11:36 16/03/2024 GMT+7
(Baothanhhoa.vn) - Sáng 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tỉnh, thành trong cả nước.

Thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội

Sáng 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tỉnh, thành trong cả nước.

Thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Dự hội nghị tại diểm cầu tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị chức năng.

Thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội

Thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vừa là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, vừa là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước ta xác định xây dựng, phát triển đất nước dựa trên 3 trụ cột (xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa). Quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước là lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và nguồn lực phát triển, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Thủ tướng nêu rõ, việc phát triển nhà ở xã hội là phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, với truyền thống văn hóa - lịch sử, đạo đức xã hội của dân tộc ta. Nhiệm vụ này là một trong 3 trụ cột của an sinh xã hội với quan điểm “an cư mới lạc nghiệp”.

Thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội

Các điểm cầu dự hội nghị (Ảnh chụp màn hình).

Từ thực tiễn đặt ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, với tinh thần, trách nhiệm nghiêm túc, thẳng thắn, các đại biểu tập trung thảo luận, chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được; nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm; những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện, cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611ha làm nhà ở xã hội, tăng 5.252ha so với năm 2020. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023 cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 411.250 căn.

Trong đó số lượng dự án hoàn thành là 72 dự án với quy mô 38.128 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 129 dự án với quy mô 114.934 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 298 dự án với quy mô 258.188 căn.

Nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội như tỉnh Bắc Ninh 15 dự án, 6.000 căn; Bắc Giang 5 dự án, 12.475 căn; Hải Phòng 7 dự án, 11.678 căn; Đồng Nai 8 dự án, 9.074 căn; Bình Dương 7 dự án, 6.557 căn; Thanh Hóa 9 dự án với 4.948 căn...

Về nguồn vốn hỗ trợ, đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Đến nay các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong đó đã có 8 dự án nhà ở xã hội ở 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.

Thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội

Đại biểu thảo luận tại hội nghị (Ảnh chụp màn hình).

Thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuần cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai, nhiều khó khăn, hạn chế liên quan đến cơ chế, chính sách, vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, nguồn vốn... đã được các bộ, ngành, địa phương chỉ rõ. Ví như, nhiều địa phương chưa quyết tâm, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”; một số địa phương có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua, nhưng các cấp chính quyền địa phương chưa quan tâm, tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư để triển khai đầu tư xây dựng...

Thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội

Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận về các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, thủ tục về đất đai, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng... ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thời gian qua. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Muốn thực hiện được mục tiêu đề ra, cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc, Nhà nước, Nhân dân, doanh nghiệp cùng làm, đặt mình vào địa vị của người khác, đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động.

Thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.

Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của cấp cơ sở - nơi gần dân nhất, sát dân nhất đối với việc thực hiện chủ trương nhà ở xã hội. Thủ tướng nêu rõ, trong quá trình thực hiện lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, phát huy sức mạnh của Nhân dân và yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Thủ tướng đề nghị tất cả các chủ thể có liên quan, mỗi người, mỗi tổ chức trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải phát huy hết khả năng, trách nhiệm trong công việc, phát huy đạo đức xã hội theo truyền thống văn hóa - lịch sử “chia ngọt sẻ bùi” của dân tộc ta.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, các địa phương trong thực hiện chủ trương xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Trong đó đối với các bộ, ngành tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” cũng như các nhiệm vụ mới, phát sinh trước yêu cầu thực tiễn.

Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu ban hành nghị quyết về việc thực hiện nhà ở xã hội; khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp; rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.

Đối với các dự án đã khởi công, xây dựng, đề nghị các địa phương thường xuyên đôn đốc hoàn thành dự án đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Đối với các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, phải khẩn trương triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế mỹ thuật, cấp phép xây dựng... để khởi công, xây dựng.

Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi dự án khi triển thực hiện phải đảm bảo chất lượng, an toàn, đầy đủ các dịch vụ đáp ứng yêu cầu người dân. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, đồng hành cùng doanh nghiệp, Nhà trước thực hiện hiệu quả chủ trương, quản điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phong Sắc


Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]