(Baothanhhoa.vn) - Phân loại rác tại nguồn nhằm làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm và hạn chế tối đa các chất thải tồn đọng từ sinh hoạt hằng ngày và sản xuất. Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 đã đưa ra những quy định cụ thể để thực hiện lộ trình phân loại rác tại nguồn đồng bộ trên cả nước bắt đầu từ ngày 1/1/2025. Điều này cũng đồng nghĩa mỗi người dân cần nâng cao ý thức, có những hành động cụ thể, thiết thực để hiện thực hóa mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Quan tâm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Phân loại rác tại nguồn nhằm làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm và hạn chế tối đa các chất thải tồn đọng từ sinh hoạt hằng ngày và sản xuất. Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 đã đưa ra những quy định cụ thể để thực hiện lộ trình phân loại rác tại nguồn đồng bộ trên cả nước bắt đầu từ ngày 1/1/2025. Điều này cũng đồng nghĩa mỗi người dân cần nâng cao ý thức, có những hành động cụ thể, thiết thực để hiện thực hóa mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Quan tâm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồnHoạt động phân loại thu gom phế liệu từ chất thải rắn sinh hoạt của hội viên Hội LHPN phường Đông Hương (TP Thanh Hóa).

Theo điều 75 Luật BVMT năm 2020, chất thải rắn (CTR) sinh hoạt (rác thải) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTR sinh hoạt khác. Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, Luật khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt. Chất thải thực phẩm không dùng làm phân bón phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt. CTR sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt...

Phó Chi cục Trưởng Chi cục BVMT, Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Thủy cho biết: Thực hiện chủ trương phân loại rác thải tại nguồn, thời gian qua UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp từ tuyên truyền đến xây dựng các mô hình điểm. Tuy nhiên, việc phân loại rác thải tại nguồn hiện nay chủ yếu tập trung ở loại rác thải có khả năng tái chế; mới chỉ có một số ít địa phương triển khai thực hiện phân loại được rác thải dễ phân hủy và tự ủ thành công rác thải hữu cơ làm phân bón, giảm thiểu một phần rác thải phải xử lý. Đơn cử như mô hình tự làm men vi sinh, ủ rác thải thực phẩm làm phân bón tại huyện Yên Định; mô hình phân loại rác thải, ủ rác thải hữu cơ thành phân bón tại các xã Quảng Bình, Quảng Lưu, Quảng Định (Quảng Xương). Hiện TP Thanh Hóa đang tích cực xây dựng phương án cụ thể để làm điểm về phân loại rác tại nguồn trên địa bàn phường Điện Biên.

Tại huyện Hoằng Hóa mô hình “Xử lý CTR sinh hoạt hữu cơ làm phân bón vi sinh quy mô hộ gia đình” cũng đang từng bước được nhân rộng. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên nhận thức người dân về phân loại rác thải tại nguồn ngày một nâng cao. Nhiều hộ gia đình đã phân loại, tận dụng những rác thải có nhóm hữu cơ để làm thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ, lượng rác thải thu gom cũng giảm đi nhiều. Theo thống kê, đến nay toàn huyện đã có 26.993/62.427 hộ thực hiện phân loại rác (chiếm 43,24%). Trung bình lượng rác được thu gom để đem đi xử lý tại các xã, thị trấn khoảng 99,2 tấn/ngày, đêm, trong đó tỷ lệ chất thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ cao chiếm 40%; tỷ lệ chất thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp chiếm 60%.

Qua khảo sát, đánh giá của ngành chức năng cho thấy, trong rác thải sinh hoạt, rác thải dễ phân hủy chiếm tới 60%, rác thải tái chế chiếm 7%, chất thải trơ chiếm 28%, chất thải nguy hại chiếm 1%, còn lại là chất thải khác chiếm 4%. Vì vậy, việc thực hiện phân loại triệt để rác thải sẽ giảm được phần lớn rác thải phải xử lý. Nếu không phân loại được thì toàn bộ rác thải phải xử lý dẫn đến nhiều nơi bị quá tải do rác thải phát sinh vượt quá công suất xử lý của các bãi chôn lấp, lò đốt.

Theo thống kê của Chi cục BVMT, năm 2022 khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh hằng ngày khoảng 2.537 tấn/ngày/đêm. Tỷ lệ thu gom, xử lý đạt 89,02%. Năm 2023 khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh hằng ngày khoảng 2.505 tấn/ngày/đêm; tỷ lệ thu gom, xử lý đạt 91,8%. Nhằm giảm áp lực diện tích chôn lấp, tăng hiệu suất tái chế rác, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thời gian qua Chi cục BVMT đã tích cực hướng dẫn các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện phân loại rác thải đồng bộ ở tất cả các khâu từ phân loại đến thu gom, xử lý. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác BVMT, tạo thói quen phân loại rác tại nguồn. Đặc biệt, năm 2022 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 13/2022/QĐ-UBND về Quy định chi tiết quản lý CTR sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với mong muốn các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai phân loại rác thải tại nguồn để cùng với cả nước thực hiện hiệu quả quy định của Luật BVMT năm 2020.

Theo Phó Chi cục Trưởng Chi cục BVMT Nguyễn Thị Thủy, trước mắt đối với các địa phương có lò đốt như thị xã Nghi Sơn, các huyện Như Thanh, Yên Định, Quảng Xương, Nông Cống, Vĩnh Lộc, Hậu Lộc... yêu cầu lựa chọn các xã có điều kiện thuận lợi để triển khai điểm phân loại riêng chất thải thực phẩm, chất thải có khả năng đốt cháy, chất thải trơ, chất thải nguy hại trong sinh hoạt; đồng thời ban hành quy định phải thực hiện triệt để phân loại và thu gom riêng chất thải đã phân loại để xử lý theo yêu cầu tại Quyết định số 13/2022/QĐ-UBND. Nhiệm vụ này được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024. Trên cơ sở kết quả từ những địa phương được lựa chọn làm điểm sẽ triển khai đại trà việc phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn toàn tỉnh.

Bài và ảnh: Lê Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]