(Baothanhhoa.vn) - Trong suốt chiều dài lịch sử, sông Lèn không chỉ là đường giao thông thủy quan trọng nối liền Thanh Hóa với Bắc bộ, mà còn là nơi cung cấp và tiêu thoát nước cho nhiều vùng của các huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn và Hoằng Hóa. Riêng cầu Đò Lèn đã đi vào lịch sử và huyền thoại bởi đây là một trong những chiếc cầu sắt đầu tiên được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX trên Quốc lộ 1A cho ô tô, tàu hỏa và khách bộ hành qua lại. Khi cây cầu ra đời thì khu vực Lèn cũng trở thành một trung tâm kinh tế sầm uất, nhộn nhịp.

Cầu Đò Lèn - vang mãi chiến công

Trong suốt chiều dài lịch sử, sông Lèn không chỉ là đường giao thông thủy quan trọng nối liền Thanh Hóa với Bắc bộ, mà còn là nơi cung cấp và tiêu thoát nước cho nhiều vùng của các huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn và Hoằng Hóa. Riêng cầu Đò Lèn đã đi vào lịch sử và huyền thoại bởi đây là một trong những chiếc cầu sắt đầu tiên được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX trên Quốc lộ 1A cho ô tô, tàu hỏa và khách bộ hành qua lại. Khi cây cầu ra đời thì khu vực Lèn cũng trở thành một trung tâm kinh tế sầm uất, nhộn nhịp.

Cầu Đò Lèn - vang mãi chiến công

Cầu Đò Lèn cũ và mới.

Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, để bảo vệ cầu Đò Lèn trên con đường huyết mạch Bắc - Nam nhằm giữ vững giao thông thông suốt, quân và dân Hà Trung, Hậu Lộc nói riêng và Thanh Hóa nói chung đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, ngoan cường lập nên nhiều chiến công lẫy lừng. Từ đó trở đi, vùng “tọa độ lửa” cầu Lèn cùng với Hàm Rồng, Ghép, dốc Bò Lăn... của Thanh Hóa liên tục trở thành nơi thử sức mạnh giữa ta và đế quốc Mỹ. Dù bao lần thương tích, cầu - phà Lèn vẫn trụ vững ngày đêm để đưa người và hàng ra tiền tuyến. Trong suốt cả hai thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xâm lược, cầu Đò Lèn đã thực sự trở thành một địa điểm lịch sử ghi nhận những chiến công hiển hách và chủ nghĩa anh hùng cách mạng sáng ngời của quân và dân Hà Trung nói riêng, Thanh Hóa nói chung.

Những năm đầu thế kỷ XX, với sự ra đời của cầu Đò Lèn, bộ mặt xã hội ở vùng đất Lèn thực sự có những thay đổi cơ bản. Trên tuyến đường 1A gồm nhiều khu vực cầu, nhà ga, phố Lèn và trường tiểu học Pháp - Việt cũng lần lượt ra đời. Ngoài ra, ở khu vực bến sông còn có 6 kho hàng lớn nên người dân còn gọi là bến sáu kho. Trong thời kỳ Pháp thuộc, bến Lèn và nhà ga Lèn là nơi tập kết và xuất khẩu gạo ra Bắc lớn nhất tỉnh.

Tháng 10-1930, Chi bộ Đảng Cộng sản của Hà Trung chính thức được thành lập tại gác chuông chùa Trần (cách cầu Đò Lèn 400m). Sau khi ra đời, các đảng viên cộng sản đầu tiên của Hà Trung đã tổ chức một cuộc rải truyền đơn ở các địa điểm đông người qua lại để phát huy thanh thế của Đảng và cách mạng. Khu vực cầu Lèn, nhà ga và trường tiểu học Pháp - Việt đã xuất hiện rất nhiều truyền đơn cách mạng. Cuộc rải truyền đơn đã có tác dụng gây được tiếng vang lớn trong quần chúng. Từ đây, phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân Hà Trung đã có Đảng trực tiếp soi đường, chỉ lối.

Cuối năm 1946, đầu năm 1947, để thực hiện việc tiêu thổ kháng chiến ngăn bước tiến quân thù, cầu Lèn đã bị phá sập. Sau hòa bình lập lại, với sự giúp đỡ của chuyên gia các nước anh em, cầu Lèn đã nhanh chóng được xây dựng lại to đẹp hơn. Từ đó trở đi, cầu Lèn trở thành một trong số những đầu mối giao thông quan trọng trên Quốc lộ 1A. Trên tuyến đường vào Nam, ra Bắc, cái tên cầu Đò Lèn và cả khu vực Lèn đã trở thành một địa chỉ rất quen thuộc của mỗi người dân. Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với chiến công bảo vệ chiếc cầu sắt và quyết tâm đảm bảo cho giao thông thông suốt, cái tên cầu Lèn lại càng nổi tiếng hơn.

Cuối năm 1954, để cứu vãn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đang trên đà bị phá sản, đế quốc Mỹ liều lĩnh đưa ra chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bằng cách ồ ạt tăng cường lực lượng viễn chinh, chư hầu và các phương tiện chiến tranh hiện đại vào miền Nam. Đồng thời chuẩn bị phát động chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc trên quy mô lớn. Sang đầu năm 1965, nhận định không quân Mỹ sẽ đánh phá vào các khu vực trọng điểm như: Hàm Rồng, Lèn, Ghép..., khu vực cầu Lèn đã được tăng cường 2 đại đội pháo cao xạ 37 ly của Sư đoàn 213. Tại khu vực Lèn đã huy động hàng ngàn nhân lực tham gia xây dựng trận địa và đào đắp các hệ thống giao thông hào. Công tác sơ tán cũng được thực hiện triệt để ở khu vực gầm cầu và nhà ga. Cùng với Hàm Rồng, quân dân ở Đò Lèn đã chuẩn bị sẵn sàng để chờ địch đến là đánh.

Sáng ngày 3-4-1965, không quân Mỹ mở cuộc tấn công trước tiên vào khu vực cầu Đò Lèn với 16 chiếc máy bay A4 và F8 thay nhau bổ nhào bắn phá cầu. Ngoài việc dùng lực lượng máy bay đánh phá cầu, địch còn sử dụng lực lượng máy bay khác để công kích các trận địa phòng không nhằm dập tắt hỏa lực của ta. Tập trung đánh phủ đầu xuống khu vực Đò Lèn, đế quốc Mỹ hy vọng sẽ cắt đứt sự chi viện tiếp tế của ta đối với Hàm Rồng. Với ý đồ đó, địch tưởng rằng sẽ đánh sập được cầu Đò Lèn, làm cho lực lượng phòng không của ta bị phân tán để chúng tập trung đánh lớn vào Hàm Rồng. Nhưng đế quốc Mỹ không ngờ ở khu vực Đò Lèn, chỉ có hai trận địa pháo 37 ly của Sư đoàn 213 và các trận địa của dân quân, tự vệ các xã lân cận nhưng đã giáng cho địch những đòn thích đáng. Ngay từ những loạt đạn đầu tiên, quân và dân Đò Lèn đã bắn cháy 1 máy bay Mỹ. Trong vòng hơn một tiếng đồng hồ, máy bay Mỹ thi nhau rải bom bắn phá vào khu vực cầu Đò Lèn. Sau vài đợt đánh phá, phát hiện hỏa lực của ta, địch quay sang đánh vào trận địa phòng không một cách ác liệt. Cả khu vực Đò Lèn và các trận địa phòng không đều chìm trong khói bom, đạn lửa. Ở hai trận địa pháo cao xạ 37 ly, một số công sự bị phá vỡ, một số chiến sĩ hy sinh trên mâm pháo. Trước tình hình ấy, dân quân, tự vệ và Nhân dân các xã xung quanh Đò Lèn đã vượt qua bom đạn để tiếp tế đạn dược và cứu chữa thương binh. Một số tự vệ, dân quân đã trực tiếp thay thế các pháo thủ hy sinh để tiếp tục chiến đấu.

Với lưới lửa chăng đầy ở mặt đất, địch không dám liều lĩnh sà thấp xuống mà chỉ bắn phá từ trên cao. Giữa lúc đó, trên bầu trời Đò Lèn, lực lượng không quân Nhân dân Việt Nam đã xuất hiện để chiến đấu trực tiếp với máy bay phản lực Mỹ. Đó chính là biên đội Míc 17 do Phạm Ngọc Lan chỉ huy, cùng với biên đội của Trần Hanh hỗ trợ. Chỉ trong vòng mấy phút, với lối đánh táo bạo, bất ngờ và mưu trí, các biên đội đã bắn rơi 1 chiếc F8 trong sự vui sướng vô bờ của quân và dân ta, đánh dấu sự kết thúc cuộc đánh phá Đò Lèn của đế quốc Mỹ. Như vậy, trong cuộc thử lửa đầu tiên với đế quốc Mỹ, quân dân Đò Lèn đã hiệp đồng chiến đấu vô cùng dũng cảm, ngoan cường để làm nên chiến công hiển hách: 5 máy bay phản lực Mỹ bị hạ và 1 phi công bị bắt sống.

Có thể nói, chiến thắng Đò Lèn (sáng ngày 3-4-1965) là chiến thắng mở màn cho Hàm Rồng chiến thắng vang dội khắp năm châu, địa cầu. Trong cuộc chiến đấu sinh tử này, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân Hà Trung đã phát huy cao độ. Cầu Đò Lèn đã trở thành địa điểm lịch sử của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Đến hôm nay, chiếc cầu sắt anh hùng đã được thay thế bằng hai chiếc cầu mới: Một chiếc cầu sắt cũ được xây lại sau chiến tranh phá hoại giờ đây chỉ để cho tàu hỏa đi qua. Còn cách đó vài trăm mét là một chiếc cầu bê tông dành cho ô tô và khách bộ hành mới được xây dựng trong thời kỳ CNH, HĐH, đã và đang điểm tô thêm cho vùng đất Đò Lèn.

Bài và ảnh: Ngọc Anh


Bài và ảnh: Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]