(Baothanhhoa.vn) - Pháp lệnh Ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng (Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14, ngày 9-12-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đây được gọi là pháp lệnh) ra đời có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2021, với nhiều điểm mới hướng đến nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng đối tượng hưởng các chế độ ưu đãi NCC với cách mạng.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công - động lực nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách

Pháp lệnh Ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng (Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14, ngày 9-12-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đây được gọi là pháp lệnh) ra đời có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2021, với nhiều điểm mới hướng đến nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng đối tượng hưởng các chế độ ưu đãi NCC với cách mạng.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công - động lực nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách

Đông đảo người dân đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng.

So với pháp lệnh trước, thì Pháp lệnh số 02 đã bổ sung thêm 3 chương (bỏ 1 chương và 3 điều), 13 điều, 36 điểm mới thuộc 8 nhóm nội dung lớn. Pháp lệnh quy định rõ, chặt chẽ hơn về đối tượng hưởng chế độ ưu đãi NCC với cách mạng và thân nhân. Đồng thời, quy định rõ không xem xét công nhận NCC với cách mạng trong một số trường hợp cụ thể... Với việc quy định đầy đủ, cụ thể, chi tiết đối tượng thụ hưởng, cùng các chế độ ưu đãi NCC và thân nhân của họ, có thể xem đây là một chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo ra một hành lang cơ chế thúc đẩy công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và tạo động lực nâng cao đời sống các gia đình NCC. Đây cũng có thể ví như kim chỉ nam cho việc xây dựng, ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến pháp lệnh của các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương. Từ đó, từng bước tạo dựng một “tấm lưới chính sách” đủ rộng và toàn diện để bao quát hầu hết các đối tượng NCC qua từng thời kỳ.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, kể từ giai đoạn Tiền khởi nghĩa đến 2 cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ luôn được xác định là địa phương trọng điểm huy động nhân lực, vật lực, tài lực cho khắp các chiến trường. Không những thế, có thời điểm, Thanh Hóa đã trở thành chiến trường nóng bỏng trong cuộc đọ sức, đọ trí, đọ lực giữa ta với địch. Theo thống kê của ngành chức năng, qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, trên 70 vạn thanh niên và trên 6 vạn thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến quê Thanh Hóa đã được huy động tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Hiện toàn tỉnh đang quản lý 329.824 đối tượng NCC. Với tỷ lệ bình quân cứ 10 người dân có 1 NCC, có thể khẳng định, Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số lượng NCC lớn nhất cả nước. Con số này đã và đang đặt ra cho địa phương nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện các chính sách ưu đãi NCC. Đó là chi trả đủ số lượng, đúng đối tượng, không để đối tượng nằm ngoài chính sách, càng không để chính sách trả sai đối tượng. Đồng thời, thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách ưu đãi khác theo luật định. Và suy cho cùng, chính sách ưu đãi phải trở thành động lực nhằm thúc đẩy và từng bước nâng cao mức sống các gia đình chính sách, NCC bằng hoặc cao hơn mặt bằng chung trong cộng đồng dân cư.

Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng trong 5 năm qua (từ năm 2018 đến 2022), các cấp, các ngành trong tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 94 mẹ; tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt và giải quyết chế độ, chính sách mới cho 919 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thiết lập hồ sơ theo quy định và đề nghị công nhận 45 trường hợp là liệt sĩ, 373 trường hợp được xác nhận là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, xét duyệt và chi trả trợ cấp cho 4.713 người được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong kháng chiến; thực hiện chế độ tuất, mai táng phí, ưu đãi học sinh, sinh viên đối với 7.118 thân nhân NCC, tiếp nhận và di chuyển 1.237 hồ sơ NCC; trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công cho 3.481 liệt sĩ. Hằng năm, tổ chức điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình cho gần 28.000 NCC, cấp thẻ BHYT cho 100% NCC và thân nhân theo quy định. Hiện nay có 69.466 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng hằng tháng. Đời sống của các đối tượng chính sách cơ bản ổn định, có trên 99,8% hộ gia đình NCC với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú... Cùng với việc chăm sóc, tri ân những NCC, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được quan tâm, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ cũng đã được chú trọng. Đặc biệt, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin luôn được đẩy mạnh.

Có thể nói, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và NCC với cách mạng” đã trở thành hoạt động thường xuyên, phát huy được sức mạnh của cộng đồng chăm lo gia đình NCC với nước. Đến nay, hầu hết NCC và thân nhân NCC đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở, 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đã nhận được phụng dưỡng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc NCC đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hết sức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội.

Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Phát triển toàn diện con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm cơ bản an sinh xã hội; quan tâm nâng cao phúc lợi xã hội cho người dân; thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách đối với NCC"... Điều này đã thêm một lần khẳng định, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, NCC với cách mạng vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Tri ân những người đã ngã xuống hay đã để lại một phần thân thể, sức khỏe nơi chiến trường là lẽ tất yếu. Thực hiện hiệu quả Pháp lệnh Ưu đãi NCC không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với NCC, mà còn thể hiện đạo lý truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” ngàn đời tốt đẹp của dân tộc ta.

Bài và ảnh: Trần Hằng


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]