(Baothanhhoa.vn) - Mường Lát hôm nay đã có nhiều đổi thay, nhưng khó khăn, vất vả vẫn hiện hữu nơi đây, trên từng gương mặt người, từng nếp nhà thấp thoáng trong mù sương...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hành trình xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi - đường dài muôn nỗi khó khăn

Về huyện “trắng” xã nông thôn mới

Mường Lát hôm nay đã có nhiều đổi thay, nhưng khó khăn, vất vả vẫn hiện hữu nơi đây, trên từng gương mặt người, từng nếp nhà thấp thoáng trong mù sương...

 Về huyện “trắng” xã nông thôn mới

Sau nhiều năm XDNTM, diện mạo xã Trung Lý (Mường Lát) có nhiều đổi thay. Ảnh: Hương Thảo

Nhìn lại một chặng đường...

Khoảng 10 năm đã trôi qua kể từ ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, làm việc tại huyện vùng cao biên giới Mường Lát dịp Tết Độc lập năm 2011. Còn nhớ, Tổng Bí thư đã đặt ra nhiều băn khoăn, trăn trở về sự phát triển của mảnh đất này: Đảng và Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo, đầu tư cũng quyết liệt rồi nhưng tại sao đến nay đồng bào vẫn nghèo, vẫn khó? Làm sao để Mường Lát thoát ra khỏi cái nghèo, cái khó ấy? Sự quan tâm cùng những trăn trở, băn khoăn của Tổng Bí thư vừa như nguồn động viên, khích lệ, vừa như “tiếng trống lệnh”, “kim chỉ nam” hành động của Mường Lát trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát khẳng định: “Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các chương trình, dự án, huyện luôn xác định Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị; là giải pháp chủ yếu, quan trọng và có tính chiến lược để thực hiện thành công Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo đà cho huyện phát triển”.

Thời điểm bắt tay vào XDNTM, Mường Lát là một trong 62 huyện đặc biệt khó khăn của cả nước với 65,4% hộ nghèo và 14% hộ cận nghèo. Bình quân số tiêu chí NTM của huyện chỉ đạt 2,5 tiêu chí/xã, thấp hơn so với mức bình quân của tỉnh và cả nước. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, của tỉnh, sự năng động, sáng tạo, quyết tâm của đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, sau 10 năm, hành trình XDNTM của Mường Lát đã đạt được nhiều kết quả. Đến nay, bình quân toàn huyện đạt 7,2 tiêu chí/xã, 10 bản đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã đạt số tiêu chí cao nhất là: Mường Chanh và Quang Chiểu với 9/19 tiêu chí. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng cải thiện. Kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư ngày càng hoàn thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với XDNTM và phục vụ đời sống của bà con...

Những con số nêu trên vừa cho thấy nỗ lực, cố gắng, đồng thời phản ánh tốc độ phát triển của huyện Mường Lát trong XDNTM. Đến nay, sau 10 năm nỗ lực và phấn đấu không ngừng nghỉ, tuy Mường Lát đã gặt hái được những kết quả nhất định, đáng ghi nhận nhưng so với mặt bằng chung của toàn tỉnh và khu vực miền núi, kết quả XDNTM ở Mường Lát còn thấp. Mường Lát vẫn là huyện “trắng” xã NTM. Ngay ở những xã được huyện lựa chọn là điểm XDNTM như: Mường Chanh, Quang Chiểu, Nhi Sơn đều có “xuất phát điểm”, số tiêu chí thấp hơn nhiều so với toàn tỉnh nói chung, khu vực miền núi nói riêng (bình quân khu vực miền núi đạt 15,2 tiêu chí/xã).

Bắt mạch nguyên nhân

Vượt qua những con đường quanh co, uốn lượn với những đoạn dốc, khúc cua tay áo, chúng tôi ghé thăm bản Chim, xã Nhi Sơn. Đây là bản trung tâm của xã Nhi Sơn, cách trung tâm huyện Mường Lát 25km về phía Bắc. Bản có diện tích tự nhiên 333,4 ha với 93 hộ, 410 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Bản nằm lưng chừng núi Pó Chín, địa hình đồi núi dốc, kinh tế chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, làm nương rẫy. Đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, còn 28 hộ nghèo.

Thực hiện chương trình XDNTM, năm 2021, bản Chim được chọn làm bản điểm của xã Nhi Sơn. Ông Sung Văn Sáu (bí thư chi bộ, trưởng bản Chim) chân thành chia sẻ: “Được lãnh đạo cấp trên tin tưởng, giao nhiệm vụ, bà con trong bản rất vui mừng, phấn khởi, quyết tâm nỗ lực, cố gắng, tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành để thực hiện xây dựng bản NTM, xây dựng đời sống văn hóa. Nhưng người dân bản Chim còn nghèo, còn vất vả lắm. Diện tích đất sản xuất, điều kiện canh tác khó khăn, thường xuyên hứng chịu thiên tai nên việc huy động nguồn lực rất khó. Người dân chủ yếu đóng góp sức người thôi. Nhà nước và Nhân dân phải cùng làm mới được”.

So với bản Chim, nhiều bản khác của huyện Mường Lát còn có xuất phát điểm thấp hơn nữa. Đó là một trong những nguyên nhân cơ bản, “lực cản” lớn trong hành trình XDNTM ở đây. Đến nay, Mường Lát vẫn là huyện “trắng” xã NTM. Việc XDNTM ở đây vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Quy hoạch chưa sát với thực tiễn, một số chỉ tiêu đề ra còn quá cao, nhu cầu vốn để triển khai thực hiện theo quy hoạch quá lớn so với tiềm năng và các nguồn lực của địa phương. Phát triển chưa thực sự bền vững, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, chủ yếu là sản xuất nhỏ, phân tán. Các tổ chức sản xuất đã được hình thành song chưa phát huy được hiệu quả, chất lượng sản phẩm còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu thị trường; năng lực sản xuất và thị trường đầu ra sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất còn chưa được chú trọng. Hệ thống kết cấu hạ tầng như giao thông, thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, nên chưa hình thành được những vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn. Kết quả XDNTM tại các xã chưa đồng đều. Việc triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm về XDNTM ở nhiều xã còn hạn chế; một số mục tiêu đề ra, nhưng chưa có kế hoạch đảm bảo nguồn lực tài chính, chưa có giải pháp tích cực, sáng tạo, quyết liệt trong tổ chức thực hiện...

 Về huyện “trắng” xã nông thôn mới

Người dân bản Chim, xã Nhi Sơn (Mường Lát) chung sức XDNTM. Ảnh: H.T

Nhìn lại quãng thời gian đã qua, trên tinh thần thẳng thắn nhìn nhận những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế để “bắt mạch” cho đúng và trúng nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để từ đó huyện Mường Lát tìm giải pháp, hướng đi phù hợp.

Về yếu tố khách quan, Mường Lát là huyện “nghèo nàn” về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đời sống Nhân dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng còn thấp kém. Nguồn lực cho chương trình XDNTM còn nhiều hạn chế... Cùng với đó, tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp khó lường, thiên tai, dịch bệnh xảy ra gây thiệt hại lớn đến sản xuất, đe dọa an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân. Ông Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, kể từ năm 2018 đến nay, gần như huyện Mường Lát phải ưu tiên huy động nguồn lực cho việc khắc phục hậu quả, đầu tư cơ sở hạ tầng nên tác động không nhỏ đến kết quả XDNTM trên địa bàn huyện”. Ví như hành trình XDNTM ở xã Mường Chanh – một trong những địa phương có niềm vinh dự, tự hào được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm, động viên, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Với nhiều nỗ lực, quyết tâm, bên cạnh sự quan tâm đầu tư, khuyến khích hỗ trợ của huyện, lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án, việc thực hiện XDNTM ở Mường Chanh đã gặt hái được những kết quả đáng khích lệ, khấp khởi hy vọng đạt chuẩn. Thực tế, đã có thời điểm, xã Mường Chanh đạt được 11/19 tiêu chí NTM. Tuy nhiên, trong hai năm 2018–2019, do tác động không nhỏ của thiên tai, hàng chục ngôi nhà và các công trình ở Mường Chanh bị hư hỏng, “thổi bay” mất 2 tiêu chí mà xã đã nỗ lực, cố gắng xây dựng trong suốt những năm qua.

Về chủ quan, một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức chưa đầy đủ về mục tiêu, quan điểm, giải pháp, lộ trình XDNTM; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước còn cao. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa quyết liệt và chưa làm tốt công tác tuyên truyền cho Nhân dân về chương trình XDNTM. Sự huy động nguồn lực tại chỗ chưa được phát huy mạnh mẽ, quy trình rà soát đánh giá thực trạng các tiêu chí NTM theo hướng dẫn của tỉnh còn chậm, chế độ thông tin, báo cáo và phối hợp chưa thực sự nhịp nhàng, kịp thời...

Mường Lát nghèo, khó, hành trình XDNTM ở Mường Lát vẫn còn nhiều “rào cản” – đó là hiện thực. Tuy nhiên, nếu cứ nhìn vào những cái nghèo, cái khó ấy để trông chờ, ỷ lại... thì biết đến bao giờ, Mường Lát mới có thể thoát nghèo, vượt khó. Để bức tranh NTM của Mường Lát “đổi màu”, xóa “trắng”, huyện cần có một “cuộc cách mạng” từ nhận thức tư tưởng đến hành động, khơi dậy sức dân, lòng dân bằng tinh thần, trách nhiệm, nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đó là những yếu tố chủ quan buộc Mường Lát phải thẳng thắn nhìn nhận, triệt để khắc phục, trăn trở, tìm hướng đi, “lời giải” thích hợp, hiệu quả cho “bài toán” xây dựng thành công NTM ở huyện vùng núi cao xứ Thanh.

Bài cuối: Để xây dựng nông thôn mới bền vững – cần nhiều giải pháp căn cơ.

Thùy Dương và Hương Thảo


Thùy Dương và Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]