(Baothanhhoa.vn) - Chúng tôi về xã Thiệu Trung để thăm lại khu hầm làm việc và chỉ huy của Thường trực Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (giai đoạn 1964-1972).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thăm hầm kháng chiến năm xưa

Chúng tôi về xã Thiệu Trung để thăm lại khu hầm làm việc và chỉ huy của Thường trực Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (giai đoạn 1964-1972).

Thăm hầm kháng chiến năm xưa

Di tích Hầm làm việc và chỉ huy của Thường trực Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa được người dân địa phương gìn giữ và bảo vệ.

Là một trong những cán bộ xã Thiệu Trung thời kỳ bấy giờ, bà Trần Thị Lự (sinh năm 1940) bồi hồi nhớ lại: “Từ năm 1964, đã có một số cán bộ về xã Thiệu Trung để khảo sát, chuẩn bị cho khu sơ tán làm việc của Thường trực Ủy ban hành chính tỉnh. Đến năm 1965, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa giao cho Ủy ban huyện Thiệu Hóa, Ủy ban xã Thiệu Trung xây dựng hầm chỉ huy, trong thời gian ngắn nhất phải hoàn thành, để kịp thời phục vụ cho cán bộ trú ẩn và làm việc, sẵn sàng chỉ huy chiến đấu khi có giặc”.

Địa điểm được chọn xây dựng hầm là thôn Phủ Lý Nam (nay là thôn 4), xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa. Đây là khu vực ao hồ nên để hoàn thành được công trình phải mất rất nhiều công sức. Ngoài cán bộ kỹ thuật, công trình còn có sự góp sức của bà con Nhân dân nơi đây. Đầu năm 1965, sau gần 2 tháng thi công, công trình đã được hoàn thành.

Khu vực hầm có diện tích gần 100m2 với khối lượng đào 40m3 đất, xây 20m3 gạch, đắp 100m3 đất, sau đó trồng cây bao phủ lên bề mặt hầm. Bàn giao cho Thường trực Ủy ban hành chính tỉnh sử dụng trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (giai đoạn 1964-1972).

Theo bà Lự, trong hầm thường xuyên có một bộ đàm đặt trên một cái bàn nhỏ. Một cái ghế để làm việc khi có báo động. Giúp việc cho lãnh đạo thường xuyên có hai đồng chí (bảo vệ, thư ký).

Hầm kết cấu theo hình chữ Y, nửa nổi nửa chìm và có một lối vào phía trước (cửa hướng Nam), hai lối ra ở hướng Bắc.

Ở phía Bắc hầm là khu nhà làm việc của cán bộ Thường trực Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa (nhà tạm). Phía Nam hầm là gò Mã Dòm cũng có một lán là nơi làm việc của ủy ban. Ở phía Tây có một nhà khung bằng sắt, trong nhà có máy phát điện phục vụ cho Ủy ban hành chính tỉnh. Trong hầm thường có 5 đến 6 người vừa trú ẩn và làm việc khi có báo động.

Nhắc đến thời kỳ oanh liệt ấy, bà Trần Thị Lự xúc động nói: “Cũng như các địa điểm khác trên tuyến lửa xứ Thanh, giặc Mỹ bắn phá ngày càng ác liệt. Cơ quan tỉnh đóng ở đây gần trận địa Ngã Ba Chè nên không ngày nào ngớt tiếng súng đạn. Ngoài thời gian làm việc, cán bộ tỉnh cũng luôn chia khó, chia khổ với bà con Nhân dân địa phương. Trong nhiều năm liền, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn, thiên tai, dịch họa nên ruộng bỏ hoang nhiều, có nhiều cán bộ, lãnh đạo đêm đêm đã đi cuốc ruộng, tát nước, làm cỏ với bà con Nhân dân, cùng nhau chia những bữa mạch, bữa mì... Những ân tình ấy, Nhân dân Thiệu Trung làm sao quên được”, bà Lự bộc bạch.

Thời kỳ đó, toàn xã có khoảng 600 hộ thì có tới 400 hộ có cán bộ tỉnh cùng ăn, ở và làm việc, gia đình bà Trần Thị Lự cũng là một trong số đó.

Nhờ có sự chuẩn bị kỹ càng về công tác phòng không, đã tạo điều kiện an toàn để bộ máy lãnh đạo tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa tổ chức sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong mọi tình huống. Chính vì vậy, trong suốt hai lần đế quốc Mỹ leo tháng chiến tranh phá hoại miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Ủy ban hành chính tỉnh, quân và dân Thanh Hóa đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào, như: Các chiến thắng Hàm Rồng - Nam Ngạn, phà Ghép, Đảo Mê, Pa Pú Hò, dốc Bò Lăn, đến việc chi viện, tuyển quân, giao thông thông suốt và phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu về sản xuất đều có sự đóng góp cụ thể từ hầm làm việc và chỉ huy này.

Trải qua sự khắc nghiệt của thời gian cũng như mưa bom, bão đạn của quân thù nhưng căn hầm vẫn đứng vững, an toàn trong sự chở che, bảo vệ của bà con nơi đây.

Năm 2007, căn hầm làm việc và chỉ huy của Ủy ban hành chính tỉnh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là niềm tự hào của cán bộ, Nhân dân huyện Thiệu Hóa nói riêng và Nhân dân Thanh Hóa nói chung. Căn hầm như một minh chứng của quá trình sáng tạo, là chứng tích còn lại khá ít ỏi của một thời ác liệt vừa làm việc, vừa sẵn sàng chiến đấu của quân và dân xứ Thanh trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Ông Đỗ Đức Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, cho biết: Bao năm qua, Di tích Hầm làm việc và chỉ huy của Thường trực Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa luôn là niềm tự hào của bà con Nhân dân xã Thiệu Trung. Di tích hiện cơ bản đã được trùng tu, tôn tạo khang trang nhưng hệ thống thoát nước bên dưới hầm chưa được chú trọng. Vì vậy, trong thời gian tới, địa phương sẽ đề nghị các cấp, các ngành, kêu gọi các nhà hảo tâm để tiếp tục trùng tu, tôn tạo, cải tạo thành điểm đến hấp dẫn cho du khách xa, gần, phát huy giá trị trong việc giáo dục lịch sử đối với thế hệ trẻ.

Bài và ảnh: Hoài Thu


Bài và ảnh: Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]