(Baothanhhoa.vn) - Bằng tâm huyết và trách nhiệm của mình, người cao tuổi (NCT) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương mình. Từ đó, không chỉ làm phong phú thêm đời sống tinh thần, mà còn góp phần bảo lưu những “tài sản” vô giá mà cha ông ta đã dày công gây dựng và trao truyền cho thế hệ mai sau.

Người cao tuổi tham gia giữ gìn văn hóa truyền thống

Bằng tâm huyết và trách nhiệm của mình, người cao tuổi (NCT) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương mình. Từ đó, không chỉ làm phong phú thêm đời sống tinh thần, mà còn góp phần bảo lưu những “tài sản” vô giá mà cha ông ta đã dày công gây dựng và trao truyền cho thế hệ mai sau.

Người cao tuổi tham gia giữ gìn văn hóa truyền thốngChủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa trao Giấy khen cho nghệ nhân ưu tú Đàm Văn Sừ, người có thành tích xuất sắc trong bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn dân gian múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ trong lễ hội Ngư Võng Phường, xã Thiệu Quang (Thiệu Hóa).

Thôn Rộc Răm, xã Xuân Phúc (Như Thanh) không chỉ là mảnh đất còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, mà nơi đây còn nổi tiếng với lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy - một lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc Thái đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong hành trình đưa lễ hội đến di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ấy, không thể thiếu vai trò, sự đóng góp quan trọng của các nghệ nhân cao tuổi.

Theo nghệ nhân Lục Văn Hương, từ xa xưa quê hương ông đã hình thành Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy. Tuy nhiên, trải qua thời gian, lễ hội từng có lúc đi vào quên lãng. Vốn là người sinh ra ở làng từ nhỏ, tôi đã được chứng kiến người dân trong làng tổ chức lễ hội với những giá trị văn hóa đặc sắc mang đậm dấu ấn của đồng bào dân tộc mình. Bởi vậy, khi thấy lễ hội không còn được lan tỏa trong đời sống, tôi cùng một số người dân khác trong làng đã tìm cách khôi phục. Vào khoảng những năm 1980, chúng tôi bắt đầu tiến hành đi sưu tầm, nghiên cứu để tìm lại nguồn gốc cũng như cách thức, hình thức tổ chức lễ hội.

Đến nay, lễ hội ngày càng được tổ chức một cách hoàn chỉnh, bài bản từ nội dung đến hình thức, và được tổ chức vào dịp tháng Giêng, tháng hai âm lịch hằng năm. Trong lễ hội, ngoài phần nghi lễ được tổ chức thành kính, trang trọng, thì nét đặc sắc nhất thu hút đông du khách đến tham dự đó là hát múa ăn mừng dưới cây bông, và phần tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống như nhảy sạp, ném còn...

Ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông Đàm Văn Sừ ở làng Nhân Cao, xã Thiệu Quang (Thiệu Hóa) vẫn còn nhớ rõ từng nốt nhạc, điệu múa của nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa đèn xếp chữ, hát chèo chải cổ” trong lễ hội Ngư Võng Phường. Ông Sừ cho biết, lễ hội Ngư Võng Phường là hoạt động nghệ thuật dân gian mang đậm màu sắc tín ngưỡng vùng sông nước của cộng đồng làng Nhân Cao, diễn ra vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm. Nét độc đáo trong nghệ thuật múa đèn xếp chữ chính là sự kết hợp giữa hát chèo chải cổ cũng như các động tác múa để tạo nên tổ khúc múa đèn, trong đó hát chèo chải cổ gồm 4 bài là: hát giáo chải, hát múa quạt, hát chèo thuyền, hát giáo chân sào. Mỗi đội múa đèn sẽ gồm 12 cô gái, khi nhạc bắt đầu nổi lên, những cô gái trong đội múa đèn sẽ đội lên đầu một đĩa đèn vừa hát, vừa múa và cuối cùng là xếp các chữ nhất, nhị, tam, tứ và ngũ. Sau khi biểu diễn các chữ theo hình đã xếp, cả đội sẽ nằm xuống, vừa lật người vừa lăn kết thành bông hoa 5 cánh, rồi từ đó di chuyển thành một hàng ngang, hai tay nâng đĩa đèn trên đầu xuống lạy tạ rồi rời sân khấu.

"Tôi rất vui mừng và tự hào khi nghệ thuật trình diễn “Múa đèn xếp chữ, hát chèo chải cổ” trong lễ hội Ngư Võng Phường đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bởi vậy, để các điệu múa, lời ca không bị mai một theo thời gian, thì còn sức khỏe ngày nào là tôi còn tiếp tục truyền dạy lại cho thế hệ trẻ để di sản này ngày càng được phát huy giá trị trong đời sống hàng ngày", ông Sừ chia sẻ.

Để thắp lửa cho các giá trị văn hóa truyền thống ngày càng phát triển và trường tồn, hơn ai hết, những người như ông Hương, ông Sừ vẫn đang miệt mài giữ vai trò là sợi dây kết nối để nhân lên lòng tự hào, tinh thần, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Phó Chủ tịch Hội NCT tỉnh Đỗ Xuân Phong cho biết: Việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn được NCT quan tâm và giữ vai trò nòng cốt. NCT đã tích cực vận động lớp trẻ thành lập các câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ ở thôn bản, tổ dân phố; khôi phục và duy trì tiếng hát, tiếng nói, trang phục để truyền dạy cho con cháu; nhiều NCT còn đảm nhiệm vai trò quan trọng trong các ban lễ nghi tại các lễ hội, các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, giữ gìn những phong tục tốt đẹp của dân tộc. Trong những năm qua Hội NCT tỉnh và các cấp Hội NCT ở cơ sở đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên phát huy vai trò, tâm huyết, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương mình. Bên cạnh đó, tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu, biểu diễn, hội thi văn nghệ cho NCT, từ đó góp phần giữ gìn và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]