(Baothanhhoa.vn) - Nụ cười tươi tắn trên gương mặt thư sinh, giọng nói nhỏ nhẹ và truyền cảm đem lại niềm cảm mến cho người đối diện của thạc sĩ, bác sĩ Lâm Tiến Tùng, sinh năm 1987, Phó Khoa Gây mê hồi sức, Trưởng đơn nguyên giảm đau, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa khiến những hình dung cố hữu trong chúng tôi về người bác sĩ nơi phòng mổ nghiêm nghị và có chút gì đó lạnh lùng đã hoàn toàn tan biến.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tận tụy người “chiến sĩ áo trắng”

Nụ cười tươi tắn trên gương mặt thư sinh, giọng nói nhỏ nhẹ và truyền cảm đem lại niềm cảm mến cho người đối diện của thạc sĩ, bác sĩ Lâm Tiến Tùng, sinh năm 1987, Phó Khoa Gây mê hồi sức, Trưởng đơn nguyên giảm đau, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa khiến những hình dung cố hữu trong chúng tôi về người bác sĩ nơi phòng mổ nghiêm nghị và có chút gì đó lạnh lùng đã hoàn toàn tan biến.

Tận tụy người “chiến sĩ áo trắng”

Thạc sĩ, bác sĩ Lâm Tiến Tùng đang tiến hành gây mê cho bệnh nhân.

Dành cho chúng tôi ít phút trước khi vào ca mổ, anh khiêm tốn: “Cũng đã có thành tích gì nhiều đâu. Công việc của chúng tôi là cứu người và làm giảm bớt triệu chứng đau đớn cho những bệnh nhân đang ngày đêm bị bệnh tật hành hạ cơ thể. Vất vả có, thách thức cũng nhiều nhưng đã lựa chọn con đường này thì phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thôi”. Giọng nói vừa như tâm tình lại vừa chắc chắn, bên trong đôi mắt hiền hậu của người bác sĩ trẻ như ánh lên sự kiên định và tâm huyết.

Tốt nghiệp Trường Đại học Y Thái Bình và bảo vệ luận án thạc sĩ chuyên ngành gây mê hồi sức tại Trường Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Lâm Tiến Tùng được tiếp nhận về công tác tại Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Trong thời gian làm việc, bên cạnh việc không ngừng nỗ lực trong lĩnh vực chuyên ngành đã học, anh luôn trăn trở với những khó khăn, đau đớn của nhiều bệnh nhân đang ngày đêm phải sống chung với cơn đau dai dẳng do các căn bệnh mãn tính và bệnh hiểm nghèo hành hạ. Với tâm huyết giúp người bệnh vượt qua được những cơn đau đó, anh đã dày công nghiên cứu nhiều phương pháp tiên tiến đang được các nước phát triển sử dụng. Sau khi hoàn thành hai khóa học bổng toàn phần về chuyên ngành gây mê hồi sức và chống đau tại Nhật Bản, anh trở về đảm nhiệm vai trò Trưởng đơn nguyên giảm đau của bệnh viện, bắt đầu một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ trong ngành y tế Thanh Hóa.

Nói về lĩnh vực gây mê hồi sức, bác sĩ Tùng chia sẻ: Gây mê là khâu đầu tiên để tiến hành ca phẫu thuật. Bởi lẽ ê kíp phải vào phòng mổ trước khoảng 40 phút để làm các công tác chuẩn bị như: Đánh giá tình trạng bệnh nhân, thực hiện các bước tiền mê, khởi mê. Khi bệnh nhân đã chìm vào giấc ngủ sâu, lúc đó mới đến phiên của bác sĩ phẫu thuật. Trong quá trình bác sĩ phẫu thuật làm việc, cả ê kíp gây mê vẫn phải tập trung theo dõi người bệnh và làm các thao tác tiêm thuốc, truyền dịch, dõi theo máy đo các chỉ số dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân, duy trì chức năng hô hấp, ứng phó với những diễn biến bất thường có thể xảy ra như: Chảy máu, rối loạn đông máu, hạ nhiệt độ... Sau ca mổ, khi mũi khâu cuối cùng đã hoàn thiện, bác sĩ phẫu thuật có thể tháo găng kết thúc công việc thì ê kíp gây mê vẫn phải tiếp tục nhiệm vụ đưa bệnh nhân thoát mê và có thể từ từ thở tự nhiên, không phụ thuộc vào máy thở, giúp họ bớt đau đớn và hồi phục nhanh. Với những ca phẫu thuật đơn giản và bệnh nhân có thể lực tốt thì sau 25 – 30 phút sẽ tỉnh, nhưng với trường hợp bệnh nhân nặng có khi phải kéo dài tới 3 – 4 giờ. Bác sĩ gây mê chỉ được ra khỏi phòng khi bệnh nhân đã tỉnh vì đây là giai đoạn người bệnh rơi vào trạng thái yếu nhất, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Cũng theo bác sĩ Tùng, hiện nay hầu khắp các bệnh viện lớn đều đang rơi vào tình trạng thiếu bác sĩ gây mê. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thời điểm này đang có 10 bác sĩ trực tiếp làm việc tại khoa gây mê hồi sức. Với số lượng bệnh nhân nặng khá lớn nên trung bình, một ngày mỗi bác sĩ của khoa phải đảm nhận 6 - 7 ca phẫu thuật, tương đương khoảng trên dưới 10 tiếng làm việc trong phòng mổ. Những buổi trực trong tuần, với 20 ca phẫu thuật, thời gian “cắm trụ” tại phòng mổ còn kéo dài hơn nữa, bất kể ngày hay đêm. Đặc thù nghề nghiệp gắn với môi trường làm việc đầy rủi ro khiến những người làm nghề gây mê hồi sức luôn phải chịu áp lực từ nhiều phía: Cường độ công việc cao, áp lực về thời gian, căng thẳng về sức khỏe và sự an toàn của bệnh nhân trong quá trình mổ... “Còn nhớ có những trường hợp, tuy chúng tôi đã thực hiện đầy đủ mọi kỹ thuật cấp cứu trong gây mê nhưng vì có những tình huống rủi ro trong y khoa không thể lường trước khiến ca phẫu thuật không thành công. Những lúc này, người nhà bệnh nhân thường không hiểu và thông cảm nên đã có những hành động gây gổ, kiện cáo, tạo áp lực cho bác sĩ khiến chúng tôi thấy cảm thấy chua xót với nghề. Nhiều khi xong việc ở cơ quan trở về nhà, tôi chỉ thèm một giấc ngủ thật ngon để lấy lại tinh thần và sức lực”.

Tâm huyết với công việc, trăn trở với nỗi đau của người bệnh, ngoài những khi phải túc trực trong phòng mổ, bác sĩ Tùng thường xuyên có mặt tại phòng khám chống đau của bệnh viện để thăm khám và điều trị cho người bệnh. Anh cho biết: Hiện nay, ngành y tế nước ta mới chỉ quan tâm đến việc thăm khám và điều trị cho người bệnh. Còn đối với những bệnh nhân mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối không thể cứu chữa, lúc những cơn đau khủng khiếp nhất hành hạ, tàn phá cơ thể họ thì hầu hết các bệnh viện lại trả bệnh nhân về cho gia đình mà không có bất cứ biện pháp nào can thiệp khiến những ngày cuối đời họ phải sống trong đau đớn, vật vã.

Tiên phong trong lĩnh vực chống đau, vận dụng những kiến thức tiếp nhận được từ ngành y tế Nhật Bản, kết hợp với những kết quả tìm tòi, nghiên cứu có được trong nhiều năm, bác sĩ Tùng đã áp dụng các phương pháp hữu hiệu, giúp cho nhiều bệnh nhân ung thư và bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như: Thoái hóa xương khớp, đau đầu... vượt qua những đau đớn một cách nhẹ nhàng hơn. Hiện nay đã có nhiều người biết và tìm đến điều trị, ngoài bệnh nhân là người dân Thanh Hóa còn có nhiều người từ các tỉnh ngoài tìm đến điều trị bằng phương pháp chống đau của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và thu được kết quả rất tích cực.

Tính nhân đạo trong chống đau theo mô hình Nhật Bản là giá trị cao nhất thôi thúc bác sĩ Tùng tập trung phổ biến, nhân rộng để kỹ thuật mới mẻ, tiến bộ này được sử dụng rộng khắp tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, anh đã và đang tiến hành tổ chức các buổi giảng dạy, hướng dẫn, truyền giao lại kiến thức cho nhiều bác sĩ, giúp họ tiếp cận và thực hiện thuần thục kỹ thuật chống đau để phục vụ người bệnh.

Nói về bác sĩ Lâm Tiến Tùng, nhiều đồng nghiệp của anh khẳng định: “Bác sĩ Tùng chính là tấm gương tiêu biểu cho hình mẫu “tuổi trẻ tài cao”, là một thanh niên ưu tú, nhiệt huyết, sáng tạo và có tâm, có đức”. Với chúng tôi, nụ cười ấm áp cùng ánh mắt cảm thương, khích lệ mà anh dành cho những bệnh nhân của mình thực sự là một hình ảnh ấn tượng, tô điểm thêm cho nét đẹp người thầy thuốc Việt Nam.

Bài và ảnh: Thu Hà


Bài Và Ảnh: Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]