(Baothanhhoa.vn) - Bất chấp các ý kiến phản đối gay gắt dẫn tới các cuộc đình công kéo dài liên tiếp trong thời gian gần đây, ngày 22/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ thúc đẩy cải cách lương hưu và nhấn mạnh rằng cần được thực hiện vào cuối năm nay.

Pháp: Kiên quyết cải cách hệ thống lương hưu - bài toán kinh tế sống còn của đất nước

Bất chấp các ý kiến phản đối gay gắt dẫn tới các cuộc đình công kéo dài liên tiếp trong thời gian gần đây, ngày 22/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ thúc đẩy cải cách lương hưu và nhấn mạnh rằng cần được thực hiện vào cuối năm nay.

Pháp: Kiên quyết cải cách hệ thống lương hưu - bài toán kinh tế sống còn của đất nướcNgười dân tuần hành phản đối kế hoạch cải cách tuổi nghỉ hưu ở Paris (Pháp), ngày 23/3. ảnh: Reuters

Vì sao chính phủ Pháp theo đuổi dự luật cải cách lương hưu?

Kể từ khi dự luật cải cách lương hưu được Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne công bố ngày 11/1, các tầng lớp xã hội và giới chính trị Pháp đã có những phản đối rất gay gắt, trong đó có cuộc đình công lớn ngày 19/1 và tiếp theo là các cuộc đình công trên toàn nước Pháp đến thời điểm này.

Dự luật cải cách lương hưu vốn là một trong những chính sách cải tổ tham vọng nhất được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nung nấu ý định thực thi ngay trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến ông Macron không có đủ “nguồn lực chính trị” để thúc đẩy cải cách này. Chính vì thế, chỉ vài tháng sau khi tái cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 vào tháng 4/2022, ông Macron đã tuyên bố hồi sinh cải cách lương hưu, kiên quyết thực hiện bằng được cải cách này trong nhiệm kỳ cuối cùng của mình. Ông Macron cam kết cải cách hệ thống lương hưu của Pháp nhằm trở nên phù hợp với các nước láng giềng châu Âu như Tây Ban Nha và Đức, nơi có độ tuổi nghỉ hưu từ 65 đến 67 tuổi.

Theo ông Macron, hệ thống lương hưu của Pháp cần đặt trên một nền tảng tài chính vững chắc hơn khi tuổi thọ người dân tăng lên và khi tỷ lệ người lao động trên số người về hưu giảm xuống. Tổng thống Macron khẳng định, dù phải chịu nhiều áp lực, cải cách vẫn là cần thiết vì lợi ích chung của đất nước, đồng thời tránh đẩy hệ thống lương hưu trượt sâu vào tình trạng thâm hụt, đưa độ tuổi nghỉ hưu tại Pháp lên mức tương ứng với các nước láng giềng ở châu Âu. Mặt khác, đối với chính quyền Pháp, đây là một vấn đề cấp bách, bởi lẽ quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách và già hóa dân số nghiêm trọng. Tổng thống Macron cũng nhắc lại: Dự luật này là một lời hứa quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông vào năm ngoái, rằng ông đã nhượng bộ bằng cách đồng ý đặt giới hạn độ tuổi nghỉ hưu ở mức 64, tức là giảm hơn so với mốc 65 tuổi như kế hoạch ban đầu.

Pháp: Kiên quyết cải cách hệ thống lương hưu - bài toán kinh tế sống còn của đất nước

Giới quan sát cho rằng, có nhiều lý do được chính quyền của Tổng thống Macron đưa ra nhằm bảo vệ cho việc theo đuổi đến cùng dự luật cải cách hưu trí. Lý do quan trọng nhất là để cứu hệ thống lương hưu của Pháp khỏi sụp đổ trước gánh nặng tài chính quá lớn. Từ nhiều năm nay, chính phủ Pháp luôn phải bù đắp hàng tỷ euro mỗi năm cho quỹ lương hưu, nếu không cải cách hệ thống lương hưu, đến năm 2030 quỹ hưu trí Pháp sẽ thâm hụt khoảng 13,5 tỷ euro và lâu dài sẽ sụp đổ. Ngược lại, nếu thực hiện thành công cải cách lương hưu, Pháp sẽ thu về thêm khoảng 17,7 tỷ euro vào năm 2030. Do đó, đối với chính quyền của ông Macron, cải cách lương hưu được xem là một bài toán kinh tế sống còn.

Ngoài ra, cải cách lương hưu sẽ đem lại các chế độ hưu trí công bằng hơn cho các công dân, giúp xây dựng được một mức lương hưu tối thiểu bằng 85% mức lương tối thiểu hiện nay. Chính phủ Pháp cho rằng hầu hết các nước châu Âu láng giềng của Pháp đều đã nâng tuổi nghỉ hưu nên Pháp không có lí do gì không thực hiện cải cách tương tự, trong bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn.

Cuối cùng, nếu thực hiện thành công cải cách hệ thống lương hưu, đó sẽ là di sản chính trị quan trọng nhất trong sự nghiệp Tổng thống của ông Macron.

Các nghiệp đoàn phản đối gay gắt

Trong hơn 2 tháng qua, các công đoàn lao động ở Pháp đã tiến hành nhiều cuộc tuần hành và đình công trên toàn quốc nhằm phản đối gay gắt dự luật cải cách lương hưu. Một số cuộc biểu tình đã tập hợp hàng triệu người, làm gián đoạn hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là giao thông đường sắt và hàng không cũng như ảnh hưởng lớn tới hệ thống cung cấp năng lượng trên khắp nước Pháp. Những người phản đối cho rằng ông Macron đang tấn công quyền nghỉ hưu và tạo gánh nặng bất công cho những người lao động vì ông từ chối tăng thuế đối với những người giàu có.

Dự luật cải cách lương hưu gồm 21 điều khoản, dày 57 trang đã chính thức được Chính phủ Pháp gửi đến Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Pháp xem xét từ ngày 30/1. Để đáp trả việc chính phủ Pháp theo đuổi đến cùng việc thực thi cải cách lương hưu, các công đoàn trên toàn nước Pháp cũng đã kêu gọi biểu tình, đình công trên toàn quốc. Tuy nhiên, cho đến nay, các điểm mấu chốt trong dự luật cải cách lương hưu thu hút nhiều nhất sự phản đối từ các đảng phái đối lập, các công đoàn và lực lượng xã hội Pháp.

Pháp: Kiên quyết cải cách hệ thống lương hưu - bài toán kinh tế sống còn của đất nước

Dự luật cải cách hưu trí của chính phủ Pháp nâng tuổi về hưu của công dân Pháp từ 62 lên 64 tuổi. Mặc dù chính phủ Pháp đã có nhượng bộ trong vấn đề này, cụ thể là trong bản dự thảo ban đầu chính phủ Pháp đề xuất tuổi về hưu là 65 tuổi, nhưng các công đoàn lao động cũng như nhiều đảng đối lập vẫn chỉ trích gay gắt, cho rằng việc bắt công dân Pháp làm việc thêm 2 năm nữa là bất công, rằng dự thảo cải cách hưu trí không có chính sách hưu trí riêng cho các phụ nữ có con bởi những đối tượng này phải gánh chịu sức ép lớn hơn về công việc và gia đình, bị cắt giảm chế độ thai sản nhưng lại vẫn phải kéo dài thời gian làm việc như các đối tượng khác.

Ngoài ra, các công đoàn trong một số lĩnh vực đặc thù cũng phản đối cải cách hưu trí vì không có chính sách ưu tiên đầy đủ cho các ngành nghề độc hại có tuổi nghề thấp, như nhân viên lái tàu. Những người làm việc sớm từ trước 20 tuổi cũng cho rằng việc dự luật cải cách hưu trí bắt buộc họ phải đóng đủ 44 năm thuế mới được hưởng trọn lương hưu là bất công vì họ đã tham gia vào thị trường lao động sớm hơn nên cần được giảm năm đóng thuế xuống còn 43 năm, tức được về hưu sớm hơn,...

Kích hoạt Điều 49.3

Lường trước thất bại có thể xảy ra do liên minh đảng cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron không đủ đa số cần thiết, ngày 16-3, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã kích hoạt Điều 49.3 (tức là dựa vào mục 3, Điều 49 của Hiến pháp Pháp, cho phép chính phủ thông qua dự luật mà không cần bỏ phiếu, trừ phi Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm để phủ quyết “cam kết chịu trách nhiệm” của chính phủ) của Hiến pháp để thông qua dự luật cải cách lương hưu, tước đi cơ hội bỏ phiếu của các nghị sĩ tại Hạ viện.

Pháp: Kiên quyết cải cách hệ thống lương hưu - bài toán kinh tế sống còn của đất nước

Số liệu từ tổ chức thăm dò ý kiến IFOP cho thấy, khoảng 83% thanh niên trong độ tuổi từ 18-24 và 78% những người trên 35 tuổi nhận thấy cách thức thông qua dự luật của Chính phủ là “không chính đáng”. Sau khi Điều 49.3 được kích hoạt, tỷ lệ người dân Pháp phản đối cải cách đã lên tới hơn 70%.

Kế hoạch cải cách lương hưu bao gồm việc tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64, đồng thời, người lao động phải có ít nhất 43 năm làm việc mới đủ điều kiện hưởng lương hưu đầy đủ. Hiện Pháp vẫn là một trong những nước có tuổi nghỉ hưu thấp nhất trong các nước công nghiệp phát triển như Anh (66), Đức và Italy (67), Thụy Điển, Tây Ban Nha, Mỹ và Canada (65).

Nước Pháp hiện có 42 quỹ hưu trí khác nhau, được gộp trong 3 chế độ chính: Chế độ cơ bản (hầu hết là lĩnh vực tư nhân), chế độ công chức (giáo viên, bệnh viện...) và chế độ đặc biệt (khoảng 300.000 người thuộc ngành đường sắt, điện lực, dầu khí và ngân hàng trung ương và một số cơ quan đặc thù khác...).

Cũng như nhiều chính phủ tiền nhiệm, chính phủ của ông Macron nhận thấy chỉ nên có một quỹ phổ quát chung cho mọi ngành nghề, đồng thời phải xóa bỏ bất công giữa các chế độ hưu trí và tái cân đối quỹ lương hưu. Đó là lý do dự luật của ông Macron hướng đến việc hợp nhất 42 quỹ hưu trí khác nhau thành một hệ thống thống nhất, công bằng hơn. Để giữ cho quỹ hưu trí ổn định mà không phải đổ thêm tiền của người nộp thuế vào đó, ông Macron muốn tăng dần tuổi nghỉ hưu hợp pháp thêm 3 tháng mỗi năm, cho đến khi đạt 64 tuổi vào năm 2030. Ông cũng muốn đẩy nhanh tiến trình làm tăng số năm mà người lao động phải đóng vào quỹ hưu trí để được hưởng lương hưu đầy đủ. Tất nhiên, theo dự luật của ông Macron, những người lao động công ích làm những công việc được coi là gian khổ về thể chất hoặc tinh thần (cảnh sát, nhân viên vệ sinh môi trường, quản giáo, kiểm soát viên không lưu...) sẽ vẫn có quyền nghỉ hưu sớm, mặc dù tuổi nghỉ hưu của họ sẽ tăng thêm một số năm tương ứng với lực lượng lao động nói chung.

Pháp: Kiên quyết cải cách hệ thống lương hưu - bài toán kinh tế sống còn của đất nước

Có thể nói, cuộc khủng hoảng về cải cách lương hưu đã phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Pháp. Nó làm nổi bật sự đối đầu giữa chính quyền Pháp với đông đảo người lao động đang nỗ lực đấu tranh để bảo vệ các quyền lợi của chính họ. Đặc biệt, việc thông qua dự luật cải cách hưu trí mà phải vận dụng Điều 49.3 không chỉ là đòn giáng mạnh vào Tổng thống Macron bởi nó đặt ra câu hỏi về khả năng giành được sự ủng hộ từ các đảng khác cho những cải cách tiếp theo mà ông từng cam kết, mà còn càng khiến “cơn thịnh nộ” của người lao động Pháp như “đổ thêm dầu vào lửa”. Song, về lâu dài cải cách hệ thống lương hưu là cần thiết để duy trì sự bền vững trong tương lai.

Hương Giang (tổng hợp)


Hương Giang (tổng hợp)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]