(Baothanhhoa.vn) - 14 năm làm cán bộ công đoàn, trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau, chị Lê Thị An, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS&CKCN) tỉnh Thanh Hóa luôn tâm huyết với hoạt động công đoàn, không ngừng tìm kiếm những cách làm sáng tạo, hiệu quả nhằm bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động (NLĐ).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Học Bác để chăm lo cho người lao động tốt hơn

14 năm làm cán bộ công đoàn, trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau, chị Lê Thị An, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS&CKCN) tỉnh Thanh Hóa luôn tâm huyết với hoạt động công đoàn, không ngừng tìm kiếm những cách làm sáng tạo, hiệu quả nhằm bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động (NLĐ).

Học Bác để chăm lo cho người lao động tốt hơn

Chị Lê Thị An trao tiền quyên góp ủng hộ của người lao động Công ty TNHH Giầy Annora Việt Nam cho gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2012, chị Lê Thị An được Ban Thường vụ Công đoàn KKTNS&CKCN tỉnh Thanh Hóa điều động công tác về làm cán bộ công đoàn tại Công ty TNHH Giầy Annora Việt Nam. Tại Đại hội công đoàn Công ty TNHH Giầy Annora Việt Nam lần thứ nhất, chị Lê Thị An được bầu giữ chức chủ tịch công đoàn cơ sở (CĐCS) công ty. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Công đoàn phải bảo vệ cho công nhân”, cán bộ công đoàn “phải giỏi cả về chính trị, thạo về kinh tế”, “phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và bàn bạc với công nhân”, chị An đã vận dụng vào thực tiễn. Từ đó, luôn trăn trở và tìm tòi những nội dung phương pháp hoạt động công đoàn để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của CĐCS, luôn gương mẫu đi đầu, nỗ lực cố gắng trong mọi công việc; đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, lao động (CNLĐ), phấn đấu hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao. Từ trăn trở ấy, chị cùng với các thành viên trong ban chấp hành (BCH) CĐCS thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật lao động lưu động ở các tổ, xưởng trong nhà máy, với những nội dung phong phú và hình thức sinh hoạt mới, phù hợp với tâm lý của đoàn viên, nên thu hút được nhiều CNLĐ tham gia. Qua đó giúp cho CNLĐ và người sử dụng lao động hiểu và thực hiện đúng pháp luật, chia sẻ khó khăn với nhau, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, CNLĐ để góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh.

Với cương vị là “thủ lĩnh” CĐCS, chị An đã cùng BCH công đoàn công ty nhiều lần đề xuất các chính sách hỗ trợ cho CNLĐ và nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo doanh nghiệp (DN) thông qua việc phối hợp với ban giám đốc DN tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại định kỳ... Đặc biệt, nữ chủ tịch CĐCS đã chủ động xây dựng, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động, với những điều khoản có lợi hơn so với luật cho NLĐ như: Đề nghị lắp thêm các vòi xịt và bệ vệ sinh bệt trong các nhà vệ sinh cho lao động nữ có bầu khi đi vệ sinh đảm bảo an toàn; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 làm việc 7 giờ/ngày được hưởng lương 8 giờ/ngày; DN hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ cho NLĐ có con dưới 6 tuổi là 50.000 đồng/cháu/tháng; không tổ chức tăng ca vào các ngày lễ như: 8-3, 20-10, 1-6; hằng tháng công ty cùng công đoàn đến nhà thăm hỏi, động viên từ 5 đến 10 CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với số tiền 2 triệu đồng/công nhân/lần... Bên cạnh đó, công đoàn và DN phối hợp xây dựng quy chế tiền lương, tiền thưởng và quy chế nâng lương định kỳ cho NLĐ; vận động toàn thể CNLĐ quyên góp ủng hộ cho gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn, công nhân bị tai nạn giao thông, bệnh tật hiểm nghèo với số tiền hàng trăm triệu đồng/năm.

Xuất phát từ yêu cầu sản xuất, kinh doanh của công ty, chị An đã cùng với BCH công đoàn luôn đề ra các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể cho hoạt động công đoàn của DN; tổ chức sôi nổi các phong trào thi đua để nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện môi trường làm việc. Năm 2018, chị An xây dựng chương trình “Sức sống mới từ phế liệu”, với nội dung kêu gọi NLĐ trong toàn nhà máy tận dụng phế liệu để tạo nên các sản phẩm có giá trị sử dụng hằng ngày, như cặp, bàn, tủ để sách của học sinh, bộ đồ dùng học tập, túi đeo, tạp dề, mũ, bàn ghế, tủ đựng quần áo, kệ để dép... để tặng cho công nhân nghèo trong nhà máy. Sau đợt phát động, hàng trăm sản phẩm đã được tạo ra từ những bàn tay khéo léo của CNLĐ. Nhiều công nhân cảm động khi nhận các món quà và trân quý tấm lòng cũng như công sức của các đồng nghiệp dành cho họ. Qua chương trình đã vun đắp thêm tinh thần yêu thương, chia sẻ trong CNLĐ và tăng thêm niềm tin của công nhân vào tổ chức công đoàn.

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, năm 2019, chị An đề xuất ý tưởng thay đổi cách thức tuyên truyền pháp luật lao động và công tác an toàn vệ sinh lao động trong công nhân, bằng việc công đoàn thí điểm tổ chức Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi kết hợp giữa hình thức thi viết và sân khấu hóa. Thực hiện tuyên truyền qua hình thức này mang lại hiệu quả rõ nét. Khi công nhân thi viết, họ chủ động dành thời gian tìm hiểu các quy định về an toàn vệ sinh lao động, từ đó sẽ hiểu sâu, nắm chắc hơn. Đồng thời lồng ghép giữa thi viết với sân khấu hóa sẽ tạo cơ hội cho công nhân được thể hiện khả năng trình bày, giải đáp các nội dung liên quan đến an toàn vệ sinh lao động, được đồng nghiệp cổ vũ, khích lệ và tạo không khí vui vẻ cho chương trình tuyên truyền. Hình thức này đang được triển khai tại công ty 2 năm qua.

Tiếp nối thành công của các ý tưởng trước đó, năm 2020, chị An tiếp tục thực hiện ý tưởng đàm phán với DN đồng hành với công đoàn trong việc biểu dương, khen thưởng cho đoàn viên, NLĐ. Sau khi đàm phán thành công với lãnh đạo DN, công đoàn đã xây dựng quy chế phối hợp biểu dương, khen thưởng với DN; đồng thời tuyên truyền rộng rãi để NLĐ nắm rõ, qua đó tạo nên các phong trào thi đua lao động, sản xuất trong toàn công ty. Đến nay, việc biểu dương, khen thưởng NLĐ là việc làm thường xuyên của tổ chức công đoàn.

Bằng sự năng nổ, nhiệt tình, sáng tạo, hết lòng với đoàn viên và NLĐ, nhiều năm qua, chị An đã phát huy vai trò “thủ lĩnh” công đoàn. Các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể cho hoạt động công đoàn của DN do chị khởi xướng đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, thúc đẩy các phong trào thi đua trong đoàn viên, NLĐ; đồng thời làm cầu nối gắn kết giữa chủ DN và NLĐ, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN. 10 năm qua, Công ty TNHH Giầy Annora Việt Nam phát triển không ngừng, từ một DN với 750 NLĐ, đến nay công ty có số lượng NLĐ đông nhất tỉnh, với 23.000 người. Các chế độ, chính sách cho NLĐ được DN thực hiện đầy đủ, bài bản, không để xảy ra tranh chấp lao động hay đình công trái quy định của pháp luật. Để có được những điều đó, có sự đóng góp không nhỏ của “thủ lĩnh” CĐCS Lê Thị An.

Sau 9 năm làm Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Giầy Annora Việt Nam, ngày 23-6-2021, Chị Lê Thị An có quyết định điều động công tác về Công đoàn KKTNS &CKCN tỉnh Thanh Hóa. Ngày 2-7-2021, tại Hội nghị BCH Công đoàn KKTNS&CKCN lần thứ 23, chị Lê Thị An được bầu bổ sung giữ chức Phó Chủ tịch Công đoàn KKTNS &CKCN, nhiệm kỳ 2017-2022.

Với những thành tích nổi bật, những năm qua, chị Lê Thị An luôn là tấm gương sáng trong hoạt động công đoàn của tỉnh Thanh Hóa. Nhiều năm liên tục, chị được tặng Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh, của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Chị cũng vinh dự đón nhận Bằng khen của Ủy ban MTTQ tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh


Bài và ảnh: Nguyễn Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]