Nguyễn Xuân Thúy, Bí thư Đảng bộ Tân Việt Thanh Hóa năm 1928; Nguyễn Văn Hồ, cán bộ lãnh đạo của Đảng Tân Việt Thanh Hóa, người tham gia thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 1930-1931; Đỗ Huy Kính - người liên lạc kết nối với nhiều cán bộ cốt cán của Đảng như: Tố Hữu, Lê Tất Đắc, Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Tiến Trình, Hoàng Xung Phong...

Chính từ những người cộng sản đầu tiên ở làng Phong Cốc (Xuân Minh), nhiều nhóm cộng sản khác ở các làng Ngọc Trung, Thuần Hậu, Xá Lê, Ngọc Trung, sau đó lan rộng đến các làng Canh Hoạch (xã Xuân Lai), Phúc Bồi (xã Thọ Lập), Yên Lãng (xã Phú Yên), xã Xuân Hòa, xã Hạnh Phúc của huyện Thọ Xuân đã phát triển. Và cũng chính từ những tấm gương dũng cảm, kiên trung của những chiến sĩ này mà các tầng lớp Nhân dân đã đoàn kết tạo thành lực lượng cách mạng rộng lớn trong tỉnh tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19-8-1945.

Sức sống mới ở "chiếc nôi" cách mạng

Trong suốt chiều dài lịch sử, Thọ Xuân luôn là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng với những con người anh dũng kiên trung. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mở ra một thời kỳ mới cho quê hương Thọ Xuân.

Song, chính quyền non trẻ ra đời chưa được bao lâu, việc xây dựng cuộc sống mới vừa bắt đầu, chính quyền và Nhân dân lại phải chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Tiếp theo đó, trong điều kiện vừa cải tạo và xây dựng CNXH, vừa chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Thọ Xuân là địa phương khởi xướng nhiều cách làm sáng tạo, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến được Bác Hồ gửi thư khen, như: Tấm gương xây dựng tổ đổi công của Anh hùng Lao động Trịnh Xuân Bái (năm 1958), gương xây dựng HTX nông nghiệp và kỹ thuật thâm canh lúa của Anh hùng Lao động Lê Trọng Đồng (năm 1967)... Đặc biệt, Thọ Xuân có vinh dự là huyện đầu tiên đạt năng suất 5 tấn/ha và liên tục nhiều năm dẫn đầu toàn tỉnh và toàn miền Bắc về năng suất lúa. Điển hình là HTX Thắng Lợi (Xuân Thành) và Đông Phương Hồng (Thọ Hải) được Bác Hồ gửi thư khen ngợi (ngày 2-3-1966) và được đi báo cáo điển hình toàn miền Bắc.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, đi lên CNXH, Thọ Xuân đã được Trung ương chọn làm điểm xây dựng huyện thành pháo đài. Kể từ đó đến nay, Thọ Xuân luôn là địa phương đi đầu trong việc xây dựng và thực hiện các phong trào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong 40 năm đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945-1985), Đảng bộ và Nhân dân huyện Thọ Xuân đã động viên 42.000 lượt người tham gia kháng chiến và phục vụ kháng chiến. Hàng vạn người con Thọ Xuân đã chiến đấu anh dũng trên khắp các chiến trường B, C, K, trong đó 4.025 người đã hy sinh, 4.652 là thương binh, 5 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, 92 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... Với những đóng góp to lớn đó, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho 7 tập thể; tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 2 tập thể và 3 cá nhân.

Với những tiềm năng, lợi thế hiện có, Thọ Xuân đang dần khẳng định trở thành một trong “tứ sơn” phát triển kinh tế của tỉnh. Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 10-1-2022, về xây dựng và phát triển huyện Thọ Xuân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được ban hành với mục tiêu trọng tâm là phấn đấu đưa Thọ Xuân trở thành thị xã trước năm 2030, trở thành một trung tâm động lực quan trọng ở phía Tây của tỉnh, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc. Trong đó, tập trung phát triển khu vực Lam Sơn - Sao Vàng trở thành trung tâm kinh tế động lực của huyện Thọ Xuân và của tỉnh dựa trên 3 trụ cột: Công nghiệp, nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao và dịch vụ hàng không.

Cụ Hoàng Thị Vậy (sinh năm 1928) ở xã Xuân Minh, là Mẹ Việt Nam Anh hùng có 2 con là liệt sĩ chống Mỹ, người chứng kiến rất nhiều sự kiện lớn của địa phương, đã cố gắng nói: Mừng lắm con, cuộc sống thay đổi từng ngày.

Quả thật, mỗi lần về Thọ Xuân là mỗi lần thấy thêm những sự đổi thay. Từ vùng quê cách mạng đến trung tâm động lực quan trọng của tỉnh, đó là sự nỗ lực của chính quyền và Nhân dân. Vào những ngày này, những câu chuyện lịch sử đã nhắc nhớ, giáo dục mọi người về truyền thống cách mạng, từ đó khơi dậy sức mạnh tiềm năng để xây dựng quê hương Thọ Xuân ngày càng phát triển.

Chi Anh


Chi Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]