(Baothanhhoa.vn) - Bất chấp việc được xem là một trong những ngân hàng đầu tư uy tín nhất bởi đã từng đứng vững trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính những năm gần đây cũng như là một trong số ít các ngân hàng quốc tế lớn không cần đến bất kỳ sự hỗ trợ nào từ chính phủ, song cuối cùng Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ cũng phải tuyên bố chấm dứt hoạt động sau 167 năm do một loạt các vụ bê bối và nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý.

UBS mua lại Credit Suisse: Khoảng 12.000 việc làm có thể biến mất

Bất chấp việc được xem là một trong những ngân hàng đầu tư uy tín nhất bởi đã từng đứng vững trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính những năm gần đây cũng như là một trong số ít các ngân hàng quốc tế lớn không cần đến bất kỳ sự hỗ trợ nào từ chính phủ, song cuối cùng Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ cũng phải tuyên bố chấm dứt hoạt động sau 167 năm do một loạt các vụ bê bối và nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý.

UBS mua lại Credit Suisse: Khoảng 12.000 việc làm có thể biến mấtLogo của ngân hàng Credit Suisse. Ảnh: REUTERS

Vì sao cổ phiếu Credit Suisse lao dốc kỷ lục?

Ngày 15/3, Cổ phiếu Credit Suisse rơi tự do sau khi ông lớn ngành tài chính này vướng hàng loạt bê bối cùng tâm lý thị trường hoảng loạn từ vụ phá sản của 2 ngân hàng Mỹ. Cụ thể, giá cổ phiếu của Credit Suisse đã lao dốc xuống mức thấp nhất trong phiên 13/3 khi thị trường chịu ảnh hưởng bởi những lo ngại xung quanh vụ phá sản của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) của Mỹ. Giá cổ phiếu của Credit Suisse mất tới 14,6% trên thị trường chứng khoán Thụy Sĩ. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do biến động thị trường, nhưng ngân hàng Credit Suisse không có mối liên hệ đáng kể nào với SVB.

Trước hết, loạt rắc rối của Credit Suisse bắt đầu từ vụ sụp đổ của Greensill - công ty tài chính của Anh chuyên cho các doanh nghiệp vay ngắn hạn thông qua mô hình kinh doanh phức tạp và không minh bạch xảy ra năm 2021. Ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ đã mất 81% giá trị sau vụ phá sản của Greensilll vào tháng 3/2021.

Cuộc khủng hoảng của Credit Suisse cũng bao gồm một “tiền án hình sự” vì ngân hàng này đã để những kẻ buôn bán ma túy rửa tiền ở Bulgaria, vướng vào vụ tham nhũng ở Mozambique, một vụ bê bối gián điệp liên quan đến cựu nhân viên và giám đốc điều hành, vụ rò rỉ lớn dữ liệu khách hàng cho giới truyền thông.

Giám đốc điều hành Ulrich Koerner đã phát động một chiến dịch tiếp cận rộng rãi để thu hút lại những khách hàng đang lo lắng. Nỗ lực dường như đã được đền đáp vào tháng 1, khi đó ngân hàng này báo cáo tiền gửi tăng.

UBS mua lại Credit Suisse: Khoảng 12.000 việc làm có thể biến mấtLogo của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse được nhìn thấy ở Zurich (Thụy Sĩ), ngày 20/3. REUTERS/Denis Balibouse

Tuy nhiên, do gánh nặng của chi phí tái cấu trúc, đầu tháng 2/2023, Credit Suisse đã báo cáo khoản lỗ 7,3 tỷ franc (7,9 tỷ USD) trong năm 2022. Khoản lỗ kỷ lục này đã xóa sạch lợi nhuận của thập kỷ trước và khiến ngân hàng thất bại trong việc thuyết phục các nhà đầu tư hoặc ngăn chặn dòng tiền rút ra của khách hàng. Bên cạnh đó, ngày 9/3, Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ đã nghi ngờ báo cáo thường niên của Credit Suisse, buộc họ phải hoãn công bố báo cáo. Khi công bố báo cáo vào ngày 14/3, ngân hàng này đã phát hiện ra “những lỗ hổng trong quá trình kiểm soát nội bộ đối với báo cáo tài chính” trong hai năm 2021 và 2022.

Trong bối cảnh lo ngại về sự lây lan sau khi 2 ngân hàng Mỹ phá sản hồi tuần trước, Quỹ đầu tư quốc gia của Ả Rập Saudi - cổ đông lớn nhất của Credit Suisse cho biết sẽ không đầu tư thêm vào ngân hàng này nữa. Tất cả càng khiến thị trường thêm hoảng loạn.

Khoảng 12.000 việc làm có thể biến mất

Ngày 20/3, Viện nghiên cứu và tư vấn kinh tế BAK Economics của Thụy Sĩ ước tính rằng việc UBS mua lại Credit Suisse sẽ không gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Thụy Sĩ, song khoảng 12.000 việc làm có thể biến mất, trong khi 2 ngân hàng lớn thứ nhất và thứ nhì của Thụy Sĩ hiện đang tạo ra tổng cộng 37.000 việc toàn thời gian tại Thụy Sĩ.

UBS mua lại Credit Suisse: Khoảng 12.000 việc làm có thể biến mấtGiám đốc điều hành của UBS Ralph Hamers sẽ lãnh đạo ngân hàng khổng lồ mới được hợp nhất. Ảnh:

Cụ thể, theo tính toán của các chuyên gia, trong trung hạn, việc tháo dỡ mạng lưới chi nhánh và thực hiện các biện pháp hợp lý hóa khác sau khi UBS tiếp quản Credit Suisse có thể sẽ làm mất đi từ 9.500 đến 12.000 việc làm. Theo BAK Economics, Zurich - Trung tâm kinh tế - tài chính lớn của Thụy Sĩ sẽ là bang bị ảnh hưởng nhiều nhất, ước tính từ 6.500 đến 8.000 người bị mất việc làm. Mặc dù vậy, BAK Economics cho rằng không nên lo lắng về tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đột ngột, bởi quá trình hợp lý hóa của UBS sẽ mất vài năm. Hơn nữa, một bộ phận những người liên quan có thể sẽ dễ dàng được tuyển dụng trên thị trường lao động vì tại Thụy Sĩ đang xảy ra tình trạng thiếu lao động có trình độ. Bên cạnh đó, BAK Economics đánh giá những tác động tiêu cực của hoạt động sẽ vẫn chủ yếu giới hạn trong lĩnh vực ngân hàng. Thỏa thuận này “làm giảm nguy cơ khủng hoảng ngân hàng nói chung và giúp duy trì các dịch vụ tài chính không hạn chế cho các khách hàng của Credit Suisse".

Ngoài ra, BAK Economics duy trì dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Thụy Sĩ cho năm 2023 ở mức 0,7% và 1,6% cho năm 2024. Dòng tiền từ khách hàng ở nước ngoài đổ vào ngân hàng Thụy Sĩ tạm thời sẽ chấm dứt vào thời điểm này. Mặt khác, trung tâm tài chính Thụy Sĩ có nguy cơ phải gánh chịu tổn thất vĩnh viễn về giá trị gia tăng. Thêm vào đó là sự không chắc chắn về tác động có thể có đối với sự phát triển của các hoạt động quản lý tài sản quốc tế của các ngân hàng Thụy Sĩ.

Credit Suisse chấm dứt sau 167 năm tồn tại

Ngày 19/3, ngân hàng lớn nhất tại Thụy Sĩ - UBS đạt thỏa thuận mua Credit Suisse với giá 3,25 tỷ USD. Thỏa thuận này đã chấm dứt 167 năm tồn tại của Credit Suisse với tư cách một tổ chức độc lập. Ngân hàng này từng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các gã khổng lồ phố Wall.

Chủ tịch UBS Colm Kelleher cho biết, việc tiếp quản Credit Suisse là một cuộc giải cứu khẩn cấp. Bởi khủng hoảng tại Credit Suisse là đòn giáng mạnh với Thụy Sĩ, đất nước có 243 ngân hàng và 24 chi nhánh nhà băng quốc tế. Sự ổn định và giàu có của Thụy Sĩ chủ yếu phụ thuộc vào ngành tài chính. Tổng giá trị tài sản của UBS và Credit Suisse gần gấp đôi GDP Thụy Sĩ. Credit Suisse từng có tổng tài sản hơn 1.000 tỷ USD, nhưng sau nhiều năm sụt giảm chỉ còn khoảng 580 tỷ USD. Con số này tương đương gần một nửa tổng giá trị tài sản của UBS.

Credit Suisse, một đại gia ngân hàng Thụy Sĩ bị loại khỏi cuộc chơi vì không kiểm soát được rủi ro và chậm thay đổi sau khủng hoảng tài chính 2008. Credit Suisse thất bại vì quá tự tin sau khi thoát khỏi khủng hoảng 2008. Khi hệ thống tài chính sụp đổ, Credit Suisse lại nổi lên nhờ tình trạng sức khỏe tốt hơn so với nhiều đối thủ. Không như các ngân hàng khác, Credit Suisse không cần gói cứu trợ nào. Thậm chí, Credit Suisse còn hỗ trợ vốn cho các tuyến đường sắt trên dãy Alpine và sự phát triển của Thung lũng Silicon. Họ cũng quản lý tài sản cho hoàng gia Arab, các tài phiệt Nga và cạnh tranh với những gã khổng lồ phố Wall.

Tuy nhiên, Credit Suisse cũng phải chật vật kiểm soát rủi ro và kiếm doanh thu. Những năm gần đây, ngân hàng này còn liên tục thay đổi quản lý cấp cao. Mỗi đợt xáo trộn nhân sự lại tạo thêm áp lực lên hoạt động. Cổ phiếu Credit Suisse đã giảm hơn 95% so với mức đỉnh trước khủng hoảng tài chính.

Việc Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ bơm tiền cho Credit Suisse chỉ chặn lại đà giảm trong thời gian ngắn. Theo báo cáo, quý 4/2022, các khách hàng đã rút ra hơn 100 tỷ USD do lo ngại sức khỏe tài chính của Credit Suisse. Tại cuộc họp báo công bố thỏa thuận với UBS đêm 19/3, Chủ tịch Credit Suisse thừa nhận rằng sự mất lòng tin ngày càng tăng. Tình trạng tồi tệ vài ngày qua cho thấy Credit Suisse không thể tiếp tục tồn tại dưới hình thức như hiện nay.

Thụy Sĩ tung “phao cứu sinh” cho Credit Suisse

Ngày 19/3, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ khẳng định ủng hộ ngân hàng lớn nhất nước này UBS mua lại Credit Suisse đang gặp khủng hoảng trong thời gian gần đây. Để củng cố sự ổn định của thị trường tài chính cho đến khi việc tiếp quản hoàn tất, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ cấp bảo lãnh cho Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) để ngân hàng này cung cấp tiền mặt bổ sung cho Credit Suisse. Hỗ trợ này nhằm đảm bảo tính thanh khoản của Credit Suisse, từ đó thực hiện thành công việc tiếp quản, bảo vệ sự ổn định tài chính và nền kinh tế Thụy Sĩ.

UBS mua lại Credit Suisse: Khoảng 12.000 việc làm có thể biến mấtLogo của các ngân hàng Thụy Sĩ UBS và Credit Suisse được nhìn thấy ở Zurich (Thụy Sĩ) ngày 20/3. Ảnh: Reuters

Giới phân tích cho rằng, Hội đồng Liên bang đã tạo cơ sở pháp lý cần thiết để SNB cung cấp cho Credit Suisse khoản hỗ trợ bổ sung dưới dạng tiền mặt, đảm bảo sự an toàn cần thiết cho ngân hàng này để có thể cung cấp cho Credit Suisse lượng tiền mặt bổ sung đáng kể. Mặt khác, Hội đồng Liên bang đã quyết định cấp cho SNB một bảo lãnh phòng ngừa nguy cơ vỡ nợ đối với các khoản vay thanh khoản. Cả hai biện pháp đều dựa trên Điều 184 và Điều 185 của Hiến pháp Liên bang.

Hội đồng Liên bang coi các biện pháp này là giải pháp phù hợp nhất để củng cố niềm tin của thị trường vào Credit Suisse và trung tâm tài chính Thụy Sĩ. Đây là các công cụ được sử dụng tương tự tại ở Mỹ, cũng như EU và Vương quốc Anh. Hội đồng Liên bang cũng cấp khoản bảo lãnh 9 tỷ franc (9,7 tỷ USD) cho UBS để giảm rủi ro mà ngân hàng này phải gánh chịu do mua lại một số tài sản có khả năng bị thua lỗ.

Với gói biện pháp này, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ tái khẳng định sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ người gửi tiền và sự ổn định của trung tâm tài chính Thụy Sĩ.

Hệ thống ngân hàng châu Âu vẫn ổn định

Ngày 20/3, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) khẳng định hệ thống tài chính châu Âu có đủ thanh khoản và khả năng phục hồi tốt, trong bối cảnh giá cổ phiếu Credit Suisse giảm gần 62% sau khi ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đồng ý thâu tóm đối thủ đang gặp khó này với giá 3,23 tỷ USD.

Phản ứng trước động thái trên, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã hoan nghênh hành động nhanh chóng của giới chức Thụy Sĩ để xử lý cuộc khủng hoảng của Credit Suisse. Theo bà Lagarde, hành động của giới chức Thụy Sĩ là nền tảng để khôi phục thật tự thị trường và đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính. Khu vực ngân hàng giao dịch bằng đồng euro vẫn ổn định, có vốn và khả năng thanh khoản mạnh mẽ.

UBS mua lại Credit Suisse: Khoảng 12.000 việc làm có thể biến mấtChi nhánh Credit Suisse tại văn phòng ở khu tài chính Canary Wharf ở London (Anh). Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp - thành viên Hội đồng Thống đốc của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ông Francois Villeroy de Galhau đã bày tỏ ủng hộ đối với động thái mua lại Credit Suisse của UBS, đồng thời khẳng định hệ thống ngân hàng Pháp vẫn ổn định, có lợi nhuận, có thanh khoản và mức vốn cao. Người phát ngôn của Văn phòng Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết nhà lãnh đạo này đã duy trì liên lạc với Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset trong những ngày qua, đồng thời đang theo dõi chặt chẽ các thông tin thị trường thông qua Kho bạc và Ngân hàng Anh. Thủ tướng Sunak cũng khẳng định sự ủng hộ đối với động thái mua lại Credit Suisse của UBS. Tương tự, Chính phủ Đức bày tỏ ủng hộ việc UBS mua lại Credit Suisse đang gặp khủng hoảng, giúp khôi phục thị trường có trật tự và đảm bảo ổn định tài chính. Bên cạnh đó, lãnh đạo nhiều quốc gia cũng đánh giá rằng tác động của cuộc khủng hoảng tại ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ đối với hệ thống ngân hàng của họ sẽ là “không đáng kể”.

Tập đoàn Credit Suisse Group AG là một ngân hàng chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính có trụ sở tại Zurich (Thụy Sĩ). Credit Suisse được thành lập bởi Alfred Escher vào năm 1856 dưới tên Schweizerische Kreditanstalt (SKA, Tổ chức tín dụng Thụy Sĩ). Ngân hàng hoạt động trên 3 lĩnh vực, Ngân hàng Đầu tư, Nghiệp vụ ngân hàng tư nhân và Quản lý tài sản, trong đó có Shared Services bao gồm các chức năng như IT, tiếp thị và pháp lý/tuân thủ, bao gồm cả ba lĩnh vực. Năm 2009, Credit Suisse đã được công nhận là “Ngân hàng của năm” do tài chính quốc tế đánh giá.

Theo thoả thuận, cổ đông Credit Suisse sẽ đổi được 22,48 cổ phiếu ngân hàng này lấy 1 cổ phiếu UBS. Theo số liệu được UBS đưa ra, ngân hàng sau sáp nhập có tổng tài sản đầu tư là 5 nghìn tỷ USD.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Chủ tịch Colm Kelleher của UBS - Ngân hàng lớn nhất Thuỵ Sỹ tuyên bố: “Vụ mua lại này là hấp dẫn đối với cổ đông UBS, nhưng chúng tôi xin nói rõ rằng với những gì xảy ra ở Credit Suisse, đây là một cuộc giải cứu khẩn cấp. Chúng tôi đã cấu trúc một giao dịch để bảo toàn giá trị còn lại, đồng thời hạn chế rủi ro gây thua lỗ. Đây là vấn đề sống còn đối với cấu trúc tài chính của Thuỵ Sỹ và đối với nền tài chính toàn cầu”.

UBS mua lại Credit Suisse: Khoảng 12.000 việc làm có thể biến mấtChi nhánh Credit Suisse tại một tòa nhà văn phòng ở Zurich, Thụy Sĩ. Ảnh: REUTERS

Các chuyên gia kinh tế cho rằng các vụ thâu tóm quy mô lớn như vậy tại quốc gia này là cực kỳ hiếm. Credit Suisse sụp đổ sẽ ảnh hưởng đối với nền kinh tế toàn cầu, thậm chí lớn hơn nhiều so với việc sụp đổ ngân hàng khu vực ở Mỹ. Mối lo này gây áp lực đòi các nhà chức trách Thuỵ Sỹ phải thúc đẩy sự sáp nhập của ngân hàng này vào UBS. Đến thời điểm này, việc đưa hai ngân hàng đối thủ - UBS và Credit Suisse gộp lại làm một không phải là một việc dễ dàng, nhưng áp lực ngăn chặn một cuộc khủng hoảng có hệ thống cuối cùng cũng đã đạt được, nhằm đảm bảo ổn định tài chính và bảo vệ nền kinh tế Thuỵ Sỹ trong tình huống này.

Hương Giang (tổng hợp)


Hương Giang (tổng hợp)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]