Đa dạng nguồn thu - vấn đề nhiều thách thức đối với các cơ quan báo chí hiện nay
Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm tại diễn đàn “Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí” diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ của Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024.
Sáng 16/3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Tọa đàm Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí. Tham dự tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm và đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương.
Nguồn thu các cơ quan báo chí đang bị ảnh hưởng bởi công nghệ thay đổi
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ khái niệm về nguồn thu báo chí đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan báo chí hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Thành Cường
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, hiện nay nguồn thu của các cơ quan báo chí bị ảnh hưởng bởi cơ chế thị trường mới. Qua thực tế, nếu chỉ trông chờ, phụ thuộc nhiều vào quảng cáo, các cơ quan báo chí sẽ luôn phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu, trong bối cảnh các doanh nghiệp tìm đến quảng cáo ngày càng nhiều hơn trên nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, YouTube...
Bên cạnh đó, việc các trang tin, trang mạng xã hội lấy lại nội dung một cách có chủ đích từ các cơ quan báo chí để thu hút doanh thu quảng cáo khiến “miếng bánh” nguồn thu dành cho các cơ quan báo chí ngày một nhỏ đi.
Trước xu hướng sụt giảm doanh thu, các cơ quan báo chí còn lúng túng trong giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Điều này có một phần trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các cơ chế chính sách chưa đủ nhanh và chưa đủ kịp thời.
Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: Thành Cường
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều khách hàng không còn quảng cáo qua các cơ quan báo chí. Các doanh nghiệp đã và đang tìm những phương thức quảng bá sản phẩm, bán hàng có hiệu quả hơn. Do vậy, các cơ quan báo chí cũng cần tiếp cận nhiều con đường khác để tìm kiếm nguồn thu.
Trình bày tham luận tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông nhìn nhận sự bùng nổ và xâm nhập sâu sắc của công nghệ số đã làm thay đổi căn bản thị trường báo chí.
Trong đó sự thay đổi thể hiện rõ trên 3 khía cạnh là hành vi tiêu thụ tin tức, cấu trúc thị trường (nguồn cung, kênh phân phối, bán hàng) và nguồn thu.
Ông Nguyễn Quang Đồng nhận định, xu hướng độc giả ngày càng trẻ hơn, hành vi tìm kiếm tin tức cũng thay đổi. Thay vì đọc báo, họ chủ yếu truy cập tin tức qua các nền tảng mạng xã hội, vì vậy các tòa soạn phải đầu tư hơn về công nghệ, đa dạng hóa các hình thức tiếp cận độc giả mới.
Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông phát biểu tham luận tại diễn đàn. Ảnh: Thành Cường
Nhìn lại xu thế 15 năm qua của thị trường báo chí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông khẳng định, yếu tố làm thay đổi căn bản báo chí hiện nay là công nghệ. Khi công nghệ thâm nhập vào thì thị trường báo chí thay đổi theo. Từ đó muốn tiếp tục phát triển, chiếm lĩnh thị trường, đa dạng nguồn thu thì lãnh đạo cơ quan báo chí phải hiểu và nắm bắt, ứng dụng công nghệ.
Dẫn ví dụ về Báo Thanh Niên, một tờ báo đang dẫn đầu về nguồn thu và lượng người tiếp cận trên mạng xã hội, ông Nguyễn Quang Đồng nhận định, việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo AI đang là giải pháp tốt để giảm được chi phí trong sản xuất nội dung và tối ưu hóa nguồn thu cho các cơ quan báo chí.
Đề xuất về hướng đi dài hạn cho kinh tế báo chí, ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cần đề xuất lãnh đạo Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho các cơ quan báo chí. Trong đó, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho toàn bộ sản phẩm báo chí; đơn giản hóa thủ tục hành chính với các gói truyền thông chính sách; tạo thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tương tác của người dùng trên các nền tảng mạng xã hội.
Trong hướng đi dài hạn cần đẩy mạnh xã hội hóa để tăng đầu tư cho năng lực công nghệ, kinh doanh cho các cơ quan báo chí; hỗ trợ các cơ quan báo chí tăng cường hiện diện và hợp tác kinh doanh với nền tảng mạng xã hội qua vai trò “cầu nối” của Bộ Thông tin và Truyền thông...
Tận dụng các thế mạnh để đa dạng nguồn thu
Tại diễn đàn, các diễn giả đã tham gia chia sẻ thông tin về hướng đi dài hạn cho kinh tế báo chí; nỗ lực đa dạng hóa cách tiếp cận độc giả; sự thay đổi của thị trường báo chí trong thời đại công nghệ số; đồng thời, đưa ra một số giải pháp cho kinh tế báo chí.
Các diễn giả tham gia chia sẻ thông tin về hướng đi dài hạn cho kinh tế báo chí. Ảnh: Thành Cường
Nhà báo Lê Thanh Tuấn – Giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long cho biết, đơn vị này xác định hai phân khúc riêng biệt gồm mảng báo chí và mảng giải trí. Mảng báo chí tập trung làm thời sự, chuyên đề, khoa giáo,... còn mảng giải trí chủ yếu là nội dung về phim truyện: Phim truyện Việt Nam, phim truyện nước ngoài, game show...
Hiện nay, mảng giải trí đang mang lại 90% nguồn thu cho Đài PT-TH Vĩnh Long. Các nguồn thu chủ yếu là quảng cáo truyền hình. Tuy nhiên, trong xu thế chung, nguồn thu này đang bị sụt giảm từng ngày.
Nhà báo Lê Thanh Tuấn – Giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Thành Cường
Nêu kiến nghị tại buổi tọa đàm, ông Lê Thanh Tuấn đề nghị bỏ quy định khống chế thời lượng quảng cáo trong các chương trình truyền hình, chương trình giải trí; cho phép thu phí người dùng trên nền tảng của Truyền hình Vĩnh Long, bởi hiện nay muốn thu phí phải thông qua bên thứ ba.
Bên cạnh đó, hiện nay, các nhà đài phải nộp 20% lợi nhuận cho thuế thu nhập doanh nghiệp, đây là một nguồn kinh phí rất lớn, trong khi nhà đài phải đầu tư theo chiều sâu, từ máy móc, thiết bị, chương trình,... Vì vậy, Giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đài PT-TH.
Tham dự tọa đàm, bà Nguyễn Thị Hồng Nga - Tổng Biên tập Báo Giao thông cho biết, để thu hút độc giả, báo tập trung thực hiện nguyên tắc làm tốt nhất nội dung mình có thể làm, tốt nhất từng ngày. Bên cạnh đó, phát huy, mở rộng những sở trường, thế mạnh, linh hoạt đáp ứng theo thị trường và tận dụng hết tất cả những cách để có thể đa dạng nguồn thu.
Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tham dự diễn đàn. Ảnh: Thành Cường
Chia sẻ về nguồn thu mới, Tổng Biên tập Báo Giao thông cho biết, hiện tại Báo Giao thông đang tập trung tổ chức sự kiện, hội thảo, ưu tiên làm cầu truyền hình.
Ông Trần Xuân Toàn - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ chia sẻ, thói quen người đọc thay đổi, làm cho cơ cấu nguồn thu của Báo Tuổi Trẻ thay đổi. Trước đây 75% là nguồn thu từ bán báo và quảng cáo trên báo giấy, bây giờ đảo lại 75% nguồn thu đến từ các nền tảng số.
Sự đảo chiều buộc Báo Tuổi Trẻ phải thay đổi đầu tư nhiều vào công nghệ, thay đổi tư duy, thói quen làm báo của các nhóm phóng viên, biên tập viên. Cùng với đó, báo cũng phải xoay xở vừa đặt mục tiêu giảm thiểu đà sụt giảm trên báo giấy, đồng thời tiếp tục đa dạng hóa nguồn thu.
Theo đó, Báo Tuổi Trẻ chia khách hàng làm 3 nhóm: độc giả đọc báo hằng ngày, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.
Từ đó có bước chăm sóc, quan tâm thích đáng nhất đối với từng nhóm khách hàng. Trong đó, tập trung chăm sóc lớn nhất là nhóm khách hàng độc giả, cố gắng chuyển thói quen của bạn đọc từ báo giấy qua online.
Đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, báo cố gắng để doanh nghiệp thấy được sản phẩm dịch vụ của họ sẽ tiếp cận được tệp khách hàng mong muốn.
Còn đối với nhóm cơ quan quản lý nhà nước, báo sẽ tạo ra cách chuyển tải để công chúng dễ hiểu hơn, dễ tiếp cận chính sách hơn.
Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ Trần Xuân Toàn chia sẻ về đa dạng hóa nguồn thu của Báo Tuổi Trẻ. Ảnh: Thành Cường
Liên quan đến vấn đề bản quyền, ông Toàn đề xuất nên có buổi đối thoại các nền tảng mạng xã hội với Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí về việc tuân thủ các quy định của Luật Quảng cáo, cũng như chia sẻ nguồn thu cho các cơ quan báo chí khi khai thác dữ liệu, nội dung từ báo chí.
Ông Toàn kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước phải làm thật nghiêm để đảm bảo công bằng giữa các cơ quan báo chí và các nền tảng mạng xã hội trong việc tuân thủ quy định Luật Quảng cáo.
Tham dự tọa đàm, các diễn giả còn đưa ra một số giải pháp cho kinh tế báo chí như: Chuyển đổi số báo chí nhằm thay đổi toàn diện hoạt động tòa soạn, tạo ra một tòa soạn/tổ hợp báo chí hội tụ đa phương tiện, kết nối thuận tiện với độc giả; chuyển đổi số gắn với phát triển kinh tế số, đa dạng hóa nguồn thu, tăng sức cạnh tranh của cơ quan báo chí với các nền tảng xuyên biên giới. Các cơ chế đặt hàng báo chí trong việc truyền thông chính sách để thúc đẩy kinh tế báo chí...
Theo Báo Nghệ An
{name} - {time}
-
2024-11-24 18:11:00
TP Thanh Hóa triển khai kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023-2025
-
2024-11-24 16:25:00
Hội nghị xúc tiến đầu tư - kết nối giao thương Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh - khu vực Đông Nam Bộ
-
2024-03-16 14:03:00
Giao ban trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong thẩm tra kế hoạch sử dụng đất hằng năm
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên dự Kỳ họp thứ 17, HĐND huyện Quảng Xương khóa XXI
Sôi nổi hội thao chào mừng tháng thanh niên
Thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội
Thu giữ trên 18kg ma túy trong cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm qua cửa khẩu dịp tết
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 16/3/2024
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng ngày 16/3
Bản tin 18h ngày 15/3/2024: Thanh Hóa phát động Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2024
Thủ tướng Chính phủ sẽ đối thoại với thanh niên về chuyển đổi số
Phát động Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2024