(Baothanhhoa.vn) - Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh (HS) tiểu học người dân tộc thiểu số (DTTS) được coi là “chìa khóa” quan trọng trong công tác giáo dục vùng DTTS, do đó, nhiều năm qua, ngành giáo dục huyện Lang Chánh luôn quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ này và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở huyện Lang Chánh

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh (HS) tiểu học người dân tộc thiểu số (DTTS) được coi là “chìa khóa” quan trọng trong công tác giáo dục vùng DTTS, do đó, nhiều năm qua, ngành giáo dục huyện Lang Chánh luôn quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ này và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở huyện Lang Chánh

Cô, trò Trường Mầm non Giao An trong giờ học.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, HS tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1682/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án, ngành giáo dục huyện Lang Chánh đã chỉ đạo các nhà trường linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức hoạt động giáo dục theo phương châm lấy trẻ làm trung tâm; tạo điều kiện cho trẻ nhận biết, phát âm tiếng Việt ở mọi lúc, mọi nơi bằng cách gắn chữ cái lên các thiết bị đồ chơi, đồ dùng... Tổ chức xây dựng không gian phòng học tại các lớp giàu chữ viết tiếng Việt để giúp trẻ có nhiều cơ hội nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt, giúp các em có nhiều cơ hội và thuận tiện trong việc kết nối sử dụng tài liệu tiếng Việt trong học tập. Các trường mầm non, tiểu học cũng tích cực đổi mới, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng DTTS...

Là trường có 100% HS là con em đồng bào DTTS, do đó, cùng với công tác chuyên môn, việc tăng cường tiếng Việt cho HS DTTS được xem là nhiệm vụ trọng tâm của tập thể cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Giao An trong nhiều năm qua. Cô Nguyễn Thị Lan, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Phần lớn các em khi vào nhập học đều chưa biết hoặc chưa nói thạo tiếng Việt. Trước thực tế đó, nhà trường và tổ chuyên môn đã xây dựng kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho các em phù hợp với tình hình thực tế nhà trường và địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các bậc phụ huynh HS hiểu được ý nghĩa, vai trò quan trọng của việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Trong quá trình thực hiện nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi gắn với tiếng Việt, trong đó tập trung vào rèn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, mở rộng vốn từ tiếng Việt cho trẻ. Cùng với đó, nhà trường cắt dán, in chữ cái tiếng Việt lên khu vui chơi của trẻ, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời, cây xanh, cây hoa để trẻ có thể luyện phát âm mọi lúc, mọi nơi; yêu cầu, khuyến khích trẻ giao tiếp với cô giáo và các bạn bằng tiếng Việt. Với cách làm trên, 100% trẻ của nhà trường trước khi vào lớp 1 đều giao tiếp thông thạo tiếng Việt.

Trường Tiểu học Đồng Lương có 478 HS, trong đó có 459 em là người DTTS, chiếm tỷ lệ 96%. Phần lớn HS DTTS của nhà trường khi bước vào lớp 1 đều phát âm và nhận biết chuẩn tiếng Việt, nhưng việc diễn đạt ý lủng củng, vốn từ vựng còn hạn chế; các em vẫn còn giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ... Để khắc phục tình trạng trên, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Đồng Lương đã chỉ đạo giáo viên tạo điều kiện cho các em HS được giao tiếp, học tập nhiều hơn bằng tiếng Việt trong mỗi giờ học; tổ chức dạy theo nhóm đặc thù, lập nhóm Câu lạc bộ phiên dịch: tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt và ngược lại. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa, trò chơi, đóng vai trong phân môn kể chuyện, sân khấu hóa với mục đích tạo môi trường thân thiện để khuyến khích các em giao lưu, thực hành tiếng Việt. Ngoài ra, nhà trường cũng huy động các tổ chức, cá nhân đầu tư nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, đồ dùng góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu tăng cường tiếng Việt cho HS... Nhờ những giải pháp này, đến cuối năm học, hầu hết HS lớp 1 là người DTTS của trường cơ bản thành thạo khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt, dễ dàng tiếp thu kiến thức các bài giảng mà thầy, cô giáo truyền đạt.

Theo cô giáo Trịnh Thị Thủy, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lang Chánh, bằng nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo của ngành và của mỗi đơn vị trường trên địa bàn huyện, như: Tăng cường học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; tổ chức các hội thi, giao lưu gắn với tiếng Việt; tổ chức giờ học tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vào các buổi chiều trong tuần, trò chơi ngôn ngữ, hoạt động ngoại khóa, giao tiếp bằng tiếng Việt giữa trẻ - trẻ, giữa trẻ - cô và những người xung quanh; mở lớp dạy ngôn ngữ thứ 2 cho giáo viên người Kinh dạy trẻ em mầm non, HS tiểu học vùng DTTS... hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, HS tiểu học vùng DTTS trên địa bàn huyện đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, 100% trẻ mầm non và HS tiểu học là người DTTS trên địa bàn huyện đều được tăng cường tiếng Việt phù hợp với từng đối tượng HS. Trong đó, trẻ mầm non được tăng cường vốn tiếng Việt, hiểu biết về tiếng Việt đạt tỷ lệ 98,6% (tăng 11,2% so với trước năm 2016); HS tiểu học đọc thông, viết thạo, hiểu biết về tiếng Việt đạt tỷ lệ 98,8% (tăng 0,9% so với trước năm 2016). Hằng năm, 100% giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và HS tiểu học đều được tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ do tỉnh, huyện tổ chức. Đầu mỗi năm học nhiều trẻ DTTS vẫn nói tiếng mẹ đẻ khi đến trường, chưa biết sử dụng tiếng Việt, hoặc sử dụng chưa thành thạo, nhưng sau khi đến trường học 100% trẻ đã biết sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp...

Từ ý nghĩa của việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS cùng với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, ngành giáo dục huyện Lang Chánh xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu cho chính quyền địa phương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu phục vụ dạy, học tiếng Việt cho trẻ vùng DTTS. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Tuyên truyền, vận động các gia đình tạo điều kiện để trẻ đi học chuyên cần, sử dụng tiếng Việt ở gia đình và cộng đồng. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực, phương pháp, kỹ năng tăng cường tiếng Việt cho HS đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên phù hợp với thực tế mỗi nhà trường và từng địa phương.

Bài và ảnh: Phong Sắc


Bài và ảnh: Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]