(Baothanhhoa.vn) - Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), miền núi xứ Thanh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hành trình “có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc” ấy luôn đặt ra cho khu vực miền núi muôn vàn khó khăn, thách thức. Do đó, để miền núi xứ Thanh XDNTM bền vững cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với những quyết sách, giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hành trình xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi - đường dài muôn nỗi khó khăn

Để xây dựng nông thôn mới bền vững – cần nhiều giải pháp căn cơ

Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), miền núi xứ Thanh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hành trình “có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc” ấy luôn đặt ra cho khu vực miền núi muôn vàn khó khăn, thách thức. Do đó, để miền núi xứ Thanh XDNTM bền vững cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với những quyết sách, giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Để xây dựng nông thôn mới bền vững – cần nhiều giải pháp căn cơ

Nét đẹp trong đời sống văn hóa của người dân xã Trí Nang – xã NTM của huyện Lang Chánh. Ảnh: Hương Thảo

Những vấn đề đặt ra

Không chỉ riêng huyện Mường Lát, từ thực tiễn hoạt động, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: Kết quả XDNTM ở khu vực miền núi còn chậm, chưa mang tính bền vững; một số huyện còn rất thấp so với mặt bằng chung của toàn tỉnh và còn khoảng cách khá lớn giữa các vùng. Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh đạt 70%, trong khi đó tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM vùng đồng bằng đạt trên 90%, khu vực miền núi chỉ đạt 29,45%; bình quân tiêu chí NTM của vùng đồng bằng đạt 18,6 tiêu chí/xã, các xã miền núi chỉ đạt 15,2 tiêu chí/xã. Hình thức tổ chức sản xuất (HTX, tổ hợp tác) mặc dù đã có chuyển biến tích cực, song, số đơn vị hoạt động có hiệu quả chưa nhiều, cá biệt còn một số xã đến nay chưa thành lập được HTX nông nghiệp. Vấn đề liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị giữa người nông dân với các tổ chức kinh tế, HTX có mặt còn hạn chế. Kết quả thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở một số địa phương còn hạn chế. Toàn tỉnh có 9 huyện, thị xã, thành phố chưa có sản phẩm OCOP, trong đó có 6 huyện thuộc khu vực miền núi, gồm: Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Mường Lát.

Hiện nay, toàn tỉnh có 115/163 xã thuộc các huyện miền núi chưa đạt chuẩn NTM, là các xã có nguồn thu ngân sách trên địa bàn rất hạn hẹp, vị trí địa lý, địa hình không thuận lợi, kinh tế còn khó khăn. Hầu hết các xã có địa hình phức tạp, phần lớn là vùng đồi núi, bị chia cắt bởi hệ thống sông, suối và các thung lũng nhỏ, hẹp. Dân cư sinh sống phân tán, đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, kinh tế chậm phát triển, thiếu đất sản xuất... Bởi vậy, việc hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững... là những khó khăn cơ bản trong lộ trình XDNTM hiện nay của các địa phương thuộc các huyện miền núi, không chỉ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mà ở phạm vi cả nước. Đây là nhóm tiêu chí đòi hỏi nguồn vốn lớn, không chỉ cần sự nỗ lực, cố gắng của địa phương mà cần nhiều sự quan tâm, đầu tư từ phía Trung ương, của tỉnh. Bên cạnh đó, việc phấn đấu đạt các tiêu chí về chợ nông thôn, nhà ở dân cư, thu nhập, thiết chế văn hóa, vệ sinh môi trường, nước sạch... cũng là những thách thức khá lớn đối với các địa phương thuộc khu vực miền núi trên lộ trình XDNTM.

Được đánh giá là một trong những địa phương tiêu biểu trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ XDNTM của huyện Quan Sơn, đến nay, xã Sơn Điện đã có 5/10 bản được công nhận là bản NTM, trong đó có 1 bản được công nhận là bản NTM kiểu mẫu. Mặc dù vậy, nhìn về những khó khăn, thử thách ở phía trước, ông Phạm Nhật Quang, Chủ tịch UBND xã Sơn Điện không khỏi băn khoăn, trăn trở: “Nhiệm vụ XDNTM là một hành trình dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Việc hoàn thành và giữ vững 19 tiêu chí NTM thực sự là thách thức lớn, nhất là đối với khu vực miền núi. Do đó, bên cạnh việc đề nghị tăng nguồn lực đầu tư, hỗ trợ để “tạo đà” cho xã tiếp tục thực hiện có hiệu quả lộ trình XDNTM thì Đảng và Nhà nước cần kịp thời rà soát, đánh giá lại nhằm điều chỉnh, bổ sung những tiêu chí NTM phù hợp hơn với khu vực miền núi, tránh gây lãng phí nguồn lực như: tiêu chí về tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia., tiêu chí chợ nông thôn, nhà ở dân cư...”.

Nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ là nhu cầu bức thiết, thực tế trong XDNTM ở khu vực miền núi. Trong khi đó, nguồn ngân sách của tỉnh bố trí để thực hiện cơ chế, chính sách thì có hạn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Riêng năm 2020 và quý I–2021, số lượng xã, thôn, bản đạt chuẩn NTM, NTM kiểu mẫu năm 2020 vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra (vượt 37 xã, 45 thôn NTM, 11 thôn, bản NTM kiểu mẫu) nhưng chưa bố trí đủ nguồn lực hỗ trợ. Bên cạnh đó, ngoài nguồn hỗ trợ của Trung ương thì ngân sách tỉnh và nhiều huyện chưa bố trí cho Chương trình OCOP, phần nào đó ảnh hưởng đến kết quả chung XDNTM.

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng sâu sắc đến kết quả triển khai, thực hiện XDNTM ở khu vực miền núi, đó là tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước của một bộ phận người dân và ngay cả đội ngũ cán bộ. Như đã nói ở trên, với một số tiêu chí “khó”, cần nguồn vốn lớn, vượt quá khả năng của địa phương thì rất cần thiết phải có sự đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, đối với một số phần việc như: giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư, phát triển sản xuất nhằm giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo... nếu bản thân mỗi cá nhân, hộ gia đình, đội ngũ cán bộ, đảng viên có nhận thức, đánh giá đúng, cùng cố gắng, nỗ lực phấn đấu thì đều có thể cải thiện được.

Ngoài ra, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, công tác đôn đốc thực hiện một số nội dung của Chương trình XDNTM còn hạn chế; việc kiểm tra công nhận thôn/bản đạt chuẩn NTM, NTM kiểu mẫu nhiều lúc còn chưa kịp thời; việc kiểm tra, giám sát từng nội dung tiêu chí ở từng xã đề nghị thẩm định đã được tăng cường song còn hạn chế, nhất là những tiêu chí dễ biến động (như môi trường, an ninh trật tự...) cũng phần nào ảnh hưởng đến kết quả chung của tỉnh trong XDNTM.

Tạo đà phát triển, hướng đến XDNTM bền vững

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình XDNTM gắn với giảm nghèo bền vững cho khu vực miền núi, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định Chương trình Phát triển nông nghiệp và XDNTM; Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021–2025 là 2 chương trình trọng tâm của tỉnh. Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Việc XDNTM ở khu vực miền núi là hành trình dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, không nóng vội nhưng cũng phải hết sức khẩn trương, giải pháp phải mang tính căn cơ, đột phá, phù hợp với từng xã, huyện miền núi trên cơ sở phương châm “làm đến đâu chắc đến đó”. Theo đó, mục tiêu cụ thể cho XDNTM trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, ở khu vực miền núi nói riêng được đề ra: Phấn đấu năm 2021, toàn tỉnh có 70 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM, 27 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 80 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng; bình quân toàn tỉnh đạt 17,7 tiêu chí/xã. Giai đoạn 2021–2025, phấn đấu toàn tỉnh có 17 huyện, thị xã, thành phố, 88% số xã đạt chuẩn NTM, 25% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 8% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, bình quân toàn tỉnh đạt 18,6 tiêu chí/xã, khoảng 50% số thôn, bản đạt chuẩn NTM, 10% thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu...

Để đạt được mục tiêu ấy, nhiệm vụ thường xuyên là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp huy động các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tham gia thực sự có hiệu quả trong việc triển khai thực hiện chương trình, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn và đẩy mạnh phong trào thi đua chung sức XDNTM... nhằm nâng cao nhận thức, tư duy, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước của một bộ phận người dân và cán bộ, đảng viên.

Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với XDNTM, trong đó, tập trung phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông – lâm kết hợp; ưu tiên phát triển các thế mạnh của khu vực về cây ăn quả, rau, cây dược liệu, cây đặc sản, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm; tăng kinh phí hỗ trợ cho các hộ nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng để người dân có thu nhập ổn định, phát triển các sản phẩm từ rừng; thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết trồng rừng gỗ lớn tập trung;... Từ đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, thực hiện tốt chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; giải quyết tốt một số vấn đề nhằm ổn định đời sống, sản xuất, giảm nghèo bền vững gắn với XDNTM, như: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất; quy hoạch, bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư những nơi cần thiết...

Tỉnh Thanh Hóa tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện giai đoạn tới một cách cụ thể, sát với tình hình thực tế; nhất là giải pháp hỗ trợ các thôn/bản ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới XDNTM và một số nội dung của chương trình còn đạt tỷ lệ thấp, để từng bước hoàn thành tiêu chí xã NTM và giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, các địa phương cần nỗ lực, cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số... để các “tiêu chí mềm” trở thành “tiêu chí cứng”, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả, tăng tính bền vững trong XDNTM ở khu vực miền núi.

Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp. Tiếp tục thúc đẩy, tập trung triển khai Chương trình OCOP thông qua việc rà soát, nuôi dưỡng, phát hiện, phát triển các sản phẩm có lợi thế của từng địa phương; đồng thời hướng dẫn các chủ thể, các xã tham gia hoạt động theo chu trình OCOP. Khu vực miền núi cần tăng cường thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả, bền vững Chương trình XDNTM.

Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các tiêu chí thôn, bản, xã, huyện NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu: Bám sát mục tiêu, kế hoạch giai đoạn 2021–2025, các địa phương chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể, cân đối khả năng huy động nguồn lực phù hợp cho từng giai đoạn để tập trung chỉ đạo thực hiện các tiêu chí thôn, bản, xã, huyện NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Trong đó, xây dựng lộ trình để tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành các tiêu chí NTM đối với những xã chưa đạt chuẩn; rà soát, tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng huyện đạt chuẩn NTM, xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đối với những xã có khả năng hoàn thành trong từng giai đoạn. Trong quá trình thẩm định mức độ đạt chuẩn của các tiêu chí cần có sự tham gia của đại diện ban phát triển các bản trong xã để tiếp thu ý kiến chỉ đạo, nhận xét, góp ý về những nội dung đã làm được và những nội dung còn tồn tại, hạn chế của từng tiêu chí, từ đó kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện...

Thùy Dương – Hương Thảo


Thùy Dương – Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]