(Baothanhhoa.vn) - Các vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp kiện đòi tài sản ở TP Sầm Sơn được đưa ra xét xử. Tòa án yêu cầu UBND các xã, phường liên quan phải trả lại số tiền đã thu của người dân nộp tiền mua đất nhưng không được giao đất. Bản án đã có hiệu lực pháp luật gần 2 năm, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được thi hành xong bởi chưa có hướng dẫn cụ thể từ phía chính quyền cấp trên.

TP Sầm Sơn: Các bản án kiện đòi tài sản bao giờ mới được thi hành?

Các vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp kiện đòi tài sản ở TP Sầm Sơn được đưa ra xét xử. Tòa án yêu cầu UBND các xã, phường liên quan phải trả lại số tiền đã thu của người dân nộp tiền mua đất nhưng không được giao đất. Bản án đã có hiệu lực pháp luật gần 2 năm, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được thi hành xong bởi chưa có hướng dẫn cụ thể từ phía chính quyền cấp trên.

TP Sầm Sơn: Các bản án kiện đòi tài sản bao giờ mới được thi hành?Công sở phường Quảng Châu (TP Sầm Sơn).

Bức xúc những khoản nợ trên 10 năm

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi tìm gặp bà Đỗ Thị Thúy, ở phường Quảng Thọ, TP Sầm Sơn - nguyên đơn trong vụ án kiện đòi tài sản giữa bà và UBND phường Quảng Châu. Bà Thúy cho biết, tháng 8-2011, biết được có phê duyệt MBQH số 38 tại địa bàn xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương (nay là phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn), bà có nộp số tiền 300 triệu đồng cho UBND xã Quảng Châu để mua 2 lô đất. Việc nộp tiền có kế toán là người lập phiếu, thủ quỹ là người thu tiền và có đóng dấu của chủ tài khoản là Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ (Phiếu thu số 12 ngày 30-8-2011)...

Thời điểm năm 2011, việc thu tiền của UBND xã để cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho người dân là phù hợp về định giá giao đất. Song do chính sách thay đổi, sang năm 2012, việc cấp QSDĐ phải thực hiện theo nguyên tắc đấu giá giao đất theo Quyết định số 359/2012/QĐ-UBND ngày 3-2-2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quy chế đấu giá QSDĐ để giao đất có thu tiền SDĐ hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Do không được thực hiện chủ trương định giá giao đất nên bà Thúy không được cấp đất. Hiểu được vấn đề này, bà Thúy đã nhiều lần đề nghị UBND phường Quảng Châu để được nhận lại số tiền đã nộp, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. “Vụ việc đã kéo dài hơn 10 năm, tôi đã nhiều lần đề nghị đến UBND phường Quảng Châu để được nhận lại số tiền đã nộp từ năm 2011, song cán bộ cũ thì không còn, người mới né tránh, sợ trách nhiệm, không biết phải kêu ai, hỏi ai để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình?”, bà Thúy bức xúc nói.

Cực chẳng đã, năm 2021, bà Thúy có đơn khởi kiện đến TAND TP Sầm Sơn buộc UBND phường Quảng Châu trả lại cho bà số tiền 300 triệu đồng bà đã nộp cho UBND xã. Ngày 30-7-2021, TAND TP Sầm Sơn đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp kiện đòi tài sản giữa bà Thúy và UBND phường Quảng Châu. Kết quả, Hội đồng xét xử đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc UBND phường Quảng Châu phải trả cho bà Đỗ Thị Thúy số tiền đã thu là 300 triệu đồng. Sau đó, do có đơn kháng cáo, vụ án tiếp tục được TAND tỉnh xét xử phúc thẩm. Kết quả phiên tòa phúc thẩm cũng yêu cầu UBND phường Quảng Châu phải có trách nhiệm trả lại số tiền trên cho bà Thúy.

Tương tự, một bản án tranh chấp kiện đòi tài sản tại xã Quảng Minh (TP Sầm Sơn) cũng kéo dài từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Theo thông tin phóng viên có được, ngày 26-6-2021, TAND TP Sầm Sơn đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự kiện đòi tài sản giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Bồng, xã Quảng Minh và bị đơn là UBND xã Quảng Minh.

Theo bản án: Năm 2011, do biết UBND xã Quảng Minh có chủ trương bán đất cho dân nên gia đình bà Lê Thị Bồng đã làm đơn gửi UBND xã đăng ký mua đất và nộp số tiền 150 triệu đồng vào ngân sách xã. Đến năm 2012, UBND xã vẫn không giao đất cho gia đình bà nên bà đến hỏi thì được trả lời là đất bán đấu giá, không bán định giá như trước đây nữa. Thấy khó khăn, nên bà quyết định không mua đất nữa và xin rút tiền về. Đến tháng 11-2013, UBND xã Quảng Minh trả cho bà 50 triệu đồng; tháng 12-2014, UBND xã trả tiếp cho bà 50 triệu đồng; còn lại số tiền 50 triệu đồng đến nay gia đình bà vẫn chưa nhận lại được mặc dù đã nhiều lần đến hỏi nhưng đều được trả lời là chưa có nguồn để thanh toán. Thậm chí là năm 2020, UBND xã Quảng Minh còn có công văn trả lời đơn đề nghị của bà với nội dung “Khoản tiền 50 triệu đồng của bà là không có cơ sở pháp lý để trả nợ”.

Lo lắng bị mất tiền một cách oan ức, bà Bồng đã gửi đơn khởi kiện đến TAND TP Sầm Sơn để được giải quyết, buộc UBND phường Quảng Minh trả lại 50 triệu đồng đã thu và số tiền lãi cho bà. Bản án sơ thẩm của TAND TP Sầm Sơn, Hội đồng xét xử đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Bồng, buộc UBND xã Quảng Minh phải trả cho bà số tiền còn lại đã thu là 50 triệu đồng; Hội đồng xét xử không chấp nhận đối với yêu cầu tính lãi suất.

Nguyện vọng nộp tiền, mua đất của người dân là hoàn toàn chính đáng. Ở thời kỳ đó, cán bộ các xã, phường đã hướng dẫn công dân nộp tiền vào ngân sách để được mua đất. Tuy nhiên, trớ trêu thay, đất bán không đúng thẩm quyền, bán trên giấy tờ dẫn đến việc không có đất để bàn giao trên thực địa, song điều đáng bàn là số tiền nộp vào ngân sách không được trả lại kịp thời mà kéo dài hơn 10 năm cho đến tận bây giờ vẫn chưa lấy lại được. Sự chậm trễ trên gây thiệt thòi cho người dân đã nộp tiền và tạo nên bức xúc trong dư luận địa phương.

Chờ đợi hướng dẫn cụ thể từ cơ quan cấp trên

Điều đáng nói, sau gần 2 năm các vụ án đã có hiệu lực pháp luật nhưng đến nay vẫn chưa thể thi hành và tiếp tục bị “ách tắc” vì lý do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc chi trả tiền theo bản án cho công dân.

Tại phường Quảng Châu, theo tìm hiểu của phóng viên, đầu năm 2023, HĐND phường Quảng Châu đã ban hành Nghị quyết số 03 ngày 10-1-2023 xây dựng nguồn chi trả xử lý tồn đọng với tổng số tiền dự toán hơn 7,8 tỷ đồng, trong đó có 5 khoản trả nợ cho công dân theo quyết định của tòa án. Trường hợp của bà Đỗ Thị Thúy nằm trong số đó.

Ông Mai Thành Đồng, Chủ tịch UBND phường Quảng Châu cho biết: Việc thu tiền của người dân và phải trả cho người dân là hoàn toàn đúng. Ngân sách phường hiện tại có nguồn tiền để chi trả cho hộ dân, song vướng mắc hiện nay là hồ sơ, thủ tục chi trả như thế nào lại chưa được hướng dẫn cụ thể. Cán bộ phường rất băn khoăn không biết lập hồ sơ thanh toán qua kho bạc Nhà nước như thế nào để bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật, bởi ở địa phương chưa có vụ việc tiền lệ mà việc chi trả bằng nguồn ngân sách Nhà nước phải bảo đảm chặt chẽ theo hướng dẫn để tránh sai phạm về sau này. UBND phường Quảng Châu đã có văn bản đề nghị UBND TP Sầm Sơn hướng dẫn cách thức, hồ sơ thanh toán, song vẫn chưa có trả lời cụ thể từ phía cơ quan cấp trên nên phường chưa thể thực hiện theo bản án, công dân vẫn phải chờ đợi.

Tại xã Quảng Minh, theo ông Lê Văn Mùi, Chủ tịch UBND xã, đầu năm 2023, UBND xã Quảng Minh đã cố gắng tiết kiệm nguồn chi thường xuyên và trả cho bà Lê Thị Bồng số tiền 15 triệu đồng trong tổng số 50 triệu đồng theo quyết định của bản án. Tuy nhiên, nguồn chi thường xuyên ở các xã hạn hẹp, việc tiết kiệm để trả nợ là rất khó khăn. Trong khi đó, ngoài trường hợp của bà Bồng, trên địa bàn xã vẫn còn một số trường hợp tồn đọng do lịch sử để lại liên quan đến thu tiền của người dân... “Các vụ việc này rất khó giải quyết bởi ngân sách không có nguồn chi và cũng chưa có quy định cụ thể về khoản chi đó, hồ sơ qua kho bạc cũng sẽ không cho thanh toán theo hình thức trả nợ cho công dân, bởi bản chất tiền đó là tiền đất dùng vào mục đích chi xây dựng cơ bản, không thể lấy ra để trả nợ cho công dân!”, ông Mùi nhấn mạnh.

Để tìm hiểu rõ hơn về các vụ việc tranh chấp kiện đòi tài sản ở TP Sầm Sơn, phóng viên đã trao đổi với bà Lê Thị Phong, Phó Chánh án phụ trách dân sự TAND TP Sầm Sơn. Được biết, từ năm 2021 đến nay, TAND TP Sầm Sơn đã tiếp nhận rất nhiều đơn khởi kiện của người dân liên quan đến vấn đề này, nhiều trường hợp phức tạp chưa có hướng giải quyết.

Bà Lê Thị Phong cho biết: “Năm 2021, TAND TP Sầm Sơn đã giải quyết thí điểm 2 vụ án dân sự về tranh chấp kiện đòi tài sản. Những vụ án tranh chấp kiện đòi tài sản được xác định là hợp đồng vô hiệu, tòa án yêu cầu UBND xã, phường có liên quan buộc trả lại tiền cho người dân. Bản án đã có hiệu lực pháp luật, song khi thi hành thì UBND cấp xã lại cho rằng không có nguồn để chi trả tiền theo bản án hoặc sợ chi sai do không đúng nguyên tắc tài chính nên chưa thực hiện. Tuy nhiên, tôi cho rằng, còn có sự né tránh, sợ vi phạm nguyên tắc chi tiêu tài chính trong các trường hợp này. Bản án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên UBND cấp xã phải chi trả cho người dân từ nguồn ngân sách, nguyên tắc chi cần có những chỉ đạo cụ thể, kịp thời từ phía cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, hoàn trả lại số tiền đã thu của người dân để bảo đảm sự công bằng của pháp luật”.

Bài và ảnh: Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]