(Baothanhhoa.vn) - Đến thời điểm này, Triệu Sơn đã cán đích huyện nông thôn mới (NTM), sớm hơn kế hoạch 1 năm. Đây là dấu mốc lịch sử mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Triệu Sơn đã nỗ lực để đạt được trong hơn 11 năm qua. Từ việc quy hoạch, khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân; đến việc đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chỉnh trang nhà ở dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường... đều được huyện triển khai thực hiện căn cơ, bài bản, với các nghị quyết, kế hoạch được ban hành, triển khai thực hiện có hiệu quả.

Triệu Sơn cán đích huyện nông thôn mới

Đến thời điểm này, Triệu Sơn đã cán đích huyện nông thôn mới (NTM), sớm hơn kế hoạch 1 năm. Đây là dấu mốc lịch sử mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Triệu Sơn đã nỗ lực để đạt được trong hơn 11 năm qua. Từ việc quy hoạch, khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân; đến việc đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chỉnh trang nhà ở dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường... đều được huyện triển khai thực hiện căn cơ, bài bản, với các nghị quyết, kế hoạch được ban hành, triển khai thực hiện có hiệu quả.

Triệu Sơn cán đích huyện nông thôn mớiGia đình ông Đào Duy Lộc, thôn Nội Sơn, xã Hợp Lý đầu tư phát triển cây cảnh mang lại thu nhập cao. Ảnh: Xuân Hùng

Triệu Sơn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, với 4 di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia (đền Nưa - Am Tiên, đền thờ Lê Bật Tứ tại thị trấn Nưa, di tích lịch sử Lê Thì Hiến tại xã Thọ Phú, nhà thờ Nguyễn Hiệu tại xã Nông Trường) và 26 di tích cấp tỉnh... Đi đôi với đó là lợi thế về hệ thống giao thông; nhiều tiềm năng về tài nguyên, khoáng sản quý giá, như: cromit, perentinit, sắt, mangan, đá vôi, than bùn... Ngoài ra, tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ của huyện khá rộng mở với nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng trong tỉnh và toàn quốc, như: đảo Cò Tiến Nông, đồi Chè Bình Sơn, Am Tiên... Tuy nhiên, huyện Triệu Sơn có các xã ở vùng bán sơn địa, vùng trũng thấp, các xã dọc tuyến Quốc lộ 47... trước kia chưa phát huy được tiềm năng để phát triển kinh tế, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tỷ lệ hộ nghèo cao; nguyên nhân chính là do cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông kém, đi lại khó khăn...

Những năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Triệu Sơn đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Kinh tế - xã hội phát triển, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang, đời sống người dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn có sự đổi mới và phát triển theo hướng đô thị. Điều này đã và đang khích lệ Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Triệu Sơn, phấn đấu không ngừng nghỉ để xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Từ TP Thanh Hóa đi theo tuyến Quốc lộ 47, đến ngã ba Thiều – là điểm giao nhau giữa Quốc lộ 47 và đường tỉnh 514, nơi đây được xem là cửa ngõ vào huyện Triệu Sơn, có chợ Thiều - là chợ truyền thống buôn bán sầm uất của xã Dân Lý và nằm trong quy hoạch đô thị Thiều. Trong xây dựng NTM, Dân Lý chú trọng phát huy lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao. Hiện, xã có nhiều mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà màng, nhà lưới. Xã về đích NTM năm 2018 và phấn đấu đến năm 2023 đạt chuẩn NTM nâng cao...

Đến huyện Triệu Sơn, về phía Đông có các xã “Ba Đồng” (Đồng Tiến, Đồng Thắng, Đồng Lợi), trước kia đây là vùng trũng thấp, khó khăn trong phát triển kinh tế. Nhưng Nhân dân khu “Ba Đồng” có truyền thống đoàn kết, sáng tạo, cần cù trong lao động, sản xuất và tinh thần hiếu học. Với sự nỗ lực không ngừng, trong thời gian qua, đời sống của Nhân dân 3 xã đã được nâng cao, đạt chuẩn NTM và đang xây dựng xã NTM nâng cao (xã Đồng Tiến đã đạt NTM nâng cao). Các xã Đồng Tiến, Đồng Thắng, Đồng Lợi nằm trong vùng quy hoạch đô thị Gốm đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và trở thành khu trung tâm thương mại, dịch vụ phía Đông của huyện. Đây cũng là địa phận có tuyến đường cao tốc Bắc – Nam chạy qua và là điểm giao cắt của tuyến đường nối TP Thanh Hóa với tuyến đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn và với đường tỉnh 517. Với lợi thế về giao thông và tầm nhìn chiến lược của đô thị Gốm, cụm “Ba Đồng” sẽ là khu vực phát triển năng động trong thời gian tới...

Trong những năm qua, xã vùng bán sơn địa Hợp Lý đã triển khai thực hiện có hiệu quả những giải pháp phát triển kinh tế, bảo đảm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Toàn xã hiện có khoảng 800 hộ trồng cây cảnh, với diện tích khoảng 100 ha; trong đó, hơn 70 ha quất, còn lại là đào và các cây cảnh khác. Ngoài ra, còn nhiều diện tích trong vườn nhà của các hộ dân cũng được cải tạo để trồng cây cảnh, thậm chí trong sân, dọc ngõ đi cũng được trồng cây cảnh trong chậu. Trung bình thu nhập từ cây cảnh toàn xã đạt trên dưới 150 tỷ đồng mỗi năm...

Cách thị trấn Triệu Sơn gần 30 km về phía Tây, xã Bình Sơn giáp 2 huyện miền núi Thường Xuân và Như Thanh, có tiềm năng đất lâm nghiệp khá lớn. Đây là vùng đất tiềm năng để Nhân dân địa phương phát triển cây chè, các loại cây dược liệu và lâm sản. Tổng diện tích tự nhiên của xã hơn 1.800 ha, trong đó đất lâm nghiệp khoảng 800 ha. Hiện nay, Nhân dân trong xã phát triển hơn 300 ha trồng chè, còn lại là trồng keo và các loại cây lâm nghiệp khác. Để góp phần phát triển kinh tế, HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn được thành lập và đã liên kết với 30 hộ trồng chè trong xã để hình thành vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Chè được sản xuất ở đây bảo đảm các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, đã được các cơ quan liên quan chứng nhận. Sản phẩm chè búp nhãn hiệu “Chè Bình Sơn”, trà xanh túi lọc, trà cà gai leo túi lọc và sản phẩm “Mật ong 4 mùa hoa rừng nguyên chất” được nuôi trên đồi chè và rừng địa phương đã được công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa. Theo nhiều người trồng chè địa phương, những năm trước đây, công nghệ sao chè còn kém, chăm sóc và thu hái chưa tuân theo quy trình kỹ thuật nào nên chè Bình Sơn chưa được nhiều người biết đến. Khoảng 5 năm qua, HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn đã du nhập nhiều kỹ thuật mới để truyền đạt cho bà con, phát triển thị trường và dần tạo được vị thế cho cây chè địa phương. Từ khi trở thành sản phẩm OCOP, lượng tiêu thụ chè Bình Sơn ngày càng tăng, giá chè cũng cao hơn. Với sản phẩm “Mật ong 4 mùa hoa rừng nguyên chất” ở Bình Sơn, hiện có gần 400 hộ tham gia nuôi ong. Mật sau khi được thu gom, còn được đưa vào máy lọc để tách thành phần nước, tạo sự cô đặc, sau mới đóng chai, dán nhãn.

Điểm nhấn, sự nỗ lực cao và đạt được nhiều kết quả vượt bậc trong quá trình xây dựng NTM của huyện Triệu Sơn, đó là phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Để kinh tế nông nghiệp phát triển, huyện đã ban hành 4 chương trình trọng tâm, 1 chỉ thị, 4 quyết định, 2 phương án và nhiều văn bản khác để tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp. Tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả, sang trồng cây hằng năm khác và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, với diện tích 2.760 ha, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Bước đầu đã hình thành và phát triển được 6 vùng sản xuất tập trung quy mô lớn trong các lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, diện tích 9.130 ha và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có 6.400 ha vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng hiệu quả cao, tập trung ở 22 xã, thị trấn và sử dụng các giống lúa chủ lực, như: Thái xuyên 111, VT 404, RVT, Bắc thơm, BC15, TBR 225, năng suất bình quân đạt 68 tạ/ha. Vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với quy mô 50 ha tại 2 xã Tiến Nông, Dân Lý, sản lượng khoảng 1.500 - 2.000 tấn/năm. Vùng sản xuất hoa cây cảnh, với quy mô 250 ha, tập trung tại các xã Hợp Lý, Vân Sơn, Hợp Tiến,... với nhiều chủng loại cây trồng mang thương hiệu, thế mạnh của huyện như đào cảnh, quất cảnh, hoa, cây cảnh, các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Vùng sản xuất chè, với quy mô 300 ha tại xã Bình Sơn. Vùng sản xuất gỗ nguyên liệu, với diện tích 2.000 ha rừng trồng tại các xã Bình Sơn, Thọ Bình, Thọ Sơn, Triệu Thành;... sản lượng khai thác, tiêu thụ gỗ rừng trồng đạt bình quân 6.700m3 gỗ/năm, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt 36,876 tỷ đồng. Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung 130 ha tại các xã Thọ Tiến, Xuân Thọ và khu nuôi thủy sản trong lồng bè tại thị trấn Nưa 50 ha. Giá trị sản phẩm trên một ha nuôi trồng thủy sản hàng năm đạt 161,7 triệu đồng.

Đi đôi với đó, huyện thực hiện tích tụ, tập trung đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, toàn huyện đã tích tụ, tập trung có 1.051 ha đất nông nghiệp; trong đó, có 40 ha được ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như: mô hình sản xuất rau, dưa trong nhà lưới, nhà màng tại các xã Tiến Nông, Dân Lý, Khuyến Nông, Minh Sơn...; mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ tưới và bón phân tự động ở xã Hợp Lý, Hợp Tiến, Thọ Phú... Huyện cũng đã triển khai thực hiện được 106 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, sản lượng 36.200 tấn; trong đó, 32 chuỗi cung ứng lúa gạo an toàn tại 20 xã, với quy mô 3.100 ha, sản lượng 18.600 tấn/năm; 29 chuỗi cung ứng rau, quả an toàn, quy mô 490 ha, sản lượng đạt khoảng 9.800 tấn/năm; 24 chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm an toàn, với sản lượng 5.300 tấn/năm; 21 chuỗi cung ứng thủy sản an toàn, với sản lượng 2.500 tấn/năm. Đến nay, huyện đã có 8 sản phẩm được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao, gồm: chè sạch Bình Sơn, trà xanh túi lọc Bình Sơn, trà cà gai leo túi lọc Bình Sơn, mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất, viên nang sâm báo Triso, siro bổ dưỡng sâm báo Triso, muối sấy Ánh Vân, muối bột canh Ánh Vân.

Cùng với phát triển nông nghiệp, Triệu Sơn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng phát triển. Trên thực tế, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ và trở thành ngành chủ lực tạo ra giá trị sản xuất, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, huyện đã đề nghị và được UBND tỉnh đưa vào quy hoạch 5 cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn. Trong đó, có 2 CCN đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập, gồm: CCN Hợp Thắng, quy mô 70 ha, tổng mức đầu tư khoảng 525 tỷ đồng; CCN liên xã Dân Lực - Dân Lý - Dân Quyền, quy mô 50 ha, tổng mức đầu tư khoảng 280 tỷ đồng. Hiện nay các chủ đầu tư đang khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục, thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN. Ngoài ra, trên địa bàn nhiều xã, thị trấn đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất (may mặc, vật liệu xây dựng...). Công tác thu hút dự án đầu tư quy mô lớn vào địa bàn được quan tâm triển khai thực hiện, quan tâm việc thành lập mới doanh nghiệp. Đến nay, trên địa bàn có 493 doanh nghiệp, tăng 277 doanh nghiệp so với năm 2010 (trong đó có 6 doanh nghiệp FDI), tạo việc làm thường xuyên cho trên 15.000 lao động và tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp may mặc, da giày, xây dựng, vận tải hành khách, chế biến lâm sản,... Nhiều dự án sản xuất có quy mô, công suất lớn, sử dụng nhiều lao động, như: Nhà máy May xuất khẩu Ivory tại xã Thọ Vực, quy mô 6 ha, tạo việc làm cho 2.000 lao động; Nhà máy May xuất khẩu Sumec tại xã Vân Sơn, quy mô 3,6 ha, tạo việc làm cho 600 lao động; Nhà máy Giày Adianna tại xã Thọ Dân, quy mô 1,45 ha, tạo việc làm cho 2.400 lao động; Nhà máy sản xuất, gia công giày Roll Sport tại thị trấn Triệu Sơn, quy mô 0,83 ha, tạo việc làm cho 1.500 lao động... Thu nhập bình quân của người lao động từ 7-12 triệu đồng/người/tháng. Các xã, thị trấn chú trọng khôi phục, phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, du nhập, nhân cấy nghề mới và đến nay đã tạo việc làm cho trên 3.220 lao động, thu nhập bình quân hơn 60 triệu đồng/người/năm.

Kinh tế phát triển, đời sống Nhân dân được nâng lên, huyện Triệu Sơn có điều kiện huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Cùng với sự quan tâm hỗ trợ vốn của Trung ương, của tỉnh; trích ngân sách của huyện, các xã, lồng ghép và huy động các nguồn vốn khác; đến nay, các công trình, như: hệ thống điện, giao thông, trường học, nhà văn hóa, các công trình thủy lợi, bệnh viện huyện và các trạm y tế, nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang, đầy đủ tiện nghi, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; việc chỉnh trang và xây dựng nhà ở của Nhân dân được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, hiện đại... Trong đó, phải kể đến việc hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đi lại thuận lợi cho Nhân dân. Từng bước xây dựng hệ thống giao thông trên địa bàn phát triển đồng bộ, hợp lý, theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thuận lợi với các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, giữa trung tâm hành chính huyện với trung tâm hành chính các xã, thị trấn và đến các thôn, xóm, các cụm kinh tế - xã hội, khu du lịch, các điểm du lịch, các CCN, các đô thị trên địa bàn. Hiện các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng, mặt đường bằng nhựa và bê tông xi măng, xe ô tô, kể cả xe ô tô chở khách đến 24 chỗ ngồi đi lại thuận lợi ở các tuyến đường thôn, liên thôn, liên xã, đường huyện... Có thể khẳng định, đến thời điểm hiện tại, hệ thống mạng lưới giao thông của huyện Triệu Sơn hoàn chỉnh, một số tuyến đường được đầu tư quy mô lớn, hiện đại, theo hướng đô thị hóa, như đường từ cầu Thiều đi cầu Nhơm.

Để đạt được kết quả như ngày hôm nay, Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện đã tập trung cao cho việc chỉ đạo, quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các nội dung của Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng quy định. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; ban chỉ đạo đã hướng dẫn các xã thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM; đồng thời, duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM tại các xã và thực hiện các tiêu chí huyện NTM trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.

Huyện Triệu Sơn xác định xây dựng NTM có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc và là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân, nên phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Chính vì vậy, Ban chỉ đạo huyện sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng; tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng quy mô lớn - công nghệ cao, có hình thức tổ chức sản xuất và cơ cấu kinh tế hợp lý. Phát triển giáo dục, y tế theo hướng chất lượng cao và chuẩn hóa, xã hội hóa; giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, xây dựng con người văn hóa, gia đình, làng, xã văn hóa; tiếp tục chỉnh trang cảnh quan, bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện đủ sức lãnh đạo Nhân dân xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, hướng đến đô thị hóa nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, phấn đấu đến năm 2025 trở thành một trong những huyện dẫn đầu của tỉnh, đến năm 2030 trở thành thị xã, tạo bước đột phá để Triệu Sơn phát triển trong tương lai.

Lê Kim Chất

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Triệu Sơn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]