Nhóm tự lực giúp nhau phát triển kinh tế của phụ nữ vùng cao
Sau 6 tháng miệt mài học nghề làm tóc miễn phí do Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển phụ nữ Thanh Hóa (Hội LHPN tỉnh) phối hợp với Công ty TNHH LOREAL Việt Nam tổ chức, hai chị em Sung Thị Xế và Sung Thị Lâu ở xã Nhi Sơn (Mường Lát) đã đưa được nghề về quê. Thay vì đi làm ăn xa, chị em Xế và Lâu đã cùng nhau góp vốn mở quán làm nghề tóc, làm nail (móng tay), vừa có việc ổn định, vừa có thu nhập khá. Tuy nghề làm tóc ở xã miền núi còn chưa thực sự phát triển như nhiều địa phương khác, nhưng là nghề làm đẹp đang được nhiều lứa tuổi thanh niên, trung niên quan tâm nên hằng tháng, hai chị em cũng có thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/người. Ở vùng cao, khoản thu nhập này đối với các chị là niềm mơ ước.
Nhóm tự lực giúp nhau phát triển kinh tế xã Nhi Sơn (Mường Lát) chăm sóc khách hàng và hướng dẫn học nghề cho học viên mới.
Chị Sung Thị Xế cho biết: "Mở quán ngay bên mặt đường giao thông lớn, gần trung tâm xã nên dịch vụ làm đẹp cũng được nhiều người quan tâm hơn. Khách hàng đa số là thanh niên đến làm móng, cắt tóc, uốn, nhuộm; khách trung niên cắt tóc, gội đầu... Mở quán được gần 1 năm, chúng em còn dạy thêm cho một số chị em trong xã và xã khác có nhu cầu đến học nghề".
Còn tại xã Nam Động (Quan Hóa), chị Lương Thị Thẩm - chủ tiệm làm tóc chia sẻ: "Tôi là mẹ đơn thân, làm phụ hồ nuôi 2 con, cuộc sống rất khó khăn. Được hội LHPN xã giới thiệu học nghề làm tóc miễn phí, tôi đã học và về nhà mở quán. Thu nhập khá ổn định, có điều kiện chăm sóc con cái và dạy cho một số chị em khác. Có tháng cao điểm thu nhập 15 triệu đồng, tháng ít cũng khoảng 5 triệu đồng".
Trên đây là 3 trong nhiều trường hợp thuộc các “Nhóm tự lực giúp nhau phát triển kinh tế”, được Hội LHPN tỉnh chỉ đạo thành lập năm 2023 sau khi kết thúc khóa đào tạo nghề làm tóc cơ bản tại Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển phụ nữ tỉnh. 2 nhóm tại xã Pù Nhi và xã Nhi Sơn (Mường Lát); 1 nhóm tại xã Nam Động (Quan Hóa). Mỗi nhóm có từ 3 đến 5 thành viên. Tham gia lớp học nghề làm tóc tại trung tâm, các học viên đều được miễn học phí và còn được tư vấn, định hướng mở quán để làm nghề và giới thiệu việc làm cho học viên tại một số địa chỉ uy tín. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh còn tổ chức một số chương trình thiện nguyện, đồng hành cùng phụ nữ biên cương và tạo điều kiện cho một số học viên tham gia cắt tóc miễn phí cho trẻ em, người dân ở xã Nhi Sơn, xã Tam Chung (Mường Lát) - cũng là cách giúp học viên rèn luyện tay nghề.
Để các nhóm có điều kiện duy trì, phát triển, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ mỗi nhóm 30 triệu đồng đầu tư dụng cụ làm nghề, cải tạo, nâng cấp cơ sở... Nhóm hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện dưới sự hướng dẫn của hội LHPN các cấp và sự quản lý trực tiếp của hội LHPN xã, nhằm giúp học viên là người dân tộc thiểu số ở vùng miền núi khó khăn phát huy nội lực, tự tin, sáng tạo trong tìm kiếm nghề ổn định tại địa phương. Các nhóm và thành viên mỗi nhóm cùng liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, hỗ trợ cơ hội việc làm, kết nối, giới thiệu việc làm tại các cơ sở salon tóc khác; tham gia các hoạt động cộng đồng, thiện nguyện, các chương trình an sinh xã hội tại địa phương; đồng thời tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ trên địa bàn về bình đẳng giới, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, hạn chế di cư, đi làm ăn xa. Ngoài làm nghề, các nhóm còn dạy nghề miễn phí cho những chị em phụ nữ có nhu cầu, nhưng không có điều kiện đi học nghề vì đường xa, hạn chế giao tiếp do bất đồng ngôn ngữ...
Đồng chí Ngô Thị Hồng Hảo, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh tra hỗ trợ kinh phí cho các nhóm tự lực giúp nhau phát triển kinh tế.
Chị Sung Thị Xế, nhóm trưởng cho biết thêm: "Vì một số chị em dân tộc Mông không nói thạo tiếng phổ thông nên không tự tin học nghề. Chúng em là người bản địa, giao tiếp tiếng Mông và truyền đạt cho chị em những kiến thức, kỹ thuật làm tóc, làm móng... nên chị em hiểu và thích lắm. Quán có 3 chị đang học. Sau này, các chị ấy có thể làm cùng với chúng em hoặc làm thợ phụ cho các salon khác".
Bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Nhóm tự lực giúp nhau phát triển kinh tế” là mô hình mới, đặc thù của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” - thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hoạt động của nhóm góp phần thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; động viên chị em đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững, tích cực tham gia xây dựng tổ chức hội vững mạnh; nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội".
Bài và ảnh: Lê Hà
{name} - {time}
-
2025-01-05 17:18:00
Lo lắng, chỉ thế thôi sao?
-
2025-01-05 15:37:00
“Thợ săn tiền thưởng” và nguy cơ trở thành kẻ vi phạm pháp luật
-
2024-03-28 14:23:00
Nhịp cầu nối những yêu thương
Nhiều khó khăn trong việc nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch ở Thọ Xuân
Vì đô thị tươi đẹp
Khuyến cáo người dân cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo giả danh cơ quan thuế
Phát huy tính tự quản nghề nghiệp của Hội Công chứng viên tỉnh Thanh Hóa
Triển khai thực hiện Kế hoạch công tác Dân số - KHHGĐ năm 2024
Cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 sẽ khai thác thêm một nút giao trước ngày 31/3
Truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” cho mẹ Lê Thị Lĩnh
Tăng cường phong trào khuyến học, xây dựng xã hội học tập trong các sở, ngành cấp tỉnh
Thực hiện các biện pháp cấp bách diệt chuột bảo vệ sản xuất nông nghiệp và môi trường