(Baothanhhoa.vn) - Theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp, từ năm 2013 đến nay, bình quân hàng năm các hòa giải viên trên địa bàn tỉnh tiếp nhận khoảng 4.000 vụ hòa giải, trong đó hòa giải thành chiếm hơn 82%, qua đó góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của Nhân dân, giảm bớt khiếu nại, tố cáo, ổn định an ninh trật tự tại cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, từ thực tế của hoạt động hòa giải cơ sở cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cần nhiều giải pháp đồng bộ để công tác này tiếp tục phát huy hiệu quả.

Hòa giải ở cơ sở - góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư

Theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp, từ năm 2013 đến nay, bình quân hàng năm các hòa giải viên trên địa bàn tỉnh tiếp nhận khoảng 4.000 vụ hòa giải, trong đó hòa giải thành chiếm hơn 82%, qua đó góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của Nhân dân, giảm bớt khiếu nại, tố cáo, ổn định an ninh trật tự tại cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, từ thực tế của hoạt động hòa giải cơ sở cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cần nhiều giải pháp đồng bộ để công tác này tiếp tục phát huy hiệu quả.

Hòa giải ở cơ sở - góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư

Tổ hòa giải thôn Quý Tiến, xã Hà Sơn (Hà Trung) thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về vụ hòa giải trên địa bàn thôn. Ảnh: V.H

Những người thắt chặt “tình làng, nghĩa xóm”

Vào một ngày tháng 10, trong chuyến đi công tác, chúng tôi có dịp trò chuyện với bác Mai Ngọc Toản, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ hòa giải tiểu khu Yên Hạnh 1, thị trấn Nga Sơn (Nga Sơn).

Qua cuộc trò chuyện với bác Toản, chúng tôi cảm nhận được tình cảm mà bác dành cho mảnh đất, con người Nga Sơn, đặc biệt là niềm đam mê, trách nhiệm bác dành cho công tác mặt trận, hòa giải ở cơ sở mà bác đã đảm nhận suốt hơn 10 năm nay. Theo bác Toản, làm công tác hòa giải ở khu dân cư là việc không hề đơn giản. Ở địa bàn thị trấn Nga Sơn, khi “làng đang lên phố” - sau khi sáp nhập xã Nga Mỹ về thị trấn Nga Sơn, diện tích rộng hơn, dân số đông hơn nên có thời điểm phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn, kiến nghị, nhất là các vấn đề liên quan đến trật tự xây dựng, đất đai thừa kế, mâu thuẫn trong các gia đình... rất khó hòa giải - mà nếu hòa giải thành thì mất nhiều thời gian, công sức. Ở trong tiểu khu đã xảy vụ việc mâu thuẫn giữa anh em, dòng họ tranh chấp đất xây dựng nhà thờ. Mặc dù là người trong cùng gia đình, nhưng vì sự khác biệt về lợi ích kinh tế, quan điểm, nhận thức, tính cách... nên anh chị em trong nhà xảy ra cãi vã và không thống nhất được việc phân chia. Tổ hòa giải của tiểu khu đã nhiều lần gặp gỡ, động viên nhưng cũng chỉ mới giải tỏa căng thẳng, để anh chị em trong nhà bớt lời qua tiếng lại, còn việc giải quyết dứt điểm nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn vẫn còn là bài toán khó.

Bác Toản cho biết, hiếm có vụ việc nào chỉ hòa giải một lần là đã thành công, mà phải đi lại nhiều lần, lựa lời hỏi han, chia sẻ, động viên theo phương châm “mưa dầm thấm sâu”. Lúc thì trò chuyện với người này, khi thì tâm sự với người kia, tác động tư tưởng để các bên cùng lắng nghe, thấu hiểu, dần dần hóa giải được mâu thuẫn. Câu chuyện hòa giải mà bác ấn tượng nhất đã xảy ra từ vài năm trước, khi vợ chồng anh A. và chị H. xảy ra mâu thuẫn, lục đục đòi ra tòa ly hôn. Nhưng rồi, thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, nghe lời khuyên răn, động viên của các hòa giải viên, vợ chồng anh chị đã làm lành, trở về chung sống với nhau. Bây giờ cứ mỗi lần nhìn thấy anh chị ấy và con cái khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, xây nhà cửa khang trang là bác và các thành viên trong tổ hòa giải lại thấy vui trong lòng.

“Cho dù vất vả, tốn nhiều thời gian công sức, thù lao không được bao nhiêu nhưng bù lại là niềm vui sau mỗi lần hòa giải được mâu thuẫn giữa mọi người, là sự tin yêu, quý mến của bà con lối xóm” – bác Toản chia sẻ.

Cũng như bác Mai Ngọc Toản, gần 20 năm làm Bí thư Chi bộ, tổ trưởng tổ hòa giải thôn Thung Thôn, xã Định Hòa (Yên Định), bác Lê Văn Lợi không nhớ đã hòa giải bao nhiêu vụ việc, tuy nhiên khi hỏi đến bất kỳ vụ nào thì những ký ức, kỷ niệm như ùa về, bác kể không thiếu một chi tiết nào. Đó đơn giản là niềm đam mê, sự cống hiến của một người vì hạnh phúc mọi người.

Bác Lợi chia sẻ về những khó khăn trong quá trình hòa giải, xóa tan mâu thuẫn đem lại niềm vui, thuận hòa cho các bên. “Vận động, thuyết phục các bên thì dễ nhưng dùng lý lẽ, căn cứ vừa hợp tình, hợp lý vừa đúng luật rất khó, nhất là trong các vụ tranh chấp về đất đai hay dân sự. Do đó, khi có vụ việc, các thành viên trong tổ hòa giải phải họp lại đưa ra nhiều giải pháp, sau đó tiến hành hòa giải nên tỷ lệ hòa giải thành cao”.

Cũng theo bác Lợi, trong quá trình hòa giải, tùy vào vụ việc cụ thể, các thành viên tổ hòa giải vận dụng thêm những phong tục tập quán ở địa phương, những hiểu biết về pháp luật có liên quan, bằng lời nói nhẹ nhàng để phân tích, giải thích cho có lý, có tình theo phương châm “đúng sai phân minh” - “lý tình trọn vẹn” nhằm thuyết phục cho hai bên đi đến thỏa thuận cùng hài hòa thống nhất vui vẻ và xóa tan tranh chấp.

Từ câu chuyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của bác Toản, bác Lợi cho thấy mặc dù kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở còn hạn chế, nhưng với tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình, lực lượng hòa giải viên bằng kiến thức, kinh nghiệm sống, bằng lòng tận tâm với công việc đã chủ động, tích cực, kiên trì tiến hành hòa giải thành công nhiều vụ việc, đem lại sự yên vui, giữ được tình làng, nghĩa xóm trong gia đình và khu dân cư; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư.

Quan tâm nhiều hơn đến hòa giải cơ sở

Theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp, trên địa bàn tỉnh có 559 xã, phường, thị trấn đều đã thành lập các tổ hòa giải theo trình tự Luật Hòa giải với 4.151 tổ hòa giải, 26.909 hòa giải viên ở cơ sở. Từ năm 2013 đến nay, bình quân hàng năm các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh tiếp nhận gần 4.000 vụ hòa giải, trong đó hòa giải thành chiếm hơn 82% số vụ.

Từ số liệu trên cho thấy, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã khẳng định vai trò to lớn, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, giúp người dân nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và có thể tự hòa giải để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự tại cơ sở, hạn chế đơn, thư, giảm khiếu kiện vượt cấp; tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của chính các bên tranh chấp, cũng như giúp các cơ quan Nhà nước, cơ quan tư pháp giải quyết vụ việc một cách chính xác, khách quan, công bằng và kịp thời, góp phần ổn định về an ninh chính trị, tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo ý kiến của những người làm công tác hòa giải ở cơ sở, hiện tại kinh phí dành cho hoạt động hòa giải có nơi có, nơi không. Trong khi đó, Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 đã quy định hòa giải viên có quyền “hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải”. Quy định này đã được cụ thể trong Nghị định số 15/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT/BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện công tác hòa giải cơ sở. Mức chi thù lao cho hòa giải viên (đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ, việc hòa giải): mức tối đa 200.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải. Nhưng, do kinh phí của các địa phương còn hạn chế nên nguồn kinh phí chi thù lao theo vụ, việc cho hòa giải viên rất ít, thậm chí không có.

Bác Mai Ngọc Toản, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ hòa giải tiểu khu Yên Hạnh 1, thị trấn Nga Sơn chia sẻ: "Hiện, tôi đang kiêm nhiệm 2 chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận tiểu khu, mỗi tháng được hỗ trợ 2.235 ngàn đồng. Còn lâu nay tham gia hoạt động hòa giải là hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện, trách nhiệm với cộng đồng để duy trì sự hài hòa và ổn định của xã hội ở khu dân cư. Song, tôi nghĩ Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 đã quy định hòa giải viên có quyền “hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải” thì địa phương cũng nên cân đối nguồn ngân sách hỗ trợ cho các hòa giải viên. Chứ lâu nay, chúng tôi chưa được hưởng bất cứ chế độ nào từ hoạt động hòa giải”.

Cũng như bác Toản, anh Nguyễn Đại Thắng, Bí thư Chi bộ, Trưởng phố Trường Sơn, phường Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa) cho biết: “Tổ hòa giải phố Trường Sơn có 8 thành viên. Thời gian qua, tổ hòa giải đã hòa giải thành 2 vụ việc mâu thuẫn do anh em trong gia đình tranh chấp đất đai, do vợ - chồng có quan hệ ngoài luồng. Nếu 2 vụ việc trên không được giải quyết ngay từ cơ sở một cách kịp thời, triệt để thì “chuyện bé xé ra to", dẫn đến mất an ninh trật tự tại khu phố. Hiệu quả là vậy, nhưng kinh phí dành cho hoạt động hòa giải ở cơ sở lâu nay chưa hề có mà các thành viên trong tổ hòa giải đi làm vì trách nhiệm thôi”.

Từ thực tế phản ánh của những người làm công tác hòa giải cơ sở cũng như những trao đổi của cán bộ làm công tác tư pháp ở các huyện, thị xã, thành phố, cho thấy nguyên nhân là do ở một số địa phương đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải cơ sở nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác này. Bên cạnh đó, mạng lưới tổ hòa giải chưa đồng đều, số lượng hòa giải viên tổ hòa giải còn ít; tổ hòa giải ở một số nơi hoạt động còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả; một số hòa giải viên còn bị hạn chế về kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải dẫn đến số lượng vụ việc hòa giải thành chưa cao và chất lượng hòa giải nhiều vụ, việc còn hạn chế; việc xác định phạm vi hòa giải của các hòa giải viên còn lúng túng. Đội ngũ hòa giải viên chưa được tham dự các lớp nâng cao nghiệp vụ chuyên môn thường xuyên hàng năm, do đó có nhiều vụ việc khó, phức tạp hòa giải không thành công, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của công tác hòa giải.

Mặt khác, các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ Nhân dân, nhất là tranh chấp trong lĩnh vực đất đai, phân chia tài sản hôn nhân ngày càng gia tăng và phức tạp hơn, trong khi số lượng và trình độ của hòa giải viên còn hạn chế nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả hòa giải; nguồn ngân sách Nhà nước ở cấp huyện, đặc biệt là ở cấp xã còn khó khăn nên việc bố trí kinh phí cho công tác hòa giải chưa nhiều, việc huy động nguồn kinh phí cho công tác hòa giải cũng còn khó khăn, do đó chưa thu hút được nhiều cá nhân có năng lực tham gia công tác hòa giải.

Thiết nghĩ, để công tác hòa giải ở cơ sở được phát huy hơn nữa, động viên, khích lệ hòa giải viên tham gia nhiệt huyết trong công tác hòa giải cơ sở, các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu địa phương cần quan tâm hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở một cách thực chất và hiệu quả. Bố trí nguồn kinh phí chi trả mức thù lao theo vụ, việc cho các hòa giải viên theo quy định. Đồng thời, tăng cường và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức cấp cơ sở và người dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, để từ đó tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên thực hiện nội dung kiện toàn tổ hòa giải, bầu và công nhận hòa giải viên, xây dựng mạng lưới tổ hòa giải đều khắp trong khu dân cư trên địa bàn. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho những người làm công tác hòa giải. Bởi, từ thực tiễn công tác hòa giải cho thấy, trình độ hiểu biết pháp luật của các hòa giải viên còn hạn chế, lại chưa được cập nhật, bồi dưỡng kiến thức pháp luật thường xuyên, nhất là những lĩnh vực pháp luật liên quan đến đất đai, hôn nhân gia đình... Đối với hòa giải viên ở cơ sở, cần xác định “sứ mệnh” của mình không chỉ đơn thuần là giải quyết tranh chấp, vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư mà hoạt động của hòa giải viên phải mang lại cuộc sống yên bình, hạnh phúc cho cộng đồng, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ngày một vững mạnh. Do đó, bản thân mỗi hòa giải viên, tổ hòa giải phải biết vận dụng linh hoạt kết hợp chặt chẽ giữa lý và tình để giải quyết sự việc thấu tình đạt lý, từ đó tạo sự đồng thuận, đồng lòng xây dựng và phát triển địa phương...

Hy vọng rằng, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, sự nhiệt tình, sáng tạo của các hòa giải viên trong thời gian tới công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng phát huy được hiệu quả, góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.

Hòa giải ở cơ sở phải dựa trên uy tín và sự tin tưởng của người dân

Hòa giải ở cơ sở - góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư

Thực hiện nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, năm 2019, xã Hùng Sơn trước đây nhập vào xã Các Sơn. Đến nay, xã Các Sơn, thị xã Nghi Sơn có gần 4.000 hộ dân với hơn 15.000 nhân khẩu. Là xã đất rộng, người đông, địa hình đồi núi rộng, thời điểm mới thực hiện sáp nhập, địa phương thường xuyên tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh liên quan đến các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, cơi nới, lấn chiếm đất đai, tranh chấp đất ở, đất rừng sản xuất, cây rừng trồng... Người dân đa phần còn thiếu thông tin pháp luật hoặc chưa hiểu rõ các quy định của Luật Đất đai, trình tự thủ tục cho tặng, chuyển nhượng về đất đai, tài sản gắn liền với đất, quy định về thực hiện trật tự xây dựng, sử dụng đất đúng mục đích..., nên nhiều trường hợp tự ý làm.

Để giải quyết hiệu quả các vấn đề trên, địa phương đã phát huy vai trò tích cực của hoạt động hòa giải ở cơ sở. Các tổ hòa giải đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người dân tại nhà văn hóa của 12 thôn để lắng nghe Nhân dân, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị, phản ánh của người dân; giải thích, giải đáp các ý kiến thắc mắc, đồng thời lồng ghép tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan thiết thực đến người dân.

Trước đây, từ việc một ngày nhận vài kiến nghị của người dân, đến nay mọi việc đã cơ bản ổn định, không còn các trường hợp vi phạm đất đai, vi phạm cơi nới, lấn chiếm trên đất nông nghiệp. Các đơn, thư kiến nghị, phản ánh đều được giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, không có đơn, thư vượt cấp. Những vướng mắc, người dân còn chưa hiểu rõ có đơn đề nghị, thì cán bộ cấp xã, thôn giải đáp cho người dân.

Điều quan trọng nhất trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, người đứng đầu và các thành viên phải trăn trở, tâm huyết với công việc, muốn thực hiện nội dung đạt hiệu quả phải nghiên cứu, học hỏi, lắng nghe, tiếp thu mới giải quyết dứt điểm được những vụ việc phát sinh tại cơ sở. Các hòa giải viên phải là những người có uy tín, tiếng nói trong cộng đồng khu dân cư và có những hiểu biết, kiến thức cơ bản về các quy định của pháp luật thì nói người dân mới tin tưởng được. Chính vì điều đó nên UBND xã luôn quan tâm, động viên hoạt động hòa giải ở cơ sở bằng cách hỗ trợ, tư vấn, cung cấp cho các hòa giải viên thông tin, tài liệu phục vụ quá trình hòa giải vụ việc; đối với những vụ việc phức tạp, UBND xã phải phân công cán bộ trực tiếp tham gia tư vấn trong quá trình hòa giải. Khi các tổ hòa giải sinh hoạt, sơ kết, tổng kết, cấp xã phân công cán bộ đến tham dự để động viên, khích lệ các thành viên trong các tổ hòa giải tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm cho công tác hòa giải cơ sở, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại khu dân cư.

Phạm Hữu Năm

Chủ tịch UBND xã Các Sơn, thị xã Nghi Sơn

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết , thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội

Hòa giải ở cơ sở - góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư

Những năm gần đây, trước xu hướng phát triển chung, trên địa bàn xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa) triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Sự khác biệt về quan điểm, nhận thức, tích cách, kinh nghiệm... nên việc nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, thắc mắc, kiến nghị trong quá trình thực hiện các dự án là điều không thể tránh khỏi.

Để góp phần hạn chế những tranh chấp, bất đồng, giải đáp kịp thời những kiến nghị mới phát sinh tại cơ sở, MTTQ xã đã phối hợp với ban công tác mặt trận thôn cũng là thành viên các tổ hòa giải gắn hoạt động hòa giải ở cơ sở với việc triển khai các phong trào, cuộc vận động như: “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... Thông qua đó để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Bên cạnh đó, để giải quyết kịp thời các vụ việc, mâu thuẫn phát sinh tại các khu dân cư, các tổ chức thành viên của mặt trận được phân công là hòa giải viên, huy động sự tham gia của các xóm trưởng, ngõ trưởng, anh em, dòng họ, những người có hiểu biết pháp luật, có uy tín trong cộng đồng dân cư để từ đó nắm bắt tình hình, biết lắng nghe người dân để tìm được nguyên nhân sâu xa của mâu thuẫn, gặp gỡ, động viên, công tâm, khách quan, phân tích quy định pháp luật, quyền lợi mỗi bên, kết nối được mọi người với nhau để có tác động phù hợp thì các vụ việc mâu thuẫn sẽ được giải quyết nhanh hơn. Đặc biệt, hoạt động hòa giải ở cơ sở cần tránh tổ chức một cách hình thức, chiếu lệ, thậm chí là bị “hành chính hóa”, bởi như vậy có thể sẽ làm mất đi ý nghĩa và bản chất tự nguyện, tự thỏa thuận của hoạt động hòa giải.

Nguyễn Đình Dũng

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa)

Người dân hiểu các quy định của pháp luật nhiều hơn sau khi được hòa giải

Hòa giải ở cơ sở - góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư

Ngay từ thời kỳ phong kiến, chế định hòa giải ở cơ sở đã được hình thành trong các bản hương ước, quy ước của làng, xã. Các loại vụ, việc tranh chấp, vi phạm pháp luật nhỏ thuộc phạm vi hòa giải gồm xích mích giữa các thành viên trong gia đình, giữa các cá nhân trong quan hệ xóm giềng, tranh chấp nhỏ phát sinh từ quan hệ dân sự. Trải qua các thời kỳ phát triển của đất nước, hoạt động hòa giải ở cơ sở luôn được đánh giá cao, không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả mà còn là một phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật thiết thực, vận động Nhân dân phát huy sức mạnh tập thể, cùng thực hiện những nhiệm vụ của địa phương và đất nước. Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 cũng quy định một trong những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật là thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Điều 4, Luật Hòa giải ở cơ sở đã quy định rõ các nguyên tắc về tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở: “Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở; bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của Nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự...”. Trên cơ sở các nguyên tắc đó, hòa giải viên phải nắm được quy định pháp luật, có kiến thức pháp luật để tiến hành hòa giải. Hòa giải viên ở cơ sở không chỉ dùng uy tín của bản thân, đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà còn phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để giải thích, hướng dẫn các bên tranh chấp, giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật, từ đó xử sự phù hợp với quy định pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội.

Trên địa bàn thị trấn Nga Sơn hiện có 15 tổ hòa giải ở 15 tiểu khu và 1 ban hòa giải của thị trấn hoạt động tích cực và hiệu quả. Các tổ, ban hòa giải đã tích cực tham mưu giúp UBND thị trấn thực hiện các hòa giải, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các nội dung liên quan đến công tác đổi điền dồn thửa, giải phóng mặt bằng... được triển khai trên địa bàn. Trong 8 tháng năm 2022, các tổ hòa giải đã tiếp nhận hòa giải 7 vụ việc, trong đó có 6 vụ hòa giải thành. Để hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở ngày càng phát huy được hiệu quả hơn nữa thì các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cần quan tâm hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở một cách thực chất và hiệu quả; đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến về hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác này bởi làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở là góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư.

Mai Thị Hương

Công chức tư pháp – hộ tịch, UBND thị trấn Nga Sơn (Nga Sơn)

Cấp kinh phí hòa giải cho các vụ, việc đã tổ chức hòa giải ở thôn

Hòa giải ở cơ sở - góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư

Thôn Bố, xã Lũng Cao (Bá Thước) có 179 hộ, 762 nhân khẩu. Do địa hình rộng, dân cư sinh sống rải rác phân tán. Nhiều vụ việc mâu thuẫn trong thôn, các thành viên trong tổ hòa giải mất rất nhiều tâm, sức vì phải đi lại rất nhiều lần để nắm bắt nguyên nhân, khuyên giải vợ chồng hàn gắn hạnh phúc; giải thích cho người dân hiểu các quy định của pháp luật. Do vậy, muốn làm tốt công tác hòa giải, các hòa giải viên phải thường xuyên tìm hiểu kiến thức pháp luật, nhất là những bộ luật liên quan đến các sự việc thường gặp, như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai... Trong khi đó trình độ hiểu biết pháp luật của các hòa giải viên cơ sở còn hạn chế, kỹ năng hòa giải yếu lại không được cập nhật, bồi dưỡng kiến thức pháp luật thường xuyên, nhất là những lĩnh vực pháp luật liên quan đến công tác hòa giải dẫn đến có những vụ hòa giải không thành. Kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hòa giải không có nên gặp những vụ hòa giải khó, các hòa giải viên giải quyết qua loa, chiếu lệ. Vì vậy, đề nghị cấp trên thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ pháp luật, nghiệp vụ cho những người làm công tác hòa giải, nhất là chủ trương, chính sách mới của của Đảng, pháp luật của Nhà nước; cấp kinh phí hòa giải cho các vụ việc đã tổ chức hòa giải ở cấp thôn theo quy định của pháp luật.

Hà Văn Quân

Bí thư Chi bộ thôn Bố, xã Lũng Cao (Bá Thước)

Tô Dung - Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]