(Baothanhhoa.vn) - Với mỗi người dân Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một ngày trọng đại. Đó là ngày Bắc - Nam sum họp một nhà, non sông nối liền một dải. Gần 50 năm đã qua đi, nhưng mỗi độ tháng Tư về, âm vang lịch sử lại gợi lên biết bao cảm xúc trong lòng những người lính từng xung trận nói riêng và người dân cả nước nói chung.

Ngày ấy chúng tôi ra trận

Với mỗi người dân Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một ngày trọng đại. Đó là ngày Bắc - Nam sum họp một nhà, non sông nối liền một dải. Gần 50 năm đã qua đi, nhưng mỗi độ tháng Tư về, âm vang lịch sử lại gợi lên biết bao cảm xúc trong lòng những người lính từng xung trận nói riêng và người dân cả nước nói chung.

Ngày ấy chúng tôi ra trậnNhững kỷ vật gắn liền với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử được cựu chiến binh Nguyễn Văn Tại gìn giữ cẩn thận.

Vinh dự có mặt trong đoàn quân tham gia đánh chiếm các vị trí quan trọng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tại, thôn Bình Tây, xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) vẫn nhớ như in những ngày tháng xông pha. Quay ngược thời gian trở về quá khứ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tại nhớ lại: “Tôi nhập ngũ tháng 6/1974, sau 5 tháng huấn luyện, chúng tôi hành quân vào miền Đông Nam bộ. Là lính đặc công, tôi tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ nhưng nhớ nhất là trận ngày 17/4/1975. Sau khi nhận được lệnh của cấp trên, đơn vị tôi đánh chốt chặn địch ở ấp Tân Châu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Yêu cầu của trận đánh bắt buộc phải phá tan được đồn địch nên cuộc chiến kéo dài từ 5 giờ sáng đến 10 giờ trưa mới kết thúc. Dù lực lượng quân ta mỏng nhưng với bản lĩnh, mưu trí và quyết tâm cao, chúng tôi vẫn làm chủ được chiến sự. Trong trận chiến này, đơn vị tôi có 3 đồng chí hy sinh, trong đó có một người là chú của tôi và một người là anh nhà bác tôi bị thất lạc 3 ngày sau mới tìm được về đơn vị”.

Từ Đại đội 3, Trung đoàn 117, Sư đoàn 2 đặc công miền Đông Nam bộ, sau một thời gian chiến đấu, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tại chuyển sang Đại đội 18, Trung đoàn 117. Ngày 24/4/1975, đơn vị ông tiếp tục nhận nhiệm vụ đánh thẳng vào Trạm ra đa Phú Lâm ở quận 6 Sài Gòn – một mục tiêu lớn của địch. “Từ huyện Bến Lức, chúng tôi vừa xuất quân vừa chiến đấu. Trải qua những trận đánh cam go, trận nào chúng tôi cũng giành thắng lợi. Trưa ngày 30/4, chúng tôi có mặt tại Trạm ra đa Phú Lâm, lúc này quân địch ở đây chống cự yếu ớt, ở nhiều ngả đường chúng đã bỏ chạy. Ngay sau đó, chúng tôi nhận được tin chiến thắng từ chiến trường, cả đơn vị vui mừng khó tả. Anh em chiến sĩ hò reo và ôm nhau khóc trong niềm hạnh phúc vỡ òa”, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tại kể.

Từng xông pha trận mạc, vào sinh ra tử và may mắn khi được chứng kiến thời khắc đất nước thống nhất, những người lính tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử luôn cảm thấy vinh dự và tự hào. Trải qua nhiều năm tháng, câu chuyện của những người lính vẫn luôn xoay quanh chiến công từ khắp các chiến trường. Chia sẻ với chúng tôi, không khí sục sôi của một thời lửa đạn lại được tái hiện qua ký ức của cựu chiến binh Lê Hồng Táo, quê ở thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa). Cựu chiến binh Lê Hồng Táo kể: “Đêm 7, rạng sáng 8/4/1975, đơn vị tôi là Đại đội 1, Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 116, Sư đoàn 27 miền Đông Nam bộ nhận lệnh đánh vào Trường sĩ quan Tăng Thiết Giáp ở căn cứ Nước Trong - một căn cứ tương đối lớn của địch ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Căn cứ này được địch bố trí kiên cố với hệ thống hàng rào dây thép gai cài mìn chằng chịt. Đây là trận đánh rất ác liệt bởi trước giờ quân đội ta chuẩn bị nổ súng tấn công thì bị địch phát hiện, chúng gọi chi viện từ nhiều nơi kéo đến buộc quân ta phải rút ra bên ngoài. Trong trận đánh này, quân ta hy sinh và bị thương nhiều”. Nói đến đây, cựu chiến binh Lê Hồng Táo nghèn nghẹn vì nhiều đồng đội của ông đã phải nằm lại.

Ngày ấy chúng tôi ra trậnCựu chiến binh Lê Hồng Táo, thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) ôn lại kỷ niệm tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Là đơn vị đặc công nhưng ông Táo cùng đồng đội lại đánh tấn công và chốt chặn, không cho quân địch phản kích lại. Ngày 27/4/1975, đơn vị ông nhận lệnh tham gia đánh chiếm các khu vực lân cận Tổng kho Long Bình - kho chứa bom, đạn lớn nhất của quân đội Mỹ. Từ tối 28/4 sang ngày 29/4, đơn vị ông đã hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này. Cựu chiến binh Lê Hồng Táo kể tiếp: “Sau khi đánh chiếm Tổng kho Long Bình, sáng 30/4, Bộ Tư lệnh miền Đông Nam bộ giao nhiệm vụ cử một số đồng chí có thành tích trong chiến đấu phối hợp với bộ đội xe tăng của Quân đoàn 2 tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn. Tôi vinh dự được đơn vị lựa chọn tham gia. Khoảng 11 giờ ngày 30/4, xe tăng của tôi cùng các xe tăng khác của Quân đoàn 2 đồng loạt tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Vì nhiệm vụ cắm cờ đã giao cho đơn vị khác nên dù đến sớm hơn nhưng chúng tôi cũng không được cắm cờ mà quay sang đánh chiếm Bộ Dân vận và chiêu hồi, sau đó tiếp tục quay sang đánh chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn. Nhưng khi đến nơi thì Đài Phát thanh Sài Gòn đã được đơn vị khác chiếm giữ. Đến 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, đánh dấu thời khắc lịch sử kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

21 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Thanh Hóa là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho các chiến trường. Với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, toàn tỉnh đã có 250.000 thanh niên ưu tú và hàng vạn cán bộ, đảng viên tham gia bộ đội và thanh niên xung phong trên các mặt trận, các chiến trường phía Nam.

Đặc biệt, từ giữa năm 1974, tình hình cách mạng miền Nam chuyển biến nhanh chóng, tin chiến thắng liên tiếp vang dội trên chiến trường đã dấy lên phong trào “Tòng quân chi viện” giải phóng miền Nam sôi động khắp các huyện, thị của Thanh Hóa. Ngày tuyển quân trở thành ngày hội của mọi người, mọi nhà, có gia đình động viên đến người con thứ 8 ra mặt trận. Riêng tháng 2/1975, Thanh Hóa giao quân đợt 1 đạt 17.959 tân binh, vượt 20% chỉ tiêu cả năm. Khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để giải phóng miền Nam” được giăng khắp mọi nẻo đường.

Đại thắng mùa xuân năm 1975 không chỉ là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn là một bản anh hùng ca bất hủ của nhân loại. Trong hơn 2 thập kỷ, một dân tộc nhỏ bé đã dũng cảm, kiên cường chống lại kẻ thù xâm lược hùng mạnh, hiếu chiến, giàu tiềm lực quân sự và giành được thắng lợi vẻ vang, mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và CNXH. Đó là điều mà nhân loại những năm tháng ấy không thể hình dung nổi.

Bài và ảnh: Tố Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]