Ngoại trưởng Ukraine tới Trung Quốc: Mở ra cơ hội đàm phán kết thúc xung đột với Nga?
Từ ngày 23 đến 26/7, Ngoại trưởng Ukraine Kuleba đã có chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt là tìm giải pháp cho cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine. Vậy liệu chuyến thăm có mở ra cánh cửa đàm phán hòa bình và xu hướng cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine sẽ thay đổi như thế nào?
Những thay đổi trong quan điểm, lập trường của Ukraine
Đây là chuyến công du đầu tiên đến Trung Quốc của một quan chức cấp cao thuộc Chính quyền Kiev kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022. Trọng tâm của chuyến thăm là cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Ukraine - Kuleba và người đồng cấp của Trung Quốc - Vương Nghị diễn ra tại Quảng Châu (Trung Quốc) vào ngày 24/7.
Theo truyền thông Ukraine, hai vấn đề được ông Kuleba và ông Vương Nghị đặc biệt quan tâm tại cuộc hội đàm đó là bàn về cách chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine hiện nay và vai trò tiềm năng của Bắc Kinh trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình. “Tôi tin rằng một nền hòa bình công bằng ở Ukraine cũng là vì lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Vai trò của Trung Quốc với tư cách là lực lượng hòa bình toàn cầu là rất quan trọng”, ông Kuleba nói. Trong cuộc hội đàm, ngoại trưởng Kuleba đồng thời cũng nhắc lại quan điểm đã được khẳng định của Ukraine, rằng nước này sẵn sàng mời phía Nga tham gia quá trình đàm phán ở một giai đoạn nhất định, nếu Nga sẵn sàng một cách thiện chí.
Ngoại trưởng Kuleba cũng thông báo với ông Vương Nghị về kết quả của hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ. Ông nhắc lại rằng Ukraine gần đây đã bắt đầu đàm phán về việc gia nhập Liên minh châu Âu.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho biết, hai bộ trưởng đã thảo luận về cuộc xung đột Nga-Ukraine, trong đó ông Kuleba nói rõ rằng “Ukraine sẵn sàng tham gia đối thoại và đàm phán với Nga”.
Giới phân tích chính trị Ukraine cho rằng, Chính quyền Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến công du của Ngoại trưởng Kuleba, bởi Kiev rất coi trọng vai trò quốc tế và trung gian hòa giải của Bắc Kinh. Thông qua chuyến thăm, nhà ngoại giao Ukraine sẽ tái khẳng định mong muốn của Kiev và tranh thủ sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với tiến trình giải quyết cuộc xung đột Nga-Ukraine trên bình diện quốc tế, hoặc ít nhất là Bắc Kinh đóng góp tiếng nói khi tham gia các hội nghị về từng điểm của công thức hòa bình, dự kiến sẽ lần lượt được tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Canada hướng tới chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh hòa bình cho Ukraine lần thứ hai.
Còn theo RBC, Giám đốc khoa học của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (RIAC), ông Andrei Kortunov cho rằng, các tuyên bố về sự sẵn sàng đàm phán cho thấy những thay đổi nhất định trong lập trường của Chính quyền Kiev. Bởi trước đây, ở nhiều cấp độ khác nhau, Ukraine đều lên tiếng bác bỏ khả năng tiến hành đàm phán với Nga nhằm chấm dứt xung đột. “Rõ ràng, điều này cho thấy cục diện trên chiến trường đã không diễn ra như kế hoạch của Kiev một năm trước. Và tất nhiên, Kiev khó có thể bỏ qua những đề xuất hòa bình có tính khả thi hiện đang đến từ nhiều phía, trong đó có Trung Quốc. Đến thời điểm này cả Nga và Ukraine đều không muốn biến mình trở thành bên kéo dài cuộc xung đột. Vì vậy, động thái chiến thuật của Kiev là dễ hiểu và hợp lý, nhất là nếu tính đến lợi ích của phía Kiev”, RBC dẫn lời của ông Kortunov.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Học viện Ngoại giao Liên bang Nga MGIMO - Alexey Tokarev liên kết sự thay đổi quan điểm của Ukraine với diễn biến của chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, cụ thể là sau khi đảng Dân chủ “thay ngựa giữa dòng” với việc Tổng thống Joe Biden rút lui và cơ hội chiến thắng của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump ngày càng gia tăng, người chủ trương ủng hộ chấm dứt cuộc xung đột càng sớm, càng tốt. “Chính quyền Kiev đang theo dõi rất chặt chẽ sự thay đổi lãnh đạo ở Mỹ, bởi vì Ukraine hiện nay đang phụ thuộc rất lớn vào Mỹ và quan điểm của giới cầm quyền của nước này trong việc đối phó với Nga trên chiến trường. Khi Quốc hội Mỹ đình chỉ tài trợ, cục diện chiến trường nghiêng hẳn về phía Nga với thế trận tấn công mạnh mẽ”, chuyên gia Alexey Tokarev giải thích.
Theo chuyên gia Alexey Tokarev, rõ ràng “thời gian không đứng về phía Ukraine”, vì cuộc xung đột đang dần mờ nhạt ở cả Mỹ và EU. Hiện nay, ý thức của công chúng không thể chỉ tập trung vào một vấn đề, mà các cuộc khủng hoảng khác cũng đang thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, bao gồm các cuộc giao tranh đang diễn ra ở Dải Gaza, xu hướng cạnh tranh thương mại ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington, đặc biệt là cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang bước vào giai đoạn nước rút. “Về mặt địa lý, Mỹ ở xa cuộc xung đột này hơn nhiều so với châu Âu và ngày càng nhiều người Mỹ tin rằng, Mỹ không nên liên quan đến cuộc xung đột này. Và quan điểm của ông Donald Trump, ở một mức độ nào đó, là sự phản ánh những xu hướng quan tâm này của phần đa người Mỹ”, chuyên gia Alexey Tokarev nhấn mạnh.
Trung Quốc có thể là quốc gia phù hợp để làm trung gian hòa giải
Ông Andrei Kortunov cho rằng, nếu xảy ra, quá trình đàm phán ở giai đoạn đầu giữa Nga-Ukraine có thể được tiến hành theo hình thức tương tự như “thỏa thuận ngũ cốc”, tức là “sẽ có một nhóm hòa giải thực hiện đàm phán song song với Moscow và Kiev, nhằm đưa quan điểm của hai bên lại gần nhau hơn; trong khi đó, một cuộc đối thoại trực tiếp sẽ được tiến hành”. Theo ông, một số quốc gia có thể đóng vai trò là “trung gian” - tức là bên sẽ cung cấp cho Moscow và Kiev những điều kiện thoải mái để đàm phán, tương tự như vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa xuân năm 2022.
Ông Kortunov cũng nhấn mạnh, quá trình hòa đàm đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều bên liên quan, trong đó đòi hỏi vai trò đặc biệt quan trọng của một quốc gia trung gian – quốc gia đến nay có quan điểm, lập trường trung lập, bình đẳng với cả hai bên trong cuộc xung đột này. “Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể trở thành một trung gian hòa giải, vì nước này là thành viên của NATO và bị ràng buộc bởi những quy ước đồng minh của khối, nên ít nhất đối với Moscow, Ankara khó có thể được coi là một trung gian hòa giải khả thi. Thụy Sĩ cũng như vậy. Quan điểm chính thức của Nga là Thụy Sĩ không thể được coi là một quốc gia trung lập, vì nước này đã tham gia các lệnh trừng phạt của EU và do đó tự đưa mình vào danh sách các quốc gia không thân thiện với Nga”, ông Kortunov nhấn mạnh. Theo chuyên gia Nga, vì những lý do đó, các nước phương Tây có vẻ sẽ không được Nga chấp thuận và Trung Quốc đang được xem là quốc gia có thiện cảm nhất định đối với Moscow và thể gánh vác được vai trò “trung gian hoà giải” này. Sau Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil cũng có thể được lựa chọn.
Giới phân tích chính trị cho rằng, khó khăn chính trong việc tổ chức đàm phán không nằm ở việc tìm ra hình thức đàm phán và hòa giải mà ở sự khác biệt cơ bản trong lập trường của các bên. Hiện nay, Kiev vẫn kiên quyết đàm phán trong khuôn khổ “công thức hòa bình” của Tổng thống Zelensky, trong khi Moscow bác bỏ quan điểm trên. Thậm chí phía Nga còn nhiều lần lên tiếng phủ nhận tính chính danh của Tổng thống Zelensky, cho rằng chỉ có Verkhovnaya Rada (Quốc hội) và người đứng đầu là Chủ tịch Ruslan Stefanchuk mới có đủ cơ sở pháp lý và tính chính danh để đàm phán với Nga.
Một thỏa thuận ngừng bắn là điều mà cộng đồng quốc tế kỳ vọng sớm có thể đạt được. Tuy nhiên, cả Moscow và Kiev hiện đều không muốn quay lại thỏa thuận Minsk vì sợ rằng chúng sẽ bị vi phạm hoặc chỉ phục vụ một bên. Giới phân tích chính trị cho rằng, một thỏa thuận ngừng bắn tách biệt với việc giải quyết các vấn đề của cấu trúc an ninh châu Âu sẽ khó đạt được, vì các bên sẽ nghi ngờ đối phương lợi dụng thời gian tạm dừng để tập trung lực lượng và nối lại chiến sự. Do đó, nhiều khả năng Moscow và Kiev sẽ cần thu hút các quan sát viên quốc tế để giám sát việc tuân thủ lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, việc giám sát tình hình chiến sự ở Ukraine là rất khó khăn, chủ yếu do chiều dài của mặt trận (khoảng 1 nghìn km).
Thời gian gần đây, truyền thông đưa tin nhiều về một sự lựa chọn “kết hợp” với sự giám sát của OSCE và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Hoặc cũng có thể triển khai lực lượng dự phòng của từng quốc gia theo mong muốn, yêu cầu của chính các bên xung đột. Nhận định về vấn đề này, ông Kortunov cho rằng, Moscow rất có thể sẽ phản đối việc thu hút đại diện của các nước phương Tây làm quan sát viên, trong khi Kiev và các đồng minh phương Tây sẽ không đồng ý với sự hiện diện của lực lượng dự phòng từ các nước tham gia Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).
Rõ ràng, kịch bản đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine vẫn còn tương đối mờ mịt khi quan điểm, lập trường của các bên là khác nhau. Hơn nữa, ngay cả khi các bên ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp, thì hình thức đàm phán và quốc gia trung gian cũng có rất ít sự lựa chọn. Một thỏa thuận ngừng bắn là điều mà cộng đồng quốc tế kỳ vọng, song việc giám sát thỏa thuận ngừng bắn trong những điều kiện khó khăn như trên là điều không dễ thực hiện.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-12-14 11:11:00
Quốc gia nào sẽ thay thế Iran ở Syria?
-
2024-12-14 10:02:00
Liệu tên lửa “Oreshnik” của Nga có thay đổi quy tắc chiến tranh hạt nhân?
-
2024-07-23 18:52:00
Thủ tướng Israel thăm Mỹ trong bối cảnh nhiều sức ép bủa vây
Ông Biden rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng: “Thay tướng” sẽ đổi vận?
An ninh thế giới 23/7: Quan chức tham ô, trả lương cho người chăm thú cưng 3,5 tỷ/năm
Ứng viên nào sẽ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng sau khi Tổng thống Biden rút lui?
Nga đáp trả động thái hạt nhân của Mỹ ở Đức
Chuyên gia Pháp khẳng định ý nghĩa về quân sự, chính trị của Hiệp định Geneva
Chính trường Pháp vẫn bị bao phủ trong màn sương mù sau bầu cử sớm
Cuộc tập trận tương tác hàng hải Nga-Trung: Tạo đối trọng cạnh tranh với phương Tây ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Nỗi lo toàn cầu từ gánh nặng nợ công và “thâm hụt ngân sách dai dẳng”
Máy bay chiến đấu F-16 sẽ mang lại lợi thế cho quân đội Ukraine trên chiến trường?