(Baothanhhoa.vn) - Quảng Phú là xã thuộc TP Thanh Hóa - vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng. Người dân Quảng Phú luôn đoàn kết một lòng, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, anh dũng kiên cường trong chiến đấu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương Quảng Phú giàu mạnh, phát triển

Quảng Phú là xã thuộc TP Thanh Hóa - vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng. Người dân Quảng Phú luôn đoàn kết một lòng, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, anh dũng kiên cường trong chiến đấu.

Công sở xã Quảng Phú.

Thời kỳ trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mặc dù Quảng Phú chưa có tổ chức đảng lãnh đạo nhưng người dân Quảng Phú sớm giác ngộ cách mạng, hăng hái cùng nhân dân huyện Quảng Xương và nhân dân trong tỉnh nhất tề đứng lên đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Tháng 7-1942, sau khi Tỉnh ủy Thanh Hóa được tái thiết lập, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, tổ chức Việt Minh, phong trào đấu tranh cách mạng phát triển nhanh và rộng khắp các xã trong huyện Quảng Xương. Đến giữa năm 1948 yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải xây dựng tổ chức đảng để lãnh đạo phong trào cách mạng đang lên cao ở địa phương. Ngày 20-10-1948, tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Nghiễm (làng Văn Lâm Thượng), Huyện ủy Quảng Xương đã công bố quyết định thành lập chi bộ lâm thời lấy tên là chi bộ Cương Quyết – tiền thân của Đảng bộ xã Quảng Phú và phường Quảng Hưng ngày nay với 5 đồng chí đảng viên. Huyện ủy Quảng Xương đã cử đồng chí Vương Huy Mạnh (cán bộ huyện ủy) làm bí thư lâm thời.

Sự ra đời của chi bộ Cương Quyết là đỉnh cao của phong trào yêu nước, phong trào cách mạng của nhân dân xã Quảng Hưng (Hưng – Phú) lúc bấy giờ. Ngay sau khi thành lập, chi bộ đã bắt tay ngay vào việc lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt hai nhiệm vụ: “Kháng chiến và kiến quốc” để góp phần chặn đứng bước tiến của giặc Pháp và xây dựng quê hương là hậu phương an toàn cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Chi bộ Cương Quyết ngày càng lớn mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Chi bộ đã giới thiệu và kết nạp thêm nhiều đảng viên để tăng cường sức chiến đấu của Đảng và lãnh đạo nhân dân phát triển các phong trào cách mạng lên tầm cao mới; đồng thời đề ra những chủ trương phù hợp với tình hình địa phương, trọng tâm là củng cố chính quyền, xây dựng quê hương, đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho kháng chiến.

Tháng 7-1954, trước yêu cầu mới của cách mạng, chi bộ Cương Quyết được chia tách thành 2 chi bộ đó là Quảng Hưng và Quảng Phú, chi bộ Quảng Phú lúc này có 13 đồng chí đảng viên và được chia làm 4 tổ đảng. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Quảng Phú, phong trào cách mạng trong nhân dân được đẩy mạnh hơn, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy lùi giặc đói, giặc dốt, phát triển kinh tế, củng cố chính quyền thôn, xã; xây dựng và bảo vệ hậu phương, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho tiền tuyến để kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong 9 năm kháng chiến nhân dân Quảng Phú đã tích cực chi viện sức người, sức của cho các chiến trường phía Bắc, phía Nam và cách mạng Lào. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Quảng Phú có 223 người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, có trên 500 lượt người tham gia dân công hỏa tuyến, góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954).

Đến tháng 8 năm 1954 xã Quảng Hưng được chia tách thành 2 đơn vị hành chính (Quảng Hưng và Quảng Phú hiện nay). Giai đoạn 1954 – 1960, sau 7 năm thành lập, chi bộ Quảng Phú đã có bước phát triển mạnh mẽ với 35 đảng viên và qua 6 kỳ đại hội. Chi bộ, cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Phú cùng cả nước bước vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng miền Bắc tiến lên CNXH và tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đến tháng 4-1961, Đảng bộ xã Quảng Phú được thành lập, có 5 chi bộ với 43 đảng viên. Bên cạnh việc tiếp tục củng cố xây dựng cơ sở đảng vững mạnh, đảng bộ xã đã đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất với nhiều kết quả nổi bật; từng bước nâng cao năng suất nông nghiệp, đời sống nhân dân được cải thiện. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Phú đã đóng góp sức người, sức của, tiễn đưa 1.112 thanh niên lên đường nhập ngũ chiến đấu ở các chiến trường, 150 thanh niên xung phong, trong đó có 78 người đã hy sinh vì Tổ quốc.

Sau khi miền Nam được giải phóng hoàn toàn, đất nước thống nhất, Đảng bộ xã Quảng Phú bước vào kỳ đại hội lần thứ XIII (1975 – 1977). Trong giai đoạn này, với sự tăng cường lãnh đạo trực tiếp của đảng bộ xã, sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân, Quảng Phú đã đạt được những thành tích đáng kể trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh. Từ năm 1986 đến nay Đảng bộ xã Quảng Phú đã trải qua 9 kỳ đại hội (từ Đại hội lần thứ XVII đến Đại hội lần thứ XXV).

Sau hơn 30 năm đổi mới (từ 1986 đến nay) Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã Quảng Phú đã tập trung lãnh đạo các tầng lớp nhân dân trong xã tích cực xây dựng và phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Cùng với sự phát triển lớn mạnh của TP Thanh Hóa, kinh tế - xã hội của xã có nhiều kết quả đáng phấn khởi. Tính đến tháng 9-2018, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 14%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống nhân dân được cải thiện cả về vật chất và tinh thần; thu nhập bình quân đầu người đạt 38,3 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,67%. Nhiều dự án quan trọng đang được triển khai trên địa bàn. Các công trình phúc lợi được quan tâm đầu tư xây dựng. Công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, trật tự đô thị được tập trung triển khai. Chất lượng dạy và học ở các trường từng bước được nâng lên. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai sâu rộng đến cán bộ, nhân dân, từng bước làm cho bộ mặt nông thôn đổi thay theo hướng khang trang, sạch đẹp. Toàn xã hiện có 85% số hộ đạt gia đình văn hóa, có 7/9 thôn đạt thôn văn hóa, 1 thôn đạt kiểu mẫu; cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa được đầu tư khang trang; 3 trường học trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; quốc phòng - an ninh được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững... Sau 8 năm nỗ lực (từ 2011 đến 2018), Đảng bộ và nhân dân xã Quảng Phú đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

70 năm xây dựng và phát triển, trải qua 25 kỳ đại hội đã chứng minh về sự trưởng thành, lớn mạnh của Đảng bộ xã Quảng Phú trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Từ 5 đảng viên, đến nay Đảng bộ xã Quảng Phú có 280 đảng viên sinh hoạt tại 13 chi bộ. Các thế hệ đảng viên của xã Quảng Phú dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều chứng tỏ được vai trò tiền phong, gương mẫu, phát huy được phẩm chất cách mạng, chấp nhận mọi gian lao, thử thách, không sợ hy sinh, không sợ gian khổ, lãnh đạo nhân dân địa phương cùng chung sức với cả nước đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng thời đưa xã nhà vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực vượt khó, trong thời gian tới, Đảng bộ xã Quảng Phú tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả nghị quyết đại hội đảng các cấp và các chương trình hành động đã đề ra. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng hệ thống chính trị; triển khai học và quán triệt kịp thời, đầy đủ các nghị quyết của Trung ương đến cán bộ, đảng viên gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các đoàn thể nhân dân. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, khuyến khích tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để phát triển doanh nghiệp. Thu hút đầu tư và phát triển các ngành thương mại – dịch vụ, các ngành nghề chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất đồ mộc dân dụng. Đầu tư các loại cây, con, giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, chăn nuôi. Quan tâm đến nguồn thu cho ngân sách, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Khai thác tối đa các nguồn lực đầu tư cho phát triển, thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Huy động các nguồn lực đầu tư cho xây dựng cơ bản, nâng cấp các công trình hạ tầng đô thị, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án. Giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa, gia đình thể thao và các mô hình kiểu mẫu. Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Đồng chí Nguyễn Hữu Xưởng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quảng Phú, cho biết: Để thực hiện và cụ thể hóa những mục tiêu trên, Đảng bộ xã Quảng Phú xác định rõ, phải nắm vững, vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương. Đảng bộ và nhân dân xã nhà quyết tâm phát huy nội lực, tăng cường sự đoàn kết để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, phấn đấu xây dựng quê hương Quảng Phú giàu mạnh và phát triển, xứng đáng với truyền thống lịch sử 70 năm vẻ vang của đảng bộ.


Bài và ảnh: Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]