(Baothanhhoa.vn) - Trong chiến tranh chống phá hoại của đế quốc Mỹ, bến Phà Ghép nối đôi bờ sông Yên vẫn hiên ngang, bất diệt. Những chàng trai, cô gái trên quê hương Hải Châu, Quảng Trung với lòng dũng cảm ngày đêm vượt mưa bom, bão đạn, phá thủy lôi, nối phà giữ cho “mạch máu” giao thông hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam thông suốt.

Phà Ghép - những tháng ngày bất tử

Trong chiến tranh chống phá hoại của đế quốc Mỹ, bến Phà Ghép nối đôi bờ sông Yên vẫn hiên ngang, bất diệt. Những chàng trai, cô gái trên quê hương Hải Châu, Quảng Trung với lòng dũng cảm ngày đêm vượt mưa bom, bão đạn, phá thủy lôi, nối phà giữ cho “mạch máu” giao thông hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam thông suốt.

Phà Ghép - những tháng ngày bất tử

Ông Lê Ngọc Vinh, phường Hải Châu (thị xã Nghi Sơn) người từng chiến đấu bảo vệ Phà Ghép.

Những ngày tháng tư lịch sử, tôi về Hải Châu. Không hẹn, tôi tìm đến nhà ông Lê Ngọc Vinh, ở tổ dân phố Năm Châu, phường Hải Châu (thị xã Nghi Sơn) - chiến sĩ Trung đội trực chiến xã Hải Châu năm xưa. Cùng tôi dạo bước thăm lại bến Phà Ghép năm xưa, ông Vinh bồi hồi lật dậy những dòng ký ức: Sau thất bại của “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ đã tiến hành “Chiến tranh cục bộ” đưa quân ồ ạt vào miền Nam và phát động “Chiến tranh phá hoại” miền Bắc bằng không quân. Đầu tháng 4-1965, giặc Mỹ điên cuồng ném bom nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc; trong đó, có tỉnh Thanh Hóa. Bến phà Ghép - sông Yên bỗng chốc đã trở thành “tọa độ lửa”, “túi bom”. Đứng trước tình hình đó, Đảng bộ huyện Tĩnh Gia (cũ) đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể là “Quyết tâm đánh bại chiến tranh của Mỹ giữ vững giao thông, vận tải trong thời chiến, tiếp tục củng cố hậu phương, tích cực chi viện cho tiền tuyến, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam”.

Bám sát phương hướng, nhiệm vụ trên, Đảng ủy phường Hải Châu ra chỉ thị tổ chức lại lực lượng dân quân, động viên mọi lứa tuổi, thành phần, ngành tham gia dân quân, du kích. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, phường đã có 482 người tham gia dân quân du kích, chiếm 12% dân số. Đồng thời, thành lập được 3 trung đội và 2 tiểu đội dân quân trực thuộc, trực chiến bắn máy bay Mỹ bằng súng bộ binh. Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ quê hương lực lượng dân quân du kích và già trẻ, gái trai đều ra trận, cả nhà ra trận. Nhiều tấm gương anh dũng trong chiến đấu đã được lịch sử ghi nhận, như: liệt sĩ Lê Ngọc Giản - người trực tiếp tải, tiếp đạn thay pháo thủ cùng bộ đội phòng không bắn rơi máy bay và anh dũng hy sinh; đồng chí Xuân Viết, Chỉ huy Trung đội dân quân, hiên ngang chiến đấu ngay trên bến Phà Ghép, bảo vệ cho công nhân đưa phà qua sông... Ngày đó, quân dân Hải Châu đã trực tiếp bắn rơi 3 máy bay Mỹ, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Đặc biệt, trong 2 ngày mùng 3, 4-4-1965, dân quân du kích phường Hải Châu đã phối hợp cùng Trung đoàn 234 và một số xã lân cận chiến đấu liên tục 5 giờ liền, bắn rơi 5 máy bay Mỹ, góp phần bảo vệ Phà Ghép, Quốc lộ 1A. Với thành tích chiến đấu ấy, quân dân Hải Châu được chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Chiến thắng oanh liệt trong những ngày đầu ra quân là nguồn cổ vũ to lớn đối với Đảng bộ và Nhân dân Hải Châu quyết tâm thi đua thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Với âm mưu muốn giành ưu thế trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris (Pháp), giặc Mỹ quay lại đánh phá miền Bắc lần thứ hai. Từ tháng 5-1970, đế quốc Mỹ đã cho máy bay ném bom một số nơi thuộc khu IV và lén lút đưa nhiều toán biệt kích thâm nhập vào miền Bắc. Đầu năm 1971, hoạt động phá hoại miền Bắc của Mỹ được tăng cường, Đò Lèn - Hàm Rồng - Phà Ghép là mục tiêu đánh phá dữ dội của không quân Mỹ. Không những vậy, tại các phường, xã ven biển của thị xã Nghi Sơn, từ Hải Châu đến Hải Hòa liên tục bị tàu chiến của Mỹ pháo kích. Còn trên trục đường giao thông từ Phà Ghép đến khe nước Lạnh không lúc nào ngớt tiếng bom. Đặc biệt, những xóm, làng ở hai bên bờ sông Yên thuộc phường Hải Châu và xã Quảng Trung (Quảng Xương) không còn mấy nóc nhà nguyên vẹn. Nhiều người dân bị thương, hoặc thiệt mạng vì bom đạn Mỹ. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, vượt lên đau thương, cán bộ, đảng viên, dân quân du kích và Nhân dân phường Hải Châu đã phối hợp cùng bộ đội pháo cao xạ quyết tâm chiến đấu để bảo vệ xóm, làng.

Thất thế trên bầu trời, khoảng giữa năm 1972, Mỹ dùng thủ đoạn mới thâm hiểm hơn là thả hàng chùm thủy lôi, bom nổ chậm xuống sông Yên, hòng phong tỏa, ngăn chặn hoạt động giao thông ở Phà Ghép - cắt đứt “mạch máu” giao thông chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Thời điểm ấy, bầu trời khu vực phà Ghép, trên mặt nước sông Yên mịt mù khói lửa bom đạn. Với tinh thần “mở đường mà tiến”, quân và dân Hải Châu không quản ngại hy sinh, kiên cường bám làng, bám trận địa, vừa sản xuất cùng bộ đội pháo cao xạ chiến đấu bảo vệ phà, để “mạch máu” giao thông không bị ngưng trệ, bảo đảm cho từng đoàn xe qua sông kịp thời vận chuyển vũ khí, quân nhu phục vụ tiền tuyến. Tiêu biểu phải kể đến đồng chí Vũ Hồng Út, bến phó bến Phà Ghép - người đầu tiên điều khiển ca nô mã lực lớn phá thủy lôi của Mỹ trên sông Yên. “Trước khi làm nhiệm vụ cao cả điều khiển ca nô qua bãi thủy lôi để thông dòng cho phà qua, đồng chí Út đã được làm lễ truy điệu sống. Kỳ diệu thay, sau khi thủy lôi nổ, đồng chí Vũ Hồng Út không bị thương và bước lên bờ an toàn trong niềm vui tột cùng của quân và dân ta. Dòng sông được giải phóng từng đoàn xe lại tấp nập ra chiến trường. Với thành tích lớn lao đó, ngày 7-6-1972, đồng chí Vũ Hồng Út được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động” - ông Vinh kể lại.

Là dân quân trong đội hình Trung đội trực chiến phường Hải Châu trực tiếp đối đầu với không quân Mỹ nên những ký ức hào hùng về thời lửa đạn bảo vệ Phà Ghép cứ thế hiện ra từ trong tâm trí của ông Vinh. Sự kiện mà ông Vinh không thể nào quên, vào ngày 23-8-1972, Trung đội trực chiến phường Hải Châu phối hợp tác chiến với quân dân xã Quảng Trung và các địa phương lân cận chiến đấu, bắn rơi 1 máy bay H7 của Mỹ ngay trên bầu trời Phà Ghép. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu bảo đảm giao thông, quân dân Hải Châu còn có nhiệm vụ tiếp nhận và vận chuyển hàng chục ngàn tấn lương thực từ biển vào đất liền để chuyển vào Nam; hàng chục nghìn tấn vũ khí, khí tài vào chiến trường. Với ý chí quyết tâm cao, quân dân Hải Châu đã góp phần cùng Nhân dân miền Bắc đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, mà đỉnh cao là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội đánh bại không lực Hoa Kỳ.

Trong suốt cuộc chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã dội xuống vùng đất Hải Châu 18.465 tấn bom đạn, 912 quả pháo kích trên diện tích 8,3 km. Trung bình mỗi m2 đất Hải Châu phải hứng chịu 2,3 quả bom, đạn. Nhiều đoạn đường giao thông, nhiều mảnh ruộng, nhà ở của dân bị tàn phá nhiều lần. Cũng trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, lực lượng dân quân du kích phường Hải Châu đã phối hợp với bộ đội phòng không, không quân, quân dân các xã, phường lân cận đánh trả 2.152 trận. Trong đó, có 122 trận chiến đấu ban đêm, bảo vệ quê hương, bảo đảm giao thông thông suốt. Huy động hàng vạn ngày công, đào đắp 7,6km giao thông hào, 6.254 hầm phòng tránh bom đạn, trồng 3.415 cây xanh ngụy trang đường và bến Phà Ghép với chiều dài gần 2 km; 4.200m3 đất đá, san lấp hố bom, tu sửa đường bảo đảm xe qua lại. Sử dụng 101 nhà dân với diện tích 4.720m2 làm kho, trạm cấp cứu thương, bệnh binh; cất giữ hơn 1.076 tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men, hàng hóa để chuyển ra tiền tuyến. Lực lượng dân quân phường cũng đã thành lập một tiểu đội công binh để tháo gỡ, phá thủy lôi, bom từ trường, bom nổ chậm. Với tinh thần gan dạ dũng cảm, sáng tạo của công binh, 74 quả bom nổ chậm và từ trường hoàn toàn mất tác dụng.

Làm nên một Phà Ghép bất tử còn có công lao to lớn của quân dân xã Quảng Trung (Quảng Xương). Giống với bờ Nam sông Yên, đất Quảng Trung, nằm bên bờ Bắc cũng trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân Mỹ và hứng chịu hàng nghìn quả bom các loại. Từ năm 1965 đến năm 1968, máy bay Mỹ đã bắn phá 867 trận vào mảnh đất Quảng Trung. Trong đó, có 321 trận đánh phá trực tiếp vào các xóm, làng của xã Quảng Trung, với 3.296 quả bom các loại, 1.060 quả bom bi, 265 quả thủy lôi, 383 quả tên lửa được trút xuống đất Quảng Trung. Với tinh thần “một tấc không đi, một li không rời”, quân dân Quảng Trung đã dũng cảm, kiên cường chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phối hợp cùng đơn vị pháo cao xạ bắn rơi nhiều máy bay Mỹ tại vùng trời quê hương, bảo vệ Phà Ghép. Đó là đội thuyền nan với hơn 50 người tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí qua sông. Nhiều cán bộ, đảng viên và dân quân đã anh dũng hy sinh trên dòng sông Yên, như: chị Hoàng Thị Lại, chị Lê Thị Án... Hay khi tổ thợ lặn trên sông Yên ra đời, cụ Nguyễn Văn Mao đã trở thành Yết Kiêu vượt bom đạn trục vớt hàng chục tấn đạn dược, hàng hóa và hàng chục thương binh. Khẩu hiệu “xe chưa qua, nhà không tiếc” được phát động từ giữa năm 1972 càng cổ vũ mạnh mẽ quân dân Quảng Trung trên mặt trận khai thông các tuyến đường cho xe ra tiền tuyến. Điển hình là Nhân dân làng Ngọc Trà đã tháo dỡ 140 ngôi nhà, dành vườn tược, đất ở để làm đường giao thông cho các đoàn xe tránh Phà Ghép. Đồng thời, nhiều nhà ở, sân vườn của Nhân dân đã trở thành nơi giấu vũ khí, trú quân chờ trời tối để từng đoàn xe xuống phà qua sông vào chiến trường miền Nam.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, bến Phà Ghép giờ đã thuộc về lịch sử như một bản hùng ca bất diệt. Giờ đây nối đôi bờ sông Yên là cây cầu Ghép kiên cố, hiện đại. Và vùng quê Hải Châu hay Quảng Trung một thời găm những vết thương của chiến tranh đã dần đổi mới với màu xanh của đồng lúa trù phú, dự án nuôi trồng thủy sản và khu dịch vụ du lịch, mang đến nguồn thu nhập cao cho người dân địa phương.

Bài và ảnh: Trần Thanh


Bài và ảnh: Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]