(Baothanhhoa.vn) - Hình ảnh cây đa, ao làng, giếng nước... đã trở thành đặc trưng ở mỗi làng quê Bắc bộ xưa. Tuy nhiên, với việc đô thị hóa nông thôn cũng như mở rộng các công trình công cộng, phát triển đất ở dân sinh mà nhiều giếng làng đã bị lấp. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhiều địa phương đã tìm mọi cách để bảo tồn, phục hồi lại các công trình này như một cách lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Lưu giữ giếng làng trong xây dựng nông thôn mới

Hình ảnh cây đa, ao làng, giếng nước... đã trở thành đặc trưng ở mỗi làng quê Bắc bộ xưa. Tuy nhiên, với việc đô thị hóa nông thôn cũng như mở rộng các công trình công cộng, phát triển đất ở dân sinh mà nhiều giếng làng đã bị lấp. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhiều địa phương đã tìm mọi cách để bảo tồn, phục hồi lại các công trình này như một cách lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Lưu giữ giếng làng trong xây dựng nông thôn mới

Giếng làng tại thôn Lọc Trạch, xã Đồng Tiến (Triệu Sơn) được khôi phục trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong quá trình tìm hiểu việc XDNTM kiểu mẫu tại thôn Lọc Trạch, xã Đồng Tiến (Triệu Sơn) chúng tôi được trưởng thôn Trần Quang Bá tự hào cho biết địa phương vừa phục hồi được giếng làng.

Theo ông, giếng làng Lọc Trạch gắn với tuổi thơ, cung cấp nguồn nước cho nhiều thế hệ người dân ở làng. Đây là “tài sản” quý của cả thôn với lịch sử hơn 300 năm. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và mở rộng các khu dân cư vài chục năm gần đây, giếng lại nằm trong đất một hộ dân trong thôn, bị xây tường bao quanh. Cộng với việc ngày càng ít người dùng nước giếng làng để ăn uống nên công trình bị xuống cấp, nguồn nước tù ô nhiễm bởi lá cây tạp trong vườn. Trong quá trình XDNTM kiểu mẫu, ban cán sự thôn cùng Nhân dân đã họp bàn, quyết khôi phục giếng làng. Cũng theo chia sẻ của ông Bá, cái khó lúc ấy là giếng đã thuộc đất của hộ gia đình, coi như không còn của chung. Cả thôn đã vận động, đồng lòng đóng góp để mua lại khu vườn có giếng cổ với giá 350 triệu đồng. Cùng với nguồn lực hỗ trợ của con em xa quê giếng được tôn tạo kiên cố, xây các hạng mục đi kèm như tường bao, lát gạch xung quanh, trồng cây đa tạo bóng mát và các bồn hoa... với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng.

Không quản ngại cái nắng giữa trưa, vị trưởng thôn 59 tuổi vẫn muốn giới thiệu thêm với chúng tôi từng hạng mục và ý nghĩa của công trình. Thành giếng được xây kiên cố bằng gạch, cao chừng 1m, đường kính rộng khoảng 9m. Với hàng cây tỏa bóng mát rượi và cây đa đang lớn nhanh từng ngày, nơi đây đã trở thành một tiểu “công viên” giữa làng mà nhiều vùng quê hiện nay không thể có. Hàng ngày, nhiều người ra ngồi mát, vui chơi quanh khu giếng tạo thành không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân địa phương.

Bà Đỗ Thị Sinh, người dân thôn Lọc Trạch, chia sẻ: “Tôi năm nay 60 tuổi, sinh ra và lớn lên ở thôn từ bé nên gắn liền với giếng làng. Nay giếng được tôn tạo, những người thế hệ chúng tôi vui mừng lắm. Ở gần giếng, thỉnh thoảng tôi vẫn ra quét lá làm sạch khuôn viên xung quanh”.

Tại thôn Xuân Hội, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) có một giếng làng cổ xây dựng bằng đá mun được cư dân địa phương xem là tài sản quý. Nhiều vị cao niên trong thôn cũng không biết giếng được xây dựng thời nào, chỉ truyền miệng nhau là hàng trăm năm tuổi. Do giếng nằm ở chân một dãy núi nên nước giếng rất ngọt, là nơi cung cấp nguồn nước nấu ăn cho nhiều thế hệ người dân gần đó. Phần thành giếng được xây gắn kết với nhau bằng những viên đá thô sơ chưa được ghè đẽo, độ sâu chỉ chừng khoảng 3 - 4m, nhưng do nằm tại mạch nước từ núi chảy ra nên chưa bao giờ cạn nước, kể cả những năm hạn nặng. Trong quá trình XDNTM những năm gần đây, người dân trong thôn coi giếng cổ có đường kính hơn 3m này như là một “thiết chế văn hóa”, công trình hạ tầng phục vụ dân sinh.

Điều đáng trân trọng là hiện nay ở xã Tiến Lộc đã có nước sạch tập trung, nhưng rất nhiều hộ dân vẫn còn thói quen mang can đến lấy nước giếng này về nấu ăn. Với nhiều người không chỉ ở thôn Xuân Hội mà cả các thôn lân cận như Bùi, Sơn, Thị Trang, Ngọ, “vị” ngọt từ nguồn nước chảy ra trong lòng núi, được lưu giữ tại giếng thì các loại nước khác khó thay thế được. Nhiều hộ gia đình còn duy trì phong tục đến lấy nước giếng về tắm cho trẻ sơ sinh với mong muốn đứa trẻ sẽ khỏe mạnh, không bệnh tật.

Ông Ngọ Viết Kiên, người gốc làng Xuân Hội đang sinh sống tại TP Thanh Hóa, chia sẻ: “Mỗi lần về quê, tôi đều mang nhiều can về giếng làng lấy nước lên nấu ăn và pha trà uống rất ngon. Nhiều người ở tận Hà Nội khi về quê cũng mang can nước ra để dùng dần”.

Về những ký ức liên quan đến giếng làng, bà Hoàng Thị Định, 83 tuổi, người dân địa phương, hồi tưởng: “Suốt thời chiến tranh rồi đến giai đoạn bao cấp, các gia đình hầu như chưa có giếng riêng mà đều đến gánh nước giếng làng về sinh hoạt. Ở đây, người dân đều trân quý công trình chung này nên ra sức bảo vệ và giữ gìn vệ sinh. Sau này cho dù xã hội có phát triển đến đâu, chúng tôi vẫn kiên quyết giữ lại giếng".

Trong quá trình mở rộng đường thôn theo tiêu chí NTM, người dân thôn Đồng Lòng của xã Hoằng Tân (Hoằng Hóa) không nỡ lấp bỏ giếng làng nên đã tôn tạo kiên cố. Ấn tượng đầu tiên khi đến đây là ngay đầu làng có một giếng cổ được xây thành cao, trở thành “vòng xuyến” với hai bên là 2 con đường ra vào. Người có công kêu gọi tôn tạo giếng là ông Đỗ Xuân Sen, 76 tuổi, khi đó là trưởng thôn Đồng Lòng. Theo ông Sen, giếng có lịch sử từ thế kỷ XVII, sau khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh thắng lợi, cho các làng quê xây dựng đình và giếng làng. Lịch sử làng truyền lại, vị trí xây dựng giếng trước đó là một hố sụt lún gần sông Mã, nước rất trong nên người dân thường xuyên lấy để thắp hương tại miếu làng, sau mới đào sâu thêm và quây lại bằng đá.

Vào năm 2017, khi địa phương mở rộng đường thôn nhưng quyết tâm giữ lại giếng, đành phải xây dựng phía bên kia giếng một tuyến đường khác. Giếng được tôn tạo, các thớt giếng phần âm vẫn bằng đá, phần trên mặt đất đã được xây dựng bằng gạch để bảo đảm thẩm mỹ. Dưới bóng đa làng, dòng nước giếng vẫn trong mát, được cư dân địa phương gìn giữ bảo đảm vệ sinh. Không chỉ lưu giữ và tôn tạo một giếng, ở thôn Đồng Lòng còn một giếng khác cũng được tôn tạo cùng thời điểm. Theo quan niệm dân gian, việc lưu giữ các giếng chính là lưu giữ long mạch cho thôn làng.

Trong quá trình tham gia với các đoàn thẩm định đạt chuẩn NTM cấp tỉnh nhiều năm qua, chúng tôi chứng kiến có hàng chục giếng làng trong tỉnh đã được lưu giữ, tôn tạo. Nhiều giếng làng có tuổi đời hàng trăm năm tuổi như giếng ở xã Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn gắn với cuộc hành quân của Vua Quang Trung trên đường ra Bắc. Tuy ở nhiều nơi đã có nước máy tập trung đến tận hộ, giếng làng hầu như không còn vai trò cấp nước sinh hoạt, nhưng vẫn lưu chứa những giá trị tinh thần không nhỏ, được bà con lưu giữ.

Bài và ảnh: Lê Đồng


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]