Bần thần đứng trước ngôi nhà bị thiêu rụi trong thảm họa cháy rừng thảm khốc ở thị trấn nghỉ dưỡng Lahaina, anh David Gobel cùng vợ và 4 người con miễn cưỡng lên kế hoạch rời khỏi hòn đảo Maui (bang Hawaii, Mỹ) để tìm nơi định cư mới, trong tâm trạng ngổn ngang những âu lo, suy nghĩ. “Chúng tôi sẽ sống ở đâu? Chúng tôi sẽ làm việc ở đâu?” anh Gobel trăn trở.

Cháy rừng lan rộng trên thế giới: Báo động “đỏ” từ thiên nhiên

Cháy rừng lan rộng trên thế giới: Báo động “đỏ” từ thiên nhiênKhói bốc lên ngùn ngụt từ đám cháy rừng trên đảo Tenerife thuộc Quần đảo Canary của Tây Ban Nha. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bần thần đứng trước ngôi nhà bị thiêu rụi trong thảm họa cháy rừng thảm khốc ở thị trấn nghỉ dưỡng Lahaina, anh David Gobel cùng vợ và 4 người con miễn cưỡng lên kế hoạch rời khỏi hòn đảo Maui (bang Hawaii, Mỹ) để tìm nơi định cư mới, trong tâm trạng ngổn ngang những âu lo, suy nghĩ. “Chúng tôi sẽ sống ở đâu? Chúng tôi sẽ làm việc ở đâu?” anh Gobel trăn trở.

Không chỉ gia đình anh Gobel, nhiều cư dân vốn gắn bó lâu đời với hòn đảo Maui này cũng đang phải đối diện với một lựa chọn khó khăn: rời đi và bắt đầu lại từ nơi khác, hay ở lại và xây dựng mọi thứ lại từ đầu.

Lahaina, trong tiếng Hawaii có nghĩa là “Mặt Trời tàn khốc” để chỉ về kiểu khí hậu vừa nóng vừa khô của vùng đất này, nơi giờ đây gần như bị xóa sổ sau thảm họa cháy rừng kinh hoàng nhất ở Mỹ trong hơn 100 năm.

Những con phố nhộn nhịp, những bãi biển đẹp như tranh vẽ của nơi từng là trung tâm kinh tế - văn hóa trên đảo Maui này giờ đây được thay thế bằng bức tranh hoang tàn với những gam màu xám xịt của khói đen và tro bụi.

Ít nhất 115 người đã thiệt mạng trong đợt cháy rừng ở phía Tây Maui và vẫn còn khoảng 1.100 người mất tích. Với gần 3.000 ngôi nhà và cơ sở kinh doanh bị phá hủy hoặc hư hại, thiệt hại do thảm họa cháy rừng này gây ra ước tính lên tới 6 tỷ USD.

Không chỉ Hawaii, trên khắp khu vực châu Mỹ và châu Âu, nhiều nước cũng đang phải “căng mình” chiến đấu với “giặc lửa” khi các trận cháy rừng lan rộng với sức tàn phá lớn.

Miền Tây Canada đang trải qua mùa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử, với hơn 1.000 đám cháy đang hoành hành, trong đó 650 đám cháy vượt tầm kiểm soát.

Thời tiết khô nóng kéo dài nhiều tháng đã tạo ra những điều kiện giống như “mồi lửa” khiến cháy rừng bùng phát dữ dội trong năm nay.

Gần 15,3 triệu ha đất rừng đã bị thiêu rụi, cao hơn gấp đôi kỷ lục trước đó ghi nhận vào năm 1989. Khoảng 200.000 người đã phải sơ tán, và khói từ các khu rừng đang cháy đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí nguy hiểm lan rộng khắp Canada và miền Nam nước Mỹ.

Tại châu Âu, Italy tiếp tục hứng chịu cháy rừng do nắng nóng kéo dài, gây ra hạn hán. Vụ cháy rừng gần đây nhất xảy ra trên đảo Elba, ngoài khơi phía Tây Bắc của Italy từ cuối ngày 21/8. Gió mạnh làm đám cháy lan rộng quy mô lớn, khiến ít nhất 700 người trên đảo phải đi sơ tán.

Hồi tháng 7, cháy rừng cũng tàn phá nghiêm trọng vùng Calabria ở miền Nam Italy.

Kể từ đầu năm đến nay, Tây Ban Nha ghi nhận 340 đám cháy trên diện rộng, tiêu hủy gần 76.000 ha đất rừng và đất canh tác. Tình hình thời tiết cực đoan đang khiến đám cháy rừng lớn trên đảo Tenerife thuộc Quần đảo Canary tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trong lúc lực lượng cứu hỏa gồng mình đối phó với ngọn lửa dữ, hàng chục nghìn người trên hòn đảo nghỉ dưỡng này đã phải gấp rút sơ tán.

Ở Pháp, Bồ Đào Nha và Albania, những đám cháy rừng lan rộng từ đầu tháng 8 buộc chính quyền các địa phương phải huy động lượng lớn nhân viên cứu hộ, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Lực lượng cứu hỏa tại Hy Lạp cũng đang chạy đua với thời gian để khống chế các đám cháy rừng lan rộng ở khu vực miền Đông nước này cùng nhiều khu vực khác.

Trước đó, đợt nắng nóng vào tháng 7 đã làm bùng phát cháy rừng ở phía Nam của hòn đảo nghỉ dưỡng Rhodes, phía Đông Nam biển Aegean, thiêu rụi 17.770 ha đất rừng và khiến khoảng 20.000 người, chủ yếu là khách du lịch, phải sơ tán.

Cháy rừng lan rộng trên thế giới: Báo động “đỏ” từ thiên nhiênKhói lửa bốc lên ngùn ngụt từ đám cháy rừng tại West Kelowna, British Columbia, Canada, ngày 17/8/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Có thể nói, thời tiết mùa Hè này ở Bắc bán cầu đang diễn ra như trong kịch bản của một bộ phim về ngày tận thế: nắng nóng, hỏa hoạn và cháy rừng hoành hành hầu như khắp nơi.

Theo giới khoa học, mặc dù nguyên nhân của hầu hết các vụ cháy rừng là do lỗi chủ quan của con người, song các đám cháy trên thế giới đang lan nhanh hơn, kéo dài hơn và dữ dội hơn xuất phát từ tình trạng biến đổi khí hậu, vốn là yếu tố làm gia tăng tình trạng khô nóng.

Ở Địa Trung Hải, tình trạng này đã khiến mùa cháy rừng bắt đầu sớm và thiêu đốt nhiều vùng đất liền hơn. Thời tiết nóng cũng rút hết độ ẩm từ thảm thực vật, biến chúng thành nguyên liệu khô giúp đám cháy lan rộng.

Chuyên gia Mark Parrington, nhà khoa học cấp cao của Cơ quan Giám sát Khí quyển Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (EU), nhận định các điều kiện thời tiết khô hơn, nóng hơn khiến các đám cháy trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều.

Trong khi đó, một phân tích chuyên sâu của nhóm nghiên cứu World Weather Attribution đã chứng minh rằng khả năng xảy ra các mùa cháy rừng ở mức độ nghiêm trọng như ở Canada trong năm nay tăng gấp 7 lần do con người đốt nhiên liệu hóa thạch. Nghiên cứu cũng cho thấy trong năm qua, điều kiện dễ xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng tăng hơn 50% do sự nóng lên toàn cầu.

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc dự báo số vụ cháy rừng nghiêm trọng trên toàn cầu sẽ tăng 14% vào năm 2030, 30% vào năm 2050 và 50% vào cuối thế kỷ này. Báo cáo chỉ ra mối tương quan chặt chẽ giữa cháy rừng và biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu khiến cháy rừng trở nên tồi tệ hơn khi các đợt hạn hán xuất hiện nhiều và kéo dài, nhiệt độ không khí ngày càng cao, độ ẩm tương đối thấp, sấm chớp và gió mạnh dẫn đến ngọn lửa lan nhanh, kéo dài và cháy dữ dội hơn.

Ngược lại, cháy rừng khiến tình trạng biến đổi khí hậu trở nên ngày càng trầm trọng, bởi chúng tàn phá các hệ sinh thái nhạy cảm và giàu carbon như vùng đất than bùn và rừng nhiệt đới.

Biến đổi khí hậu cũng làm cho hiện tượng El Nino xuất hiện với tần suất ngày càng dày hơn và góp phần khiến nhiệt độ toàn cầu tăng lên. Sau 3 năm chứng kiến sự chi phối của hình thái thời tiết La Nina, hiện tượng El Nino đã chính thức quay trở lại, cùng với biến đổi khí hậu gây ra hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng khắc nghiệt, lũ lụt nghiêm trọng, cháy rừng trên khắp thế giới trong thời gian qua.

Thậm chí, lượng mưa thấp và nhiệt độ gia tăng đã dẫn đến tình trạng khô hạn nghiêm trọng ở Bắc Âu, nơi vốn trước đây vào mùa Hè thời tiết thường mát mẻ và mưa nhiều, khiến nhiều quốc gia khu vực đã phải ban bố cảnh báo cháy rừng.

Những thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản tại Hawaii nói riêng và nhiều khu vực khác trên thế giới nói chung do cháy rừng chính là “cảnh báo đỏ” của thiên nhiên trước sự chậm trễ của con người trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, rằng đây có thể chỉ là “màn dạo đầu” của sự hỗn loạn khó lường sẽ xảy ra nếu thế giới tiếp tục gây ô nhiễm, khiến Trái Đất nóng lên.

Thực trạng này đòi hỏi sự nỗ lực chung của thế giới để giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên phạm vi toàn cầu - vốn là tác nhân chính đe dọa đẩy Trái Đất vào kỷ nguyên "nung nóng toàn cầu."

Như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng khẳng định: “Ngay cả khi ngừng phát thải khí nhà kính vào ngày mai, chúng ta vẫn phải đối phó với kiểu khí hậu (oi nóng) này. Đây phải là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng chúng ta đang sống trong một thực tế đã thay đổi và nếu không muốn mọi việc đi quá xa, chúng ta cần đầu tư vào mọi mặt”./.

(TTXVN/Vietnam+)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]