Nuôi cá lồng tự phát: vừa nuôi vừa lo!
Với vị trí thuận lợi, là khu vực kín gió, môi trường nước ổn định cho phát triển nghề nuôi cá lồng nên đã có một thời nghề này đem lại cho bà con các địa phương ven biển thị xã Nghi Sơn nguồn thu nhập cao, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, những năm gần đây nghề này đang trở thành nỗi lo, thậm chí gánh nặng với không ít hộ dân.
Nghề nuôi cá lồng ở xã Nghi Sơn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro...
Có mặt ở khu vực nuôi cá lồng, bè ở vụng Ngọc, xã Nghi Sơn, không khí nuôi trồng thủy sản nơi đây không còn nhộn nhịp như những năm về trước. Ông Nguyễn Văn Tuấn, ở thôn Nam Sơn có thâm niên gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng ở vụng, cho biết: “Thời điểm nghề nuôi cá lồng mới bắt đầu manh nha, nguồn thu nhập từ nghề này là điều đáng mơ ước của nhiều hộ dân. Tuy nhiên, cũng từ lợi nhuận cao mà số lượng các hộ nuôi tự phát ngày càng tăng đột biến. Nhiều hệ lụy nảy sinh như, mật độ nuôi dày đặc, gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh cá thường xuyên bị chết, người nuôi cá liên tục thua lỗ!”.
Năm 2021, ông Tuấn cũng như nhiều hộ dân khác phải gánh chịu đợt cá chết hàng loạt. Toàn bộ số ô lồng cá kỳ thu hoạch của gia đình ông Tuấn lên tới cả chục tấn, cá chết nổi trắng bụng. Từ 6 lồng, với cả chục ô nuôi, đến nay chỉ còn 1 lồng với 4 ô nuôi. Ông Tuấn cho biết, sẽ giải bản toàn bộ số ô lồng còn lại và hướng đến đầu tư nuôi thả ở khu vực mới, ngoài đảo Mê.
Đó là với ông Tuấn, còn với những hộ dân khác, mặc dù thua lỗ, tuy nhiên để người dân giải bản là rất khó khăn, bởi chi phí đầu tư ô lồng nuôi là rất lớn, khi giải bản gần như bà con không thu được gì. Bên cạnh đó, đa phần các hộ nuôi đều đang nợ ngân hàng, để giải bản hoặc di dời đầu tư đến một khu vực mới là rất khó khăn, cần sự hỗ trợ.
Cũng mang tâm thế vừa nuôi, vừa lo, ông Đặng Văn Tý, ở khu phố Thanh Đình, phường Hải Thanh, lo lắng: Ngoài vấn đề ô nhiễm môi trường, ông Tý cùng các hộ nuôi khác đều đến với nghề một cách tự phát, khu vực nuôi thả không nằm trong quy hoạch nên luôn mang tâm lý bất an, lo phải tháo dỡ, di dời. Ông Tý cho biết: “Đã trót bám nghề, số tiền đầu tư vào lồng cá là rất lớn, giờ có di dời thì cũng cần có vị trí quy hoạch. Nếu phải giải bản thì gần như vứt bỏ tất cả, gia đình lâm cảnh nợ nần. Mong các ngành chức năng có cơ chế hỗ trợ di dời, hoặc giải bản, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp cho bà con”.
Tìm hiểu được biết, nghề nuôi cá lồng ở thị xã Nghi Sơn bắt đầu manh nha phát triển từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ban đầu, chỉ có một số hộ dân nuôi thử nghiệm ở vụng Ngọc, xã Nghi Sơn, do lợi nhuận mang lại từ nghề nuôi cá lồng lớn, khoảng chục năm trở lại đây, các hộ dân ở các phường, xã ven biển khác đã tự phát mở rộng quy mô về cả số hộ và số lồng nuôi. Có thể kể đến như, tại khu vực vụng Ngọc, khu vực âu neo đậu tàu thuyền, cảng cá Lạch Bạng, khu vực luồng lạch ven sông Bạng... Thống kê vào thời kỳ cao điểm, năm 2022 trên địa bàn thị xã Nghi Sơn có tổng số 3.589 ô lồng/181 hộ nuôi, với 352 lao động.
Giải bản các trường hợp tự phát
Trước tình trạng nuôi thả tự phát diễn ra phức tạp, vấn đề nước thải sinh hoạt chưa được thu gom, hoạt động súc rửa tàu thuyền hàng ngày với số lượng lớn tại các khu neo đậu... khiến cho nghề nuôi cá lồng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, các hộ dân tự phát mở rộng quy mô nuôi đã lấn chiếm luồng lạch, khu neo đậu tàu thuyền, khu vực ven sông Bạng, gây cản trở cho các tàu thuyền ra vào.
Trước thực trạng trên, ngày 1/3/2022, UBND thị xã Nghi Sơn đã ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND xử lý việc nuôi trồng thủy sản tự phát trên địa bàn thị xã Nghi Sơn. Mục đích nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời và thực hiện giải bản toàn bộ ô lồng nuôi trồng thủy sản tự phát không theo quy hoạch, đảm bảo an toàn tại các khu vực âu neo đậu tàu thuyền, cảng cá và đường thủy nội địa ở các cửa lạch, lòng sông. Từng bước thu hẹp và tiến tới giải bản toàn bộ lồng bè nuôi trồng không đúng quy hoạch.
Ông Nguyễn Ngọc Thương, Chủ tịch UBND xã Nghi Sơn, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND thị xã Nghi Sơn về việc tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải bản các ô lồng nuôi thả cá, UBND xã đã phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động bà con nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo. Cụ thể, chỉ sau 2 năm từ năm 2022 đến năm 2024, đã giảm từ 74 hộ nuôi với 1.702 ô lồng xuống còn 23 hộ nuôi với 552 ô lồng.
Mới đây, sau chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thị xã Nghi Sơn, Ban Quản lý cảng cá Thanh Hóa đã cùng lực lượng chức năng, vận động, tuyên truyền tháo dỡ, di dời được 40 bè, mảng nuôi hàu, vẹm trái phép lấn chiếm mặt nước. Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Thanh Hóa, khẳng định: “Ban Quản lý cảng cá tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan kiên quyết di dời, giải bản toàn bộ các trường hợp nuôi trồng thủy sản tự phát trái phép để đảm bảo an toàn cho tàu cá ra vào, neo đậu tại âu tránh trú bão”.
Bài và ảnh: Đình Giang
{name} - {time}
-
2024-11-24 07:00:00
Bản tin Tài chính 24/11: Giá vàng khởi sắc, tâm lý bi quan biến mất
-
2024-11-23 19:29:00
BIDV Bỉm Sơn tổ chức Hội nghị khách hàng năm 2024
-
2024-07-18 13:50:00
Ký kết chương trình phối hợp giữa Hiệp hội Doanh nhân nữ Thanh Hóa và Hiệp hội Doanh nhân nữ Hà Tĩnh
Hậu Lộc phát triển kinh tế thủy sản hiệu quả, bền vững
Hướng đến sự kiện Chợ trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và ẩm thực Xứ Thanh năm 2024
Bản tin Tài chính ngày 18/7: Giá vàng đạt mốc kỷ lục mới
Tăng trưởng ấn tượng, tạo đà cán đích các mục tiêu phát triển năm 2024: (Bài cuối) - Chìa khóa thành công!
Điện lực Quan Hóa tăng cường kiểm tra, tuyên truyền sử dụng điện an toàn
Cơ giới hóa tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp
Quy định của pháp luật về đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai
Vinamilk là doanh nghiệp sữa duy nhất của Châu Á được vinh danh tại giải thưởng quốc tế về “Green Leadership”
Bản tin tài chính 17/7: Giá vàng nhẫn vẫn tăng, vàng miếng có dấu hiệu biến động sau chuỗi ngày ổn định