Phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là “bài toán khó” với tân Tổng thống Donald Trump
Những gì đã diễn ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump đưa đến cho cộng đồng quốc tế kỳ vọng về kịch bản nối lại đàm phán liên Triều, Mỹ - Triều, tạo tiền đề cho một giải pháp phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, liệu điều này có thể xảy ra?
Như Reuters dẫn hai nguồn tin giấu tên cho biết, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang thảo luận về khả năng đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với hy vọng giảm thiểu rủi ro xung đột vũ trang trên Bán đảo Triều Tiên. Một số thân cận của Tổng thống Trump tin rằng, “cách tiếp cận trực tiếp” của tân tổng thống rất có thể sẽ giúp cải thiện quan hệ với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Mục tiêu ban đầu của ông Trump sẽ là “khôi phục tương tác cơ bản”, tạo nền tảng để tính tới các mục tiêu chính sách xa hơn, tuy nhiên đến nay thời gian biểu chính xác cho kịch bản như thế vẫn chưa được xác định.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un 3 lần: Vào năm 2018 tại Singapore, năm 2019 tại Việt Nam và tại cửa khẩu biên giới Panmunjom (Bàn Môn Điếm). Tuy nhiên, các cuộc gặp kết thúc mà không đạt được kết của nào cụ thể về vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.
Việc Tổng thống Trump muốn đạt được thỏa thuận với nhà lãnh đạo Kim Jong-un hoặc cố gắng chứng minh về “mối quan hệ đặc biệt giữa hai nhà lãnh đạo” sẽ góp phần thúc đẩy hòa bình ở Bán đảo Triều Tiên, rộng hơn là khu vực Đông Bắc Á, chắc chắn sẽ được cộng đồng quốc tế đón nhận với sự kỳ vọng cao. Tuy nhiên, theo Konstantin Asmolov, chuyên gia Viện Nghiên cứu Viễn Đông/Viện Hàn lâm khoa học Nga, điều này sẽ được nhìn nhận từ Nga và Hàn Quốc theo hướng khác nhau. Ở Nga, chính sách của Chính quyền Trump đối với Triều Tiên được coi là nỗ lực nhằm “kéo” Triều Tiên khỏi Nga và Trung Quốc. Ngược lại, ở Hàn Quốc, họ tin rằng việc xích lại gần nhau giữa Washington và Bình Nhưỡng sẽ không có lợi cho Seoul; bởi lẽ, để đổi lấy việc tạm dừng phát triển chương trình tên lửa đạn đạo có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ, Bình Nhưỡng sẽ được công nhận về tình trạng hạt nhân của mình. Với những quan điểm còn quá nhiều khác biệt, theo chuyên gia Nga, rất khó có thể mong đợi một giải pháp phi hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
Trước hết, mặc dù mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo có thể được duy trì, nhưng không gì có thể bảo đảm điều này giúp thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Thứ hai, kể từ cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội, Triều Tiên đã củng cố đáng kể vị thế của mình trên mọi phương diện then chốt. Sau khi phê chuẩn Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện với Nga, Triều Tiên có hai hiệp ước liên minh với các cường quốc hạt nhân cung cấp hỗ trợ quân sự cho Bình Nhưỡng nếu nước này bị xâm lược. Tiềm năng tên lửa hạt nhân của nước này cũng tăng lên, và giai đoạn dài chống chọi với các lệnh cấm vận đã giúp tăng cường khả năng thích nghi của Triều Tiên. Do đó, có thể khẳng định rằng, áp lực bằng các biện pháp trừng phạt tiếp theo từ phương Tây sẽ là vô ích, đặc biệt khi xét đến mối quan hệ hợp tác giữa Triều Tiên với Nga và Trung Quốc.
Thứ ba, theo giới phân tích, để thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Trump rõ ràng là phải đưa ra “củ cà rốt”. Tuy nhiên, các lựa chọn “củ cà rốt” đơn giản, như giảm bớt một chút lệnh trừng phạt, hay cung cấp viện trợ nhân đạo có lẽ không đủ thuyết phục trong bối cảnh hợp tác giữa Moscow và Bình Nhưỡng đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Song, nếu đề nghị với nhà lãnh đạo Triều tiên một điều gì đó thực sự nghiêm túc, như dỡ bỏ trừng phạt, thì ông Trump sẽ phải đối mặt với sức ép từ chính giới và dư luận trong nước, vốn có cái nhìn thiếu thiện cảm về Triều Tiên.
Thứ tư, phi hạt nhân hóa vốn là chủ đề chính của các cuộc đàm phán trước đó, có vẻ như dần biến mất khỏi chương trình nghị sự. Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, Triều Tiên nhiều lần tuyên bố rằng tình trạng hạt nhân của họ hoàn toàn không phải là chủ đề để thương lượng và sẽ đẩy nhanh quá trình trở thành cường quốc quân sự sở hữu vũ khí hạt nhân. Điều này, theo chuyên gia người Nga Konstantin Asmolov, có nguy cơ phá vỡ chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân hiện có và là điều không thể chấp nhận đối với Mỹ.
Thứ năm, có thể có những ý kiến theo chủ nghĩa hiện thực chính trị trong Chính quyền Trump đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả trong việc tiến hành đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Câu hỏi ông Trump phải đối mặt là: Đạt được bước tiến đột phá trong vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên là điều rất khó khăn, thậm chí là thiếu khả thi, vì vậy, có lẽ nên tìm kiếm một hướng đi khác hiệu quả hơn?
Hơn nữa, trên thực tế, giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên có lẽ không phải là ưu tiên hàng đầu của Chính quyền Trump. Mặc dù đã xuất hiện thông tin cho rằng tầm bắn của tên lửa đạn đạo Triều Tiên có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ, song vẫn còn có quá nhiều vấn đề cấp bách hơn mà một tổng thống theo chủ nghĩa dân túy phải giải quyết trước tiên, ví dụ là Ukraine hoặc Trung Đông.
Về phía Triều Tiên, có vẻ như nước này cũng không còn “mặn mà” với kịch bản đàm phán với Mỹ để đạt được giải pháp phi hạt nhân hóa. Ngày 21/11, phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm vũ khí “Phát triển Quốc phòng - 2024”, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã không đề cập đến việc Tổng thống Donald Trump sắp lên nắm quyền ở Mỹ. Đáng chú ý, ông Kim cáo buộc “chính sách hung hăng và thù địch không bao giờ thay đổi đối với Triều Tiên của Mỹ”; đồng thời, khẳng định Triều Tiên sở hữu “năng lực vững chắc và bảo đảm an ninh” để đối phó với các mối đe dọa an ninh hiện hữu cũng như tiềm tàng trong tương lai.
Rõ ràng, những tuyên bố cứng rắn trên làm suy yếu triển vọng đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu nhà lãnh đạo Kim Jong-un có muốn chơi lại cuộc chơi trên bàn đàm phán với Tổng thống Donald Trump như giai đoạn 2018 - 2019 hay không? Theo Konstantin Asmolov, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể tham dự một số sự kiện mang tính nghi lễ, bởi vì việc hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều gặp nhau có lợi cho ông Kim nhiều hơn, xóa nhòa hình ảnh Triều Tiên là một “quốc gia bất hảo” như một số nước cáo buộc. Nhưng nếu chúng ta không nói về những cử chỉ nghi lễ, mà nói về những bước đi thực tế góp phần thúc đẩy giải pháp phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên thì rất có thể sẽ không xảy ra.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-07 10:15:00
Ukraine đối mặt với năm 2025 đầy khó khăn
-
2025-01-07 09:08:00
Các chính phủ đối mặt với những vấn đề kinh tế lớn trong năm 2025
-
2024-12-03 11:36:00
Chuyện gì đang xảy ra ở Syria? Đâu là mục đích của phiến quân?
Georgia rung chuyển bởi biểu tình, Nga so sánh với cuộc đảo chính Maidan
“Bóng ma” chiến tranh Syria quay trở lại?
Xung đột Syria, điềm báo về thảm họa toàn cầu tiềm tàng
Lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah: Con đường dẫn đến hòa bình hay vết thương đang mưng mủ?
Chính sách thuế quan của Mỹ có thể gây áp lực lên nhiều nền kinh tế châu Á
Ukraine chờ đợi nhiệm kỳ tổng thống của Trump với sự lo lắng
Những chính sách giúp nền kinh tế Nga “vượt khó”
Duy trì lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah đặt ra thách thức lớn cho Hoa Kỳ
Hy vọng hòa bình cho Trung Đông