Nơi thời gian lắng lại
Tháng Tư tuy còn đang se lạnh, nhưng trời tạnh ráo, nắng đẹp. Chúng tôi lên huyện Lang Chánh vào những ngày Lễ hội Chí Linh Sơn. Thị trấn Lang Chánh đẹp sắc cờ và những rặng cây vàng anh bản địa, nở hoa vàng rực rỡ.
Homestay Suối Đang ở bản Ngày.
Chúng tôi đã đi thăm các điểm văn hoá, lịch sử, các danh lam thắng cảnh, khu du lịch cộng đồng. Đất và người Lang Chánh đã có những đóng góp to lớn cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, vùng rừng núi Pù Rinh đã trở thành căn cứ địa quan trọng thứ 2 của cuộc khởi nghĩa, nơi đây nghĩa quân Lam Sơn nhiều lần rút quân về để bảo toàn và củng cố lực lượng, góp phần vào thắng lợi vĩ đại cuối cùng của cuộc khởi nghĩa. Vì vậy biết bao địa danh trên đất Châu Lang xưa đã in dấu nơi đồn trú, nơi thoát nạn của tướng sĩ Lam Sơn.
Theo thời gian có sự tích đã nhuốm mầu huyền thoại: Thác Ma Hao, tương truyền chú chó giúp vua thoát nạn. Dòng Huối Lấu, nơi đổ vò rượu xuống uống chung, thể hiện tình đoàn kết của ba quân tướng sĩ. Chùa Mèo “Đỉnh Miêu thiền tự” tương truyền, Lê Lợi đã dừng chân tại chùa Chu (Chùa Mèo) và thờ cúng tại đây trước khi tiến hành các chiến dịch chống giặc Minh. Chùa Mèo cũng được cho là nơi Lê Lợi được cứu thoát nhờ sự xuất hiện của một con mèo, khi bị giặc Minh truy đuổi. Bản Năng Cát nuôi quân sĩ ấm lòng...
Những năm qua huyện Lang Chánh đã có nhiều giải pháp trùng tu, bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử. Cùng với đó, tập trung đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, kết nối với giá trị lịch sử của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành nghị quyết 06 về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn, huyện đã xây dựng các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Thật lý thú khi chúng tôi được đi thăm các khu du lịch cộng đồng ở bản Trí Nang xã Năng Cát, bản Ngàm Pốc ( Mường Đeng, xã Yên Thắng), bản Ngày (Mường Ngày, xã Lâm Phú).
Từ thị trấn Lang Chánh, theo đường Châu Lang và đường tỉnh 530B, chúng tôi đi về xã Lâm Phú. Lâm Phú xã cuối cùng phía tây bắc của huyện Lang Chánh, giáp với xã Trung Hạ của huyện Quan Sơn. Quãng đường chỉ gần 30 km, nhưng do đường xấu, nhiều dốc lại uốn lượn theo dòng sông Âm, nên xe đi rất chậm, lắc lư chao đảo gây cảm giác khó chịu. Nhưng khi xe đến bản Ngày, mọi mệt mỏi hầu như đã tan biến, bởi được nhìn thấy một khung cảnh đẹp hiện ra, đó là bản nhà sàn nhìn ra cánh đồng bậc thang trước bản, lúa đang thì con gái, một màu xanh ngút ngát, hoà với màu xanh của rừng dưới những tia nắng chiều đẹp như sắc cầu vồng. Một số người trầm trồ reo lên: “ Ôi giống như Pù Luông vậy”. Chúng tôi được hoà mình vào của núi rừng, dòng suối Đang, mùa nước cạn, với tiếng reo róc rách của suối len lỏi chảy qua những hòn đá chắn ngang cùng với những nét đẹp của guồng nước không ngừng quay phát như tiếng nhạc nước. Dọc bên bờ suối là homestay Suối Đang, mùa xuân, hoa đủ các mầu cùng đua nở, nhiều nhất là hoa ban. Những nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái, những bugalow gần gũi với thiên nhiên, những nhà chòi cho du khách ngồi ngắm cảnh bên dòng suối Đang bình yên, cùng với bao nhiêu hạng mục khác phục vụ cho du khách đến tham quan và lưu trú nơi đây.
Thật không thể ngờ rằng giữa một vùng heo hút xa trung tâm huyện, đường xá đi lại còn khó khăn lại nổi lên một khu du lịch cộng đồng đẹp và thơ mộng đến như vậy. Các thành viên trong đoàn đều tranh thủ lúc trời nắng đẹp ra ngắm cánh đồng lúa bậc thang, chụp ảnh, chek-in, các nhiếp ảnh gia dùng nhiều các loại máy quay tạo được những tác phẩm điện ảnh rất sinh động. Anh hoạ sĩ đã thể hiện ngay được bức tranh nhà sàn buổi chiều quê thật chân thực. Qua tìm hiểu, tôi còn thấy có bất ngờ hơn là chủ cơ sở khu homestay Suối Đang đã cao tuổi đó là ông Phạm Văn Lá, người có ý tưởng hình thành và đặt những viên gạch đầu tiên cho việc xây dựng và phát triển homestay Suối Đang, bản Ngày.
Tôi được ông Phạm Văn Lá dẫn đi giới thiệu quá trình hình thành và phát triển khu du lịch homestay Suối Đang, cùng những địa danh trong bản. Bản Ngày, (còn gọi bản Chiềng Ngày), nằm sâu trong xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh, là một trong những bản vùng cao mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Huyện Lang Chánh rất hiếm hồ tự nhiên, tuy nhiên sát bên bờ suối Đang của bản Chiềng Ngày lại có một hồ gọi là Nóong Dạ. Hồ hình tròn, sâu theo kiểu lòng chảo, hồ không bao giờ cạn, nước hồ có mầu xanh ngọc, hồ còn mang nhiều huyền thoại chưa giải thích được, dân bản xem như là mắt Rồng trong vùng này. Bản Ngày nơi đây từng chìm trong lặng lẽ, chỉ có tiếng suối reo và nếp nhà sàn nép mình bên những bờ suối, sườn đồi. Cuộc sống của người dân chỉ biết an phận qua ngày, bám vào cây rừng, ruộng lúa để sinh sống... Nhưng vài năm trở lại đây, một làn gió mới mang tên “du lịch cộng đồng” đã bắt đầu len lỏi vào từng nếp nhà. Homestay Suối Đang được khởi nguồn từ chính ước mơ giữ gìn, lan tỏa giá trị bản sắc dân tộc, từ đó hy vọng du lịch đậm chất bản địa sẽ mang lại kế mưu sinh và cuộc sống ấm no hơn cho người dân nơi đây.
Homestay Suối Đang được hình thành từ tình yêu với bản làng của một người con sinh ra và lớn lên tại đây: Ông Phạm Văn Lá sinh năm 1945, ông mồ côi cha từ khi mới 5 tuổi. Tuổi thanh niên ông tham gia vào quân đội, năm 1968 ông chuyển ngành. Sau nhiều năm thoát ly quê hương, trải qua các vị trí công tác. Năm 1993, ông Phạm Văn Văn Lá cùng vợ là Lữ Thị Khuyên nghỉ chế độ hưu trí quay trở về quê hương. Ông bà vẫn tham gia công tác với địa phương làm Bí thư chi bộ bản Ngày, ông Lá còn nhận trông coi rừng phòng hộ cho nhà nước. Ông bà chuyển ngôi nhà sàn cũ của gia đình ở trong bản ra dựng bên bờ suối Đang. Vào thời điểm đầu năm 2021 - khi dịch Covid19 bùng phát mạnh , các con cháu có ý định sửa sang lại nhà cửa cho ông bà để những dịp cuối tuần, nghỉ lễ gia đình quây quần bên nhau. Khi phát quang cây cối, bờ bụi rậm rạp lại thấy nơi có không gian cực kỳ thoáng đãng, thơ mộng với dòng suối Đang uốn lượn, bên những thửa ruộng bậc thang, những bụi tre, luồng xanh mát bao quanh, ôm ấp ngôi nhà sàn cũ kỹ của ông bà. Cùng với việc khám phá thêm hệ thống thác, thung lũng, hồ nước... xung quanh bản, gia đình ông Phạm Văn Lá nhận ra rằng: Bản Ngày - với vẻ đẹp mộc mạc, nguyên sơ và văn hóa dân tộc đặc sắc - hoàn toàn có thể trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai muốn “đi trốn” khỏi phố thị ồn ào. Và hơn hết, suy nghĩ của các thế hệ trong gia đình, việc xây dựng nên một homestay không chỉ để đón khách, mà còn để giữ lấy bản sắc, là nơi hội tụ và sinh hoạt cộng đồng của bà con trong bản, để ai bước chân tới cũng có thể nghe được nhịp đập của đại ngàn và cảm nhận sự sống của một bản làng Thái còn nguyên nét mộc mạc, bình dị trong từng lời Khắp, tiếng khèn, nhịp cồng chiêng, điệu xòe và bữa cơm bên bếp lửa. Với sự đồng thuận của các thành viên trong gia đình, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương theo tinh thần nghị quyết 06 của Huyện uỷ Lang Chánh về phát triển du lịch, sự giúp công và vật liệu của bà con, anh em trong bản Chiềng Ngày, homestay Suối Đang đã được kiến tạo lên.
Những đoàn khách nhỏ, phần lớn là người mê xê dịch, những nhiếp ảnh gia, nhà văn, hoặc đơn giản là những người thành thị muốn một lần “đi trốn” khỏi phố xá đông đúc, đã lần theo con đường rừng tìm về nơi đây. Và rồi, chính họ - những người khách ấy đã đem tiếng lành của bản Chiềng Ngày lan xa. Ấn tượng sâu sắc của mỗi du khách đó là “Suối Đang - nơi thời gian lắng lại”. “Ở Suối Đang, người ta không chỉ “nghỉ” - mà sống thật chậm”.
Những nét văn hóa bản địa vẫn được người dân nơi đây gìn giữ.
Đến với vùng đất này, du khách được trải nghiệm các dịch vụ phong phú với lưu trú, nghỉ dưỡng, ẩm thực dân tộc, các trò chơi dân gian. Chương trình dã ngoại khám phá thác Rồng, dòng nước thác được đổ chảy từ trên đỉnh núi cao, dựng đứng kì vĩ. Phía dưới thác là suối rộng đủ cho cả hàng trăm người tắm mát. Thung lũng Lang Lung, rộng rãi bằng phẵng, thảm cỏ mượt xanh, nằm lọt giữa những ngọn núi cao, rừng nguyên sinh. Tương truyền thung lũng Lang Lung là nơi thao luyện quân sĩ của nghĩa quân Lam sơn khi rút lên Châu Lang. Tại đây còn có dấu tích bếp nấu ăn được đục trên một phiến đá lớn còn nguyên vẹn. Trong vùng còn có hồ Lâm Danh và quần thể ruộng bậc thang trải dài trùng điệp... Khi màn đêm buông xuống, giữa màn sương và ánh đèn lung linh mờ ảo, tiếng cồng chiêng vang lên, tiếng khua luống hòa theo, và những điệu dân vũ tay nối tay không còn khoảng cách. Lửa trại bập bùng, rượu cần chuyền tay, ai cũng như say - không chỉ say men rượu, mà say cái tình người, tình núi.
Vào những dịp lễ, tết, lượng khách đến nơi này tăng cao. Đến nay nhận thức làm du lịch của bà con đã được nâng cao, nếp ăn ở thêm văn minh, tiến bộ mà vẫn giữ được bản sắc, phong tục đẹp của ông cha. Bà con đã biến những sản vật địa phương thành hàng hóa du lịch để cung cấp cho du khách (gà đồi, vịt suối, lợn cỏ, trâu khô, cá ao, mật ong, măng rau rừng, thuốc dân tộc...). Từ mô hình homestay đầu tiên của địa phương, đang được người dân bản địa nhân rộng mô hình để phát triển thành du lịch cộng đồng, với mong muốn đưa văn hóa bản đến với thế giới. Ở đó, từng nếp nhà, từng món ăn, từng lời khắp Thái đều được khơi dậy từ ký ức người già và truyền lại cho lớp trẻ.
Suối Đang không chỉ là một điểm đến nghỉ chân - mà là điểm bắt đầu cho một hành trình giữ gìn bản sắc. Hành trình xây dựng homestay là hành trình giữ hồn núi giữa đại ngàn xứ Thanh. Tâm sự với tôi, anh Phạm Văn Hùng, Bí thư Chi bộ bản Chiềng Ngày được giao quản lý khu du lịch, anh cũng là con trai của ông Phạm Văn Lá, cho biết: “ Hàng năm, quản lý và nhân viên phục vụ đều tổ chức đi tham quan các cơ sở du lịch cộng đồng trong và ngoài tỉnh, tham gia các lớp tập huấn của ngành văn hoá để nâng cao chất lượng phục vụ du khách”.
Cảm phục ông Phạm Văn Lá, bà Lữ Thị Khuyên, mặc dù đã nghỉ hưu, tuổi cao nhưng vẫn hướng cho gia đình các con cháu làm kinh tế, góp phần làm đẹp giàu cho quê hương. Tôi hỏi ông Lá: “Hiện nay ông bà đang trăn trở, ấp ủ điều gì?”. Ông trả lời: “Tâm nguyện và ý tưởng thì rất lớn nhưng thành quả còn rất khiêm tốn. Bản Ngày xa trung tâm huyện, đường tỉnh 503B xuống cấp đi lại khó khăn. Việc phát triển du lịch cộng đồng ở Lâm Phú bị hạn chế. Mong sao nhà nước sớm có kế hoạch mở rộng đường tỉnh 530B từ Trung Hạ huyện Quan Sơn tới thị trấn Lang Chánh để cho các xã trong khu vực giao thông thuận lợi, khách du lịch đến nhiều hơn, với tiềm năng thiên nhiên ban tặng sẽ là cơ hội cho địa phương phát triển kinh tế”.
Chia tay tạm biệt trong lưu luyến bịn rịn, tôi thầm nhủ sẽ có dịp trở lại để khám phá nghiên cứu về vùng đất Mường Ngày khi xưa. Được hoà mình vào không gian của núi rừng với văn hoá ẩm thực đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, được thưởng thức dân ca với những làn điệu Khắp “ yếu đu năm ne” ca ngợi Mường Ngày: “ Mường Ngày tôi thức ăn không thiếu/ Nhấc nồi lên bắt cá mại về dùng/...Về với anh em nhé/ Về gội đầu tại vũng “ ái” bản tôi/ ....
Nguyễn Huy Miên (CTV)
{name} - {time}
-
2025-04-25 10:32:00
Thọ Xuân phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa, lịch sử địa phương
-
2025-03-30 07:46:00
Những nẻo về nguồn cội
-
2025-01-28 07:01:00
Đặc sắc Tết năm cùng của đồng bào dân tộc Dao xứ Thanh
Ban Công khởi sắc từ nông thôn mới
Chăm lo Tết cho đồng bào dân tộc Mông
Lên vùng cao Quan Sơn xem người Mông thi giã bánh giầy đón tết
Trà Quýt Hoi - đặc sản bản địa từ núi rừng Pù Luông
Đi cấy trên nương miền biên viễn xứ Thanh
Cá mương sấy - đặc sản từ lòng hồ Cửa Đạt
Đến miền Tây hòa mình vào những điệu xòe Thái
Mùa vàng trên đỉnh Pù Luông
Đặc sản sâu măng vùng cao