Nhịp cầu nối những yêu thương
Có những bệnh nhân nghèo không đủ tiền chữa bệnh, người nhà làm đơn xin về, chấp nhận nguy hiểm tính mạng, có những bệnh nhân bức xúc vì phải chờ đợi lâu khi chưa đến lượt khám bệnh... Nhưng bằng trái tim ấm áp và cách làm khéo léo, giàu sức lan tỏa, những người làm công tác xã hội (CTXH) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đang ngày ngày bắc nhịp cầu nối những yêu thương tiếp sức cho những người bệnh nghèo.
Nhân viên Phòng CTXH ân cần chăm sóc bệnh nhân.
4 năm qua, Phòng CTXH, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã kết nối các câu lạc bộ Thiện nguyện, các nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa, nhân văn như: vận động hỗ trợ về hiện vật hoặc chi phí điều trị cho 412 lượt bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn với giá trị nhiều tỷ đồng; duy trì chương trình cắt tóc miễn phí, “Bữa cơm 0 đồng”, “Chuyến xe nghĩa tình”, “Xây dựng tủ sách cho bệnh nhân”, ra mắt và duy trì hoạt động “Câu lạc bộ Yoga cười”, “Câu lạc bộ người bệnh”; “Câu lạc bộ nghệ thuật sáng tạo cho bệnh nhân nhi”, kêu gọi chi phí thuê trọ hàng tháng cho bệnh nhân chạy thận... Nhiều chương trình khác như: Thăm hỏi và tặng quà bệnh nhân dịp lễ, tết, tổ chức các chương trình: Phiên chợ 0 đồng”; Tết Trung thu, Tết thiếu nhi cho các bệnh nhi... cũng được tổ chức.
Chị Mai Thị Dung, Phó trưởng Phòng CTXH, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chia sẻ: "Ở bệnh viện, nơi người bệnh phải chịu đựng nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, những người làm CTXH như chúng tôi phần nào thấu hiểu. Khi đó, ngoài sự động viên về tinh thần, họ cũng rất cần sự trợ giúp về mặt vật chất để vơi bớt những khó khăn, yên tâm điều trị bệnh. Chúng tôi thấy rất hạnh phúc mỗi khi một hoàn cảnh người bệnh khó khăn được nhận sự trợ giúp của các cá nhân và tổ chức xã hội, góp phần cùng đồng nghiệp làm tròn sứ mệnh chăm sóc sức khỏe Nhân dân".
Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Sỹ, xác định CTXH trong bệnh viện có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, từ năm 2017, bệnh viện đã thành lập tổ CTXH trực thuộc Phòng Điều dưỡng. Đến ngày 25/3/2020, tổ CTXH được tách ra và thành lập Phòng CTXH. Từ đó đến nay, hoạt động CTXH tại bệnh viện đã trở nên chuyên nghiệp, bài bản với 4 tổ chuyên môn (tổ hỗ trợ người bệnh, tổ chăm sóc khách hàng, tổ truyền thông, tổ quản lý hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ), 19 cán bộ chuyên trách có trình độ đại học trở lên. Với 14 vị trí hỗ trợ tại Khoa Khám bệnh, các nhân viên CTXH đã thực hiện hướng dẫn cho hàng ngàn lượt người bệnh, người nhà người bệnh về quy trình khám bệnh, quyền lợi nghĩa vụ của người bệnh và các quy định của bệnh viện. Thông qua các chương trình hỗ trợ, mỗi tháng có hàng ngàn bệnh nhân nghèo đang điều trị tại bệnh viện được cung cấp các suất ăn sáng, ăn trưa miễn phí, nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ các chuyến xe vận chuyển về với gia đình, nhiều gia đình bệnh nhân vỡ oà trong hạnh phúc... Hơn hết, đằng sau những suất cơm 0 đồng, chuyến xe nghĩa tình hay món tiền đóng viện phí được trao tặng là sự sẻ chia ấm áp, lời động viên tinh thần của các nhà hảo tâm, nhân viên CTXH, các y, bác sĩ giúp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn có thêm niềm tin vượt qua khó khăn chiến thắng bệnh tật".
Đại diện Phòng CTXH, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thăm hỏi, động viên và tặng quà cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Ngân Thị Quận, xã Thành Sơn (Bá Thước) cho biết: "Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, chồng già yếu, bản thân bị nhồi máu cơ tim, chỉ định can thiệp mạch vành với chi phí khoảng 30 triệu đồng. Dù đã vay mượn khắp nơi nhưng vẫn không đủ tiền, gia đình rơi vào túng quẫn... Nhưng niềm vui đã đến khi các nhân viên CTXH Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã kết nối được với nhà hảo tâm, hỗ trợ phần chi phí còn thiếu, hoàn thành ca phẫu thuật. Lúc đó, ông nhà tôi đang định về bán tài sản duy nhất còn lại là con trâu. May sao con trâu vẫn còn để chúng tôi có kế sinh nhai. Tôi cảm ơn bệnh viện và các nhà hảo tâm rất nhiều”.
Các cán bộ, nhân viên Phòng CTXH còn là cầu nối tạo dựng sự hài hòa giữa các mối quan hệ trong bệnh viện, hỗ trợ các nhân viên y tế giải quyết các vấn đề xã hội và tâm lý liên quan đến bệnh tật và khám, chữa bệnh, từ đó đạt được hiệu quả chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Từ năm 2020 đến nay, Phòng CTXH đã tổ chức hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc cho 323.875 lượt người bệnh tại Khoa Khám bệnh. Đội ngũ nhân viên CTXH còn là lực lượng nòng cốt trong triển khai các hoạt động khám, chữa bệnh theo yêu cầu, tư vấn, giới thiệu và hỗ trợ 120.977 lượt bệnh nhân sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao của bệnh viện. Từ năm 2021 Phòng CTXH đưa vào hoạt động tổng đài chăm sóc khách hàng 19001536 với mục tiêu chủ động tiếp thu ý kiến đóng góp của người bệnh, thăm hỏi, động viên, khảo sát mức độ hài lòng để nâng cao chất lượng dịch vụ tại bệnh viện. Đến nay, tổng đài 19001536 đã thực hiện 22.680 cuộc gọi đi và tiếp nhận 2.038 cuộc gọi đến với tỷ lệ hài lòng người bệnh đạt 95,7%.
Những người làm CTXH tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa dù không trực tiếp chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân nhưng lại là người đồng hành thân thiết, tin cậy nhất của những bệnh nhân nghèo. Công việc vất vả và không mang lại cho họ nhiều giá trị về vật chất nhưng có lẽ điều lớn nhất mà họ nhận được là sự an yên trong tâm hồn, sống biết sẻ chia.
Bài và ảnh: Tô Hà
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:12:00
Nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TP Thanh Hóa
-
2024-11-21 14:18:00
Như Thanh nỗ lực chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số
-
2024-03-28 14:21:00
Nhiều khó khăn trong việc nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch ở Thọ Xuân
Vì đô thị tươi đẹp
Khuyến cáo người dân cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo giả danh cơ quan thuế
Phát huy tính tự quản nghề nghiệp của Hội Công chứng viên tỉnh Thanh Hóa
Triển khai thực hiện Kế hoạch công tác Dân số - KHHGĐ năm 2024
Cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 sẽ khai thác thêm một nút giao trước ngày 31/3
Truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” cho mẹ Lê Thị Lĩnh
Tăng cường phong trào khuyến học, xây dựng xã hội học tập trong các sở, ngành cấp tỉnh
Thực hiện các biện pháp cấp bách diệt chuột bảo vệ sản xuất nông nghiệp và môi trường
Thay đổi để bệnh dại không còn đáng sợ