(Baothanhhoa.vn) - Trong xu thế hội nhập, ngành nông nghiệp được xác định cần hòa nhập, liên kết mạnh mẽ trong khu vực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Định hướng này nhằm tạo ra những vùng nông sản lớn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thường xuyên, ổn định của đối tác. Tuy nhiên, thực trạng về liên kết vùng và hợp tác quốc tế trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta còn nhiều vấn đề cần phải lưu tâm.

Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững: Liên kết vùng và hợp tác quốc tế

Trong xu thế hội nhập, ngành nông nghiệp được xác định cần hòa nhập, liên kết mạnh mẽ trong khu vực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Định hướng này nhằm tạo ra những vùng nông sản lớn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thường xuyên, ổn định của đối tác. Tuy nhiên, thực trạng về liên kết vùng và hợp tác quốc tế trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta còn nhiều vấn đề cần phải lưu tâm.

Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững: Liên kết vùng và hợp tác quốc tếCanh tác dưa vàng Kim Hoàng hậu trong nhà kính tại xã Xuân Lai (Thọ Xuân). Ảnh: Minh Hằng

Tin liên quan:
  • Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững: Liên kết vùng và hợp tác quốc tế
    Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững: Lấy Chương ...

    Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tạo ra nền tảng vững chắc để giai đoạn 2021-2025 kế thừa, vận dụng, đưa chương trình trở thành trọng tâm trong phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM).

Dựa trên lợi thế tương đồng của các vùng sản xuất, cùng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực theo hướng chuỗi giá trị. Điển hình như vùng sản xuất mía đường tại các huyện trung du và miền núi, như: Thọ Xuân, Bá Thước, Lang Chánh...; vùng sản xuất rau, củ, quả xuất khẩu tại các huyện vùng đồng bằng, như: Yên Định, Triệu Sơn, Hậu Lộc, Nga Sơn; vùng sản xuất lúa giống tại các huyện Yên Định, Thọ Xuân...; vùng chăn nuôi đại gia súc, gia cầm... Mới đây, trên địa bàn tỉnh vừa hình thành thêm chuỗi giá trị và vùng sản xuất cây gai xanh tại các huyện: Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Lang Chánh... Sự phát triển các vùng sản xuất này đã bước đầu hình thành những vùng nguyên liệu nông sản quy mô lớn, đáp ứng đầu vào cho các nhà máy chế biến trên địa bàn và các doanh nghiệp ngoài tỉnh khi có nhu cầu hợp tác, liên kết tiêu thụ.

Trong hợp tác quốc tế, tỉnh Thanh Hóa cũng đã đạt được những kết quả nhất định trong thu hút doanh nghiệp nước ngoài, du nhập khoa học - kỹ thuật tiên tiến áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Điển hình như chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ gia cầm do liên doanh Tập đoàn Master Good (Hungary) và Công ty CP Nông sản Phú Gia hợp tác xây dựng; Công ty CP Mía đường Lam Sơn và một số doanh nghiệp tiếp thu, chuyển giao công nghệ sản xuất rau, củ, quả trong nhà kính công nghệ Israel, Nhật Bản...

Hiện nay, một số nhà đầu tư nước ngoài cũng đang trong lộ trình quan tâm, tìm hiểu, phối hợp đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là chăn nuôi gia súc, gia cầm và canh tác công nghệ cao. Điển hình như tháng 1-2021 vừa qua, UBND tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn AVG Capital Partners (Liên bang Nga) về triển khai dự án tổ hợp chế biến thịt lợn. Theo đó, Tập đoàn AVG Capital Partners sẽ triển khai dự án tổ hợp chế biến thịt lợn, với tổng số vốn đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD. Dự án có tổng quy mô trang trại chăn nuôi 5 triệu con/năm, diện tích khoảng 1.000 ha, trong đó có 43 trang trại lợn thương phẩm và ba trang trại lợn lai; nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp, với công suất 2 triệu tấn/năm; lò mổ và nhà máy chế biến với công suất 0,6 triệu tấn/năm, với tổng diện tích khoảng 400 ha.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, Thanh Hóa cũng là 1 trong 4 tỉnh được lựa chọn tham gia cả 2 giai đoạn Dự án “Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu ở rừng và đồng bằng Việt Nam” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ cho Chính phủ Việt Nam. Kết quả tại các tỉnh thực hiện dự án nói chung và tại tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã góp phần tích cực trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Nhà nước về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, việc hình thành liên kết vùng và hợp tác quốc tế đã tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cho nông, lâm, thủy sản; nhất là tăng cường hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường tiêu dùng khó tính. Tuy nhiên, với lợi thế các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của tỉnh, vấn đề liên kết vùng, hợp tác quốc tế hiện vẫn còn bỏ ngỏ ở nhiều lĩnh vực tiềm năng.

Điển hình như trong lĩnh vực hợp tác chế biến, nâng cao giá trị tre luồng. Nhằm “đổi chất” cho ngành tre luồng xứ Thanh, bên cạnh việc quản lý, phát triển bền vững rừng tre luồng theo hướng thâm canh, kế hoạch phát triển tre luồng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030 đã vạch ra một số mục tiêu chiến lược nhằm phát triển hệ thống sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tre luồng bền vững. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh ta sẽ phát triển 10 nhà máy sản xuất tre luồng với khoảng 200 doanh nghiệp vệ tinh cung cấp nguyên liệu, doanh thu đạt 9.000 - 10.000 tỷ đồng/năm. Củng cố và phát triển 50 - 55 doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, đạt doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong kế hoạch này, tỉnh Thanh Hóa sẽ tăng cường hợp tác quốc tế để thiết lập và phát triển quan hệ với các cơ quan, các tổ chức quốc tế để kêu gọi hỗ trợ, hợp tác, nâng cao giá trị tre luồng. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh ta vẫn chưa thu hút được dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Theo tìm hiểu, có một số khó khăn trong vấn đề liên kết vùng và hợp tác quốc tế khiến các địa phương khó triển khai định hướng này, như: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn còn ít, chưa đủ hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư; các cơ chế, chính sách thu hút trong lĩnh vực nông nghiệp chưa đủ động lực để các doanh nghiệp đầu tư nhà máy, vùng sản xuất lớn. Hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia thực hiện liên kết vùng huyện, vùng tỉnh và cả nước, hợp tác quốc tế còn hạn chế. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định, cho biết: Điển hình với sản phẩm đặc trưng là bưởi Diễn Yên Định. Đến nay, trên địa bàn có 300 ha bưởi Diễn, với 50% diện tích đạt tiêu chuẩn sản xuất VietGAP và hữu cơ. Hiện nay, có 80% diện tích bưởi đến thời kỳ thu hoạch và các HTX, doanh nghiệp trong vùng đang có nhu cầu tìm hiểu, xuất sản phẩm đi Nhật Bản. Tuy nhiên, năng lực hiện có của các doanh nghiệp, HTX còn khó khăn khi tiếp cận thị trường quốc tế. Do đó, việc hợp tác với các doanh nghiệp lớn hơn trong khu vực, trong nước và có cơ hội tiếp cận các triển lãm, hội chợ nông sản sẽ là điều kiện thuận lợi để đưa đặc sản bưởi Diễn Yên Định vươn xa trên thị trường.

Trước yêu cầu mới trong sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, trong thời gian tới, để thúc đẩy hợp tác vùng và quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp hội nhập mạnh mẽ hơn, các ngành cần tổ chức các chương trình, hội thảo quy mô cấp tỉnh, liên tỉnh và hội thảo quốc tế nhằm đánh giá tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong mối quan hệ hàng hóa và nhu cầu thị trường. Lựa chọn, phân chia đối tượng sản phẩm để phát triển và hỗ trợ nhau; khai thác tốt các vùng nguyên liệu chuyên canh có cự ly gần nhau; hạn chế thấp nhất tính cạnh tranh tự phát, thiếu cân bằng.

Đồng thời với đó, các ngành cần phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia thực hiện liên kết vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn thực phẩm thông qua các hội chợ triển lãm nông nghiệp lớn trong nước, các hoạt động kết nối cung cầu của các địa phương theo chuỗi liên kết. Xây dựng cơ chế phối hợp, chính sách liên kết, điều phối giữa các địa phương trong tỉnh và với các vùng khác. Khai thác hiệu quả thế mạnh của mỗi địa phương, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp từ khâu đầu tư sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường năng lực nghiên cứu, đẩy mạnh kiểm soát chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập thông tin, dự báo và phân tích thị trường nông sản trong nước và quốc tế. Phát triển mạnh thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của tỉnh; khai thác hiệu quả cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế đã ký kết. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Á Châu; các cơ quan quốc tế để đề xuất và triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Nhóm PV Phòng Kinh tế



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]